Trao đổi về vấn đề bình đẳng giới (BĐG), Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho rằng, đây là vấn đề cấp thiết, quan trọng để hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng; đồng thời cũng là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng để đảm bảo quyền lợi cơ bản của con người.
Trao đổi về vấn đề bình đẳng giới (BĐG), Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Kiều Oanh cho rằng, đây là vấn đề cấp thiết, quan trọng để hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng; đồng thời cũng là một trong những mục tiêu phát triển quan trọng để đảm bảo quyền lợi cơ bản của con người.
Điều 5, Luật BĐG năm 2006 quy định, BĐG chính là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Do đó, có hiểu đúng về BĐG thì thực hiện BĐG mới đem lại kết quả.
Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, hiểu đúng về BĐG sẽ giúp gia tăng quyền lợi và địa vị cho phụ nữ trong gia đình và xã hội. Trước đây, phụ nữ vốn bị xem là người chân yếu tay mềm, chỉ cần lo vun vén cho gia đình là đủ, vì vậy phụ nữ vô tình bị tước đi quyền lợi được học tập và phát triển như nam giới. Hiện nay, Luật BĐG năm 2006 đã giúp nữ giới được lên tiếng, được học tập, phát triển, được thể hiện tiềm năng và nhận được sự tôn trọng từ xã hội.
Hiểu đúng về BĐG còn giúp giảm áp lực cho nam giới. Bởi lâu nay, nam giới thường bị gắn với trách nhiệm cao cả, với những nhiệm vụ quan trọng, nặng nề, được coi là người luôn luôn mạnh mẽ, cứng rắn. Tuy nhiên, phụ nữ hoàn toàn có thể san sẻ và cùng gánh vác trách nhiệm với người đàn ông trong gia đình. Bởi BĐG là giúp giải phóng tất cả các giới, chứ không chỉ riêng phụ nữ.
Theo bà Oanh, thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện BĐG trong các lĩnh vực. Tuy nhiên, quá trình thực hiện BĐG vẫn còn tồn tại mang tính định kiến giới, đây là rào cản lớn cho việc thực hiện BĐG.
Đồng Nai đã và đang xây dựng một số giải pháp cơ bản nhằm thúc đẩy BĐG trên địa bàn. Trong đó, tập trung một số công tác sau: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách pháp luật về BĐG nhằm nâng cao nhận thức của người dân về BĐG; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ, quản lý, lãnh đạo các cấp, cán bộ làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ phụ nữ; tiếp tục đề xuất hoàn thiện và củng cố hệ thống quy định, pháp lý, thực hiện các chính sách, chủ trương nhằm thúc đẩy BĐG; thu hẹp khoảng cách về giới trong mọi khía cạnh của đời sống như trong gia đình, trong công việc, trong lĩnh vực chính trị - xã hội; tổ chức tuyên dương, khen thưởng và nhân rộng các mô hình BĐG tiêu biểu.
An Nhiên