Báo Đồng Nai điện tử
En

Tâm huyết với nghề gốm

08:12, 17/12/2022

Hơn 30 năm gây dựng và theo đuổi nghề làm gốm, ông Đoàn Văn Lâm (ngụ P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) đã tạo nên thương hiệu riêng với nhiều mẫu mã gốm tinh xảo, độc đáo.

Hơn 30 năm gây dựng và theo đuổi nghề làm gốm, ông Đoàn Văn Lâm (ngụ P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) đã tạo nên thương hiệu riêng với nhiều mẫu mã gốm tinh xảo, độc đáo.

Phó giám đốc Công ty TNHH Đồng Thành (TP.Biên Hòa) Đoàn Văn Lâm bên sản phẩm gốm hoàn thành. Ảnh: L.Mai
Phó giám đốc Công ty TNHH Đồng Thành (TP.Biên Hòa) Đoàn Văn Lâm bên sản phẩm gốm hoàn thành. Ảnh: L.Mai

Mộc mạc, giản dị, lúc nào cũng “chân lấm, tay đất”, nhưng nói về gốm, ánh mắt ông Lâm luôn ánh lên niềm tự hào, say mê khó tả. Ông bảo nghề gốm là đam mê, mà đam mê thì sẽ cuốn người trong nghề theo đến cùng.

* Thổi hồn vào gốm

Nung nấu khát vọng làm gốm từ nhỏ, năm 21 tuổi, Đoàn Văn Lâm quyết tâm rời quê hương Sóc Trăng lên Đồng Nai bắt đầu hành trình học nghề gốm. Và làng gốm cổ Tân Vạn là nơi ông chọn để khởi đầu.

Những ngày đầu, trải qua không ít thử thách bởi nghề này cần sự kiên trì, tỉ mỉ và đầu óc sáng tạo. Với sự quyết tâm của mình, ông tích cực học nghề, tiếp xúc nhiều hơn với những “lão làng” trong ngành gốm để nhanh chóng bắt nhịp với nghề.

Ông Lâm cho biết, nghề gốm yêu cầu người thợ phải đảm nhận tất cả các công đoạn từ làm đất, tạo hình, tráng men cho tới khi đưa vào lò nung. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công nên phải hết sức cẩn trọng, bởi chỉ sai lệch một chi tiết, công sức của người thợ coi như bỏ đi. Với bàn tay tài hoa và sự cần mẫn của một người làm nghề nghiêm túc, ông Lâm đã cho ra đời những sản phẩm bắt mắt, đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Ông ĐOÀN VĂN LÂM cho hay, được làm nghề gốm là được sống với đam mê của mình, được thổi hồn vào những tác phẩm độc đáo và giữ được nghề truyền thống. Nhưng để có được những điều đó là không ít sự đánh đổi, thất bại mà chỉ khi đã trải qua, ông mới đứng lên vững hơn với nghề.

Hài lòng với những sản phẩm gốm đầu tiên mình làm ra, ông Lâm quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng với mong muốn phát triển nghề truyền thống này. Năm 2005, sau thời gian theo nghề và tích góp được một số vốn cùng kinh nghiệm, ông mở cơ sở sản xuất gốm riêng mình. Dù là người có kinh nghiệm, song việc mở cơ sở sản xuất cũng gặp nhiều thất bại vì gốm làm ra không như với mẫu ông mong đợi. Nhưng bù lại, điều ông tâm đắc, mỗi sản phẩm khi hoàn thiện lại mang một dấu ấn riêng biệt và hơn hết là sự tâm huyết của ông.

Năm 2016, cơ sở sản xuất gốm của ông chuyển vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh theo chủ trương di dời của TP.Biên Hòa. Tại đây, ông mở rộng xưởng sản xuất, tuyển thêm công nhân và sát nhập cơ sở gốm vào Công ty TNHH Đồng Thành và ông giữ chức Phó giám đốc công ty. Để đáp ứng thị trường, ông Lâm vừa làm gốm truyền thống vừa chuyển đổi một phần sang sản xuất gốm công nghiệp nhằm sản xuất hàng hóa số lượng lớn, tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, ông vẫn kiên trì với một số dòng gốm vuốt tay truyền thống, tạo đường nét riêng dù mất nhiều ngày mới xong một sản phẩm.

Hiện các sản phẩm gốm sứ tại công ty ông Lâm khá đa dạng nhưng hút khách nhất vẫn là các chậu trồng hoa, cây kiểng. Ngoài ra, ông Lâm còn thành công khi làm men phủ cho các sản phẩm gốm của mình. Việc làm phủ gốm bằng men nhằm tôn lên sự tinh xảo cho những sản phẩm gốm mới lạ, bắt mắt, đa dạng màu sắc.

Ông Lâm cho biết, theo dòng chảy của thời gian, có những lúc nghề gốm trải qua những thăng trầm do giá thấp, khó tiêu thụ. Nhất là những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch bệnh và thị trường thế giới làm cho ngành gốm cũng chững lại. Tuy nhiên, ông vẫn tâm huyết và gìn giữ nghề đến cùng.

* Tạo việc làm cho nhiều công nhân

Trong quá trình theo đuổi nghề và phát triển nghề gồm của mình, ông Lâm tạo công ăn việc làm ổn định cho 80 lao động, trong đó có nhiều người đã lớn tuổi. Ông còn truyền lửa và dạy nghề cho lao động trẻ thành công. Nhờ đó, giúp họ có tay nghề vững, việc làm ổn định và gắn bó với công ty. Nhất là thời điểm này, dù ngành gốm cũng như nhiều ngành nghề gặp khó khăn về đơn hàng, song ông Lâm vẫn sắp xếp các phương án sản xuất để giữ việc làm ổn định cho công nhân.

Ông ĐOÀN VĂN LÂM còn thành công khi làm men phủ cho các sản phẩm gốm của mình.

Ông Nguyễn Thanh Phú, công nhân có thâm niên làm việc lâu năm tại công ty cho hay, ông rất tâm huyết và gắn bó với nghề làm gốm cùng gia đình ông Lâm nhiều năm nay. Cũng nhờ có nghề gốm, ông có thu nhập ổn định hơn 10 triệu đồng/tháng. Trong năm nay, dù việc làm giảm do gốm làm ra không bán được khiến thu nhập giảm còn 7 triệu/tháng những ông vẫn quyết tâm theo đuổi nghề gốm và gắn bó với công ty.

Còn bà Lưu Ngọc Hoa cho hay, bà theo nghề gồm từ lúc ông Lâm mới mở cơ sở sản xuất nhỏ. Khi cơ sở chuyển lên P.Tân Hạnh, bà yêu nghề và quyết tâm lên đây làm việc.

“Nghề gốm hiện vẫn cho tôi thu nhập ổn định dù đã lớn tuổi. Đặc biệt, anh Lâm luôn gần gũi, động viên người lao động cố gắng vượt qua khó khăn với hy vọng sự thịnh vượng của nghề sẽ khởi sắc hơn trong năm mới” - bà Hoa chia sẻ

Công nhân đang hoàn thiện sản phẩm gốm
Công nhân đang hoàn thiện sản phẩm gốm

Ông Lâm cho biết, so với những năm trước, vào dịp trước Tết, tình hình sản xuất gốm rất tấp nập từ 600-700 sản phẩm thì nay chỉ còn phân nửa. Riêng nửa năm trở lại đây công ty rơi vào tình trạng “đứng hàng”, không xuất khẩu được. Nguyên nhân do ảnh hưởng của tình hình chiến sự thế giới và người dân tiêu thụ ít. Hàng không xuất đi nên bị tồn kho khá nhiều.

Để duy trì nghề gốm truyền thống, ông Lâm cho biết, công ty vẫn cố gắng duy trì hoạt động để chờ thời và trên hết, đó là lo việc làm, thu nhập cho đội ngũ công nhân đang từng ngày tâm huyết tạo ra các sản phẩm gốm truyền thống.

“Có những lúc hàng làm ra tồn kho nhiều cũng buồn nhưng vì yêu nghề, kiên nhẫn, mình ráng duy trì nghề vừa để nuôi công nhân” - ông Lâm chia sẻ.

Phó giám đốc Công ty TNHH Đồng Thành (TP.Biên Hòa) ĐOÀN VĂN LÂM: Cố gắng duy trì và phát triển nghề gốm

Trong quá trình làm nghề, có những khi mình dồn tất cả tâm huyết để tạo hình, thiết kế mẫu, dành nhiều tâm huyết cho sản phẩm. Nhưng cuối cùng thành quả chỉ có một đống mảnh vỡ trước mặt mình. Những lúc ấy, mình đã vượt qua được để kiên trì chờ những mẻ gốm khác thành công. Do đó, tôi đã rút kinh nghiệm từ những thất bại để tiếp tục duy trì và phát triển nghề gốm truyền thống với nhiều mẫu mã tinh xảo, nghệ thuật hơn.

Công nhân NGUYỄN THANH PHÚ có thâm niên làm việc tại Công ty TNHH Đồng Thành: Nâng cao tay nghề, tạo ra sản phẩm gốm độc đáo

Thời điểm này, so với nhiều lao động ngành gốm đang trong tình trạng thất nghiệp do không có nguồn hàng thì chúng tôi vẫn duy trì việc làm ổn định. Trong đó, phải kể đến sự quan tâm, tạo điều kiện của anh Đoàn Văn Lâm. Dù mỗi tuần làm có 4-5 ngày nhưng tôi vẫn có thu nhập để lo cho gia đình. Với lao động lớn tuổi như tôi, có việc làm và theo đuổi đam mê nghề gốm là một điều may mắn. Tôi sẽ cố gắng phát huy tay nghề để tạo ra nhiều sản phẩm gốm mới lạ, góp phần cùng công ty phát triển.

Lan Mai

Tin xem nhiều
Gốm sứ Bát Tràng Việt Nam Bình đựng rượu gốm sứ cao cấp