Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế ở Đồng Nai đang gặp khó khăn vì thiếu tiền để trả cho các nhà cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất. Điều này dẫn đến việc có không ít công ty cung ứng thuốc từ chối tiếp tục cung cấp thuốc cho đơn vị hoặc chỉ cấp rất nhỏ giọt.
Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế ở Đồng Nai đang gặp khó khăn vì thiếu tiền để trả cho các nhà cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất. Điều này dẫn đến việc có không ít công ty cung ứng thuốc từ chối tiếp tục cung cấp thuốc cho đơn vị hoặc chỉ cấp rất nhỏ giọt.
Nhân viên Khoa Dược Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh kiểm sắp xếp thuốc để phát cho bệnh nhân. Ảnh: H.Dung |
Bệnh nhân đến khám tại bệnh viện, trung tâm y tế được cấp thuốc ít hơn so với trước thì không hài lòng bởi có nhiều bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh mạn tính, nhà ở xa, việc đi lại rất khó khăn.
* Bác sĩ áy náy
Bà Phạm Thị Chuyên, Trưởng phòng Tài chính kế toán Trung tâm (trung tâm) Y tế H.Trảng Bom cho biết, năm 2018, trung tâm được giao tổng dự toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) là 40,8 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí phát sinh thực tế đã trừ cho các đợt bị xuất toán BHYT là 58,4 tỷ đồng. Nhưng Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam chỉ duyệt số tiền 43 tỷ đồng, dẫn đến trung tâm bị vượt kinh phí 14,6 tỷ đồng. Qua rất nhiều lần giải trình, đến nay BHXH Việt Nam đã thanh toán cho trung tâm 13,4 tỷ đồng, còn 1,2 tỷ đồng chưa được thanh toán.
Thế nhưng, trong số 14,6 tỷ đồng được đề nghị thanh toán, BHXH Việt Nam không tính số tiền 5,6 tỷ đồng vào tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT những năm tiếp theo cho trung tâm, dẫn đến đơn vị bị vượt tổng mức thanh toán từ năm 2019 đến 9 tháng của năm 2022 là 26,3 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Y tế ĐỖ XUÂN TUYÊN vừa ký Quyết định 3155/QĐ-BYT ban hành kế hoạch thanh tra năm 2023. Dự kiến, Bộ sẽ thực hiện 41 cuộc thanh tra, riêng lĩnh vực khám, chữa bệnh BHYT có 6 cuộc, gồm các nội dung: trách nhiệm thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; công tác quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh BHYT; việc chấp hành các quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh đối với những đối tượng bị bắt buộc chữa bệnh; thanh tra toàn diện công tác bệnh viện. |
Do chưa được thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT nên trung tâm đang nợ các công ty cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế số tiền 22,3 tỷ đồng. Vì công nợ quá hạn nên hầu hết các nhà cung cấp đã từ chối cung cấp thuốc, vật tư y tế, hóa chất cho đơn vị. Khoa Dược của trung tâm có làm việc với các nhà cung cấp thì họ chỉ cấp nhỏ giọt một số mặt hàng thiết yếu, không đảm bảo nhu cầu hoạt động của đơn vị.
Từ đầu năm 2022 đến hết tháng 9-2022, tổng phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT tại trung tâm là 34 tỷ đồng nhưng BHXH mới chỉ tạm ứng 22 tỷ đồng. Như vậy, tính đến hết tháng 9-2022, trung tâm đã bỏ ra tổng số tiền 29,5 tỷ đồng để khám, chữa bệnh cho bệnh nhân có thẻ BHYT mà chưa nhận lại được chi phí này nên rất khó khăn cho đơn vị.
“Từ năm 2020, trung tâm không có nguồn để chi lương tăng thêm và thưởng cho cán bộ, nhân viên. Thu nhập giảm là một trong số những nguyên nhân khiến nhiều nhân viên y tế của trung tâm nghỉ việc” - bà Chuyên nói.
BS Nguyễn Đức Phước, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Trảng Bom cho hay, năm 2018, trung tâm thực hiện thêm một số kỹ thuật mới như: chạy thận nhân tạo, mổ nội soi…, tổng kinh phí sử dụng là 58,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, năm sau đó, đơn vị lại được giao tổng dự toán thấp hơn số thực chi của năm 2018 khoảng 5 tỷ đồng. Đến khi thực hiện Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn về Luật BHYT thì năm 2022 chỉ còn khoảng 34 tỷ.
“Sau 5 năm, từ một đơn vị làm nhiều kỹ thuật, bệnh nhân đông, đến nay mức giao dự toán ngày càng giảm thì làm sao đơn vị duy trì hoạt động bình thường được và đảm bảo đời sống cho cán bộ, viên chức? Bác sĩ nào khi ra 1 toa thuốc cũng đau đầu suy nghĩ liệu có bị xuất toán hay không, có bị vượt tổng mức hay không? Nhà nước đang có chủ trương nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống y tế cơ sở nhưng với cách tính của Nghị định 146 như hiện nay thì tổng mức thanh toán của các đơn vị sẽ ngày càng giảm. Như thế thì làm sao mà duy trì, nói gì đến phát triển” - BS Phước đặt câu hỏi.
Một bác sĩ đang làm việc tại Trung tâm Y tế H.Trảng Bom chia sẻ, mỗi ngày đến trung tâm, chị đều phải đấu tranh tư tưởng và không biết khi nào sẽ đến lượt mình nghỉ việc. Trước đây, với mức thu nhập thấp, nữ bác sĩ này đã cố gắng để gắn bó với đơn vị nhưng đến nay, tình trạng thiếu thuốc diễn ran gay trước mắt khiến chị không đành lòng.
Nữ bác sĩ tâm sự, với những bệnh mạn tính như: đái tháo đường, huyết áp, tim mạch, viêm gan B, suy giãn tĩnh mạch, bướu cổ, trước đây bác sĩ sẽ kê ít nhất là 15-28 ngày thuốc. Nhưng đến nay, do thiếu thuốc nên bác sĩ chỉ kê được từ 7-10 ngày, có những loại mà trung tâm không còn, bác sĩ phải kê để bệnh nhân ra ngoài mua.
“Có những bệnh nhân 90 tuổi năn nỉ bác sĩ kê cho 1 tháng thuốc vì cụ đi xe ôm từ nhà đến trung tâm hết 100 ngàn đồng, nếu chỉ lấy được 10 ngày thuốc thì 10 ngày sau cụ lại phải mất thêm 100 ngàn đồng để đi xe ôm đến trung tâm lấy thuốc. Nghe cụ nói mà tôi rớt nước mắt, dù không dư giả nhưng tôi cũng rút 200 ngàn đồng trong túi để đưa cho cụ, nói cụ ra ngoài mua thêm thuốc” - nữ bác sĩ ngậm ngùi.
* Kiến nghị sửa đổi Nghị định 146
BS CKII Lê Phương Trâm, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho rằng, vướng mắc trong vấn đề thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT hiện nay là do cơ chế chứ không phải do BHXH Đồng Nai không thanh toán tiền cho các đơn vị.
Năm 2018, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vượt dự toán 51 tỷ đồng, đã làm giải trình, họp thống nhất với Sở Y tế và BHXH Đồng Nai đề nghị thanh toán một phần cho bệnh viện. BHXH Đồng Nai đã gửi văn bản đề nghị ra BHXH Việt Nam nhưng đến nay vẫn chưa được thanh toán.
Đến năm 2019, 2020, thực hiện theo Nghị định 146, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai bị vượt tổng mức thanh toán 163 tỷ đồng.
Sang năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số vượt tổng mức thanh toán còn kinh khủng hơn dù số lượt bệnh nhân đến khám và điều trị giảm. Nguyên nhân bởi do giãn cách xã hội hoặc lo ngại môi trường bệnh viện, nhiều bệnh nhân không đến bệnh viện khám, điều trị khi mới có dấu hiệu bệnh, đến khi bệnh trở nặng, không thể chịu được nữa, bệnh nhân mới vào viện để điều trị. Lúc này, chi phí điều trị cho mỗi bệnh nhân rất lớn. Bên cạnh đó, mặc dù trên địa bàn tỉnh có nhiều bệnh viện, phòng khám tư nhân nhưng những nơi này hầu hết chỉ khám, điều trị những bệnh nhẹ, nằm viện ít ngày. Những bệnh nặng sẽ được chuyển tuyến qua Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, chi phí điều trị cao vì phải thực hiện nhiều dịch vụ, kỹ thuật cao.
Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) vừa có công văn yêu cầu Sở Y tế các địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai dự trữ thuốc. Sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khan hiếm, thiếu thuốc phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Bảo đảm chất lượng và giá thành hợp lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá thuốc đột biến, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2023 sắp tới. |
Theo BS Trâm, Nghị định 146 quy định, nếu chi phí đề nghị thanh toán lớn hơn tổng mức thanh toán thì cơ sở khám, chữa bệnh vị vượt tổng mức thanh toán, năm sau vượt nhiều hơn năm trước dẫn đến cơ quan BHXH sẽ không đồng ý thanh toán phần chi phí vượt đó.
Theo Điều 23 của Luật BHYT, cơ quan BHXH sẽ tạm ứng 80% chi phí khám, chữa bệnh BHYT theo báo cáo quyết toán quý trước của cơ sở khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, BHXH không tạm ứng đủ 80% chi phí khám chữa bệnh theo báo cáo quyết toán của quý trước do cơ quan BHXH căn cứ vào chi phí vượt dự toán hoặc vượt tổng mức thanh toán của các năm trước, sau đó trừ vào số tiền tạm ứng trong năm tiếp theo. Điều này khiến bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.
“Bệnh viện hiện không có đủ kinh phí để trả cho các nhà cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế. Một số đơn vị đã cắt hàng. Bệnh viện phải đối phó bằng cách khi nào BHXH trả tiền tạm ứng thì sẽ ưu tiên những mặt hàng cấp thiết trước, hoặc những công ty nào cắt hàng thì trả cho họ trước. Hiện tại, bệnh viện nợ các công ty rất nhiều tiền. Chúng tôi kiến nghị sớm sửa đổi Nghị định 146, thay đổi cách tính tổng mức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT để gỡ rối cho bệnh viện” - BS Trâm đề xuất.
Cũng đang “đau đầu” vì vấn đề thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT và thiếu tiền thuốc, vật tư, hóa chất là Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Bà Nguyễn Thị Mai, kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, năm 2017, bệnh viện được quyết toán 337 tỷ đồng chi phí khám, chữa bệnh BHYT. Đến năm 2018, bệnh viện được giao dự toán chỉ 302 tỷ đồng nhưng được thanh toán chỉ 298 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, bệnh viện đã vượt dự toán gần 60 tỷ đồng và chưa được thanh toán dẫn đến nợ tiền các nhà cung cấp. Nếu không khẩn trương sửa đổi Nghị định 146, các bệnh viện công lập sẽ rất mệt mỏi vì vấn đề tài chính.
Bệnh nhân nhận thuốc bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất |
Trước những khó khăn, vướng mắc của các cơ sở y tế trong tỉnh, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh, Đồng Nai không thiếu thuốc, vật tư, hóa chất do đấu thầu, mà thiếu thuốc là do các đơn vị không có tiền để trả cho các nhà cung cấp dẫn đến nhiều nhà cung cấp cắt hàng hoặc cấp nhỏ giọt.
