Với mong muốn phục dựng và làm mới các mẫu gốm thủ công Biên Hòa xưa, mang quá khứ đến gần hơn với thực tại, anh Mai Thanh Xin (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cùng các cộng sự đã chọn khởi nghiệp với Công ty Gốm Biên Hòa để cùng các cơ sở sản xuất gốm khác trong tỉnh duy trì dòng chảy gốm Biên Hòa trong đời sống hiện đại.
Với mong muốn phục dựng và làm mới các mẫu gốm thủ công Biên Hòa xưa, mang quá khứ đến gần hơn với thực tại, anh Mai Thanh Xin (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) cùng các cộng sự đã chọn khởi nghiệp với Công ty Gốm Biên Hòa để cùng các cơ sở sản xuất gốm khác trong tỉnh duy trì dòng chảy gốm Biên Hòa trong đời sống hiện đại.
Anh Mai Thanh Xin cùng cộng sự bên các sản phẩm của Công ty Gốm Biên Hòa |
Phục dựng gốm mỹ nghệ Biên Hòa
Vừa mang các sản phẩm gốm Biên Hòa triển lãm tại một sự kiện ở thủ đô Hà Nội, anh Xin cho biết, để gốm Biên Hòa được biết đến nhiều hơn anh đã không ngại mang sản phẩm của cơ sở tham dự các triển lãm, sự kiện mỹ thuật ở khắp các tỉnh, thành. Thông qua đó không chỉ là việc bán sản phẩm mà còn để nắm bắt thị hiếu, sự quan tâm của công chúng đối với sản phẩm gốm mỹ nghệ Biên Hòa.
Theo anh Xin, gốm Biên Hòa rất đa dạng kiểu dáng với nhiều chủng loại khác nhau như các loại đôn voi, đôn tròn hình rồng, đôn hoa mai, chóe, các loại bình hoa, đĩa trang trí, bình thú, chân đèn... Hoa văn trang trí cũng phong phú không kém từ hoa văn truyền thống của dân tộc đến những họa tiết riêng của vùng miền và nhiều họa tiết hiện đại khác.
Một số sản phẩm gốm Biên Hòa |
Trong những sản phẩm được ưa chuộng của cơ sở có bộ chóe 12 con giáp, đặc biệt là chóe mão phục vụ nhu cầu của người yêu gốm dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Không chỉ là vật dụng trang trí, sản phẩm còn là quà tặng cầu mong vạn sự cát tường, thịnh vượng, phú quý đến cho người sở hữu. Sự uyển chuyển, cao sang của hình ảnh chú mèo như ngụ ý cho đường công danh sự nghiệp sẽ luôn thuận lợi, thăng tiến.
Theo họa sĩ Nguyễn Văn Cường, “nhất dáng, nhì xương, tam men, tứ trí” là tiêu chí để đánh giá một sản phẩm gốm. Do đó, nghệ thuật tạo hình gốm đóng vai trò quan trọng, thể hiện sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân. Bên cạnh đó, kỹ thuật khắc chìm là một trong hai phương pháp đặc biệt nhất, tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ, độc đáo cho gốm Biên Hòa. Hiện xưởng sản xuất của gốm Biên Hòa tập hợp được nhiều nghệ nhân từ các làng gốm Tân Vạn, Tân Hạnh, Hóa An… và những người thợ có kinh nghiệm chấm men.
Tìm hướng đi cho gốm
Các sản phẩm gốm khi ra lò ngoài yêu cầu về kỹ thuật tạo hình còn phải đạt màu men truyền thống đặc trưng của gốm Biên Hòa cùng những sáng tạo, cải biến để phù hợp với thị hiếu người dùng. Trong đó men ngọc (xanh đồng) và men đá đỏ là hai màu giúp gốm Biên Hòa tách biệt với gốm sứ Pháp và gốm dân dụng của Tân Vạn và Lái Thiêu. Tuy nhiên theo các nghệ nhân gốm, các kỹ thuật men truyền thống như trắng tàu, đỏ đá và đặc biệt là men xanh trổ đồng và loại gốm đất đen ở Biên Hòa xưa giờ đây đang có nguy cơ bị mai một, rất cần được tập hợp, nghiên cứu và lưu giữ.
Chấm men - công đoạn quan trọng hình thành sản phẩm gốm |
Bên cạnh đầu tư cho chất lượng sản phẩm, anh Xin cũng không ngừng tìm kiếm khách hàng, mở rộng các kênh phân phối trên 7 tỉnh, thành trong nước. Hiện mỗi tháng cơ sở cho ra đời khoảng 200 sản phẩm, chủ yếu là các đơn hàng quà tặng, trang trí nội thất. Để tìm hướng đi cho sản phẩm gốm, cơ sở của anh hướng đến dòng sản phẩm chủ đạo có tính ứng dụng và mỹ thuật cao. Trong đó có những sản phẩm trang trí như đĩa, bình hoa, chân đèn… được sử dụng trong các công trình nội thất cao cấp, các nhà hàng, resort…
“Việc quảng bá, gầy dựng lại nghề gốm Biên Hòa để thương hiệu này đứng vững trên thị trường rất cần những giải pháp tổng thể từ chính sách, chiến lược đến sự nỗ lực, tâm huyết của các cơ sở sản xuất đến mỗi nghệ nhân gắn bó với nghề gốm” - anh Xin bộc bạch.
Trong không gian tĩnh lặng giữa lòng cù lao Phố, những nghệ nhân của Công ty Gốm Biên Hòa vẫn cần mẫn cho ra đời những sản phẩm gốm mang đậm phong cách gốm Biên Hòa xưa. |
Lâm Viên - Nhật Hạ