Nhiều năm qua, tên gọi Mai Anh "đồng nát" đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương dành cho chị Nguyễn Thị Mai Anh (ngụ ấp 4, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu). Ai cho đồ đạc gì, chị đều nhận nhưng không để làm lợi cho riêng mình mà giúp đỡ người nghèo, những phận đời kém may mắn trong vùng.
Nhiều năm qua, tên gọi Mai Anh “đồng nát” đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương dành cho chị Nguyễn Thị Mai Anh (ngụ ấp 4, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu). Ai cho đồ đạc gì, chị đều nhận nhưng không để làm lợi cho riêng mình mà giúp đỡ người nghèo, những phận đời kém may mắn trong vùng.
Chị Nguyễn Thị Mai Anh (bên trái) cùng người bạn đến tặng quà cho người già khó khăn trên địa bàn xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) |
Nhờ chị Mai Anh “đồng nát”, nhiều gia đình đã có tôn lợp nhà che mưa, che nắng; nệm, mền ấm êm nằm ngủ; xe đạp cho con đến trường; áo quần lành lặn để mặc… Điều đáng quý nữa, dù hoàn cảnh gia đình không dư giả nhưng chị Mai Anh sẵn sàng bỏ tiền túi, công sức để chăm lo, giúp đỡ những người già neo đơn, không nơi nương tựa. Tấm lòng “sống vì mọi người” của chị được nhiều người dân địa phương quý mến.
Mang niềm vui cho những người già
Đến hẹn lại lên, những ngày đầu tháng 11-2022, chị Mai Anh lại tất bật với việc chuẩn bị quà để mang đi tặng cho người già khó khăn trong vùng. Trị giá mỗi phần quà khoảng 300 ngàn đồng, gồm đầy đủ nhu yếu phẩm: gạo, mì, dầu ăn, nước mắm, nước tương, bột ngọt, đường, sữa, hạt nêm…
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Bình Chánh (xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) Lê Thị Lệ Thu nhận xét: “Điều đáng quý của chị Mai Anh là người có tấm lòng nhân hậu, hay quan tâm chăm lo, giúp đỡ cho những hoàn cảnh bất hạnh, đặc biệt tập trung vào người già neo đơn không nơi nương tựa trong vùng. Một số trường hợp được chị tận tình hỗ trợ hơn 10 năm qua, chăm lo cho các cụ từ những bữa cơm ngon, áo quần lành để mặc lúc còn sống cho đến khi mất. Tấm lòng thiện nguyện của chị Mai Anh đến nay đã nhận được sự ủng hộ của nhiều người”. |
Vài cơn mưa thưa thớt cuối mùa cũng khiến con đường nhỏ dẫn vào các cụm dân cư ở sâu trong rừng trở nên khó đi hơn bởi những vũng nước lầy lội, trơn trượt. Khó khăn này không thể ngăn được chị Mai Anh. Chị giữ chặt tay lái vượt qua các đoạn sình lầy, cố gắng không để người và xe máy té ngã, mang những phần quà nguyên vẹn, ý nghĩa cho bà con.
Chị Mai Anh cho biết, hiện chị hỗ trợ định kỳ hàng tháng cho 5 trường hợp người già neo đơn không nơi nương tựa. Còn những trường hợp người già có con, cháu, họ hàng nhưng cuộc sống quá túng thiếu, không được chăm lo đầy đủ hoặc bị bỏ rơi cũng được chị hỗ trợ nhưng không thường xuyên (vài tháng hỗ trợ một lần). Ngoài ra, khi nguồn hàng của các mạnh thường quân hỗ trợ nhiều, chị còn đi đến tận nhà trao tặng từ 20-30 cụ ở 2 xã Phú Lý và Mã Đà.
Theo chân chị Mai Anh, chúng tôi cảm nhận được những hoàn cảnh mà chị giúp đỡ thực sự rất khó khăn. Như trường hợp ông Trần Quang Sáu (81 tuổi, ngụ ấp 6, xã Mã Đà) không con cháu, người thân và phải ở nhờ trong chòi rẫy tạm bợ của người khác suốt hơn 20 năm qua. Ông Sáu bị khối u ở phổi nhưng vì gia cảnh khó khăn nên đành “chịu trận” nhiều năm nay. Đã vậy, ông còn mắc bệnh Covid-19 khiến sức khỏe giảm sút nhiều, gây khó thở. Hiện ông đang sống nhờ vào nguồn trợ cấp người cao tuổi (300 ngàn đồng/tháng) của Nhà nước, quà từ thiện và sự giúp đỡ của chị Mai Anh.
Còn trường hợp của bà Trịnh Thị Lập (70 tuổi) và Nguyễn Thị Giang (65 tuổi), cùng ngụ ấp 4, xã Phú Lý cũng thật tội nghiệp. Hai người đều có con, cháu nhưng hoàn cảnh nghèo, ai cũng khó khăn nên không thể chăm lo cho mẹ đầy đủ. Hiện bà Lập và bà Giang phải ở một mình và chủ yếu sống nhờ vào tình yêu thương đùm bọc của địa phương, cộng đồng và mạnh thường quân.
“Cô Mai Anh rất tốt bụng, mỗi lần có chương trình tặng quà về địa phương là cô đều gọi đi ký nhận. Vừa rồi, cô còn đến tận nhà cho đệm, gối, chăn, gạo, sữa, nước mắm, nước tương... Tấm lòng của cô Mai Anh đã giúp cho những người già như chúng tôi cảm thấy ấm lòng, đỡ tủi thân phần nào” - bà Lập bộc bạch.
