Báo Đồng Nai điện tử
En

Mưa trên Yên Tử

07:12, 02/12/2022

Được mệnh danh "đệ nhất danh sơn" của Việt Nam, Yên Tử nổi tiếng là ngọn núi với nhiều sự tích. Ly kỳ nhất chính là sự tích về Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng sự sáng lập Phật sơn Yên Tử với hệ thống các chùa và trường phái thiền Trúc Lâm.

Được mệnh danh “đệ nhất danh sơn” của Việt Nam, Yên Tử nổi tiếng là ngọn núi với nhiều sự tích. Ly kỳ nhất chính là sự tích về Phật hoàng Trần Nhân Tông cùng sự sáng lập Phật sơn Yên Tử với hệ thống các chùa và trường phái thiền Trúc Lâm.

Chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử
Chùa Đồng trên đỉnh non thiêng Yên Tử

Hành trình thăm viếng Yên Tử bắt đầu từ suối Giải Oan với một cây cầu đá xanh nối hai bờ suối, kiến trúc không cầu kỳ nhưng toát lên vẻ đẹp cổ kính, vững chãi. Trước sân chùa sum suê từng khóm hoa loa kèn màu hoàng yến chen lẫn màu trắng mịn, xung quanh chùa có 6 ngọn tháp, lớn nhất là tháp mộ vua Trần Nhân Tông, hai bên là tháp mộ sư Pháp Loa và sư Huyền Quang.

Để lên được đỉnh núi chùa Yên Tử, trước hết chúng ta có thể ghé thăm chùa Trình vừa để hành hương, làm lễ, viếng chùa Trình xong, chúng tôi đến chụp hình trong khu vực Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử.

Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử cũng giống như trường đại học, đây là nơi để tu học của các nhà sư và cư sĩ. Du khách nên dành thời gian ghé thăm Thiền viện rồi hãy tiếp tục cuộc hành trình lên suối Giải Oan và chùa Giải Oan.

Suối Giải Oan được bắt nguồn từ giai thoại: Sau hai lần lãnh đạo nhân dân đánh thắng quân Nguyên Mông, vua Trần Nhân Tông đã quyết từ bỏ ngai vàng về tu ở Yên Sơn, sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm và xây dựng nơi đây trở thành trung tâm văn hóa, kinh đô Phật giáo của Đại Việt.

Yên Tử là ngọn núi đẹp nổi tiếng ở nước ta với những con suối trong vắt, lững lờ như dải lụa uốn quanh những rừng trúc, rừng tùng xanh bạt ngàn, thấp thoáng ẩn hiện là những ngọn tháp và đền chùa cổ kính.

Tháng 10 âm lịch năm 1299, Trần Nhân Tông cởi hoàng bào khoác áo cà sa đến Yên Tử một lòng hướng về non cao tầm đạo với pháp danh Hương Vân đại đầu đà và tu hành theo Thập nhị đầu đà (12 điều khổ hạnh). Vì không muốn vua cha ở lại núi Yên Tử nên vua Trần Anh Tông ngầm sai các cung tần mĩ nữ tìm đến can ngăn.

 Phật Hoàng quyết tâm xuất gia, đến đỉnh Yên Tử, các cung nữ theo hầu vua trong cung có đến gần 100 người quỳ lễ thiết tha, mong vua hồi chuyển tâm ý. Nhưng dạ vua chỉ để về cõi Phật, tâm vua chuyên chính tu hành và khuyên mọi người hãy trở về với triều đình hoặc quay về quê cũ làm ăn. Để tỏ lòng tận trung với thánh thượng, các cung nữ đã nhảy xuống dòng suối Hổ Khê quyên sinh... Thương xót cho sự trung thành của họ, vua cùng người dân nơi đây đã lập chùa Giải Oan để giúp siêu độ cho họ, đồng thời đổi tên dòng suối Hổ Khê thành suối Giải Oan từ đó. Suối Giải Oan trở thành ranh giới giữa đời thường và sự nghiệp hành đạo.

Trong lịch sử, Yên Tử luôn là một trong những trung tâm Phật giáo của cả nước, gắn với nhiều kiến trúc cổ, được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử khác nhau (Lý, Trần, Lê, Nguyễn).

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông
Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông

Dọc đường lên núi Yên Tử còn có một số điểm tham quan như: Tháp Tổ, chùa Một Mái, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, các khu du lịch sinh thái Thác Vàng, Thác Bạc.

Qua khỏi chùa Hoa Yên một đoạn, ta sẽ gặp một ngôi chùa nằm chênh vênh bám lưng vào vách núi đó là chùa Một Mái. Chùa như thể nằm giữa lưng trời, ngày xa xưa chỉ là một am nhỏ Vua Trần Nhân Tông thường đến đây để đọc sách, soạn kinh. Các văn từ, thư tịch được lưu trữ ở đây, sau khi đức vua Trần hiển Phật, người sau mới lập chùa ở am này.

Dọc đường di chuyển từ chùa Hạ, chùa Trung  lên chùa Thượng, ta còn gặp một số điểm khác như: Tháp Tổ, chùa Bảo Sái, tượng đá Yên Kỳ Sinh, am Ngọa Vân, bàn cờ tiên, Thác Vàng, Thác Bạc…

Yên Tử không chỉ nổi tiếng linh thiêng về cầu khấn, cầu tài lộc bình an, nơi đây còn được biết đến có hàng trăm giai thoại, mỗi địa điểm, mà dấu chân chúng tôi đặt đến đều là một câu chuyện.

Cuộc hành hương của đoàn chúng tôi trên núi Yên Tử, sau vài tiếng đồng hồ leo núi, vừa chiêm bái cảnh chùa đã vượt qua nhiều cung đường quanh co đèo dốc, cuối cùng cũng tụm lại nghỉ chân tại trạm cáp treo số hai trước khi lên đỉnh Vân Tượng để chiêm bái tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông, tượng An Kỳ Sinh và dâng hương lễ phật tại Chùa Đồng.

Đã lên đến Yên Tử thì không thể bỏ qua chùa Đồng và viếng thăm Bảo tượng Phật Hoàng…

Chùa Đồng còn có tên Thiên Trúc tự, là ngôi chùa tọa lạc ở đỉnh cao nhất dãy Yên Tử (1.068m). Đây là ngôi chùa trên đỉnh núi bằng đồng lớn nhất châu Á. Chùa Đồng mới đã được các nghệ nhân nổi tiếng đúc đồng ở Ý Yên, Nam Định thực hiện. Ngôi chùa được đúc theo nguyên mẫu của chùa Dâu ở Bắc Ninh. Chùa Đồng diện tích gần 20m2, nặng 70 tấn, dài 4,6m, rộng 3,6m và chiều cao từ cột nền tới mái là 3,35m. Trong đó, mỗi viên ngói nặng khoảng 4kg, 4 cột chùa mỗi cột nặng 1 tấn. Quả chuông và khánh đồng nặng trên 250kg.

Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên đỉnh An Kỳ Sinh, cách chùa Đồng 649m.  Đây là tượng Phật đầu tiên được đúc nổi trên vị trí núi đá cao với khối lượng đồng lớn, khuôn cao, đường kính lớn, đặt ngay trên bệ bê tông hiểm trở, không có địa bàn thi công, mưa, mây mù, ẩm ướt quanh năm.

Tác giả Hoàng Đình Nguyễn trên núi Yên Tử
Tác giả Hoàng Đình Nguyễn trên núi Yên Tử

Theo Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Văn phòng Tổ chức Kỷ lục châu Á đã có văn bản chính thức công nhận Bảo tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông trên núi Yên Tử của Việt Nam là tượng đúc bằng đồng nguyên khối lớn nhất châu Á.

Tôi cùng các nghệ sĩ Bùi Viết Đồng, Mai Văn Nhơn, Dương Đức Khánh, Duy Đồng, Minh Hòa, Lê Đăng Kháng, Bùi Quang Tú là những người cuối cùng rời trạm cáp treo lên núi trong chuyến đi này.

Quanh co lên núi khoảng 200m, mưa càng thêm xối xả, nhìn quanh thấy mọi người càng bỏ xa nhau hơn, nhưng với quyết tâm lớn mọi người vẫn tìm mọi cách đặt chân đến chùa Đồng trong mưa.

Khoảng hơn 50 phút sau, tất cả những nghệ sĩ lên chùa Đồng đã lần lượt trở về trạm cáp treo đầy đủ và an toàn. Mặc dù có áo mưa vậy mà ai cũng bị ướt sũng từ đầu đến chân nhưng trên khuôn mặt vẫn nở nụ cười mãn nguyện.

Trên đường xuống núi, ngồi trong cabin cáp treo, tôi lướt qua những khuôn mặt thân quen đang ướt sũng vì mưa lạnh sau chuyến trải nghiệm trên chùa Đồng. Ngoài tôi và nhà văn Bùi Quang Tú là những hội viên đầu tiên của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai từ ngày mới thành lập, trong ca bin vẫn còn đó sự hiện diện của những hội viên gia nhập Hội từ những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước. Bây giờ các anh đã trở thành nhà văn, nhà thơ của Hội Nhà năn Việt Nam như: Đàm Chu Văn, Lê Đăng Kháng, Trần Ngọc Tuấn, Dương Đức Khánh và những nghệ sĩ của các chuyên ngành khác. Các anh đã và đang là những cây cổ thụ trong Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai. Trên khuôn mặt tưởng như mệt mỏi sau chuyến lên đỉnh Yên Tử, tôi vẫn nhìn thấy những nụ cười mãn nguyện, bởi trước khi rời nơi này ai cũng có được những tấm hình chụp ở chùa Đồng sau chuyến du hành đáng để làm kỷ niệm nhớ đời...

Hoàng Đình Nguyễn

Tin xem nhiều