Ai cũng có một bến đợi, bến chờ, một niềm mong ước của tuổi xuân. Thời gian như con thuyền đến rồi đi cho bến bồi hồi mong đợi...
Ai cũng có một bến đợi, bến chờ, một niềm mong ước của tuổi xuân. Thời gian như con thuyền đến rồi đi cho bến bồi hồi mong đợi...
Ảnh minh họa: Phạm Công Hoàng |
1. Trước nhà tôi, cạnh con đường nhỏ là dòng suối trong lành, nước mát quanh năm. Ba tôi và chú Tư đã xếp đá thành bậc ở nơi cuối thác nước nhỏ để mọi người lên xuống sinh hoạt cho tiện. Nước ở đây sâu nhất và trong nhất bởi có lẽ chảy qua một gầm đá tổ ong, lọc qua một bộ rễ cây đủ các loại dây leo quấn quanh gốc bằng lăng. Ngày ngày, bến tấp nập người lên xuống. Người gánh nước, người rửa rau, người giặt đồ,... Chiều đến bọn trẻ đùa nghịch nhau trên bến. Xóm lá có hơn chục nóc nhà cạnh nhau, nằm đan xen với những đám ruộng triền đồi và những rẫy ngô xanh mướt. Vào mùa nắng, người dân nơi đây trồng thêm các loại rau trên ruộng để tăng thu nhập. Bến nước cũng là nơi bà con trao đổi bao câu chuyện trong ngày: chuyện nhà cửa, chuyện con cái, chuyện gà vịt, chuyện ruộng đồng,… Đó còn là nơi trao nhau những quả ổi, củ khoai miếng mít, và trao cả ánh mắt ai đong đưa xanh màu nước mát và trao cả những tiếng cười khúc khích như nước trong nghềnh đá. Cuộc sống làng quê bình yên vui vẻ quây quần trên bến nước bên con suối. Bến xuân! Ai cũng gọi thế mặc dù xuân chưa về! Sáng sớm, mặt trời còn trốn biệt trong quả đồi xa, chú Tư đã thức dậy gánh nước đổ đầy những lu, thạp, thau, chậu cho cả nhà dùng trong một ngày. Bến nước lúc tinh mơ bình yên đến lạ. Mặt nước trong vắt phả hơi lạnh vào người. Chú nghe cả vị thanh của nước tỏa ra trên mặt bến, nghe cả mùi cỏ ngái ngủ còn rót chút hồn trinh trong gió. Và chú còn nghe trong gió có mùi tóc thơm của cô gái thầm thương. Chú Tư chao nhẹ cặp thùng rồi nghiêng mình lấy nước. Đôi vai trần săn chắc, đôi chân rắn rỏi nhịp theo đôi gánh kẽo kẹt trên vai. Những đám hàng la ghim nào hành nào cải… vẫy tay chào chú và cùng cười khúc khích trong sự sung sướng vì được tắm mát no đủ. Dường như chúng bảo: - Anh gì ơi, sao anh giỏi thế, siêng thế! - Anh Tư ơi, sao anh cười khúc khích hoài thế, anh đang nghĩ tới cô nào đúng không? Cô hàng xóm cũng ra bến thật sớm với thau đồ giặt trên tay. - Cô Xuân giặt đồ sớm thế! Không biết đó là câu chào hay lời khen, Xuân thẹn thùng nghiêng mái tóc giấu một cái nhìn e thẹn. - Em dậy sớm ra canh con nước mà đã bị anh gánh hết rồi kia kìa! Có hôm, người ra bến nước sớm không phải cô Xuân, mà ông hai Trơn. Ông cất tiếng ồm ồm gọi: - Này Tư ơi! - Dạ, chú ra sớm thế? - Bây coi có mối nào được được tao gả con Xuân cho nha! Chứ bây ngó nó riết mai mốt nó ế tao bắt đền à! Chú Tư nghiêng mặt xuống dòng nước. Mặt trời hắt nắng sớm làm mặt chú đỏ bừng soi xuống bến xuân. Gánh nước trên vai như nhẹ hơn và đôi chân thoăn thoắt hơn. Lòng chú đang đi trong mây. Ba cô Xuân ưng bụng chú Tư nhà tôi lắm. Không biết có phải vì thế không, mà thỉnh thoảng ông vẫn cho chúng tôi bánh. Khi chú tưới xong cho mấy đám ruộng hàng la ghim, chú gánh đôi thùng vào trước ngõ thì chúng tôi cũng vừa chuẩn bị xong cặp sách áo quần. Chú lấy xe đạp chở anh em tôi đi học. Chúng tôi quấn quýt bên chú đã thành thói quen, không phải chỉ để giành trái ổi trái me, mà còn giành phần thưa kiện mỗi ngày.
2. Người ta ập đến nhà cô Xuân. Nghe nói mẹ cô trốn biệt. Hàng xóm xôn xao: - Bà Hai Trơn vay nặng lãi của bọn xã hội đen. Nghe nói số tiền lên cả vài trăm triệu. - Bà ấy đánh bài, thiếu tiền người ta, giang hồ vào đòi chém - Bà ấy ghi đề vỡ nợ bỏ trốn… Từ hôm ấy, cô Xuân không thấy ra bến nước vào sáng sớm nữa. Hoa bằng lăng rụng đầy con suối cũng không ai thèm nhặt để cài lên tóc. Cũng chẳng ai lội suối bẻ những nhành hoa dại trao cho cô với nụ cười rạng rỡ. Cô đi lấy chồng. Người Hàn Quốc. Đám cưới thật to, chỉ có thiếu một người… Bến nước từ ngày ấy vắng tiếng khúc khích, vắng ánh mắt ai dịu dàng hắt bóng rồi chao lệch qua bờ bên kia như gửi gắm bao tình yêu cũng trong như dòng nước suối. Bến nước không còn bước chân to bè và chắc nịch. Chú Tư đi bộ đội. Lũ chúng tôi cũng thôi không đi rình đôi trai gái hẹn hò và cũng chẳng có ai hối lộ những trái me quả ổi để được bình yên. Ngày tiếng pháo nổ bên bến xuân, bằng lăng rụng tím ngắt nương theo dòng suối mà trôi xa, xa mãi… như gửi gắm bao thương nhớ. Một ngôi nhà mái thái xanh ngắt vừa xây xong, có cổng rào bao xung quanh trắng muốt, có hàng thông cảnh thẳng tắp, có bộ bàn ghế đá mát lạnh. - Chà, nhà thím Hai đẹp quá heng! - Dạ nhờ cháu Xuân gửi tiền về cho chứ vợ chồng tui sao làm được! Hàng xóm tấm tắc khen. Cũng có người dè chừng mà rằng: - Lấy chồng nước ngoài như con Xuân vậy khổ lắm. Nó gọi điện về tâm sự với bé Mai nhà tôi. Qua bên đó người ta coi mình như người ở thôi. - Thì cũng đúng, người ta bỏ tiền ra mua về mà! - Vậy mà bà Hai Trơn cứ vênh vênh cái mặt như kiểu con mình du học vậy đó. - Thôi kệ người ta, miễn là người ta có tiền là được bà ơi! Bà muốn giàu thì gả con bé Mai luôn đi. Xóm mình giờ đầy người lấy chồng nước ngoài theo mai mối đó! - Tôi thà chết đói còn hơn…
3. Chú Tư đi bộ đội được khen thưởng. Nghe nói chú được gửi danh sách về huyện về xã, cả xóm được thơm lây. Ngày chú về thăm nhà, lũ cháu lích nhích nay lớn xổng quá đầu người. Chú kể chuyện ba tháng quân trường đầy gian khổ, chuyện những ngày hành quân lên những vùng cao giúp đồng bào chống sạt lở, chuyện những anh em đồng đội đã đoàn kết yêu thương nhau vượt qua khó khăn khi cả nhóm bị cô lập trong vùng sạt lở. Chúng tôi há hóc mồm nuốt từng lời chú như nghe chuyện trên đài. Chú dừng lại nhìn ra bến nước và hỏi: - Cô Xuân có về không? - Dạ, có ạ! Ánh mắt chú sáng lên rồi chùng xuống. Bé Lượm nhanh nhảu hỏi: - Sao chú không kể cho bọn cháu biết sao mắt chú lại sâu hơn và buồn hơn xưa nhiều thế ạ! Hôm chúng tôi chơi trốn tìm vào đêm trăng, thấy chú Tư ngồi bất động bên con nước. Bóng chú in một nét lặng phắc như ai đã cầm cây cọ mà vẽ ngang. Mấy năm nay xóm làng đã có điện, không ai còn gánh nước tưới rau nữa, không ai ra bến giặt đồ hay gánh nước. Bến nay rêu đóng dày thành thảm xanh như đóng băng một cuộc tình. - Tư đó à! - Dạ, chú Hai khỏe không ạ! Chú Hai Trơn không trả lời mà quay sang bảo vợ: - Bà lấy cho tôi bình trà. Con về khi nào đó Tư? - Dạ, con về hai hôm rồi ạ! - Dạo này trông bây vạm vỡ chững chạc quá nhỉ! Bao giờ bây đi? - Con về mai thì đi lại ạ! Chú Tư nhìn quanh nhà. Ngôi nhà khang trang, sạch sẽ quá. Trên tường nhà, tấm hình cưới của cô Xuân với chú rể già hơn cô cả chục tuổi đập vào mắt chú. Một luồng khí lạnh cứa qua tim rồi tan ra dọc sống lưng. Luồng điện không là dao mà làm rỉ máu, không là muối mà xót cả lòng người. Chú Tư muốn quay mặt đi mà mắt không rời được. Ông hai như nhìn ra tâm trạng của chàng rể hụt, ông lên tiếng phân minh: - Nhà tao may nhờ con Xuân cứu giúp, chứ không giờ vào tù ở rồi con ạ! Ông đứng lên vỗ vào vai chú Tư: - Con Xuân không có phước để được lấy chồng gần cha mẹ. Nó bên đó một thân một mình cũng tội lắm. Thôi số kiếp biết sao được bây nhỉ! Khi nào bây lấy vợ? Chú Tư cười xa xăm: - Dạ con cũng chưa biết chú ạ! Chú Tư đi được hơn tuần thì cô Xuân về. Cả xóm xúm xít lại như để nghe ngóng, như dòm ngó…. Khác với lần trước, lần này cả nhà đóng cửa im ỉm. Thím tám kề bên đã ghé nhà tôi kể oang oang: - Nó bỏ chồng rồi. À, mà chồng nó bỏ nó cũng có thể. Nghe đâu vì không có con! - Đã gần năm năm chưa nhỉ? Mẹ tôi hỏi. - Mới gần 3 năm thôi. Mà nay con nhỏ trong tàn lắm, không như lần trước. - Chắc bị đánh đập hành hạ lắm nó mới bỏ về chứ không nên. - Cho đáng của. Ham giàu… Cô Xuân về lại bến. Bến nhộn nhịp trở lại với từng bước chân lên xuống. Những sớm tinh sương, cô Xuân cứ bê một thau nào dép guốc, nào bao bị … ra bến. Nhưng rồi cô lại ngồi thẫn thờ cho đến mặt trời lên cao hay có ai đó đi ngang qua cô mới quay trở vào. Những đêm trăng thanh vắng, cô ngồi nghe tiếng nước róc rách mà không rõ tiếng lòng hay tiếng lệ rơi. Nhớ lời cô Mai nói hồi chiều mà cô Xuân thêm ngấn lệ: - Chắc ra năm tao lấy chồng Xuân ạ! - Ừ, mày lấy ai? - Thì anh Tư đó. Mẹ anh nói với tao. - Rồi anh Tư nói sao? - Anh cứ lơ đi, anh có nói yêu tao bao giờ đâu. Mà kệ, tao thương ảnh là được. Cô Xuân biết chú Tư yêu ai. Cô biết lòng mình cũng không nguôi nỗi nhớ và cô cũng biết vì sao mình không thể sống tiếp trong cuộc hôn nhân nơi đất khách quê người. Nhưng làm sao cô dám mở lòng đón nhận tình yêu của một chàng lính áo xanh ưu việt như thế. Cô thấy mình không xứng. Cô muốn bỏ đi thật xa cho anh lấy vợ. Nhưng sao lòng không thể. Tình yêu như con quái vật vô hình, không phải lý trí muốn gì mà được. Đôi khi nó yên ả như dòng nước mùa xuân hiền hòa xanh mát, đôi khi gào thét như nước lũ tràn về. Nhớ lần gặp nhau sau thời gian dài cách biệt chú Tư đã nói với cô: - Tháng nữa là anh xuất ngũ, anh lại về bến xưa. Chúng mình lại như xưa được không em? Cô Xuân ôm mặt khóc. Cô biết mẹ anh không bao giờ đồng ý. Cô biết mình không thể đến với anh được nhưng không đủ can đảm để rời xa. Ngày chú về, cô đã đi thành phố. Nghe nói cô Xuân làm công nhân nhà máy. Cô Mai cũng đã đi lấy chồng nên bà tôi chẳng hối thúc chú nữa. Chú Tư làm thợ điện cho một công trình xây dựng trong huyện. Những đêm trăng vàng dát bến, chú lặng lẽ đốt từng điếu thuốc đếm thời gian qua với từng mùa bằng lăng kết hạt.
4. Một ngày hạ trời mưa xối xả, bác xe ôm hớt hải chạy vào nhà tôi: - Bà Bảy ơi! Thằng Tư bị tai nạn ngoài kia, bà lên xe tui chở ra ngay! Bà tôi chỉ kịp với tay lấy cái áo và cái giỏ rồi khuất vào ngõ. Chị em tôi ngồi ở nhà ngóng tin mà lòng cũng như lửa đốt. Cả xóm đến hỏi thăm. Bà tôi khóc nhiều lắm. Bà nói với hàng xóm rằng: - Biết vậy tôi không ngăn cấm tụi nó yêu nhau! - Ừ, nó thương ai bà cho cưới đi thì được. - Nhưng giờ nó không biết sống chết ra sao, Tư ơi là Tư… Bà tôi than thở chán rồi lại trách móc cả cái số kiếp hẩm hiu của mình. Bà mong có con dâu cho mở mày mở mặt với thiên hạ. Chứ cô Xuân dù sao cũng mang tiếng một đời chồng. Hôm trước, bà tôi qua nói chuyện với bà Hai Trơn và nhất quyết không cho cô Xuân quen với chú nhà tôi. Có lẽ vì cô buồn quá nên bỏ nhà lên phố thì phải. Rồi bà tôi quay sang bà Hai mà rằng: - Bà Hai à! Thằng Tư nếu có mệnh hệ nào thì tôi không sống nổi bà ạ. Hay bà điện cho con Xuân biết để nó về thăm. Biết đâu gặp con Xuân thằng Tư tỉnh lại thì sao? Mọi người ai cũng cho chí phải. Trưa hôm sau, cô Xuân bẽn lẽn đứng bên suối nhìn qua. Cô như muốn lội qua suối rồi lại quay trở vô. Từ đó, bóng cô gái tóc dài cứ qua lại đôi bờ làm cho đám rêu không còn nơi đeo bám. Cô về làm công ty gần nhà. Ngày đi làm còn chiều tối lại vô chăm chú cùng bà. Không biết có phải vì thế mà chú Tư đã nhanh chóng bình phục. Sau gần 3 tháng nằm viện, chú Tư đã về nhà. Chú gầy mà trắng hơn xưa. Đám trẻ chúng tôi ùa tới ôm chầm lấy chú mà réo gọi. Vai và cánh tay chú vẫn còn băng bột trắng toát. Nghe bà nói chú may mắn còn giữ được cánh tay. Tuy nhiên, ánh mắt và nụ cười của chú luôn rạng ngời. Sáng nay, bến nước lại rộn ràng tấp nập. Chú ngồi bên này bờ nhìn sang bờ bên kia mà líu lo hát. Cô Xuân giặt đồ sao mà lâu đến thế. Đám lau đã trổ hoa trắng đôi bờ. Lục bình không còn trôi tím ngắt nỗi nhớ nữa. Dòng nước mùa xuân trong mà mát đến lạ thường. Gió hắt những hạt nước li ti phả vào da thịt của thiếu nữ và phả cả vào hàng bạch đàn hai bên bờ. Chú Tư bất chợt gọi: - Xuân ơi! - Dạ. - Ai gọi em đâu mà lên tiếng. Anh gọi mùa xuân về mà! - Nay dám chọc em ha! Cho anh biết tay nè! Cô hắt những hạt nước bắn lên không trung rồi rơi trong tiếng cười rộn rã. Phải chăng bến xuân của lòng người đang trỗi dậy thắm thiết? Phải chăng mùa xuân đang về!
5. Tôi trở về quê giữa mùa xuân đang chín. Con đường nhỏ vào nhà vẫn men theo bờ suối uốn lượn nhưng nay đã đổ bê tông sạch sẽ. Hàng bạch đàn bên suối nay thành cổ thụ. Cây bằng lăng tỏa bóng mát phủ xuống cả bến nước. Bến được bắc một cây cầu nhỏ nối đôi bờ yêu thương. Chú Tư vừa sửa lại giàn mướp ở đám ruộng trước nhà vừa nói vọng xuống bến: - Chà, Tết xong là giàn mướp này trổ hoa vàng cả bến cho coi. Mấy nụ này mà cho trái thì phải biết! Tiếng thím Xuân vọng lên từ bến: - Ông nghỉ ngơi đi, cứ tối ngày quanh quẩn với đám ruộng không mệt à! Chú nhà mày ấy, cứ luôn tay luôn chân. Chú Tư cười khềnh khệch: - Tôi làm để trốn việc nhà chứ! Không bà lại sai tôi nấu cơm rửa chén thì sao? - Cái ông này! Nói không sợ cháu nó cười cho à! Bao năm trôi qua mà tình yêu của chú thím vẫn bền chặt. Nhìn chú thím quây quần bên nhau như đôi chim câu mà lòng tôi cũng dấy lên niềm hạnh phúc. Trong giây phút ấy, tôi tưởng mình đã quên hết mọi vất vả cuộc đời. Những bon chen chốn thị thành, những ồn ào xe cộ, những mánh khóe mưu sinh, những cãi vã hơn thua đã tan biến cả. Về với quê nhà, về lại bến xuân, trải lòng với thiên nhiên thân thuộc, lòng tôi rộn rã khúc hát xuân. Bởi thế mới hiểu, hạnh phúc đôi khi thật giản dị, đó là được về nơi trong vắt tiếng cười, về nơi bến đợi bến chờ, về với bến xuân của lòng người, về với chốn bình yên! Đâu đó, nhà ai vang lên khúc hát rộn ràng “ Xuân ơi xuân xuân đã về…!” .
Truyện ngắn Hạc Nha