Sản xuất, ứng dụng công nghệ cao (CNC) là đích đến của mỗi quốc gia trên con đường phát triển của mình. Trong xu thế phát triển nhanh của khoa học, công nghệ, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay thì cơ hội để phát triển lĩnh vực CNC luôn rộng mở. Vấn đề quan trọng là mỗi quốc gia, địa phương và doanh nghiệp (DN) phải nắm bắt được cơ hội của mình dựa trên những lợi thế, tiềm năng sẵn có.
Sản xuất, ứng dụng công nghệ cao (CNC) là đích đến của mỗi quốc gia trên con đường phát triển của mình. Trong xu thế phát triển nhanh của khoa học, công nghệ, toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0 hiện nay thì cơ hội để phát triển lĩnh vực CNC luôn rộng mở. Vấn đề quan trọng là mỗi quốc gia, địa phương và doanh nghiệp (DN) phải nắm bắt được cơ hội của mình dựa trên những lợi thế, tiềm năng sẵn có.
TS Đào Hà Trung. Ảnh: V.Gia |
Xung quanh câu chuyện phát triển CNC và những vướng mắc trong quá trình này, Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với TS Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP. HCM, Chủ tịch Công ty Te-food International.
* Hướng đi tất yếu
Ông có nhận định gì về phát triển CNC hiện nay, đối với nước ta, việc đi sau thế giới có phải là trở ngại?
- Phát triển CNC không là câu chuyện “muốn hay không muốn” nữa, bởi vì nhìn nhận toàn bộ lịch sử loài người cho đến nay, sự phát triển rõ ràng là từ khoa học công nghệ giúp đỡ chứ không phải là thế lực siêu nhiên nào cả. Đấy là con đường tất yếu mà chúng ta phải đi. Không chỉ Việt Nam mà trên cả thế giới, vấn đề phát triển CNC đang được gấp rút làm, có điều tùy từng quốc gia, trình độ phát triển mà quy mô, mức độ và hiệu quả đưa lại khác nhau.
Đối với Việt Nam, theo tôi, đi trước hay sau chưa chắc đã là vấn đề quan trọng mà quan trọng là mình ứng dụng được gì từ các công nghệ đã xuất hiện trên thế giới. Đi sau hay đi trước là liên quan đến mức độ áp dụng công nghệ tiên tiến vào cuộc sống chứ không phải là việc phát minh ra các công nghệ tiên tiến. Vấn đề ở đây là có chiến lược để phát huy nội lực và tranh thủ ngoại lực
Trên thực tế, nhiều công dân Việt Nam có những đóng góp rất đáng tự hào. Công nghệ không có quốc tịch và đường biên giới, chúng ta cần phải tận dụng.
TS Đào Hà Trung hiện là Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM, Chủ tịch Công ty Te-food International. Te-food International hiện đang cung cấp các giải pháp ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai cũng như cả nước. Cụ thể, dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật của Đồng Nai giai đoạn 2021-2025 hiện sử dụng phần mềm của công ty. Theo đó, phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo sẽ giúp kết nối người bán và người mua, cơ quan quản lý có dữ liệu để công bố các cơ sở kinh doanh tin cậy. Khi con heo được gắn vòng nhận diện, mọi thông tin về nguồn gốc và quá trình chăn nuôi được ghi nhận đầy đủ; khi thịt heo bán ra thị trường, người tiêu dùng dễ dàng nhận biết những chỉ số này qua điện thoại thông minh, giúp người dân yên tâm khi sử dụng. |
* Vậy thì lợi thế của Việt Nam khi phát triển lĩnh vực CNC là gì, thưa ông?
- Chúng ta có lớp trí thức trẻ năng động, say mê học hỏi. Với dân số được xếp vào hàng trẻ của thế giới, Chính phủ, các bộ, ngành và nhiều địa phương cũng đang có nhiều giải pháp để khuyến khích sự phát triển của CNC, từ thu hút đầu tư đến các chương trình, đề án...
So với nhiều nước khác, chúng ta cũng có đội ngũ nhân lực nữ đông đảo, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, đời sống xã hội. Rất nhiều DN lớn, đầu ngành của Việt Nam hiện nay cũng được lãnh đạo bởi phụ nữ và họ rất thành công. Đấy là hai lợi thế lớn của Việt Nam mà nhiều nước không có. Ngay cả với một số nước phát triển, chuyện bình đẳng giới, giải phóng phụ nữ cũng còn là một vấn đề, do vậy, chúng ta cần phải phát huy được những lợi thế này của mình.
* Đối với phát triển CNC, chúng ta cần giải pháp gì cho vấn đề nguồn nhân lực, thưa ông?
- CNC thì chắc chắn đòi hỏi nguồn nhân lực phải có chất lượng, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới. Nhưng như đã nói, thế giới ngày nay là không biên giới, do vậy thu hút nhân lực ở cả trong nước và ngoài nước là điều phải làm. Tất cả câu chuyện quay đi quay lại cũng là nguồn nhân lực và đầu tư cho giáo dục. Việc đầu tư cho giáo dục với những định hướng như thế nào là đúng thì cần phải có vai trò của Chính phủ, ngành Giáo dục. Các DN như chúng tôi, cộng đồng DN nói chung đang rất chịu khó đổi mới, áp dụng CNC vào sản xuất, đó cũng là nhu cầu để cho ngành Giáo dục định hướng phát triển.
* Cần xây dựng không gian cho phát triển công nghệ cao
* Lĩnh vực CNC không phải là một sớm một chiều mà có thể ứng dụng rộng rãi được. Vậy thì trong quá trình phát triển này, liệu rằng chúng ta có gặp vướng mắc khi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện?
- Thực ra tôi không hoàn toàn nghĩ như vậy, vướng mắc thì luôn luôn có, bởi vì chính chúng ta. Trong tương lai, khi được nói chuyện lần nữa, chúng ta lại hỏi nhau câu tương tự. Cách giải quyết vướng mắc và tận dụng cơ hội như thế nào đó mới là vấn đề, tất nhiên sẽ có những khó khăn, phức tạp nhất định, nhưng đôi khi khó khăn ấy cũng có thể lại là lợi thế.
Tôi cho rằng từng quốc gia sẽ sẽ phải hình thành các nền tảng pháp lý để điều hành, giảm thiểu hay khuyến khích sự phát triển công nghệ trong các lĩnh vực. Việc đã có bộ luật nhưng chưa đủ tốt, đủ hiệu quả là chuyện bình thường vì các quan hệ xã hội luôn phát triển và nhận thức của con người luôn hạn chế. Ta phải luôn cập nhật các bộ luật cho phù hợp thực tế. Việt Nam cũng vậy.
Chế biến sản phẩm nông nghiệp là một trong những lĩnh vực mà Đồng Nai có lợi thế để áp dụng công nghệ cao |
* Về phần DN, cần được Nhà nước hỗ trợ vấn đề gì, thưa ông?
- DN có công nghệ sản xuất, CNC cần Nhà nước hỗ trợ về cơ chế để đưa những ứng dụng của mình ra thị trường. Chúng tôi muốn được cống hiến những kết quả nghiên cứu, sản phẩm của mình cho xã hội. Khi hướng tới thị trường quốc tế, DN phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh của mình thay vì trông đợi vào việc hỗ trợ từ Nhà nước.
Hỗ trợ của Nhà nước quan trọng nhưng điều các DN công nghệ cao cần nhất không phải là được hỗ trợ mà họ cần được ứng dụng công nghệ của họ. Bởi vậy, chúng tôi mong muốn có “không gian thử nghiệm” để CNC có thể ứng dụng thử nghiệm các sản phẩm, giải pháp và từ đó điều chỉnh về sản phẩm, quy định, chính sách liên quan. Những không gian thử nghiệm này không nhất thiết phải là không gian địa lý cụ thể mà có thể cơ hội kết nối các DN với những đơn vị sẵn sàng sử dụng các dịch vụ, sản phẩm CNC.
* Ông có thể chia sẻ về định hướng sắp tới của DN mình?
- Chúng tôi không đặt ra tham vọng quá nhiều mà đang tập trung vào những gì mình có, làm những gì mình có thể đáp ứng một cách tốt nhất cho khách hàng. Phương châm đặt ra là đưa tới cho khách hàng, đối tác công nghệ tốt, giá thành tốt và quan tâm tới khách hàng tốt nhất. Các dịch vụ của chúng tôi đều có thể phục vụ 24/7 để phục vụ được ngay bởi khoa học công nghệ tuy phát triển nhưng để ứng dụng được rộng rãi trong người dân thì đòi hỏi thời gian rất dài. Khi cung cấp dịch vụ, cần phải đi kèm sự hỗ trợ để người sử dụng yên tâm và làm tốt.
* Xin cảm ơn ông!
“Tôi đã từng vài lần thất bại, lời khuyên nhủ thì không phải nhưng với start-up trẻ, nhất là lĩnh vực công nghệ tôi cho rằng các bạn hãy nghĩ kỹ trước khi làm, nếu thất bại thì đứng dậy thật nhanh rồi làm tiếp. Mọi lời khuyên đều quý cả, nhưng ít khi chúng ta học được từ lời khuyên mà phần nhiều từ thất bại”. |
Văn Gia (thực hiện)