Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên Hòa và hành trình trở thành thành phố thịnh vượng

11:01, 15/01/2023

Biên Hòa, đô thị với tuổi đời hàng trăm năm giờ đây đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một thành phố thịnh vượng, hiện đại và đáng sống.

Biên Hòa, đô thị với tuổi đời hàng trăm năm giờ đây đã và đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ để trở thành một thành phố thịnh vượng, hiện đại và đáng sống.

Sông Đồng Nai là trục cảnh quan chính của đô thị Biên Hòa trong tương lai
Sông Đồng Nai là trục cảnh quan chính của đô thị Biên Hòa trong tương lai. Ảnh: P.Tùng

* Kiến tạo diện mạo đô thị mới

Được thành lập từ năm 1963, Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 (tên gọi trước đây là Khu kỹ nghệ Biên Hòa) là KCN đầu tiên và lâu đời nhất cả nước. Đây chính là biểu tượng của ngành công nghiệp miền Nam sau giải phóng, là “hình mẫu”, tạo tiền đề cho sự hình thành, phát triển mô hình các KCN trên cả nước về sau.

Riêng với TP.Biên Hòa, sau KCN Biên Hòa 1, đô thị này còn “chào đón” thêm 5 KCN mới, đưa Biên Hòa trở thành một trong những đô thị “sở hữu” nhiều KCN nhất trên cả nước. Biên Hòa từ đó cũng được mệnh danh là một đô thị công nghiệp.

Sự phát triển mạnh về công nghiệp trong một thời gian dài đã mang lại sự phát triển vượt bậc cho đô thị Biên Hòa. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển mạnh về công nghiệp, đô thị Biên Hòa phải đối mặt với những áp lực đến từ tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số nhanh. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến cho Biên Hòa bị “hụt hơi” trong quá trình phát triển đô thị.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay, mục tiêu của Đồng Nai là phát triển cù lao Hiệp Hòa trở thành khu đô thị xanh, đẹp, thơ mộng.

Cũng bởi nguyên nhân này nên để làm mới diện mạo đô thị, đưa Biên Hòa trở thành một đô thị thịnh vượng và đáng sống, việc “xoay trục” phát triển từ một đô thị công nghiệp trở thành một đô thị dịch vụ là mô hình được lựa chọn.

TS-KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cho rằng việc chuyển đổi mô hình phát triển từ đô thị công nghiệp sang đô thị thương mại, dịch vụ đối với đô thị Biên Hòa là hoàn toàn khả thi. “Vấn đề là chúng ta cần quy hoạch lại cho hợp lý. Chúng ta chú ý là thương mại dịch vụ cần được hiểu theo một quan điểm mới. Thương mại dịch vụ không phải hiểu đơn thuần là các khu dân dụng, các trung tâm thương mại, mua sắm, dịch vụ… mà ngay bản thân các KCN cũng cần được tính toán đến yếu tố thương mại, dịch vụ. Nó nằm ngay trong các hệ thống phát triển công nghiệp. Từ đó, bằng cách rà soát, quy hoạch lại để chúng ta vừa giữ vững được phát triển công nghiệp vừa phát triển thương mại, dịch vụ”-
TS-KTS Phan Đăng Sơn chia sẻ.

“Bắt đầu từ nơi khởi đầu”, KCN Biên Hòa 1 chính là điểm đến được lựa chọn để thực hiện công cuộc chuyển đổi mô hình phát triển cho đô thị Biên Hòa. Năm 2008, Đồng Nai đề xuất lên Chính phủ thực hiện chuyển đổi công năng của KCN Biên Hòa 1. Một năm sau, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ.

Năm 2021, KCN Biên Hòa 1 chính thức được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam. Đây cũng chính là cơ sở pháp lý để Đồng Nai tiếp tục triển khai các công việc để chấm dứt hoạt động của KCN lâu đời nhất cả nước, “mở đường” phát triển khu vực này thành một khu đô thị dịch vụ.

