Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng văn hóa đọc từ gia đình

07:12, 02/12/2022

Trong một số khảo sát về thực trạng đọc sách tại Việt Nam, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) cho biết trung bình mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách/năm (số liệu năm 2022). Trong khi đó, ở các nước phát triển trên thế giới như: Israel, Pháp, Nhật con số này là 20 cuốn/năm; còn những nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Malaysia cũng đạt hơn 10 cuốn/năm.

Trong một số khảo sát về thực trạng đọc sách tại Việt Nam, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT-TT) cho biết trung bình mỗi người Việt Nam đọc 2,8 cuốn sách/năm (số liệu năm 2022). Trong khi đó, ở các nước phát triển trên thế giới như: Israel, Pháp, Nhật con số này là 20 cuốn/năm; còn những nước tiên tiến trong khu vực Đông Nam Á như: Singapore, Malaysia cũng đạt hơn 10 cuốn/năm.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai là người mê đọc sách  và truyền cảm hứng đọc sách đến với mọi người
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai là người mê đọc sách và truyền cảm hứng đọc sách đến với mọi người

Sự chênh lệnh của những con số trên đặt ra câu hỏi về văn hóa đọc sách của người Việt đang ở mức độ nào so với thế giới?

* Những cảnh tượng quen thuộc đáng suy ngẫm

Bước chân vào một quán cà phê hay quán ăn bất kỳ, chúng ta rất dễ bắt gặp hình ảnh  trẻ ngồi yên trên ghế với một chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng, chăm chú chơi game hoặc xem các video trên mạng. Ngay bên cạnh chúng là ba mẹ, người thân đang mải mê nói chuyện, chốc chốc lại cầm điện thoại lên xem. Đưa cho trẻ một chiếc điện thoại để chúng ngồi im, từ lâu đã là phương pháp hữu hiệu nhiều gia đình sử dụng.

Việc dành nhiều thời gian cho các thiết bị điện tử và ít thời gian cho việc đọc sách ngay từ nhỏ tất yếu sẽ khiến trẻ không có thói quen đọc sách khi lớn lên. Phải chăng đó là nguồn cơn cho những con số thống kê phía trên?

* Văn hóa đọc cần được xây dựng ngay từ trong gia đình

Lợi ích của việc đọc sách hẳn không ai phủ nhận: Đọc sách thúc đẩy sự phát triển của trí não, trí tưởng tượng; giúp phát triển ngôn ngữ, cảm xúc; giúp gắn kết các mối quan hệ trong cuộc sống; là nguồn tri thức về thế giới tự nhiên, cuộc sống con người phong phú đa dạng,... Giống như văn hào M.Gorki từng nhận định: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Vậy chúng ta, những người trưởng thành, những bậc cha mẹ cần làm gì để xây dựng văn hóa đọc trong gia đình?

Gặp gia đình chị Thu Hương ở một quán cà phê Q.3 (TP.HCM) vào ngày cuối tuần, khá bất ngờ với thói quen đọc sách của hai bé nhà chị. Chị có hai bé gái 7 tuổi và 4 tuổi. Trong lúc ba mẹ ngồi nói chuyện với bạn bè thì hai bé lấy sách ra chăm chú đọc. Em nhỏ chưa biết chữ chủ yếu xem sách tranh và thỉnh thoảng lại hỏi chị hai về nội dung trang sách; chị hai đọc được điều gì hay cũng chỉ cho em xem cùng, tuyệt nhiên không đòi mẹ đưa điện thoại.

Thói quen đọc sách không phải dễ dàng rèn luyện được cho con trẻ trong ngày một ngày hai, nó là cả một quá trình và cần thời gian dài kiên trì.

Chị Thu Hương chia sẻ, mỗi khi ra ngoài chị luôn mang theo sách cho con, dù là đi cà phê đi du lịch hay về thăm ông bà ngoại. Việc bên cạnh con luôn có sách như một người bạn sẽ giúp con cảm thấy thân thuộc và yêu mến sách nhiều hơn.

