Mỗi người thường chọn cho mình những nơi chốn đi về. Với tôi, mảnh đất Đồng Nai đã là một nơi như thế. Không chỉ là mong muốn khám phá lịch sử, văn hóa của xứ Đồng Nai, mà còn đọng lại ở đó những tình đất, tình người qua mỗi chuyến đi…
Mỗi người thường chọn cho mình những nơi chốn đi về. Với tôi, mảnh đất Đồng Nai đã là một nơi như thế. Không chỉ là mong muốn khám phá lịch sử, văn hóa của xứ Đồng Nai, mà còn đọng lại ở đó những tình đất, tình người qua mỗi chuyến đi…
Văn miếu Trấn Biên. Ảnh: Lâm Cón |
Nhà tôi ở xã Phú Xuân (nay là TT.Nhà Bè, TP.HCM), nằm kề con sông Nhà Bè nước lớn nước ròng mỗi ngày, nên từ lâu cứ thắc mắc mãi không thôi về sự tích con sông với nhân vật huyền thoại Thủ Huồng của xứ Đồng Nai - Gia Định.
Thế là tôi “ngược dòng” sông Nhà Bè, để tìm về xứ Biên Hùng, phần nào thỏa mãn khát khao đó. Khoảng năm 2001, anh Phan Đình Dũng còn làm ở Bảo tàng Đồng Nai đã đưa tôi đi gặp chú Hoàng Thơ trong khu vườn ở Lân Thị, người nhiều năm âm thầm nghiên cứu về Đồng Nai. Tôi đã hỏi chú về chuyện Thủ Huồng, cù lao Phố...
Làng bưởi Tân Triều. Ảnh: Lâm Cón |
Năm 2013, tôi có dịp trở lại Biên Hòa để tham dự hội thảo Giáo dục và truyền thông với việc phát huy văn hóa dân gian Đông Nam bộ do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai và Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp tổ chức. Sau hội thảo là chuyến tham quan đầy thú vị. Một cảm giác phiêu bồng, khó tả, của buổi chiều lữ thứ, khi ngồi trên mui thuyền giữa bốn bề lộng gió, lướt giữa những làn nước ngọt trong xanh, xung quanh là màu xanh ngút ngàn của cây rừng của hồ Trị An. Không có dịp đi sâu vào Chiến khu Đ với những địa danh một thời lừng lẫy trong kháng chiến nhưng qua những truyện đường rừng đầu tiên của một nhà văn miền Nam Lý Văn Sâm cũng giúp tôi hình dung phần nào về quá khứ hào hùng của những người chinh phục và bảo vệ vùng đất này trước những sơn lam chướng khí và kẻ thù hung bạo, của một “miền Đông gian lao mà anh dũng”.
Theo lời rủ rê của anh Lê Ngọc Quốc, mấy anh em, kẻ quen trước, người quen sau trên mạng xã hội, cả quen ngoài đời, từ TP.HCM rủ nhau làm một chuyến nhân dịp cúng đình Tân Giám ở cù lao Phố (TP.Biên Hòa). Tôi trở lại đây sau gần 30 năm của thời phong trào về nguồn những năm 1990, nên nhìn cái gì cũng thấy khác: đường nhựa láng o, không như đất đỏ thuở trước; cầu Ghềnh mới xây, dồn 2 lối đi của xe máy về 1 bên, màu sơn không còn “nguyên thủy”. Đình Tân Giám, đình Bình Tự, đình Bình Hòa, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh là những điểm đến của chúng tôi.
Thất Phủ cổ miếu (chùa Ông) và đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh nằm bên bờ sông Đồng Nai cũng là những điểm dừng chân của đoàn. Lò gốm cổ Phong Sơn, đã qua 3 đời, nay đứng trước nguy cơ xóa sổ vì quy hoạch. Lò gốm có quy mô đến 10 ngàn m2, nằm ven sông Đồng Nai, sản xuất đến 500 mẫu hàng, xuất đi khắp các nước Âu - Á.
Đội mưa tầm tã từ Tân Vạn về đến Sài thành, nhưng lòng vẫn cứ vui vì thu hoạch được nhiều thứ. Lòng thầm cám ơn anh Lê Ngọc Quốc, Phan Tấn Lộc, những thổ công của đất Biên Hùng đã giúp chúng tôi hiểu thêm về những nét lịch sử, văn hóa của vùng đất này.
Những chuyến khám phá như thế, tôi biết được thế nào là “ế mao huyết” (chôn lông và huyết) - một nghi thức cổ trong lễ kỳ yên. Bàn thờ “Tiền hiền cẩm địa” là biểu hiện đẹp của truyền thống nhớ ơn người đã hiến đất cho đình. Nét đẹp của những pho tượng đất nung ở Thanh Lương cổ tự (P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa).
Chúng tôi tìm về đình Tân Lân (P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) lễ hội kỳ yên nhằm tưởng nhớ ngày mất của Trần Thượng Xuyên, người có công khai phá đất Đồng Nai - Gia Định. Sau lễ kỳ yên, lễ cúng nhập đàn ở đình là lễ thỉnh sắc Ông đi quanh các đường phố ở chợ Biên Hòa. Đám rước náo nhiệt, tưng bừng, đầy sắc màu, diễn ra khắp phố chợ, biểu hiện sinh động tâm thức về nguồn của cư dân đất Trấn Biên suốt mấy trăm năm qua.
Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, một cuộc hội ngộ lớn của những người làm văn hóa dân gian của đất phương Nam diễn ra vào năm 2017. Nhiều hoạt động đã diễn ra: liên hoan bóng rỗi - địa nàng, hội thảo về tín ngưỡng nữ thần và bóng rỗi, gặp gỡ hội viên ở phía Nam. Những giá trị văn hóa qua loại hình diễn xướng dân gian (bóng rỗi) đã “sống lại”, được nhìn nhận, dẹp bỏ những định kiến hẹp hòi của một thời tư duy ấu trĩ, xem đó là “mê tín dị đoan”. Cuốn sách Gieo hạt đất lành (1.500 trang), tập hợp bài của 82 hội viên như là một “tập đại thành” về văn hóa dân gian Nam bộ đã kịp ra mắt dịp này trong nhiều nỗ lực.
Lại có những chuyến đi cùng Lê Hoàng Quốc về miệt Nhơn Trạch qua phà Phước Khánh, tìm dấu vết những ngôi mộ cổ, đình Phú Mỹ, nhà vuông (Bến Cam, Bến Trầu, Phước Thiền).
Di tích Thành Kèn Biên Hòa. Ảnh: Trần Hữu Cường |
Năm 2022, chúng tôi có cuộc gặp thân mật của các tác giả và bạn bè tại Biên Hòa, nhân dịp cuốn sách Tây Ninh đất và người (NXB Thanh Niên, 2021) được tái bản. Có đến 4 tác giả ở Biên Hòa đã tích cực đóng góp bài vở cho cuốn sách này: chị Nguyễn Thị Nguyệt, chị Đinh Thị Hòa, anh Lê Quang Cần, anh Phan Đình Dũng. Anh Lê Ngọc Quốc, anh Đinh Kim Tuấn (Báo Đồng Nai) cũng ra chung vui với chúng tôi bên bờ sông Đồng Nai. Mặc dù không nói ra, nhưng chúng tôi đều thấy niềm vui trên khuôn mặt mỗi người, pha chút tự hào về địa phương.
Lần gần đây nhất là dịp họp mặt anh em văn nghệ dân Nam bộ ở căn nhà gỗ của anh Huỳnh Văn Tới. Bạn bè từ Đồng Tháp, Long An, Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM đã có dịp hội tụ về đây. Những ly rượu, món ăn dân dã, lời ca tiếng hát đã gắn kết mọi người với nhau. Ngủ lều qua đêm ngay trong căn nhà gỗ này cũng là một trải nghiệm thú vị. Chúng tôi được đi tham quan khu di tích Rừng Sác ở xã Phước An. Đi trên những chiếc tắc ráng, lướt trên sóng nước của sông rạch Nhơn Rạch, tôi hiểu thêm về vùng sinh thái này mà trước nay chỉ biết qua sách vở, sự gắn bó về tín ngưỡng dân gian của người dân nơi đây với xã đảo Thạnh An bên H.Cần Giờ. Hiểu được cái giá của độc lập khi viếng bia tưởng niệm 860 liệt sĩ Đoàn 10 Đặc công Rừng Sác.
Đồng Nai là mảnh đất chứa đựng nhiều nét lịch sử, văn hóa. Ở đó còn có những con người đôn hậu, cởi mở, giao hòa với dân tứ xứ trên con đường hòa nhập. Và chắc là nơi tôi sẽ không ngừng tìm về với những kỷ niệm đẹp trong bao nhiêu năm qua…
Có lúc chúng tôi đi miếu Bà Châu Đốc 3 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) trong khuôn viên chùa Long Phước trên ở cù lao, giữa dòng Đồng Nai. Nhìn qua bên kia là cù lao Bà Xê (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) và cù lao Vàm Chợ, tôi cứ miên man nghĩ về mối duyên của “Nhà Bè nước chảy chia hai”, sự gắn bó của hai vùng đất có chung dòng sông... |
Nguyễn Thanh Lợi