Tấm lòng “vì mọi người”
Tiếp chuyện chúng tôi, chị Mai Anh kể, trước đây, chị từng sống trong một gia đình hạnh phúc, đùng một cái cha mẹ chị chia tay. Năm 1990, chị theo mẹ rời Hà Nội vào miền Nam (chỗ ở hiện tại) sinh sống cho đến nay.
Chị Nguyễn Thị Mai Anh đến tặng quà cho ông Trần Quang Sáu (81 tuổi, ngụ ấp 6, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu), thuộc diện người già neo đơn |
“Việc bố mẹ rất yêu thương nhau nhưng lại không ở chung đã khiến cho mình đau buồn, hụt hẫng… Đó cũng là một trong những lý do mà mình quyết định sống đơn thân sau này…” - chị Mai Anh chia sẻ.
Năm 1993, chị Mai Anh xin vào làm công nhân Lâm trường Vĩnh An để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Tuy nhiên, công việc chịu nhiều áp lực, mức thu nhập thấp (tháng làm nhiều được 150 ngàn đồng, tháng làm ít chỉ 80 ngàn đồng); việc làm không ổn định, mỗi năm phải nghỉ 2 tháng vào mùa mưa. Từ đó, chị đã tranh thủ đi học nghề may quần áo. Những lúc rảnh rỗi chị thường ghé chơi ở nhà người quen, bạn bè. Qua đó, chị Mai Anh đã gặp những người già neo đơn, nghèo khổ, bệnh tật cần sự giúp đỡ. Chị đã dành tình cảm cho các cụ bằng cách đến tận nơi ở để tìm hiểu, trò chuyện, động viên, đồng thời dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo, tắm rửa cho các cụ.
Ngày nhận lương, chị đã dùng tiền vào mua lương thực, thực phẩm rồi đến nhà nấu cơm và ăn cùng các cụ. Mỗi dịp Tết, chị thường dặn mẹ gói thêm nhiều bánh chưng để mang đến cho các cụ.
“Tuy giá trị phần quà không lớn nhưng các cụ quý lắm. Mình cảm nhận được niềm vui của các cụ mỗi khi có khách đến thăm” - chị Mai Anh tâm sự.
Chị NGUYỄN THỊ MAI ANH cho hay, để có kinh phí chăm lo cho người già neo đơn, chị đã phải tự lo bằng cách cố gắng thức khuya, may thật nhiều áo quần nhằm tăng thêm thu nhập. Do chị ngồi quá nhiều dẫn đến bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ và đốt sống lưng hơn 10 năm nay vẫn chưa chữa trị dứt điểm. |
Năm 2005, chị Mai Anh mở tiệm may tại nhà. Chị tranh thủ may áo, quần cho khách vào ban đêm và dành thời gian ban ngày đi giúp đỡ người già.
“Thời gian đầu làm thiện nguyện, tôi gặp nhiều áp lực. Một số người xung quanh thường hay bàn ra tán vào, thậm chí còn nói những câu khó nghe như: tôi không chồng nên rảnh, có lợi tôi mới làm… Điều đó đã khiến mình buồn nhưng rồi nỗi buồn cũng nhanh qua để tập trung vào công việc chăm lo cho các cụ” - chị Mai Anh chia sẻ.
Chị Mai Anh làm thiện nguyện theo cách riêng của mình là tự bỏ công sức và tiền kiếm được để giúp đỡ người nghèo khó, đặc biệt ưu tiên người già neo đơn. Chị không kêu gọi cộng đồng xã hội hỗ trợ kinh phí.
“Mình chủ yếu chia sẻ niềm vui về những gì đã giúp cho bà con, chứ chưa bao giờ đăng lên mạng xã hội để kêu gọi xin tiền” - chị Mai Anh cho hay.
Chính việc làm của chị Mai Anh đã tạo sự tin tưởng cho nhiều người. Từ đó, bạn bè, hàng xóm đã tự nguyện tham gia giúp đỡ, người có điều kiện thì hỗ trợ vật chất, còn người khó khăn thì tham gia đóng góp ngày công. Thậm chí nhiều mạnh thường quân ở xa và chưa từng quen biết cũng chủ động liên lạc với chị Mai Anh để hỗ trợ nguồn lực giúp đỡ cho các cụ. Nhờ đó, chương trình làm thiện nguyện của chị ngày càng lan tỏa đến với nhiều người. Ngoài ra, chị còn phối hợp với mạnh thường quân thành lập “Trại hòm 0 đồng” để giúp đỡ người già neo đơn, nghèo khổ khi qua đời.
Chị Ngọ Thị Sang (người bạn cùng tham gia làm thiện nguyện) chia sẻ, chị Mai Anh có đức tính đáng quý là không ngại khó, ngại khổ khi đi làm thiện nguyện. Một số trường hợp như bà Sáu Trang (người dân tộc Chơro, ấp Lý Lịch 1, xã Phú Lý) bị bệnh tật nằm một chỗ lâu ngày và trở nên dơ bẩn, hôi thối. Trong khi nhiều người không chịu nổi cảnh này thì chị Mai Anh đã đến giúp đỡ cho cụ, từ tắm rửa, giặt giũ đến nấu cơm cho cụ ăn đều được chị chăm lo chu đáo.
“Một đức tính quý nữa là bất kể ngày hay đêm, mưa hay nắng khi có cuộc điện thoại gọi nhờ giúp đỡ là chị gấp rút chạy đến nơi để tìm hiểu và hỗ trợ cho bà con. Tấm lòng thương người và chia sẻ yêu thương của chị đáng để chúng tôi quý trọng, học tập” - chị Sang bộc bạch.
Thành Nhân