Người bạn hỏi tôi: Phản kháng phi đối xứng là gì vậy? Tôi vò đầu bứt tai. Hình như có nghe nói đến rồi, nhưng chưa thấy tài liệu nào nghiên cứu. Đành tra giải thích theo kiểu chiết tự, như thể "mặc quần đùi đi giày".
Người bạn hỏi tôi: Phản kháng phi đối xứng là gì vậy? Tôi vò đầu bứt tai. Hình như có nghe nói đến rồi, nhưng chưa thấy tài liệu nào nghiên cứu. Đành tra giải thích theo kiểu chiết tự, như thể “mặc quần đùi đi giày”.
Phản kháng là hành vi của ai đó chống lại điều gì đó của người khác. Thường là sự phản ứng dùng quyền lực chống lại sự áp đặt bằng quyền lực.
Vậy, quyền lực là gì? Cũng khó giải nghĩa. Xin dẫn lời của triết gia Aristoteles (384-322 TCN): Quyền lực là cái gì đó mà khi nắm được nó người ta chi phối được người khác. Theo đó, ai cũng có quyền lực của mình. Tiền tài, của cải, danh vị, sắc đẹp đều có thể sử dụng thành quyền lực. Thiêng liêng nhất và mạnh mẽ nhất là quyền lực của nhân dân giao cho đại biểu của mình.
Khi người này dùng quyền lực nào đó áp đặt lên người khác thì người khác hoặc thuận, hoặc không. Nếu không thuận thì dùng quyền lực của mình chống lại, nói chữ là “phản kháng”. Trong phản kháng, nếu quyền lực được dùng ngang bằng nhau thì gọi là “phản kháng đối xứng”; còn không ngang bằng nhau gọi là “phản kháng phi đối xứng”.
Hãy xem, một thằng bé bị thằng bé khác bộp tai (tát tai); thằng bé bộp tai đáp trả, bộp qua bộp lại, không cần biết thắng thua, ấy là phản kháng đối xứng (dùng bạo lực đáp trả bạo lực). Nhưng, nếu thằng bé bị đánh thấy đối thủ mạnh hơn, nó không đánh trả, phun nước bọt quay đi, đó là phản kháng phi đối xứng (dùng cách khác đáp trả bạo lực).
Phản kháng là quy luật của tự nhiên, có áp bức thì có đấu tranh, có áp lực là có phản kháng. Phản kháng cách nào, do tương quan lực lượng và hoàn cảnh cụ thể. Phản kháng đối xứng thường là hành động bạo lực ầm ĩ nhưng dễ thấy, dễ hiểu, dễ xử. Phản kháng phi đối xứng là hành động thường nhẹ nhàng trong hành vi nhưng khó lường về hậu quả. Bãi nước bọt phi đối xứng có thể tan trên mặt đất nhưng không nguôi trong lòng, âm ỉ biến thành thù hận; hận thù nuôi dưỡng hận thù; luôn tìm thủ đoạn, chờ dịp để trả hận, quân tử trả thù mười năm chưa muộn. Đến khi có cơ hội nắm được quyền lực khác, có cơ hội tốt thì người vốn yếu thế trở thành kẻ mạnh, ra tay không thương tiếc, tạo ra một áp lực khác, dẫn đến phản kháng phi đối xứng khác với chiều ngược lại.
Dễ thấy nhất và nguy hiểm nhất là sự phản kháng phi đối xứng có liên quan đến việc sử dụng quyền lực của dân. Một người khi còn yếu thế, phải lâm cảnh ngậm đắng nuốt cay phản kháng phi đối xứng, khi được nhân dân giao cho quyền lực nào đó thì thường hay nuôi mối hận trong lòng, tìm cơ hội trả hận đối tượng của mình với thủ đoạn tinh vi hơn, mạnh mẽ hơn, tàn hại hơn.
Việc này, Bác Hồ lường trước nên đã thường dạy cán bộ: Đừng dùng quyền hạn của mình để hại ai. Ông Gorbachyov thời Liên Xô khi phát động Perestroika cũng cảnh báo: Không lạm dụng đổi mới để trả thù cá nhân. Biết trước, báo trước như vậy nhưng chưa ai ngăn được việc lạm dụng quyền lực công để trả mối hận riêng. Vậy nên mới có oan sai, mới có phản ứng ngầm bằng mặt mà không bằng lòng trước hành xử của người có quyền ký tên đóng dấu.
Trong thực tế, thường có nhiều tình huống khi thi hành hoặc ban bố mệnh lệnh gì đó, có người khẳng khái tuyên bố không phục. Ấy là phản kháng phi đối xứng. Vậy phải hành xử thế nào? Cách tốt nhất là theo lời dạy của Bác Hồ: Làm cho tâm phục, khẩu phục bằng nhiều cách thuyết phục về những điều chưa phục. Còn nếu lấy đó làm điều không hài lòng, lạm dụng quyền lực công áp đặt mạnh mẽ hơn, tinh vi hơn, thì phản kháng phi đối xứng kéo dài.
Ong Mật