Báo Đồng Nai điện tử
En

Đường Lâm - cổ trấn thanh bình

07:12, 02/12/2022

Nhắc đến xứ Đoài (trấn Đài, tên gọi cổ chỉ vùng đất phía Tây kinh đô phía Bắc xưa), người ta không thể không nói đến Đường Lâm - vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng với bề dày truyền thống cùng rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng.

Nhắc đến xứ Đoài (trấn Đài, tên gọi cổ chỉ vùng đất phía Tây kinh đô phía Bắc xưa), người ta không thể không nói đến Đường Lâm - vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng với bề dày truyền thống cùng rất nhiều di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng.

Du khách tham quan khu vực đình làng Mông Phụ
Du khách tham quan khu vực đình làng Mông Phụ

Làng cổ Đường Lâm, nay thuộc địa phận TX.Sơn Tây (TP.Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 44km), vẫn lưu giữ và bảo tồn được một không gian văn hóa vật thể lẫn phi vật thể hết sức đa dạng, độc đáo, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

* Chứa đựng nhiều giá trị văn hóa đặc sắc

Theo bản đồ địa chính, Đường Lâm có 9 làng: Mông Phụ, Đông Sàng, Cam Thịnh, Cam Lâm, Đoài Giáp, Phụng Khang, Hà Tân, Hưng Thịnh và Văn Miếu. Các làng này gắn kết với nhau thành một thể thống nhất, gọi là làng cổ Đường Lâm - ngôi làng duy nhất còn lưu giữ nguyên vẹn cấu trúc, nếp sinh hoạt, phong tục tập quán và tín ngưỡng của một làng Việt cổ thuộc vùng trung du Bắc Bộ.

Ngoài ra, nơi đây vừa là minh chứng, vừa là “viện bảo tàng” sống động với những di tích lịch sử văn hóa có giá trị trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta: từ đình Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, chùa Mía, đền Phủ, đình Mông Phụ, nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh cho đến hơn 900 ngôi nhà cổ truyền thống, cây đa, bến nước, sân đình… Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Giữa cuộc sống hối hả, làng cổ Đường Lâm vẫn giữ được nhịp sống chậm rãi nhờ những vẻ đẹp bình dị, mộc mạc vốn có của một cổ trấn. Tất cả hòa quyện nhịp nhàng, tạo nên bản sắc mà du khách không thể tìm thấy ở nơi nào khác.

Trước khi bước vào quần thể di tích làng cổ, chắc hẳn ai cũng phải trầm trồ bởi cổng làng Mông Phụ uy nghiêm như một cánh cửa thần kỳ, vẫy mời du khách “xuyên không” khám phá cổ trấn mộc mạc, chứa đứng nhiều câu chuyện lịch sử thú vị. Đây là cổng làng duy nhất còn sót lại tại làng cổ Đường Lâm, được xây dựng vào năm 1533 với kiến trúc vòm và lớp đá ong bên cạnh cây đa hơn 300 năm tuổi, tạo nên một cảnh quan thực sự thanh bình và cổ kính. Tuy đã trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng cổng làng vẫn còn rất nguyên vẹn, thấm đậm hồn làng Việt cổ xưa, là nơi phân cách cánh đồng làng với khu vực người dân sinh sống.

Bước qua cổng làng là một không gian làng quê đậm chất dân dã, dung dị. Hầu hết các di tích, ngôi nhà đều được các bậc tiền nhân dày công sáng tạo, xây dựng bằng loại vật liệu truyền thống của vùng, đó là đá ong xứ Đoài và gạch mộc, vừa đảm bảo cho công trình vững chãi theo thời gian, vừa mang vẻ đẹp cổ kính, ấm cúng đặc trưng. Tất cả trục đường bao quanh làng cổ đều được lát gạch sạch sẽ, hai bên là những bức tường đá ong màu vàng sậm, tô vẽ thành một bức tranh đồng quê nông thôn đẹp và mộc mạc đến lạ thường. Du khách đến đây đều không thể rời mắt quan sát, cảm thán sự sáng tạo, tỉ mỉ qua từng chi tiết, công trình, thành quả họ dày công xây dựng và gìn giữ. Qua đó, tôn vinh những giá trị lịch sử, phát huy hồn cốt, văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.

Ông Hà Hữu Thể, chủ nhân hiện tại của Nhà cổ ông Thể (thôn Mông Phụ) cho biết, ngôi nhà này có niên đại gần 400 năm và mang nét đặc trưng của vùng nông thôn Bắc bộ. Nhà được gắn kết theo lối cổ truyền với 7 gian 2 dĩ, xây dựng hoàn toàn bằng mộng và không sử dụng đinh sắt. Hầu hết chi tiết, vật liệu đều được giữ nguyên bản từ gian chính, gian phụ, mái nhà lợp ngói ri, nền lát gạch nung, tường đá ong, còn rui và mè làm từ gỗ… “Đã có 13 thế hệ của gia đình tôi sinh ra, lớn lên và cùng nhau sinh hoạt tại ngôi nhà này. Mặc dù cuộc sống ngày càng phát triển, hiện đại nhưng tôi cũng như nhiều gia đình khác tại Đường Lâm đều sẽ gắn bó, thờ cúng và gìn giữ những giá trị, ý nghĩa văn hóa gia phong lâu đời mà tổ tiên để lại” - ông Thể chia sẻ.

