Quần thể di tích lịch sử - văn hóa khá đa dạng, thuộc hạng nhiều nhất ở miền Nam đã góp phần làm nên không gian văn hóa đặc trưng của vùng đất cù lao Phố với đầy đủ nét trầm mặc, cổ kính, ẩn trong một đô thị Biên Hòa sôi động.
Quần thể di tích lịch sử - văn hóa khá đa dạng, thuộc hạng nhiều nhất ở miền Nam đã góp phần làm nên không gian văn hóa đặc trưng của vùng đất cù lao Phố với đầy đủ nét trầm mặc, cổ kính, ẩn trong một đô thị Biên Hòa sôi động.
Một góc Mỹ Ngôn - Nhật Hạkhông gian P.Hiệp Hòa ngày nay |
Để di tích hòa nhịp với cuộc sống đương đại
Trên thực tế, những vết tích về một thời hoàng kim, thương cảng sầm uất hay phố xưa nhà cũ đã không còn tồn tại ở cù lao Phố hiện nay song những di tích văn hóa - lịch sử tại đây vẫn lưu trong mình những ký ức của thời gian, tiếng vọng từ quá khứ, đáng để tìm hiểu và trân trọng. Đó cũng là hồn cốt văn hóa, những nét xưa ít ỏi còn sót lại cùng cái tên cù lao Phố.
Hình ảnh một cù lao trầm tư, cổ kính với những mái ngói nhuốm màu rêu phong của đình, miếu, chùa… giữa nhịp sống hiện đại hối hả… sẽ luôn là điều thu hút đối với du khách thập phương. |
Tuy còn lại khá nhiều di tích văn hóa - lịch sử từ đình, chùa, miếu, võ đến các lễ hội dân gian; đồng thời lãnh đạo tỉnh và các ngành chức năng luôn quan tâm trùng tu, tôn tạo thường xuyên song vẫn chưa nhiều các di tích tại cù lao Phố có thể hòa nhịp cùng cuộc sống đương đại; một số di tích vẫn được chưa phát huy được giá trị văn hóa như mong đợi; chưa thu hút được nhiều người, nhất là thế hệ trẻ ghé thăm, tìm hiểu. Đó là chưa kể nhiều di tích trong cảnh “cửa đóng then cài”, chỉ mở cửa vào các dịp lễ, hội trong năm… Ở cù lao Phố hiện có chùa Ông thu hút được đông đảo người dân trong trong tỉnh và khách thập phương đến chiêm bái quanh năm, đặc biệt lễ hội (có giá trị kết nối cộng đồng) của chùa đã tạo được sức hút.
Để di tích có thể “sống” thật sự, thiết nghĩ không chỉ quan tâm trùng tu, tôn tạo “phần cứng” về cảnh quan, kiến trúc mà còn cần lưu giữ phần hồn, gắn kết với cộng đồng dân cư. Bên cạnh công tác quản lý, trùng tu, tôn tạo thì các hoạt động sinh hoạt cộng đồng cần gắn với di tích để chính người dân cảm nhận được giá trị từ đó chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di tích.
Giữ gìn không gian văn hóa - lịch sử có “một không hai”
Việc lan tỏa các giá trị di tích không thể bỏ qua việc khai thác những tích, câu chuyện lịch sử gắn liền với di tích đó để thu hút sự quan tâm tìm hiểu của cộng đồng và nâng tầm giá trị của chính di tích đó.
Theo chị Kiều Mỹ (P.Hiệp Hòa): “Việc khai thác giá trị văn hóa của di tích nên kết hợp với du lịch. Tôi đã đi du lịch nhiều nơi và thấy các nơi họ làm tốt vấn đề truyền thông, quảng bá về vùng đất - con người địa phương - các giá trị văn hóa đặc sắc… một cách thường xuyên thông qua các kênh truyền thông truyền thống cũng như mạng xã hội. Điều đó thôi thúc tôi, gia đình, bạn bè đến tìm hiểu, tham quan sản phẩm du lịch của họ. Liên hệ về cù lao Phố, chúng ta có thể thiết kế các tour du lịch như: Một ngày ở cù lao, tour du lịch tàu hỏa, du lịch đường sông… Tất nhiên, cần phải thực sự làm tốt việc khai thác các giá trị văn hóa thì việc thu hút khách mới đạt hiệu quả”.
Là người dân sinh sống tại P.Hiệp Hòa, chị Hồng Nhung cho hay chị rất tự hào vì sống ở vùng đất cù lao. Bên cạnh vui mừng cùng sự phát triển kinh tế - xã hội, giao thông thuận lợi không ngừng của địa phương những năm gần đây, chị còn yêu vùng đất này bởi sự yên bình, bề dày văn hóa - lịch sử. “Điều tôi cũng như nhiều người dân quan tâm nhất hiện nay là quy hoạch địa phương làm sao cho đồng bộ, hài hòa, đặc biệt là có thể giữ gìn và phát huy hơn nữa không gian văn hóa quý giá, có một không hai của địa phương” - chị Hồng Nhung cho biết.
Thực tế, trong chiến lược phát triển, tỉnh luôn quan tâm và định hướng phát triển P.Hiệp Hòa trở thành một điểm nhấn xây dựng hình ảnh của của đô thị loại I TP.Biên Hòa. Từ năm 2021, UBND tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 phân khu A4 P.Hiệp Hòa theo quy hoạch chung TP.Biên Hòa. Theo quy hoạch, P.Hiệp Hòa - cù lao Phố có vai trò đặc biệt quan trọng trong thực hiện mục tiêu về văn hóa, lịch sử, cảnh quan, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu của đô thị Biên Hòa. Khai thác các giá trị lịch sử văn hóa 325 năm của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai kết hợp bảo tồn mảng xanh lớn tạo ra “lá phổi xanh” của thành phố. Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan và tạo dựng hình ảnh mới của “cù lao Phố” mang tính biểu tượng của thành phố văn hóa…
Câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị các di tích không mới nhưng vẫn còn đó những trăn trở, đặc biệt là ở cù lao Phố - nơi chứa đựng những giá trị văn hóa - lịch sử từ thời mở cõi phương Nam. Giá trị di tích cần đặt trong tổng thể không gian văn hóa của cù lao Phố ngày nay, gắn với quy hoạch kiến trúc và định hướng phát triển để các di tích không bị “trật” nhịp với đời sống đương đại.
M.N - N.H