Nguyên nhân dẫn đến việc các đơn vị chưa được thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT và gặp khó khăn trong hoạt động là do cơ chế chính sách. Do đó, đề nghị các đơn vị vượt dự toán rà soát lại một lần nữa để làm giải trình nguyên nhân vượt dự toán, tổng mức thanh toán, kiến nghị BHXH hỗ trợ, giải quyết. Đồng thời, khẩn trương làm báo cáo công tác khám chữa bệnh BHYT theo Nghị quyết 144 để báo cáo với BHXH tỉnh giải quyết chi phí năm 2021 trước. Sở Y tế sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục kiến nghị sửa đổi chính sách, nghị quyết liên quan đến khám, chữa bệnh BHYT để tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị.
BS NGUYỄN VĂN BÌNH, Phó giám đốc Sở Y tế: Không thể đóng cửa cơ sở khám, chữa bệnh
Lãnh đạo các đơn vị đang nợ tiền các công ty cung ứng thuốc cần linh động để giải quyết. Những công ty nào cung ứng những mặt hàng thiết yếu nếu không thể nợ lâu hơn nữa thì lãnh đạo bệnh viện cần linh hoạt, trao đổi trực tiếp với giám đốc nhà thầu để được chia sẻ. Tháng 12-2022 sẽ có kết quả đấu thầu thuốc giai đoạn 2022-2024, có hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến hết năm 2024. Khi ký hợp đồng, các đơn vị cần rà soát lại nội dung hợp đồng cho kỹ, trao đổi thẳng thắn với công ty cung ứng về những khó khăn của đơn vị để nhận được sự hỗ trợ, cảm thông. Không thể đóng cửa đơn vị nào vì thiếu tiền mua thuốc. Nếu Trung tâm Y tế H.Trảng Bom quá khó khăn có thể đề nghị Sở Y tế để đề nghị UBND tỉnh cho tạm ứng ngân sách để hoạt động.
Phó giám đốc BHXH tỉnh NGUYỄN THỊ QUY: Chia sẻ khó khăn với ngành Y tế
Với số tiền các đơn vị vượt dự toán năm 2018, BHXH tỉnh đã nỗ lực phối hợp, hướng dẫn các đơn vị thuyết minh lý do vượt dự toán. Kết quả, BHXH Việt Nam đã đồng ý thanh toán cho các đơn vị hơn 200 tỷ đồng, còn 65,6 tỷ đồng chưa được thanh toán là do các đơn vị không thuyết minh được lý do vượt dự toán phù hợp.
Ngành BHXH rất chia sẻ với những khó khăn hiện nay của ngành Y tế và đang tiếp tục phối hợp, kiến nghị BHXH Việt Nam và các cấp có thẩm quyền sửa đổi một số quy định liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị. Bên cạnh đó, đề nghị các đơn vị sử dụng quỹ BHYT hợp lý, tránh tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
TS-BS PHẠM VĂN DŨNG, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất: Đề nghị xem xét lại việc giao thẻ BHYT
Là một trong 2 bệnh viện hạng 1 tuyến tỉnh, trước đây chúng tôi được giao 120 ngàn thẻ BHYT nhưng đến năm 2022 chỉ còn hơn 38 ngàn thẻ BHYT. Số thẻ BHYT được giao ít dẫn đến bệnh nhân đến khám ít, nguồn thu của bệnh viện sụt giảm. Chúng tôi kiến nghị Sở Y tế và BHXH tỉnh xem xét lại việc giao thẻ BHYT cho bệnh viện.
Bên cạnh đó, kiến nghị điều chỉnh lại việc giao dự toán và thanh quyết toán chi phí khám chữa bệnh BHYT cho các bệnh viện, cần phải thực thanh, thực chi vì bệnh viện ngày càng phát triển, thực hiện ngày càng nhiều kỹ thuật cao, chi phí nhiều, không thể dậm chân hoạt động như những năm trước đó.
An Yên (ghi)
Hạnh Dung