Từ câu chuyện của chị Hương, có thể thấy việc đầu tiên là tạo môi trường cho con em mình thường xuyên tiếp xúc với sách. Ngoài sách giáo khoa trên lớp, ba mẹ cần lựa chọn cho con những cuốn sách phù hợp lứa tuổi, nội dung nhân văn, phong phú. Để chọn được sách hay, chúng ta có thể dựa vào những nhà xuất bản uy tín như Kim Đồng, Trẻ… Mỗi gia đình nên có một kệ sách nhỏ trong nhà, đặt ở phòng khách hoặc nơi học tập của con để bất cứ khi nào cần, con có thể lấy đọc.

Tiếp theo, ba mẹ cần cùng con tạo lập thói quen đọc sách. Dành ra 15 phút trước khi đi ngủ hay mỗi buổi sáng cuối tuần, cả gia đình cùng đọc một câu truyện, một vài bài thơ. Việc này không chỉ giúp con thích đọc sách mà còn gắn kết tình cảm gia đình sâu sắc. Mỗi khi đi ra ngoài, ba mẹ nên cầm theo một vài cuốn sách của con và hướng con vào việc đọc sách thay vì xem điện thoại.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia ngôn ngữ, trẻ em cần được đọc sách sớm nhất có thể. Nghĩa là khi em bé còn trong bụng mẹ, em bé mới chào đời hay cả khi em bé chưa biết đọc chữ, thì việc đọc sách đã có thể bắt đầu bằng việc ba mẹ đọc cho con nghe. Ba mẹ càng bắt đầu sớm, thì thói quen đọc sách càng dễ hình thành ở trẻ.

Thêm vào đó, ba mẹ cần thường xuyên trao đổi với con về những cuốn sách đã đọc. Đặc biệt lắng nghe cảm nhận, suy nghĩ của con thay vì áp đặt cách suy nghĩ của người lớn. Từ đó con hứng thú hơn với việc đọc sách, mong muốn đọc nhiều hơn để trao đổi cùng ba mẹ.

Trò chuyện với nhà biên kịch Hoàng Tiến Điểm, tác giả của nhiều tác phẩm hài kịch do VTV3 và Đài PT-TH Đồng Nai dàn dựng, ông chia sẻ những kỉ niệm thú vị về việc đọc sách của thế hệ ông. Những năm 70, 80 của thế kỷ trước, sách vở khan hiếm, những cô cậu học trò chuyền tay nhau từng cuốn tiểu thuyết đã rách mòn hết các góc, bìa sách cũng phai màu nhưng ai nấy đều đọc sách rất vui vẻ, hăng say. Ông nhớ mãi những cuốn sách kinh điển nuôi lớn thế hệ mình như: Dế Mèn phiêu lưu ký, Thép đã tôi thế đấy, Không gia đình, Tuyển tập truyện ngắn Nam Cao, Tuổi thơ dữ dội… Một gia đình 5-7 anh em thì anh đọc xong lại truyền cho em, có khi ba mẹ còn thuộc luôn nội dung cuốn sách để kể cho con cho cháu nghe. Không khí đọc sách trong gia đình thường rất sôi nổi khi có những cuộc tranh luận nhỏ, mọi người cùng chia sẻ quan điểm, suy nghĩ về các nhân vật, các sự kiện. Đó cũng chính là một phần bồi đắp ngôn ngữ phong phú trong mỗi cá nhân và giúp ông yêu văn chương như bây giờ.

Ông nói, có lẽ ngày đó trẻ con ít sự lựa chọn các trò chơi như bấy giờ, không có tivi, điện thoại, máy tính bảng,… chỉ có những trò chơi dân gian và sách vở là niềm vui giải trí. Cũng chính nhờ thế, ai cũng có một tuổi thơ đẹp khi rong ruổi khắp đường làng, chơi thả diều, bắt dế và chìm đắm vào thế giới tưởng tượng kỳ ảo mà sách vở mở ra.

Cuộc sống hiện đại có rất nhiều trò chơi giải trí thu hút trẻ còn ba mẹ cũng bận rộn với công việc, lo toan cuộc sống. Có thể ngồi kiên nhẫn đọc hết một cuốn sách là điều khó khăn với nhiều người. Tuy nhiên, khi càng lớn lên, sự khác biệt giữa một đứa trẻ có đọc sách và không đọc sách sẽ bộc lộ rất rõ. Vì thế, ba mẹ cần sớm nhận ra vai trò của việc đọc sách cũng như dành thời gian, công sức để xây dựng văn hóa đọc trong chính gia đình.

Quỳnh Trang

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích