Báo Đồng Nai điện tử
En

Kinh tế tuần hoàn là giải pháp thông minh để phát triển nông nghiệp bền vững

08:11, 12/11/2022

Áp dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng chính những phế phẩm, phụ liệu trong nông nghiệp, anh NGUYỄN HỒNG ĐĂNG, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Namix cùng cộng sự nghiên cứu, phối trộn, chế biến ra các sản phẩm đất trồng công nghệ cao phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu và góp phần bảo vệ môi trường.

Là doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp nhưng Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Namix (TP.HCM) đã phần nào tạo được tiếng vang lớn khi xuất khẩu các sản phẩm đất sạch trồng cây sang một số thị trường khó tính. Áp dụng kinh tế tuần hoàn, sử dụng chính những phế phẩm, phụ liệu trong nông nghiệp, anh NGUYỄN HỒNG ĐĂNG, Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Namix cùng cộng sự nghiên cứu, phối trộn, chế biến ra các sản phẩm đất trồng công nghệ cao phục vụ nhu cầu trong nước, xuất khẩu và góp phần bảo vệ môi trường.

Anh Nguyễn Hồng Đăng
Anh Nguyễn Hồng Đăng

Theo anh Đăng, Đồng Nai là vùng sản xuất nông sản lớn của khu vực miền Nam và cả nước, việc ứng dụng kinh tế tuần hoàn cũng chính là giải pháp để nông nghiệp phát triển bền vững.

Từ vùng phế phẩm nông nghiệp của Đồng Nai

* DN của anh sử dụng nguồn nguyên liệu tại Đồng Nai để phục vụ cho việc sản xuất đất dinh dưỡng trồng cây từ thời điểm nào, thưa anh?

“Đồng Nai có thể được coi là một “đĩa rau, đĩa hoa quả hay là nồi cơm” của khu vực với quy mô sản xuất nông nghiệp lớn của mình. Namix sinh ra để góp phần giúp thu gom, xử lý những phế phẩm chưa được xử lý từ sản xuất nông nghiệp của địa phương, biến rác thành tiền, thành nguyên liệu đầu vào cho chu trình sản xuất tiếp theo” - anh HỒNG ĐĂNG nói.

- Đó là câu chuyện cách đây khoảng 7 năm - khi tôi tới Đồng Nai trong chuyến đi tìm nguồn nguyên liệu cho dự án khởi nghiệp của mình. Sau nhiều ngày đi về những vùng nông thôn ở Đồng Nai, tôi đã tìm ra những nguồn nguyên liệu mình có thể sử dụng. Đó là phế phẩm từ quá trình canh tác nông nghiệp như: vỏ trấu, bã mía, vỏ cây từ quá trình làm dăm gỗ, phôi nấm từ các trại nấm và các phế phẩm nông nghiệp sẵn có tại rất nhiều nơi trên địa bàn Đồng Nai. Tùy thuộc mỗi địa phương lại có những loại phế phẩm đặc thù khác nhau.

Tại đây, quá trình sản xuất nông nghiệp ở địa phương sẽ phát thải ra những phế phẩm nông nghiệp... Phần phế phẩm này được chúng tôi chọn lọc, thu gom lại sử dụng để sản xuất ra sản phẩm đất trồng của Namix. Từ đó vòng tuần hoàn lại được tiếp nối khi khách hàng mua đất Namix về trồng cây, phần đất sau khi trồng cây lại được chúng tôi hướng dẫn để khách hàng có thể tái sử dụng chúng; giúp tận dụng các phế phẩm để tạo ra đất trồng và góp phần bảo vệ môi trường.

* Vì sao anh lại lựa chọn đất sạch để phát triển dự án của mình?

- Tôi quê ở H.Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, vùng đất làm nông nghiệp tương tự như Đồng Nai nên nông nghiệp với tôi đã quen thuộc và ngấm từ trong máu và sau này, tôi cũng học cao học ở Trường đại học Nông lâm TP.HCM.

Từ năm 2013, tôi cùng với bạn cộng sự Nguyễn Đức, người từng tu nghiệp nông nghiệp tại Israel, bắt đầu khởi nghiệp bằng việc kinh doanh hạt giống các loài hoa. Lúc đó, chúng tôi nhận thấy khách hàng của mình gặp khó khăn trong việc trồng rau, hoa do đất không thích hợp, nghèo dinh dưỡng, chỉ trồng được một thời gian ngắn là cây chết.

Xuất phát từ nhu cầu trồng rau, trồng hoa của người dân tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, chúng tôi cùng nhau thực hiện ý tưởng phát triển sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao để mang lại giá trị sử dụng cho cộng đồng với sản phẩm là đất sạch thương hiệu Namix.

* Để có được sản phẩm đất sạch, đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây trồng, công ty ứng dụng công nghệ như thế nào?

- Các loại đất trồng của chúng tôi là loại đất được nghiên cứu, sản xuất chuyên dùng cho các nhóm cây riêng biệt trong môi trường chậu và khay, được ứng dụng công nghệ xử lý composting và phối trộn các thành phần đá khoáng, giá thể đã xử lý, mùn dừa, vỏ trấu nguyên cánh, vỏ cây…Sản phẩm phân hữu cơ có nguồn gốc hữu cơ từ các phế phẩm ở các trang trại chăn nuôi… Quy trình xử lý các nguyên liệu kéo dài nhiều tháng, giúp xử lý triệt để các mầm bệnh. Các chỉ tiêu như pH, Ec… được đảm bảo để tạo môi trường thuận lợi cho cây phát triển.

Nguyên liệu được ủ và cung cấp nước để đảm bảo độ ẩm, bổ sung chế phẩm vi sinh. Trong suốt quá trình ủ, đất sạch được theo dõi nhiệt độ thường xuyên. Một trong những khâu quan trọng của quá trình sản xuất là phải đảm bảo cung cấp đầy đủ không khí để lượng sinh vật hiếu khí tăng trưởng nhanh, qua đó giúp giảm mùi hôi…

Sau khi đã sàng lọc tạo ra sản phẩm đúng yêu cầu, sản phẩm được trộn với các giá thể perlite, vermiculite… phân compost để tăng độ xốp và chất dinh dưỡng. Hiện Namix cung cấp các sản phẩm đất trồng và giá thể cho thị trường gồm: đất trồng rau, đất trồng hoa, đất trồng cây đa dụng, giá thể trồng xương rồng sen đá, kiểng lá...

Điều quan trọng là tạo dựng được chuỗi giá trị tuần hoàn cho sản phẩm

* Không chỉ phục vụ trong nước mà sản phẩm của công ty đã có thể xuất khẩu. Xin anh chia sẻ thêm về điều này?

- Chúng tôi đã xuất khẩu được sản phẩm sang Singapore và được khách hàng đánh giá cao. Để xuất khẩu được sản phẩm thì vấn đề chất lượng là tiêu chí hàng đầu.

Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại một sự kiện triển lãm. Ảnh: NVCC
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại một sự kiện triển lãm. Ảnh: NVCC

Từ Singapore, chúng tôi định hướng xuất khẩu sang một số quốc gia khác ở Đông Nam Á, Trung Đông... Chuẩn bị cho việc đưa đất sạch qua các nước Trung Đông, chúng tôi có văn phòng hoạt động tại Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM. Tại đây, công ty tiếp tục nghiên cứu và phát triển thành công giá thể dùng để trồng xương rồng, sen đá, cây kiểng lá ở những vùng có thời tiết khắc nghiệt như: sa mạc, khu vực nắng nóng và ít mưa...

* Theo anh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp của chúng ta hiện nay ở mức độ nào? Để thành công cho các mô hình, cần phải chú ý những vấn đề gì?

- Trên thực tế, kinh tế tuần hoàn, một cách giản đơn đã xuất hiện từ lâu ở nước ta. Trong lĩnh vực thì có thể coi mô hình VAC (vườn - ao - chuồng) là mô hình kinh tế tuần hoàn. Khi ở đâu có bất kỳ hoạt động sử dụng đầu ra của giai đoạn này làm đầu vào cho giai đoạn sau cũng là kinh tế tuần hoàn.

Giản đơn là vậy, tuy nhiên, để phát triển mạnh và ứng dụng công nghệ cao thì chưa nhiều đơn vị thực hiện, nhất là những hoạt động tái chế, tái sử dụng, xử lý chất thải để giúp tuần hoàn trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Kinh nghiệm thực tế tôi rút ra là trước hết phải định hướng được đầu ra, tạo sản phẩm cho dự án. Ngay từ đầu, chúng tôi tìm kiếm các phế phẩm để tái sử dụng, tái chế là đã có mục đích làm đất trồng, phân bón và đã có tính toán cụ thể. Từ đó, chúng tôi tập trung vào khâu quan trọng nhất trong chuỗi giá trị. Luôn có sẵn một chuỗi giá trị trong các hoạt động nông nghiệp đang diễn ra, vì thế cần phân tích và tập trung vào khâu quan trọng có giá trị tạo ra mắt xích giúp tuần hoàn, tái sử dụng.

 Bên cạnh đó là các yếu tố như: giải quyết khâu thu gom nguyên vật liệu đầu vào; hiểu biết và áp dụng các giải pháp công nghệ sinh học môi trường trong giải giải quyết các vấn đề của dự án; đầu tư nghiên cứu và phát triển để tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao...

* Xin cảm ơn anh!

Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Namix hiện có văn phòng nghiên cứu sản phẩm tại Khu công nghệ phần mềm Đại học Quốc gia TP.HCM. Nguồn nguyên liệu chính của Namix được lấy phần lớn từ các trang trại sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi của Đồng Nai. Riêng đối với phế phẩm từ phôi nấm của vùng sản xuất nấm ở Xuân Lộc, công ty thu gom và tái chế được 60% và tạo việc làm cho 50 lao động trong vùng làm công tác thu gom.

Thay vì phế phẩm, phụ liệu trong sản xuất phải đổ bỏ uổng thì người dân khi hợp tác với công ty vừa có thể giải quyết được vấn đề này, vừa có thêm một khoản thu nhập; đồng thời, giúp bảo vệ môi trường và thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững hơn.

Vương Thế (thực hiện)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích