Vụ việc tối 9-11, rất đông phụ huynh có con học Tiếng Anh ở Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders (địa chỉ số 1, đường N11, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đã bức xúc đến trung tâm đòi lại học phí một lần nữa là lời cảnh báo cho phụ huynh học sinh về hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ.
Vụ việc tối 9-11, rất đông phụ huynh có con học Tiếng Anh ở Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders (địa chỉ số 1, đường N11, P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đã bức xúc đến trung tâm đòi lại học phí một lần nữa là lời cảnh báo cho phụ huynh học sinh về hoạt động của các trung tâm ngoại ngữ.
Trung tâm Anh ngữ Apax Leaders tại địa chỉ chỉ Số 1 đường N11 (P.Thống Nhất). Ảnh: C.Nghĩa |
Có hay không việc chủ trung tâm ngoại ngữ này “ôm tiền” của phụ huynh học sinh vì cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Song về trước mắt, theo phản ảnh của phụ huynh, việc trung tâm không thực hiện đúng cam kết: chất lượng dạy hời hợt, quá nửa khóa học mới phát tài liệu cho học viên…, không có đại diện trung tâm giải quyết bức xúc của phụ huynh; giáo viên, nhân viên bị nợ lương từ 40-200 triệu đồng; nước sinh hoạt, internet cũng bị cắt do chưa thanh toán… đã chứng tỏ trung tâm không hoạt động bình thường.
Cần nhớ, đây không phải lần đầu xảy ra sự việc này. Cách đây mấy năm, một trung tâm Anh ngữ ở Biên Hòa cũng thu phí của phụ huynh học sinh rồi “biến mất”.
Mẫu số chung của các trung tâm này là lập nên những cơ sở hiện đại, khang trang chuẩn “4-5 sao” với đội ngũ giáo vụ nhiệt tình “chăm sóc khách hàng”; thiết kế chương trình học với lộ trình chi tiết từng cấp độ, được cam kết đầu ra theo chuẩn quốc tế; đảm bảo học với giáo viên người nước ngoài… Để dễ “móc hầu bao” của phụ huynh, các trung tâm này rất chú trọng khâu quảng bá với biển hiệu to ngay đường lớn, nhân viên trang bị đồng phục chuyên nghiệp, có trung tâm còn vào ngay trường mầm non, trường tiểu học để quảng cáo.
Học phí mỗi khóa của các trung tâm càng “sang” thì càng cao, dao động từ 3-6 triệu đồng/khóa tùy cấp độ. Tuy nhiên, nếu phụ huynh đóng nhiều khóa, đóng theo năm thì sẽ được hưởng một số ưu đãi như: giảm tiền học, tham gia một số khóa học kỹ năng bổ trợ, nhận quà… Đó chính là lý do khiến nhiều phụ huynh bị mất tiền lên đến hàng chục triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng.
Thực tế, mong muốn và nhu cầu cho con em học thêm ngoại ngữ, bên cạnh chương trình sách giáo khoa trong trường học, của phụ huynh học sinh là rất chính đáng và thiết thực. Nhất là trong bối cảnh nước ta hội nhập sâu rộng với quốc tế, kỹ năng thông thạo ngoại ngữ, được đo cụ thể bằng chuẩn quốc tế, là chìa khóa quan trọng cho hành trang lập thân lập nghiệp của con em trong tương lai. Nên nhiều phụ huynh, dù mức học phí cao và phải cân đối các khoản chi tiêu nhưng vẫn ráng “gồng gánh” cho con được đi học, dù hiệu quả của việc học này đến đâu vẫn cần phải cân nhắc lại. Bởi lẽ, không phải việc học cứ theo công thức: cha mẹ cứ bỏ tiền ra là con sẽ thu về chuẩn đầu ra theo như cam kết quảng cáo.
Để thu về kết quả cao theo chuẩn quốc tế, học sinh bên cạnh kỹ năng nghe - nói - đọc - viết, còn phải có am hiểu nhất định về các lĩnh vực đời sống xã hội để có thể trao đổi, luận bàn bằng ngoại ngữ. Đó là cả một quá trình dài bền bỉ học tập, rèn luyện, trau dồi của học sinh, dưới sự hướng dẫn tích cực của giáo viên. Đặc biệt là vai trò quan tâm, hỗ trợ, đồng hành của cha mẹ trong việc chọn nơi học, xem xét hiệu quả và sự tiến bộ của con… trong suốt quá trình học.
Việc học nói chung và học ngoại ngữ nói riêng không thể ngày một ngày hai mà thành tài như lời quảng cáo.
Mỹ Ngôn