Thời gian gần đây, cơ quan chức năng trong tỉnh liên tiếp phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) gây lo ngại cho người tiêu dùng, nhất là khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề. Đây là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả được trà trộn đưa vào thị trường.
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng trong tỉnh liên tiếp phát hiện, xử lý các cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) gây lo ngại cho người tiêu dùng, nhất là khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề. Đây là thời điểm nhiều thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả được trà trộn đưa vào thị trường.
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn thực phẩm tại siêu thị Big C Đồng Nai. Ảnh: H.Dung |
Làm sao để ngăn vấn nạn thực phẩm bẩn, giả, không an toàn, không rõ nguồn gốc tuồn ra thị trường, len lỏi vào quán ăn và bữa ăn của từng gia đình luôn là vấn đề được người dân, cùng các ngành chức năng của tỉnh quan tâm.
Nỗi lo thực phẩm bẩn
Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng thường tăng cao vào dịp cuối năm. Bên cạnh việc cung ứng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu mua sắm Tết thì nỗi lo về ATTP lại trở thành vấn đề “nóng” hơn bao giờ hết. Tâm lý lo ngại gia tăng khi thời gian ngắn trở lại đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các vụ việc liên quan đến kinh doanh thực phẩm bẩn.
BĐ Bùi Phi Long (xã Sông Thao, H.Trảng Bom) nói: “Để ngăn thực phẩm bẩn, người tiêu dùng phải là “tai mắt” ở cơ sở của lực lượng chức năng, giám sát tố giác khi phát hiện các hành vi vi phạm về ATTP trong cộng đồng”. |
Điển hình như vụ việc vi phạm về ATTP của Công ty TNHH Thực phẩm Long Phát xảy ra vào ngày 16-12. Khi lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra các kho hàng của công ty trên ở P.Tân Hiệp và P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) phát hiện trên 25 tấn sản phẩm gồm thịt, nội tạng gà, bò, trâu... đều không có tem nhãn, giấy chứng nhận hợp chuẩn hợp quy. Trong đó, nhiều loại bốc mùi hôi thối được công ty mua về để bán cho các nhà hàng, quán ăn ở Biên Hòa và các vùng lân cận.
Trước đó 1 tháng, các trinh sát Phòng Cảnh sát môi trường (PC05) Công an tỉnh phối hợp cơ quan thú y bất ngờ kiểm tra, phát hiện và bắt giữ phát hiện và bắt giữ 2,2 tấn gà chết bốc mùi hôi thối tại cơ sở giết mổ ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Chủ cơ sở bà Trần Thị Ngọc Thương (ngụ TP.HCM) khai mua số gà chết, gà bệnh chỉ với giá 4 ngàn đồng/kg rồi về xử lý, sau đó đem đi tiêu thụ tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh.
Lời khai của các chủ hàng đã gây lo ngại, bức xúc cho nhiều người tiêu dùng. “Không biết các cơ sở trên hoạt động lâu chưa và đã đưa ra thị trường tiêu thụ bao nhiêu tấn thịt bẩn. Nếu cơ quan chức năng không ngăn chặn được, sẽ có hàng trăm, hàng ngàn người ăn phải và sức khỏe ít nhiều đều bị ảnh hưởng” - bạn đọc (BĐ) Nguyễn Thị Hoa (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) lo lắng.
Cùng nỗi lo này, BĐ Nguyễn Văn Đức (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) lên án hành vi thiếu lương tâm của những người kinh doanh thực phẩm bẩn, vì lợi nhuận mà bất chấp đến nguy cơ ngộ độc và sức khỏe người dân.
Theo BĐ Nguyễn Văn Đức, hành vi này cần phải ngăn chặn sớm, xử lý nghiêm để răn đe. “Với công nghệ tẩm ướp hóa chất, chế biến hiện nay bằng mắt thường người tiêu dùng rất khó kiểm chứng chất lượng cũng như phân biệt thực phẩm bẩn - sạch, giả - thật. Vì vậy, cần cơ quan chức năng phải phát hiện sớm để ngăn chặn trước khi thực phẩm bẩn được tung ra thị trường”- ông Đức chia sẻ.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về ATTP
Chia sẻ trên fanpage Báo Đồng Nai, nhiều BĐ bày tỏ sự lo lắng, bởi vấn nạn thực phẩm bẩn vẫn đang là mối đe dọa, ám ảnh người tiêu dùng trong từng bữa ăn. Không chỉ ở Đồng Nai, gần đây quản lý thị trường nhiều tỉnh, thành liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều loại hàng hóa nhập lậu, hàng không nguồn gốc trước dịp Tết Quý Mão 2023.
“Ngày 15-12, lực lượng chức năng tỉnh Quảng Bình bắt giữ hơn 2 ngàn chai rượu ngoại, không chứng từ. Trước đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Yên Bái phát hiện và tạm giữ trên 7 tấn tràng trứng gà non đông lạnh có màu sắc khác thường, không rõ nguồn gốc” - BĐ Minh Thư dẫn chứng.
BĐ Bùi Phi Long (xã Sông Thao, H.Trảng Bom) cho rằng: “Để ngăn chặn thực phẩm bẩn, giả, không rõ nguồn gốc… len lỏi vào thị trường và đi vào bữa ăn của biết bao người, gây ra nhiều hệ lụy thì vai trò của cơ quan chức năng hết sức quan trọng. Nếu cơ quan quản lý nhà nước không quyết liệt vào cuộc thì vấn nạn thực phẩm bẩn sẽ không ngừng tiếp diễn”.
Theo BĐ Bùi Phi Long, hiện nay các quy định pháp luật về ATTP, về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP đều đã được Nhà nước ban hành cụ thể. Vấn đề ở đây là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Trong đó, bao gồm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về ATTP cho người làm công tác quản lý ATTP các cấp. Song song đó, cần phổ biến các văn bản pháp luật về ATTP đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng trong tiêu dùng, phải biết phân biệt nhận biết thực phẩm và kiên quyết “tẩy chay” thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Đồng quan điểm trên, một số BĐ đề xuất để ngăn chăn thực phẩm bẩn không có “cửa” ra thị trường bên cạnh việc tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, phải chú trọng hơn trong việc nâng cao hiệu quả các cuộc thanh tra, kiểm tra ATTP. Đồng thời, triển khai các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, chợ kinh doanh thực phẩm an toàn, ban hành tiêu chuẩn về chợ kinh doanh thực phẩm. Đây sẽ là tiền đề để có thực phẩm an toàn cung cấp cho các bếp ăn tập thể và người dân.
Kim Liễu
Phó giám đốc Sở Y tế, BS NGUYỄN HỮU TÀI:
Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý an toàn thực phẩm
Để bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đòi hỏi phải có sự tham gia mạnh mẽ của các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan quản lý chuyên ngành, các doanh nghiệp, người tiêu dùng và toàn xã hội.
Thực tế kiểm tra cho thấy, số cơ sở vi phạm chủ yếu tập trung ở các huyện, xã, phường, thị trấn. Nguyên nhân chính là do việc xử phạt vi phạm hành chính chưa nghiêm, cán bộ phụ trách công tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) tại các cơ sở chưa vững chuyên môn, nghiệp vụ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Tới đây, Sở Y tế sẽ tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP trong lĩnh vực y tế, các quy định pháp luật về ATTP và một số văn bản pháp luật khác có liên quan cho cán bộ, nhân viên làm việc tại các trung tâm y tế, phòng y tế các huyện, thành phố; cán bộ phụ trách công tác quản lý về ATTP của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, giúp mọi người nắm vững các quy định của pháp luật về ATTP, từ đó áp dụng có hiệu quả trong quá tình thực thi công vụ; xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thanh tra, kiểm tra, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATTP cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm tại cơ sở để người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác, chú trọng hơn đến chất lượng sản phẩm, bảo hành sản phẩm và tư vấn cho người tiêu dùng... góp phần bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng.
Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh NGUYỄN ĐÌNH MINH:
Cần sự đồng hành của người tiêu dùng
Hiện nay, công tác quản lý về ATTP có sự phối hợp, tham gia giám sát, kiểm tra của 3 ngành Y tế - Công thương và NN-PTNT. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số bất cập. Nguyên nhân là do một số quy định pháp luật còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ, quá trình triển khai thực hiện đôi khi còn chồng chéo, chưa thật chặt chẽ; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một số cán bộ làm công tác ATTP, đặc biệt là tuyến huyện và xã chưa cao nên công tác bảo đảm ATTP còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên ngành còn mỏng, đặc biệt các đối tượng sản xuất, chế biến thực phẩm bẩn rất ngoan cố, vì lợi nhuận mà bất chấp. Thêm vào đó là sự dễ dãi của người tiêu dùng khi mua thực phẩm, khiến thực phẩm bẩn vẫn còn cơ hội tồn tại.
Ngoài trách nhiệm chính trong việc kiểm soát chuỗi thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn… của cơ quan chức năng, rất cần sự đồng hành của người dân. Khi phát hiện các hành vi vi phạm, người dân nên báo với cơ quan có thẩm quyền thì các vi phạm mới được giải quyết kịp thời. Đây vừa là biện pháp răn đe, vừa là hình thức ngăn chặn thực phẩm “bẩn” có mặt trên thị trường, từ đó góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng. Trong tiêu dùng không tiêu thụ, mua, bán các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Gia An (ghi)