Sông Đồng Nai là huyết mạch quan trọng trong lịch sử phát triển của vùng Biên Hòa. Đoạn chảy qua Biên Hòa từng có tên là Sông Phố thật thơ mộng nhưng ít ai biết tên gọi bắt đầu từ đâu.
Sông Đồng Nai là huyết mạch quan trọng trong lịch sử phát triển của vùng Biên Hòa. Đoạn chảy qua Biên Hòa từng có tên là Sông Phố thật thơ mộng nhưng ít ai biết tên gọi bắt đầu từ đâu.
Đua thuyền trên sông Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn An |
Sông Phố còn được gọi tên cho bùng binh trước Tòa bố Biên Hòa xưa, nay là trụ sở làm việc của Khối các cơ quan nhà nước tỉnh Đồng Nai với kiến trúc hiện đại.
* Gắn liền với lịch sử Đồng Nai
Với địa thế của vùng đất ven sông, có cù lao hình thù như quả chuông treo ngược giữa sông nối phía hạ và thượng của dòng chảy Đồng Nai, Biên Hòa từng có một thương cảng khá sầm uất cách đây gần 3 thế kỷ: Nông Nại đại phố. Thương cảng này được đề cập trong sử sách với những dãy phố liền lạc, đường ngang dọc lát đá, nơi tụ hội của buôn bán, trao đổi hàng hóa. Dù có những lúc tưởng chừng hoang tàn khi các thế lực tranh giành vùng đất này, tính chất đầu não hành chính, thương mại của Biên Hòa được phát huy khi triều Nguyễn làm chủ, xây dựng công sở, chợ… Biên Hòa có tòa bố, có thành trì là trung tâm của một tỉnh rộng lớn trong lục tỉnh Nam kỳ mà địa giới của nó bao gồm những tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam bộ hiện nay.
Khi Pháp đánh chiếm và đặt sự quản lý, Biên Hòa tiếp tục được lựa chọn và ưu tiên đầu tư xây dựng hàng loạt cơ sở vật chất trong chính sách đẩy mạnh khai thác thuộc địa. Người Pháp cho rằng, đoạn sông chảy qua Biên Hòa là “hồ nước rộng” quý giá. Có lẽ quan niệm như thế mà chính quyền xây dựng ven sông những công trình mang tính thưởng lãm cùng với các biệt thự mang phong cách châu Âu trầm mặc hướng ra sông.
Hình ảnh Biên Hòa xưa có vườn cây xanh trước tòa bố, dinh tỉnh trưởng cùng như Cầu Mát nhô ra sông ở trung tâm Biên Hòa là điểm xuyến cho cảnh quan của phố ven sông. Khu chợ Biên Hòa với bến thuyền, đường bộ và nhiều ki-ốt có tính chất thương mại những có kiến trúc bát giác lợp ngói mềm mại, hài hòa trong môi trường xung quanh. Từ bờ sông, có những con đường hướng về phía trên của các khu phố. Một nhà nghiên cứu cho rằng, ven sông ở phố Biên Hòa, người Pháp không xây những công trình đồ sộ bởi họ muốn cảnh quan không chỉ thơ mộng mà còn trong lành của khí mát từ nguồn nước. Buổi chiều, khi những ánh nắng nóng chiếu xuống sông từ hướng tây, lượng hơi nước bốc hơi, theo gió tỏa ra các cung đường lan rộng khắp phố phường.
Phố Biên Hòa qua nhiều giai đoạn đã mở rộng cả phạm vi địa giới và nhiều công trình kiên cố, hiện đại được xây dựng. Đó là quy luật phát triển chung về đô thị hóa. Nội đô của Biên Hòa vẫn lấy trục ven Sông Phố làm trung tâm và mở rộng ra hai hướng, cả bên kia bờ vốn là làng nghề gốm - từng được chia theo địa giới của tỉnh, thành khác trước năm 1975. Điều quan trọng là con đường ven hai bờ sông vẫn còn duy trì, có những đoạn được cải tạo với công viên thoáng đãng, xanh tươi và hiện đại.
Sông cứ chảy dù có bên bồi, bên lở xuyên suốt với thời gian. Dòng chảy làm cho đôi bờ nhiều lần biến động nhưng chắc chắn phố có sau sông và nhờ phố nên có tên gọi Sông Phố. Trên dòng sông này, những sự kiện trong những giai đoạn lịch sử bi hùng của vùng đất Đồng Nai đã diễn ra. Từ thế kỷ XIX, những chiếc tàu từ trời Âu vượt biển, ngược dòng Đồng Nai đã nã những phát đại bác vào nơi cửa tấn, đồn binh, thành trì của triều Nguyễn để rồi thành Biên Hòa thất thủ vào năm 1861. Trên đoạn sông này, cũng đã có những lần nổi sóng khi đất nước trong khói lửa chiến tranh. Những tàu chiến Pháp ngược dòng tấn công vào thành Biên Hòa, phá vỡ tuyến phòng thủ của quân triều đình nhà Nguyễn vào năm 1861.
* Sông giữa phố
Trước đây, trên khúc Sông Phố có Cồn Gáo với doi đất, cát trắng rất đẹp giữa sông, trên có nhiều cây xanh, đặc biệt là những cây gáo. Thế hệ cao niên ở Biên Hòa vẫn còn nhớ về hình ảnh của Cồn Gáo với một số nhà dân sinh sống, nhiều ghe cập theo, những lúc nước cạn, từ bờ có thể lội ra cồn thỏa thích vui chơi. Về sau này, Cồn Gáo đã bị dòng nước xói mòn và bị xóa sổ, mà thời gian chính xác ít ai còn nhớ.
Nơi sông qua Biên Hòa, gắn với những lần hội đua thuyền của người dân địa phương. Thời vua Minh Mạng từng cho tổ chức đua thuyền trên sông với sự tham dự của những người đàn ông khỏe mạnh, bền sức từ các làng trong vùng...
Hai bên bờ Sông Phố giờ cũng nhiều thay đổi với dáng vẻ của phố phường hiện đại. Dầu vậy, ở những nơi thiết chế tín ngưỡng, tôn giáo của cộng đồng hiện diện, vẫn còn đó mái đình xưa, chùa cổ và cổ thụ soi bóng nước. Đường bộ đã thay cho đường thủy, đi lại thuận lợi hơn nhưng vẫn còn đó những bến nước in vào tâm thức khó phai mờ. Nhìn từ phía Biên Hòa, bên kia sông vẫn có rạch Thủ Huồng, đình Mỹ Khánh (thờ danh tướng Nguyễn Tri Phương) và chùa cổ Long Thiền… Phía bên này với phố phường có đình Tân Lân (thờ Đức ông Trần Thượng Xuyên), Phụng Sơn tự và đình Bình Kính (thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh), Quan Thánh cổ miếu ở khu vực cù lao Phố…
Với nhịp sống thời công nghiệp và đô thị, ven sông đã hình thành những cây cầu quan trọng nối liền hai bờ. Cây cầu gỗ xưa từ Biên Hòa nối cù lao Phố cùng với bến tắm ngựa đã không còn. Hai chiếc cầu Rạch Cát, cầu Ghềnh được xây dựng từ đầu thế kỷ XX mang dấu ấn hiện đại của kỹ thuật phương Tây với mục đích phục vụ giao thông đường sắt. Một không gian được rộng mở hơn từ phố Biên Hòa vượt sông đến khu vực lân cận với các cây cầu Hiệp Hòa, Bửu Hòa, An Hảo được xây dựng sau này tạo nên một mạng lưới giao thông quan trọng được gắn kết nhau, thuận lợi cho cư dân và phát triển đô thị trên nhiều lĩnh vực.
Trước đây, người ta có thể gọi Biên Hòa là phố ven sông nhưng ngày nay đã khác. Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Biên Hòa đã trở thành sông giữa phố bởi các vùng lân cận được nâng lên đô thị: Dĩ An, Thuận An, Biên Hòa và đô thị hóa là xu thế tất yếu. Riêng với Biên Hòa, Biên Hòa đẹp và thơ mộng nhờ có sông và phố. Sông và phố gắn với nhau cả chiều dài lịch sử phát triển vùng đất Biên Hòa từ thời Trấn Biên đến Biên Hùng, Biên Hòa. Sông Phố và phố Biên Hòa thì mãi thì thầm với nhau, như hòa trong ký ức của nhiều thế hệ cư dân. Là huyết mạch đường thủy, có nguồn tài nguyên nước dồi dào, gắn liền với di sản của lịch sử, văn hóa. Chắc chắn, Sông Phố của Biên Hòa là một trong những yếu tố quan trọng để địa phương định hướng trong chiến lược phát triển đô thị, đẩy mạnh khai thác du lịch và bảo vệ môi trường sống, đem lại lợi ích chính đáng, thiết thực cho người dân xứ sở này.
Thời gian sau này, vào những dịp lễ, Tết, trên đoạn sông chảy qua Biên Hòa, có những lần đua thuyền được tổ chức thi đấu với sự tham gia của nhiều đội đua trong và ngoài tỉnh Đồng Nai. Một hoạt động thể thao ý nghĩa và nhắc nhớ về nét sinh hoạt của cư dân gắn với sông nước một thời. |
Đinh Huyền Dũng