Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giá trị riêng cho trái bưởi Đồng Nai

07:11, 26/11/2022

Từ trái bưởi ổi đến bưởi đường lá cam và sau này là bưởi da xanh ruột hồng trồng trên những vùng đất có thổ nhưỡng đặc biệt (đất bồi phù sa, đất đỏ miền Đông Nam bộ, đất đá ở các vùng có núi lửa hoạt động trước kia…), rất nhiều người kỳ vọng, bưởi Đồng Nai sẽ trở thành đặc sản nổi tiếng và đem lại nhiều giá trị cho người trồng, doanh nghiệp, địa phương.

Từ trái bưởi ổi đến bưởi đường lá cam và sau này là bưởi da xanh ruột hồng trồng trên những vùng đất có thổ nhưỡng đặc biệt (đất bồi phù sa, đất đỏ miền Đông Nam bộ, đất đá ở các vùng có núi lửa hoạt động trước kia…), rất nhiều người kỳ vọng, bưởi Đồng Nai sẽ trở thành đặc sản nổi tiếng và đem lại nhiều giá trị cho người trồng, doanh nghiệp, địa phương.

Tuy nhiên, để có được điều này không phải dễ. Bởi chỉ tính riêng thị trường trong nước, từng vùng, miền đều có những giống bưởi đặc sắc riêng, những “câu chuyện” riêng về đất đai, con người, thổ nhưỡng, mùi vị riêng. Và dĩ nhiên, mang tính cạnh tranh lẫn nhau. Hà Tĩnh có bưởi Phúc Trạch, Phú Thọ có bưởi Đoan Hùng, Hưng Yên có bưởi Khoái Châu, Lào Cai có bưởi Múc, Tuyên Quang có bưởi Soi Hà, các tỉnh miền Tây Nam bộ thì có bưởi Năm Roi, da xanh, Đồng Nai có bưởi Tân Triều… Mỗi một giống bưởi nổi tiếng đều gắn với những đặc trưng độc đáo và rất khó để so sánh hơn thua.

Theo số liệu từ Bộ NN-PTNT, cả nước hiện có khoảng 105,4 ngàn ha trồng bưởi, sản lượng đạt gần 905 ngàn tấn với nhiều giống bưởi khác nhau, trong đó vùng đồng bằng sông Cửu Long có diện tích bưởi lớn nhất với khoảng 32 ngàn ha, sản lượng khoảng 370 ngàn tấn. Trái bưởi Việt Nam đã xuất khẩu sang nhiều thị trường như: Hoa Kỳ, các nước châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản… và hiện vẫn đang tìm cách mở rộng thêm các thị trường mới với tính cạnh tranh ngày một cao hơn.

Vậy nên, tính đường phát triển lâu dài cho trái bưởi Đồng Nai, có lẽ cần suy nghĩ căn cơ hơn là việc chỉ tập trung phát triển diện tích, sản lượng và năng suất. Thậm chí, việc mở rộng diện tích ồ ạt mà không tính toán đến đầu ra có thể còn gây bất lợi nhiều hơn cho phát triển bền vững của trái bưởi Đồng Nai. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là tìm cách chuẩn hóa quy trình sản xuất cho trái bưởi, để đảm bảo tính xuyên suốt từ khâu trồng trọt đến thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến… Các mô hình trồng bưởi sinh học, bưởi hữu cơ, bưởi sạch… cần được nhân rộng và truyền thông hiệu quả đến khách hàng. Thêm vào đó, nghiên cứu để phát triển quy mô lớn các sản phẩm từ bưởi: rượu bưởi, trà vỏ bưởi, nem bưởi, mứt bưởi… để tiếp tục gia tăng giá trị cho trái bưởi. Từng câu chuyện về từng món ăn từ trái bưởi chính là những “đại sứ” tốt nhất để mở đường cho trái bưởi tiêu thụ tốt hơn và có tính cạnh tranh cao hơn cả ở thị trường nội địa lẫn xuất khẩu.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều