Văn học thiếu nhi là một bộ phận quan trọng của nền văn học nước nhà, các nhà văn ngày càng chú trọng về thể loại và bút pháp thể hiện để mang đến những tác phẩm tốt cho các em. Và truyện đồng thoại luôn là một sự ưu tiên của các nhà văn có kinh nghiệm viết cho thiếu nhi. Xin điểm qua một số tác phẩm truyện đồng thoại đã góp phần làm nên những dấu ấn tiêu biểu cho văn học thiếu nhi trong năm 2022.
Văn học thiếu nhi là một bộ phận quan trọng của nền văn học nước nhà, các nhà văn ngày càng chú trọng về thể loại và bút pháp thể hiện để mang đến những tác phẩm tốt cho các em. Và truyện đồng thoại luôn là một sự ưu tiên của các nhà văn có kinh nghiệm viết cho thiếu nhi. Xin điểm qua một số tác phẩm truyện đồng thoại đã góp phần làm nên những dấu ấn tiêu biểu cho văn học thiếu nhi trong năm 2022.
* A lô... Cậu đấy à? - câu chuyện của tình thân
A lô... Cậu đấy à? là truyện dài của nhà văn Trần Đức Tiến, ấn phẩm được họa sĩ Kim Duẩn minh họa, NXB Kim Đồng ấn hành. Tác phẩm viết về những cư dân của xóm Bụi Trúc - một nơi “chưa có tên trên bản đồ”. Nhưng thực ra, đó chính là xóm Bờ Giậu (tên tập sách đã được giải thưởng Sách quốc gia năm 2019 của nhà văn Trần Đức Tiến); vì xóm đã bỏ bờ giậu, xây tường mới, chỉ để lại bụi trúc nên có tên xóm Bụi Trúc. Song xóm Bụi Trúc không đơn thuần là một câu chuyện được viết tiếp, mà đã tạo thành một thiên truyện hấp dẫn và thi vị, có thể mang đến cho bạn đọc nhỏ tuổi những điểm sáng về văn hóa, về thẩm mỹ và tình cảm.
Thế giới loài vật trong xóm Bụi Trúc rất đáng yêu, với những nhân vật như: nhạc sĩ Dế Lửa, thi sĩ Dế Còm, Cóc Tía, Thằn Lằn, Bông Lau, Rắn Nước... Câu chuyện xoay quanh cuộc sống bình thường của xóm, từ những việc đọc sách, viết thư, gọi điện thoại... cho đến chuyến du lịch dài ngày từ thị trấn Cột Điện đến vườn quốc gia. Truyện mở đầu bằng những lá thư của chú sóc nhỏ Bông Lau viết cho bố mình, kết thúc bằng việc Bông Lau nhận được thư của bố - những lá thư được viết bằng “mật ngữ” của loài vật, nhưng mang đầy tình cảm cha con. Xuyên suốt tác phẩm là những câu chuyện tử tế, thân tình của các giống loài trong một quần thể đang diễn ra đô thị hóa và “bê tông” hóa. Nhưng chính loài vật đã nhận ra “thông điệp” của cuộc sống, mà con người trong quá trình tìm kiếm đã nhầm lẫn chăng?
Ngôn ngữ loài vật chính là yếu tố quan trọng mang đến thành công của tập truyện A lô... Cậu đấy à? Cách suy nghĩ và đối đáp giữa các “nhân vật” thật đáng yêu, cho thấy xóm Bụi Trúc là một thế giới trong veo, không bị ảnh hưởng hoặc tác động của ngoại cảnh.
Cách viết của nhà văn Trần Đức Tiến đã mở ra cho bạn đọc thiếu nhi những cảm nhận rất thuần khiết về cuộc sống, về văn chương và cái đẹp, dù chỉ là câu chuyện có thể xảy ra ngay ở bờ rào của mỗi ngôi nhà, mỗi gia đình của chúng ta.
* Ong Béo và ong Gầy - bài học của sự trưởng thành
Ong Béo và ong Gầy (Nhà văn Uông Triều, NXB Kim Đồng) kể về 2 anh em nhà ong bị lạc trong một trận bão lớn và trôi trên sông, suýt nữa làm mồi cho các loài thiên địch. Ong Béo là anh, mập mạp, vô tư, dũng cảm; ong Gầy là em, vừa “mọt sách” vừa khó tính, nhưng rất thông minh. Điều đặc biệt là 2 anh em rất thương nhau, gặp bất cứ điều gì vui buồn cũng đều chia sẻ cùng nhau, hợp sức với nhau tìm đường trở về tổ. Trên đường tìm về nhà, 2 anh em gặp rất nhiều nguy hiểm, cả cám dỗ, thử thách, nhưng họ đều vượt qua bằng tất cả sự cố gắng của những chú ong có bề ngoài bé nhỏ, nhưng rất kiên cường. Cuộc phiêu lưu bất đắc dĩ đã giúp 2 anh em trở nên mạnh mẽ, dễ chấp nhận nghịch cảnh và gắn bó với nhau hơn.
Ong Béo và ong Gầy hài hước, tinh tế, tác giả không cố ý gây cười, nhưng trong cả những tình huống ngàn cân treo sợi tóc, người đọc không thể thót tim và cười ra nước mắt. Đó là những cú chích chí mạng, làm vơi đi túi nọc của các chú ong; là những lần ong Béo loay hoay tìm cái ăn; hay ong Nhỏ dùng mưu trí để giải cứu anh mình và bạn bè. Trong truyện, ong Béo xưng “tôi” và cho biết: chú là người anh thứ 13, còn chú em ong Gầy là em thứ 61. Hành trình tìm về tổ cũng là bài học cho sự trưởng thành nói chung, trong đó tình yêu thương và đoàn kết chính là những điều quan trọng nhất.
Uông Triều là một nhà văn 7X, anh sớm có cái nhìn và cách viết già dặn qua những tiểu thuyết lịch sử. Song với Ong Béo và ong Gầy, Uông Triều đã thoát ra khỏi hình ảnh vốn có, để đến gần với đời thường hơn.
Theo nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam, tác phẩm “chính là hành vi mơ mộng và tưởng nhớ tuổi thơ đã một đi không trở lại”, một sự hồi cố trọn vẹn. Với ý muốn viết cho thiếu nhi cũng là viết cho chính mình, Uông Triều với Ong Béo và ong Gầy được viết ra rất tự nhiên, chân thực, cũng là thể hiện tình yêu thương mà anh dành cho con mình.
* Phù thủy áo vàng, con Mèo Lười và thằng Bí Đỏ - khi nhân vật lên tiếng
Tập truyện dài nêu trên của nhà văn Nguyễn Thái Hải (NXB Tổng hợp TP.HCM) là minh chứng cho truyện đồng thoại, là sự không giới hạn khi viết cho trẻ em. Tác giả mượn bối cảnh một nhà sách những ngày Tết, khi vắng chủ, để cho các nhân vật trong những cuốn sách lên tiếng, tự kể chuyện về mình, thậm chí chơi đùa cùng nhau (có cả cãi cọ, giận hờn, ganh tị...) Qua đó, các nhân vật nói lên tâm tư, suy nghĩ của mình về thế giới loài người, về cuộc sống xung quanh. Mỗi chương sách là một câu chuyện khác nhau, cũng là cách thể hiện thông điệp cuộc sống: Mèo Lười chẳng đi bán diêm đâu!, Bạn vong niên cũng cãi nhau, Gương thần ơi ta có đẹp không? Ai cũng có một chuyến phiêu lưu trong đời...
Chính sự “phá vỡ” về mặt thể tài cũng như cấu trúc và cách kể chuyện, mà Phù thủy áo vàng... mang một màu sắc đồng thoại rất mới lạ. Chỉ diễn ra nơi những kệ sách văn học, trong gian hàng tối om, những nhân vật dẫn dắt bạn đọc qua các xứ sở khác nhau, qua những thiên truyện nổi tiếng, những nền văn hóa lớn trên thế giới và Việt Nam... Điều này đã tác động đến các mối quan hệ của con người; “cảm hóa” được chú Mèo Lười (sau mang tên mới là Mèo Bông), và cả cậu Tuấn, con trai bà chủ tiệm sách trở thành học trò ngoan, chăm đọc sách. Nhà văn Nguyễn Thái Hải chọn viết dung dị, nhẹ nhàng, song những bài học văn chương và cuộc sống thực sự thấm sâu và lan tỏa.
Nhà văn Nguyễn Thái Hải không chỉ kể song hành 2 dòng chuyện: chuyện trong cổ tích và chuyện ngày thường mà còn phát triển, mở rộng, sáng tạo thêm một lần nữa, cho nhân vật một đời sống mới. Đó là cách tạo ra một dòng chảy chung của truyện đồng thoại dành cho thiếu nhi, những bạn đọc ngày càng thông minh và ham mê những điều mới lạ. Phù thủy áo vàng, con Mèo Lười và thằng Bí Đỏ là cuốn sách thiếu nhi thứ 39 của nhà văn Nguyễn Thái Hải - một người dành rất nhiều tâm huyết cho văn học thiếu nhi ở Đồng Nai.
Mai Sơn