Tuần lễ Văn hóa - du lịch - ẩm thực Đồng Nai đã được tổ chức thành công tại công viên Dương Tử Giang, TP.Biên Hòa, từ ngày 24 đến 27-11-2022. 80 gian hàng trong và ngoài tỉnh tham gia; hàng vạn người đã đến dự. Đây là hoạt động văn hóa nho nhỏ, thường niên ở Đồng Nai, nhưng lần này có ý nghĩa lớn.
Tuần lễ Văn hóa - du lịch - ẩm thực Đồng Nai đã được tổ chức thành công tại công viên Dương Tử Giang, TP.Biên Hòa, từ ngày 24 đến 27-11-2022. 80 gian hàng trong và ngoài tỉnh tham gia; hàng vạn người đã đến dự. Đây là hoạt động văn hóa nho nhỏ, thường niên ở Đồng Nai, nhưng lần này có ý nghĩa lớn.
Hằng năm đến dịp Tết Nguyên đán, TP.Biên Hòa lại tổ chức đường hoa Nguyễn Văn Trị - trước khi có công viên Dương Tử Giang. Ảnh: Huy Anh |
Cho là có ý nghĩa lớn vì hoạt động diễn ra tại công viên văn hóa mang tên Dương Tử Giang, một công viên mới ở TP.Biên Hòa tô đậm ý nghĩa lịch sử văn hóa cách mạng, đáp ứng yêu cầu của dân. Công viên này tạo lập tại khu đất trước đây thuộc Nhà lao Tân Hiệp khét tiếng của nhà cầm quyền Mỹ ngụy; sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam được chính quyền cách mạng tiếp quản, quản lý; một phần hiện trạng được lưu giữ thành Di tích cấp quốc gia với giá trị Cuộc nổi dậy phá khám Tân Hiệp năm 1956; phần đất còn lại, sau nhiều lần thay đổi, chủ thể quản lý thuộc về một ngân hàng theo hình thức giao đất có thu tiền nộp ngân sách.
Về việc quản lý, khai thác sử dụng khu đất này, rất nhiều cuộc họp, nhiều giấy bút truyền thông đã diễn ra. Người dân địa phương nêu nhiều kiến nghị, trong đó kiến nghị khai thác và sử dụng khu đất nhằm phục vụ công ích xã hội được ghi nhận nhiều nhất. Ghi nhận vậy, nhưng xử lý không dễ, vì nhiều quy định về quản lý tài sản công chằng chịt, nhùng nhằng, khó xử.
Cuối cùng thì cũng xử được. Tài sản công được trả về quản lý công. Công viên cây xanh đa năng được hình thành để công chúng hưởng lợi chung. Công viên mang tên liệt sĩ Dương Tử Giang rất thuận lòng dân. Điều quan trọng nhất là, TP.Biên Hòa có thêm một không gian công viên văn hóa mở ra ở hướng Đông Bắc phục vụ công chúng. Việc này có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của TP.Biên Hòa.
Ai cũng biết, TP.Biên Hòa sớm được công nhận là đô thị loại II (từ ngày
10-5-1993), cũng sớm được xếp hạng Đô thị loại I năm 2015 (theo Quyết định số 2488/QĐ-TTg ngày 30-12-2015). So với 22 đô thị loại I trong cả nước, đô thị loại I TP.Biên Hòa thuộc hàng “lão làng hàng tỉnh” ở phương Nam. Bởi vì: Đô thị Biên Hòa được khai sinh sớm, ngay khi thực dân Pháp áp đặt chế độ cai trị ở Nam bộ từ nửa cuối thế kỷ XIX; nơi đây có vị thế của vùng đất “Địa kinh tế - Địa chính trị - Địa văn hóa”; có phố thị - thương cảng Cù lao Phố nổi danh thế kỷ XVII-XVIII; Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý phương Nam chọn đặt tổng hành dinh tại đây; Văn miếu Trấn Biên đánh dấu cột mốc văn hóa thời mở cõi được xây dựng từ năm 1715; các ngôi chùa cổ khai sơn Phật giáo dòng Lâm Tế ở Nam bộ từ đời 33-34 cũng khai sơn tại Biên Hòa; phong trào công nhân công nghiệp thắp lửa cách mạng ở Biên Hòa từ công nhân Nhà máy Gỗ BIF năm 1930; Khu Kỹ nghệ Biên Hòa (xây dựng từ 1961 trên diện tích 376/520ha tại xã Tam Hiệp, xã Long Bình) được xem là khu công nghiệp sớm nhất ở Nam bộ.
Tại thời điểm được công nhận đô thị loại I, Biên Hòa là một thành phố công nghiệp, có diện tích 263,62km2; dân số hơn 1 triệu người, với 29 phường và 1 xã, được quy hoạch xây dựng 6 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp. Với những con số ấy, Biên Hòa là đô thị đáng được xếp tốp đầu trong phát triển.
