Nhân dịp kỷ niệm 50 chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" (12-1972 - 12-2022), tác phẩm "Điện Biên Phủ trên không": Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam của tác giả Lưu Trọng Lân viết về Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972 tại thủ đô Hà Nội được tái ấn hành.
Nhân dịp kỷ niệm 50 chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” (12-1972 - 12-2022), tác phẩm “Điện Biên Phủ trên không”: Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam của tác giả Lưu Trọng Lân viết về Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm lịch sử cuối năm 1972 tại thủ đô Hà Nội được tái ấn hành.
“Giống như một chiếc bẫy đã gài, một dây cung đang chờ bật, quân dân toàn miền Bắc đã sẵn sàng! Cán bộ, chiến sĩ toàn Quân chủng Phòng không - không quân đã sẵn sàng” - tác giả Lưu Trọng Lân, nguyên Phó phòng Tác huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - không quân viết tác phẩm bằng một ý thức trách nhiệm rất cao trước lịch sử sau khi ông đã dày công nghiên cứu, phân tích công phu, tổng hợp nhiều dữ liệu lớn và phức tạp trên cơ sở khoa học.
* Vì sao có “Điện Biên Phủ trên không”?
Ấn bản “Điện Biên Phủ trên không”: Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam do NXB Trẻ ấn hành lại tháng 12-2022, trưng ra những tư liệu phong phú, xác thực “người thật, việc thật” nhằm góp phần giải đáp được lý do quân dân ta đã chiến thắng trong cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 của Mỹ vào tháng 12-1972, làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” vẻ vang sử sách. Tác giả là người trực tiếp tham gia vào nhiều chiến dịch lớn, trong đó có chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” nửa thế kỷ trước, cung cấp được một khối lượng tư liệu thực tế lớn đáp ứng nhu cầu độc giả quan tâm.
|
Thượng tướng Phùng Thế Tài, nguyên Tư lệnh đầu tiên của Quân chủng Phòng không - không quân, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá: “Tác giả đã chịu khó nghiên cứu, sưu tầm, cố gắng đào sâu suy nghĩ, từ đó viết nên được một cuốn sách có giá trị, mang tính lịch sử”.
Còn Trung tướng Lê Văn Tri, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - không quân trong Chiến dịch 12 ngày đêm, nhận xét cuốn sách quý và có giá trị lịch sử của tác giả Lưu Trọng Lân đã giải đáp được 2 vấn đề lớn, đó là: “nguyên nhân vì sao ta thắng được không quân chiến lược B-52 của đế quốc Mỹ” và “giá trị đích thực của trận thắng trên bầu trời Hà Nội” là gì.
Trung tướng Lê Văn Tri khen ngợi ở vấn đề thứ nhất, tác giả có “những lời lý giải khá sâu sắc”. Ở vấn đề thứ hai, cuốn sách nêu rõ giá trị từ chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chính là “buộc Mỹ phải chấp nhận một sự nhân nhượng ngoài ý muốn của chúng là: quân Mỹ phải rút hết trong khi “quân đội Bắc Việt” vẫn đứng chân ở lại miền Nam, tạo điều kiện vô cùng thuận lợi để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975”.
* Phong phú, dễ đọc
Với 288 trang sách, “Điện Biên Phủ trên không”: Chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam là một cuốn sách lịch sử dễ tiếp nhận bởi tác giả thể hiện bằng lối vấn đáp (nêu những câu hỏi và trả lời bằng nhiều dữ liệu thuyết phục về lịch sử và khoa học quân sự). Đặc biệt dù sự kiện đã trôi qua 50 năm song nhờ cách tiếp cận hiện đại, mới mẻ sáng tạo cùng nhiều hình ảnh minh họa nên đây là cuốn sách mà các sinh viên, học sinh, các bạn trẻ say mê nghiên cứu lịch sử nước nhà có thể dễ dàng đọc tham khảo và hình dung.
Cố tác giả LƯU TRỌNG LÂN sinh năm 1930, quê Bố Trạch, Quảng Bình. Cha ông là nhà thơ Lưu Trọng Lai (bút danh Lưu Kỳ Linh), anh ruột của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Đi bộ đội tuổi đôi mươi, ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch lớn như Điện Biên Phủ, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị, “Điện Biên Phủ trên không”, Chiến dịch Hồ Chí Minh… Từng giữ chức Phó phòng Tác huấn, Bộ Tham mưu Quân chủng Phòng không - không quân, sau khi về hưu, ông dành thời gian cho việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, viết một số tác phẩm lịch sử có giá trị (như Ký ức đường Trường Sơn). Ông qua đời tháng 8-2022. |
Có 2 nhân vật trong sách được tác giả Lưu Trọng Lân viết tràn đầy tình cảm và sâu sắc chính là Bác Hồ và “anh Văn” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp), cho độc giả “thấy được tầm nhìn xa trông rộng của Bác và Bộ Chính trị lúc bấy giờ, sự chỉ đạo tài giỏi của anh Văn và Quân ủy Trung ương, cùng với sự chỉ đạo chặt chẽ, cụ thể của anh Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu trưởng”.
Thú vị hơn, tác giả Lưu Trọng Lân đã dũng cảm, công tâm với những lời khen ngợi và cả những phê bình mặt hạn chế. Ví dụ, “Nhớ lại trưa ngày 16-4-1972, radar ta hoang báo: “B-52 bay vào Hà Nội”, một sai lầm tai hại khiến bộ đội radar từ đó hết sức lo lắng, đắn đo mỗi lần thông báo về B-52”. Ông không khuôn sáo hay quá tô hồng, cường điệu thắng lợi của trí tuệ, sức mạnh Việt Nam và lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân Việt Nam. Ông tập trung nỗ lực viết về chiến thắng oanh liệt “Điện Biên Phủ trên không” tương đối đầy đủ, chặt chẽ, súc tích. Sức thuyết phục và truyền cảm lớn từ lời văn tác giả là một điểm sáng bên cạnh sự toàn diện trung thực và khách quan.
Nhiều tác phẩm có liên quan về chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” đã xuất bản hoặc tái bản những năm gần đây chứa đầy ắp thông tin, dữ liệu, thậm chí những chi tiết chưa từng được tiết lộ hoặc biết đến, đặc biệt là những câu chuyện cảm động về tình đồng đội, sự hoài mong từ gia đình hậu phương hun đúc tinh thần cho chiến sĩ nơi tiền tuyến. Các tác phẩm Cuộc đối đầu không cân sức ; Tại sao Việt Nam đánh thắng B-52: những chuyện bây giờ mới kể (trung tướng Phan Thu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng); Nhật ký phi công tiêm kích (trung tướng Nguyễn Đức Soát, nguyên Tư lệnh Quân chủng Không quân, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam)… không chỉ đào sâu, phân tích, lý giải vì sao trên thế giới cho đến nay, ngoài Việt Nam chưa có nước nào hạ được B-52 của Mỹ mà còn phản ánh sức mạnh quân và dân Việt Nam, góp phần giáo dục truyền thống và có sức hút với bạn đọc nhiều thế hệ. |
Cẩm Điệp