* Vẻ đẹp mộc mạc, thanh bình giữa cuộc sống hiện đại

Dạo quanh làng cổ, du khách còn nhìn thấy những quán nước, đặc sản, quà lưu niệm bên những sạp gỗ nhỏ, trông rất yên bình. Bà Nguyễn Thị Tuyết, chủ một sạp hàng nước ở đình Mông Phụ (thôn Mông Phụ) đang nhiệt tình chào mời du khách ghé lại sạp dùng chè lam và nước vối.

Cổng làng Mông Phụ -  cổng làng duy nhất còn sót lại tại làng cổ Đường Lâm, thấm đậm hồn làng Việt cổ xưa. Ảnh: H.Lê
Cổng làng Mông Phụ - cổng làng duy nhất còn sót lại tại làng cổ Đường Lâm, thấm đậm hồn làng Việt cổ xưa. Ảnh: H.Lê

Bà Tuyết cho biết, chè lam và nước vối là hai món không thể thiếu khi mời du khách ghé thăm làng. Đặc biệt, chè lam tại Đường Lâm là đặc sản có vị đặc trưng, ai đến đây cũng phải mang một ít hương vị độc đáo này về làm quà. Ngoài ra, những loại kẹo truyền thống như kẹo lạc, kẹo vừng được làm bằng các nguyên liệu hết sức dân dã như lạc, đường, mạch nha, vừng, bột gạo. Khi ăn kẹo dậy mùi thơm ngọt và vị bùi của vừng và lạc cũng vô cùng hấp dẫn du khách.

Chị Hoàng Thu Ngân (Q.Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội) cho biết, mặc dù nghe danh đã lâu nhưng đây mới là dịp cuối tuần đầu tiên chị cùng các bạn chạy xe máy đến tham quan, trải nghiệm tại làng cổ Đường Lâm. Chị thật sự ấn tượng với vẻ đẹp truyền thống trầm mặc, yên bình của từng không gian, con đường nơi đây.

“Đường Lâm là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai đang tìm kiếm một vùng quê thanh tịnh để trải nghiệm nhịp sống chậm lại sau những bộn bề của cuộc sống. Đến đây, du khách sẽ cảm nhận được bầu không khí trong lành khác hẳn với sự ngột ngạt, khói bụi trong thành phố. Ngoài ra, Đường Lâm còn là địa điểm lý tưởng để các bạn trẻ như chúng tôi đến tham quan, chụp ảnh check-in với phong cách hoài cổ độc đáo không nơi đâu có được” - chị Ngân chia sẻ.

Từ khi được công nhận là làng cổ, nhiều ngôi nhà truyền thống trong làng trở thành địa điểm tham quan, tiếp đón nhiều du khách trong và ngoài nước. Chính vì thế, ngoài ý thức bảo tồn “báu vật” di sản để giúp du khách có thể “chạm” vào quá khứ, người dân Đường Lâm còn biết kết hợp gìn giữ và phát huy nghề truyền thống của gia đình để mang lại hiệu quả kinh tế như: làm tương, đậu, chè lam, bánh tẻ…

Đường Lâm giữ nguyên nét bình dị, mộc mạc với những bức tường đá, cây xanh mát đặc trưng
Đường Lâm giữ nguyên nét bình dị, mộc mạc với những bức tường đá, cây xanh mát đặc trưng

Bà Phan Thị Tiến, vợ ông Hà Hữu Thể cho biết, kể từ sau dịch, lượng du khách đến nhà cổ tham quan đã phục hồi nhiều nên bà rất phấn khởi. Bởi làm tương không chỉ phục vụ kinh tế mà còn là đặc sản góp phần quảng bá du lịch tại làng. “Nghề làm tương nếp của nhà tôi vẫn giữ cách làm thủ công truyền thống để tạo nên vị thơm, ngon, bùi cho tương. Trước sân nhà liên tục ủ đầy các mẻ tương vàng óng đặc biệt ra Bắc vào Nam cùng đại lý và du khách bốn phương” - bà Tiến chia sẻ.

Anh Nguyễn Thông, giáo viên môn Mỹ thuật Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) cho biết, từ miền Nam, anh đã hai lần ghé tham quan các di tích, nhà truyền thống tại làng cổ Đường Lâm. Đến đây, anh được trải nghiệm, lắng đọng tâm hồn trong thấp thoáng những mái ngói, cổng làng, cây đa, giếng nước xưa… “Những hình ảnh và miền ký ức ấy không dễ tìm thấy trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Tôi thường giới thiệu cho học trò của mình về làng cổ Đường Lâm, gợi mở cho các em vẽ những chủ đề truyền thống, góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, cũng như bảo tồn và phát huy văn hóa, niềm tự hào của Việt Nam” - anh Thông bộc bạch.

Hà Lê

Tin xem nhiều