Kiến trúc sư Lý Thành Phương, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh cho rằng, việc chuyển đổi KCN Biên Hòa 1 từ một KCN thành một khu đô thị - dịch vụ - thương mại là điều rất tốt và thuận lợi. Bởi khu vực này có địa hình và vị trí rất đẹp, vừa nằm dọc sông vừa tiếp giao với đường giao thông lớn. Ngoài ra, KCN Biên Hòa 1 tiếp giáp với các khu dân cư hiện hữu nên đóng vai trò rất tốt trong việc tạo điểm nhấn cho không gian độ thị Biên Hòa. “Nếu tỉnh thực hiện di dời trung tâm hành chính ra khu vực KCN Biên Hòa 1 thì khu vực này đáp ứng đầy đủ các điều kiện để xây dựng một không gian đô thị mới hiện đại, có không gian cảnh quan và kiến trúc đô thị phong phú, đa dạng” - ông Lý Thành Phương cho biết.

* Hướng đến đô thị ven sông Đồng Nai

Trong quy hoạch phát triển đô thị Biên Hòa, với mô hình đô thị dịch vụ được lựa chọn, sông Đồng Nai đóng một vai trò hết sức quan trọng. Với khoảng 4km chảy xuyên qua lòng đô thị, sông Đồng Nai được xác định sẽ là trục cảnh quan chính của đô thị Biên Hòa trong tương lai.

Để định hình TP.Biên Hòa trở thành đô thị ven sông, thời gian qua, Đồng Nai đã rà soát và triển khai hàng loạt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, chỉnh trang đô thị ở cả 2 bờ sông Đồng Nai.

Đường Võ Thị Sáu sau khi được chỉnh trang đã trở thành một trong những tuyến phố khang trang, hiện đại của đô thị Biên Hòa
Đường Võ Thị Sáu sau khi được chỉnh trang đã trở thành một trong những tuyến phố khang trang, hiện đại của đô thị Biên Hòa

Cuối năm 2021, dự án đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh H.Vĩnh Cửu chính thức được khởi công xây dựng. Với tuyến đường và hệ thống công viên dọc sông, dự án khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ toạ ra sự thay đổi lớn về diện mạo cho đô thị Biên Hòa. Cùng với dự án này, hàng loạt dự án khác dọc 2 bờ sông Đồng Nai sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Với các dự án đang và sẽ được triển khai thực hiện, dáng hình của một đô thị ven sông cũng sẽ dần hình thành. Bên cạnh các dự án nói trên, một dự án khác cũng rất được chờ đợi trong hành trình đưa Biên Hòa trở thành một đô thị ven sông Đồng Nai là việc triển khai thực hiện quy hoạch Cù lao Hiệp Hòa.

Cù lao Hiệp Hòa không chỉ nổi tiếng với vị trí đắc địa, mà còn nổi tiếng với những giá trị văn hóa, lịch sử, tôn giáo hiện đang được lưu giữ gắn liền với hành trình mở cõi phương Nam của dân tộc ta. Cù lao Hiệp Hòa vì vậy là nơi mang “hồn cốt” của cả dải đất phương Nam nói chung và vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai nói riêng.

Với những giá trị và tiềm năng đó, cù lao Hiệp Hòa luôn được Đồng Nai đặc biệt quan tâm trong quá trình phát triển với mục tiêu biến nơi đây thành khu vực điểm nhấn của TP.Biên Hòa, đô thị trung tâm của tỉnh.

Chính vì vậy, trong quy hoạch, phân khu A4 P.Hiệp Hòa được xác định là phân khu thành phần trong khu đô thị trung tâm lịch sử, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện mục tiêu về văn hóa, lịch sử, cảnh quan, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của đô thị Biên Hòa. Khai thác các giá trị lịch sử văn hóa 325 năm của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai kết hợp bảo tồn mảng xanh lớn tạo ra “lá phổi xanh” của thành phố. Đồng thời, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan và tạo dựng hình ảnh mới của cù lao Phố mang tính biểu tượng của thành phố văn hóa. Đây cũng là một phần trong chuỗi các khu vực cảnh quan ven sông Đồng Nai.    

Phạm Tùng

Tin xem nhiều