Nổi tiếng là vùng trồng bưởi với diện tích trên 10,3 ngàn ha, mỗi năm, sản lượng bưởi của Đồng Nai đạt khoảng gần 74 ngàn tấn. Khu vực trồng bưởi chủ yếu tập trung một số huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú.
Nổi tiếng là vùng trồng bưởi với diện tích trên 10,3 ngàn ha, mỗi năm, sản lượng bưởi của Đồng Nai đạt khoảng gần 74 ngàn tấn. Khu vực trồng bưởi chủ yếu tập trung một số huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú.
Khách du lịch chụp hình với trái bưởi Tân Triều. Ảnh: N.Liên |
Với đặc thù trái bưởi cho thu hoạch quanh năm, trong đó tập trung nhiều nhất vào thời điểm tháng 8 âm lịch và Tết Nguyên đán nên những năm qua, cây bưởi đã mang lại giá trị kinh tế khá cao cho nông dân. Lợi thế này đã làm cho diện tích trồng bưởi tại Đồng Nai luôn tăng dần đều mỗi năm và trở thành loại cây nằm trong tốp 3 loại cây trồng có diện tích lớn của tỉnh.
Vùng đặc sản và sự phát triển cây trồng thế mạnh
Đến làng bưởi Tân Triều, ngoài tham quan vườn bưởi, nghe mùi hoa bưởi thơm nồng vào dịp nở hoa hay thưởng thức những trái bưởi tươi xanh tại vườn, du khách còn có thể khám phá thêm hàng chục món ăn độc đáo được chế biến từ bưởi như: nem bưởi, gỏi bưởi, gà hấp trong trái bưởi, rượu bưởi, chè bưởi… |
Không chỉ mang lại giá trị kinh tế, khi nói về Đồng Nai, phần lớn người dân khắp nơi còn nhớ ngay đến đặc sản trứ danh bưởi Tân Triều. Được mệnh danh sản vật của địa phương, bưởi đường lá cam được trồng tại cù lao Tân Triều (xã Tân Bình, H.Vĩnh Cửu) và một số xã: Bình Lợi, Bình Hòa, Thạnh Phú có hương vị đặc trưng ngọt thanh, chua nhẹ và mọng nước.
Và đặc biệt, với giống bưởi này, chỉ khi được trồng tại vùng đất Tân Triều, được tưới nước của sông Đồng Nai chảy quanh cù lao Tân Triều, bưởi đường lá cam mới cho ra hương vị đặc biệt như thế. Với nét độc đáo đó, nhiều năm qua, vùng bưởi Tân Triều trở thành điểm du lịch sinh thái vườn hấp dẫn của du khách khắp nơi trong cả nước. Năm 2012, bưởi đường lá cam được xác nhận chỉ dẫn địa lý, một bảo chứng cho thương hiệu nông sản của địa phương.
Những món ngon từ bưởi được chế biến tại làng bưởi Tân Triều |
Là nông dân tiên phong khai thác thế mạnh nông sản địa phương, gần 20 năm nay, ông Huỳnh Đức Huệ (ông Năm Huệ, xã Tân Triều) đã khai thác được giá trị của cây bưởi khi áp dụng mô hình điểm du lịch sinh thái làng bưởi Tân Triều với nhiều món ăn dân dã được chế biến từ bưởi.
Nói về ý tưởng của mình, ông Năm Huệ cho biết, khách đến làng bưởi Tân Triều không chỉ để thưởng thức món ngon từ bưởi mà còn được tham quan tự do vườn bưởi, gian hàng trái bưởi và các sản phẩm chế biến từ bưởi. Không chỉ gia đình ông Năm Huệ, một số nhà vườn tại cù lao Tân Triều cũng khai thác mô hình du lịch sinh thái hoặc mở những quầy hàng bưởi ngay cạnh vườn, bán cho khách du lịch.