Nhưng phát triển vậy đã đạt mức độ hài lòng như thế nào trong lòng dân? Có thể nói: Hài lòng nhưng chưa an lòng. Người dân còn mong đợi nhiều hơn thế. Người trong cuộc thường nóng ruột chuyện trong kẹt. Người dân Biên Hòa - Đồng Nai nóng ruột việc cần phải làm đã được xác nhận sau danh hiệu “Đô thị loại I”. Hồ sơ Đô thị loại I được Hội đồng cho điểm 88/100 (cao hơn 2 điểm do Biên Hòa tự đánh giá), vậy là đánh giá cao, đáng mừng. Nhưng phần 12% còn lại là các nội dung khiếm khuyết, chưa đạt, cần chú trọng việc khắc phục, chớ do mừng vui mà bỏ qua. Trong đó, có nội dung được chỉ rõ: Cần phải đầu tư, xây dựng, phát triển cảnh quan, môi trường, công trình công ích phục vụ công chúng. Đó là nói gọn trên giấy. Trong thực tế, phản ảnh, kiến nghị từ nhân dân rất nhiều, rất cụ thể: Biên Hòa chưa đẹp, chưa sạch, thiếu nhiều công trình nghệ thuật, công viên, cây xanh phục vụ công chúng.
Tiếp thu ý kiến của dân, lãnh đạo thành phố các nhiệm kỳ trăn trở, đau đầu lắm. Về nguyên nhân, lý do khách quan được nhắc đến nhiều nhất, ấy là do khai sinh sớm nên “già sớm”, vốn từ đô thị người Pháp quy hoạch phù hợp 2 vạn người, “lão ông Biên Hòa” nay đã hơn trăm tuổi, dân số tăng gấp 55 lần thuở sơ sinh, đất không nở thêm mét nào, không gian đô thị không mở rộng được bao nhiêu.
Trong quy hoạch phát triển, đô thị Biên Hòa bị túm bó tứ phương: Dòng sông Đồng Nai chia Biên Hòa thành hai mảnh, hữu ngạn (phíaTây) đất Biên Hòa mỏng dính, khó phát triển cân đối đôi bờ (có kiến trúc sư bị rầy vì tư duy đầu tư phát triển đôi bờ); phía Tây - Tây Bắc cũng vậy, sân bay chiến lược Biên Hòa và không gian điện cao thế chia cắt trời với đất; Đông và Nam chằng chịt các khu công nghiệp lớn. Chỉ có một mạch máu li ti là vượt Cù lao Phố, vượt khu công nghiệp, nối trung tâm Biên Hòa với quốc lộ 51, hướng ra biển. Hướng phát triển này khả thi, đang cố gắng, nhưng tấc đất tấc vàng đòi hỏi các bài toán tiền nong.
Bởi vậy, việc xây dựng các công trình cảnh quan, không gian văn hóa mở rộng để giảm tải các phường nội ô là việc vô cùng khó. Đó là lý do tại sao từ năm 2015 đến nay (từ thời điểm được xếp hạng đô thị loại I), ở Biên Hòa ít có công trình cảnh quan, văn hóa được xây mới, công bố. Những công viên: Trung tâm văn hóa, bờ sông, Văn miếu Trấn Biên, Biên Hùng, Long Bình… đã quá ít, quá hẹp, quá cũ và quá tải.
Người dân Biên Hòa - Đồng Nai mong lắm. Biên Hòa có 5 ngõ vào, coi như năm cửa ô, mỗi hướng cần có công viên, không gian văn hóa rộng mở để cư dân địa phương hít thở khí trời, thưởng ngoạn du lịch, mỗi khi mở lễ hội có chỗ để hội chợ, triển lãm, bắn pháo hoa; không để tình trạng kéo ùn vào trung tâm gây ách tắc giao thông.
Bởi vậy, khi thấy công viên Dương Tử Giang được mở ra, người Biên Hòa - Đồng Nai ưng cái bụng lắm. Mừng hơn là, khi thấy có dấu hiệu chỉnh trang công viên Biên Hùng, mở bung hàng rào để công chúng vào công viên thuận tiện hơn. Nghe nói, từ Tết Quý Mão đến rằm tháng Giêng sẽ có nhiều hoạt động văn hóa khởi sắc tại đây.
Còn một mong đợi nữa: Hơn 100ha rừng ở hướng Tân Phong (có hồn văn hóa lịch sử) nối với Vĩnh Cửu và Khu Bảo tồn thiên nhiên, từng có dự kiến xây dựng “lâm viên trong lòng thành phố”. Biết bao giờ? Hãy đợi đấy?
Huỳnh Văn Tới