Tháng 12 đánh dấu 43 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai, cây bút lão thành Hoàng Đình Nguyễn cũng góp mặt trong làng văn Đồng Nai hơn 4 thập niên qua. Ông như một khối rubik đa chiều mang đến nhiều điều thú vị dành cho bạn văn và nghề viết.
Tháng 12 đánh dấu 43 năm thành lập Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai, cây bút lão thành Hoàng Đình Nguyễn cũng góp mặt trong làng văn Đồng Nai hơn 4 thập niên qua. Ông như một khối rubik đa chiều mang đến nhiều điều thú vị dành cho bạn văn và nghề viết.
* Một người kỹ sư năng động
Sinh năm 1947, Hoàng Đình Nguyễn là một trong số những kỹ sư được đào tạo bài bản tại Trường đại học Bách khoa Hà Nội, hiện sống ở Đồng Nai. Xuất thân từ học sinh miền Nam, lại là một người con xứ Quảng, ông luôn chăm chỉ, cần mẫn, tìm cách tiếp cận cái hay, cái đẹp và những điều mới mẻ trong cuộc sống.
Sau năm 1975, vợ chồng ông vào Đồng Nai sinh sống và làm việc theo biên chế của Sở Công thương, nhưng theo những biến chuyển của đời sống, Hoàng Đình Nguyễn quyết định đi “làm thuê” cho các doanh nghiệp nước ngoài. Cho dù thay đổi về công việc, hoàn cảnh sống, ông và gia đình vẫn giữ được cốt cách của người trí thức Việt, không bao giờ ngại khó, ngại khổ. Ông cũng không bao giờ từ bỏ niềm đam mê với VHNT.
* Sống, trải nghiệm để viết, đi để viết...
Như con tằm nhả tơ, đến nay Hoàng Đình Nguyễn đã xuất bản 15 tập sách, số tập thơ và văn xuôi ngang bằng nhau. Có thể thấy ngay rằng, bút ký là sở trường của ông, với những tập sách dày dặn viết về những chuyến đi, về quê hương Đồng Nai và cho chính mình. Các tập bút ký đã ghi lại tỉ mỉ, kỹ lưỡng những nơi dấu chân ông từng qua bằng tâm thế người nghệ sĩ đam mê cái đẹp và tình yêu dành cho các nền văn hóa trên thế giới: Những miền đất tôi qua, Đường đến chân trời, Ngàn dặm châu Âu, Cung đường vàng huyền bí. Bên cạnh đó, những tập bút ký viết cho thế hệ của ông lại mang nặng tình yêu thương, sự trân trọng: Một thời mãi nhớ, Những nẻo đường quê, Mênh mông đường đời, Dặm dài ký ức...
Những năm gần đây, ông viết nhanh và khỏe hơn, viết như để trả món nợ cuộc đời, viết trong niềm say mê lạ lùng đối với cuộc sống và con người xung quanh. Chỉ cần bắt gặp một con người, một nét đời có ý nghĩa tích cực, có sức hấp dẫn thì dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, Hoàng Đình Nguyễn cũng tiếp cận và viết, như một cách chia sẻ tinh thần hội nhập, dấn thân của con người trước cuộc sống sôi động hôm nay.
* Là một người viết thư pháp đa tài
Hoàng Đình Nguyễn đã có hơn 20 năm viết thư pháp, làm ông đồ cho chữ trong nhiều sự kiện văn hóa khác nhau. Ông bộc bạch: “Sau 20 năm bươn chải, cũng không ít vui buồn, tôi chắc chắn và tin tưởng những ông đồ chân chính luôn là sự gắn kết tín ngưỡng đời thường với cõi tâm linh trong các lễ hội truyền thống của dân tộc. Qua nét chữ và phong tục cho chữ sẽ là cầu nối những người Việt xa xứ tìm về với cội nguồn và bản sắc văn hóa của các dân tộc Việt Nam”.
Song người chủ nhiệm CLB Thư pháp Việt tại Đồng Nai lại thành danh hoàn toàn nhờ... tự học. Bằng tình yêu cái đẹp và sự kiên trì hiếm có, Hoàng Đình Nguyễn đã vẽ lại ước mơ từ thuở thiếu thời, khi ông chứng kiến những ông đồ ngồi cho chữ lúc còn đi học ở miền Bắc. Bắt đầu từ niềm đam mê, ông dành nhiều tâm huyết trong luyện chữ, dạy chữ, đồng thời mang cái tâm chân thành của mình trên con chữ để góp phần cho cuộc sống thêm tươi đẹp. Quan niệm sống và làm việc của ông bình thường, giản dị, song ông đã đi được những chặng đường rất dài của hành trình cái đẹp và thư pháp Việt.
* Một miền thơ thao thức
Một nửa số sách đã xuất bản của Hoàng Đình Nguyễn là thơ và đó là những tập thơ của những niềm riêng trăn trở khôn nguôi. Tên của những tập thơ cũng nói lên điều đó: Hai bờ thương nhớ, Lời ru dòng sông, Hạnh phúc lang thang, Tìm lại lời ru... Và với thơ, ông đã dành được nhiều giải thưởng: 2 giải thưởng cuộc thi viết chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, 4 giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức của tỉnh... Trong đó, Lời ru dòng sông giành giải C VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ V, được đánh giá là tập thơ có đề tài rộng, không gian nghệ thuật trải rộng với nhiều cung bậc cảm xúc được viết bằng ngôn ngữ giàu tình cảm và có sự trải nghiệm phong phú, đa thanh. Những tập thơ chính là nơi thể hiện rõ nhất những cung bậc tâm hồn và độ chín trong sáng tác của ông.
Tập thơ mới nhất của Hoàng Đình Nguyễn - Muôn dặm tình người - ghi lại những kỷ niệm của ông và người bạn đời trong những cuộc hành trình đáng nhớ. Ông nâng niu từng ánh mắt, nụ cười, lưu luyến từng cái tên, từng vùng đất... để tất cả trở nên thân thuộc, quý giá trong lòng ông. Thế mới biết, tâm hồn thi nhân là cả một miền thơ rộng lớn luôn thao thức, kiếm tìm, bằng một tình yêu không bao giờ nguôi quên...
* Một con người của thời đại
Hoàng Đình Nguyễn thật sự đã tích lũy và sở hữu một kho tàng quý giá của người nghệ sĩ, trong tâm thế luôn kiếm tìm và kiến tạo cái đẹp, cái có ích cho đời. Bước qua tuổi thất thập cổ lai hy, ông là một người chồng, người cha, người ông gương mẫu của gia đình; một đồng nghiệp đáng tin cậy, một người nghệ sĩ nghiêm túc, bền bỉ trong lao động nghệ thuật. Nói về một tấm gương lao động và sáng tạo như Hoàng Đình Nguyễn, thật tâm đắc khi liên tưởng đến khối rubik đa diện, với những lát cắt của trí tuệ, tình cảm, sự sắc sảo, tận tâm tận lực... ông dành cho cuộc đời, cho những trang viết và con chữ. Ông mang đến nhiều kinh nghiệm sống quý báu, và những câu chuyện thú vị của một cây bút Đồng Nai, góp vào hành trình 43 năm thành lập và phát triển của Hội VHNT Đồng Nai, và trang sử 325 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai đang rộng mở...
Trần Thu Hằng
Chùm thơ Hoàng Đình Nguyễn
Tìm lại lời ru
Chậm bước trở về sông quê gió lộng
Khói bếp lam xanh manh mảnh nghĩa tình
Ngoại tôi xưa, thức sớm gọi bình minh
Nơi mẹ gánh cả một đời khó nhọc
Tôi trở về bến sông, nơi hằng đêm mẹ khóc
Mắt rưng rưng ngấn lệ đợi cha về
Hai mươi năm xa cách làng quê
Mẹ mòn mỏi đợi cha nơi bến sông đầy gió…
Nay tôi lại tìm về ngày xưa thuở nhỏ
Bến vắng vẹn nguyên bao điều tha thiết
Kỷ niệm đẹp nay hóa thành tứ tuyệt
Mảnh trăng non tựa bóng ngoại lưng còng…
Tôi trở về sau năm tháng chờ mong
Nguồn cội trong lòng vẫn bình yên nơi gió cát
Tuổi thơ tôi mịt mùng, giấc mơ mẹ hát
Tất bật phận đời, tất bật những lo toan.
Tôi chậm chậm trở về tìm lại bước chân son
Tìm thương nhớ, buồn vui trên lưng trần bỏng rát
Tìm lại cánh diều giữa nắng gió chang chang cồn cát
Nhặt nhạnh những lời ru mẹ để lại nơi này…
Bãi đá Sông Hồng
Làng chài xưa trên bãi đá sông Hồng
nay đã vắng những con đò qua lại
chiếc thuyền cá cuối cùng được dựng trên bờ bãi
ngắm bao sự chuyển mình của một làng hoa
Đất trải rộng lòng, ngút ngát vươn xa
hồng, cúc, mai, đào nở hết mình rực rỡ
hương đất hương hoa thắm nồng từng hơi thở
tôi chậm bước tìm về những kỷ niệm xa xưa
Có một thời sớm nắng chiều mưa
nơi bến bãi, dòng sông như cánh cò xa xứ
những khao khát cứ chìm vào quá khứ
những giấc mơ gửi lại bến sông buồn…
Bãi đá bây giờ quấn quýt những yêu thương
trai gái hẹn nhau tìm về ngày mới
hoa vẫn nở hết mình, những nụ hôn trao vội
những lứa đôi rạng rỡ môi cười…
Tôi đã qua bao bến bãi cuộc đời
kỷ niệm dọc ngang theo mọi miền đất nước
bãi đá sông Hồng
một buổi sáng tình cờ đến được
luôn gợi nhớ trong lòng những kỷ niệm yêu thương…
Ngày giỗ ba
Con lại về quê sau ngày bão lũ
nước giăng giăng, trắng xóa cánh đồng
cầu nối hai bờ chìm lấp dưới dòng sông
theo đường vòng, con về thăm mộ chí
Nấm mồ ba
hơn ngàn lần di chỉ
thắm đẫm cội nguồn, gắn với quê hương
nằm giữa chiều buồn mưa gió phong sương
đâu nghĩa, đâu tình chỉ mình ba thấu hiểu
Nắng gió miền Trung
sau cơn bão, lòng người vợi dịu
hương khói rưng rưng trên những nấm mồ
vẫn biết cuộc đời chỉ là phận số
con tìm về ngồi tâm sự cùng ba
Ngày giỗ ba, con trở lại quê nhà
khói nhang vương trên mái đầu trắng bạc
mắt cay nhòa lời nguyện cầu khao khát
xin ba hãy bình yên đừng nghĩ chuyện đời thường
Lòng bộn bề theo khói, theo hương
theo những bước chân một đời phiêu dạt
ra Bắc, vào Nam một thời trận mạc
sương khói quê nhà ôm ấp nấm mồ ba…