Những năm gần đây, ngoài vùng bưởi Tân Triều, các địa phương khác như: Trảng Bom, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú… cũng phát triển diện tích trồng bưởi khá lớn. Để tạo thành chuỗi liên kết sản xuất nhằm bảo đảm tính bền vững cũng như sự thuận lợi trong thực hiện các quy trình sản xuất sạch, đăng ký thương hiệu nông sản… toàn tỉnh hiện có 15 chuỗi sản xuất bưởi hoạt động theo mô hình HTX, tổ hợp tác (THT) như: HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Triều, HTX Sản xuất nông nghiệp thương mại dịch vụ nông nghiệp Bình Minh (HTX Bình Minh, H.Vĩnh Cửu); HTX Dịch vụ nông nghiệp ấp 7 (xã Thanh Sơn, H.Định Quán); HTX Thương mại, dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ)…
Giám đốc HTX Bình Minh Hà Thắng cho biết, HTX Bình Minh hiện có 24 hộ tham gia với gần 30ha diện tích bưởi. Thời gian qua, cây bưởi đã giúp bà con nâng cao giá trị kinh tế nông sản, tạo được vùng trồng bưởi tại xã Phú Lý. Nông dân tại HTX đang sản xuất theo hướng thân thiện môi trường, phát triển bền vững, chất lượng trái bưởi đạt và cho năng suất ổn định.
Sản xuất nông nghiệp thân thiện môi trường
Phát triển nông nghiệp thân thiện môi trường, theo hướng hữu cơ… đang là xu hướng trong sản xuất nông nghiệp được Nhà nước khuyến khích và người dân quan tâm.
Ông Năm Huệ kiểm tra món ăn trước khi đưa lên cho du khách thưởng thức |
Với cây bưởi, nhiều nông dân đã ứng dụng khá thành công những thành quả của công nghệ sinh học, chế biến phân bón, thuốc từ các phụ phẩm nông nghiệp và men vi sinh IMO. Phương thức sản xuất này đang ngày càng được triển khai, nhân rộng hiệu quả trên các loại cây trồng, đặc biệt cây bưởi.
Theo Phòng NN-PTNT H.Định Quán, huyện vừa đăng ký cho 4 HTX và THT trồng bưởi tại xã Thanh Sơn, Túc Trưng và Phú Vinh với tổng diện tích trên 300ha. Đây là những thủ tục để đăng ký danh sách vùng trồng bưởi có nhu cầu cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Để làm được việc này, nông dân đã bỏ nhiều công chăm chút vườn bưởi, bảo đảm được các quy trình sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức thấp nhất, bảo đảm an toàn cho sản phẩm khi bán ra thị trường. Hiện Định Quán là địa phương rất tích cực mời gọi các nhà khoa học, doanh nghiệp về địa phương để tạo sự kết nối với nông dân, hướng dẫn áp dụng khoa học công nghệ, công nghệ sinh học vào sản xuất, nhằm duy trì sự phát triển ổn định, nâng cao giá trị sản phẩm, bảo đảm được cả thị trường trong nước và quốc tế.
Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi (Chi cục, Sở NN-PTNT) Trần Thị Tú Oanh cho biết, để phát triển ngành Nông nghiệp, đặc biệt là ngành cây ăn trái trên địa bàn tỉnh, Chi cục đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, công nghệ cao, thông minh…
Theo đó, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục tập trung xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh, bảo đảm tiêu chuẩn bền vững; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh, thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Tạo môi trường sản xuất nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường để các nhà vườn có thể kết hợp với các ngành dịch vụ, du lịch, tạo ra các sản phẩm mới như: du lịch trải nghiệm, du lịch bảo vệ môi trường… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, nông dân có thêm đầu ra cho nông sản ngay tại địa phương.
Những năm gần đây, nông dân trồng bưởi trên địa bàn tỉnh đã áp dụng khá hiệu quả công nghệ sử dụng men vi sinh IMO kết hợp với các phụ phẩm nông nghiệp từ các loại rau củ, trái cây, cá… để sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sinh học chăm sóc cây bưởi. Nhiều nông dân đã thành công và trở thành điểm đến của nông dân trong và ngoài tỉnh để được chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi cánh làm, áp dụng cho cây trồng tại địa phương mình. Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng phát triển an toàn, bền vững của nhà nông, giúp nông dân giảm chi phí ít nhất từ 20% trở lên, vừa bảo vệ an toàn về sức khỏe cho nông dân khi hạn chế tiếp xúc với các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có chất hóa học độc hại. |
Ngọc Liên