Có một ngã ba là điểm giao nhau giữa 2 con đường trong nội đô Biên Hòa khá quen thuộc với nhiều thế hệ cư dân ở thành phố ven sông Đồng Nai. Có nhiều cách gọi như "bùng binh", "vòng xoay", vòng xuyến", "công trường" nhưng tên gọi chính thức trong danh mục di tích lịch sử cấp quốc gia là Quảng trường Sông Phố.
Có một ngã ba là điểm giao nhau giữa 2 con đường trong nội đô Biên Hòa khá quen thuộc với nhiều thế hệ cư dân ở thành phố ven sông Đồng Nai. Có nhiều cách gọi như “bùng binh”, “vòng xoay”, vòng xuyến”, “công trường” nhưng tên gọi chính thức trong danh mục di tích lịch sử cấp quốc gia là Quảng trường Sông Phố.
Nơi chứng kiến những cuộc đổi thay lịch sử
Sông Phố từng là tên gọi cho đoạn sông chảy qua đô thị Biên Hòa xưa được định giới từ cầu Mới đến cầu Ghềnh. Có lẽ, cách gọi Quảng trường Sông Phố gắn liền với Tòa bố Biên Hòa xưa, sau này là Tòa hành chính và nay là trụ sở của khối các cơ quan nhà nước tỉnh Đồng Nai. Phần diện tích vừa giáp sông và nối vòng xoay giữa 2 trục lộ tuy không rộng lớn nhưng có vị trí khá quan trọng trong sự phát triển mang tính chất quyền lực qua các thể chế quản lý của xứ Biên Hòa. Nơi đây là công sở của tỉnh Biên Hòa khá rộng thời “lục tỉnh Nam kỳ” của nhà Nguyễn và trở thành biểu trưng sức mạnh chính quyền thực dân trên một địa phương của xứ “thuộc địa”. Công trình Tòa bố Biên Hòa, dinh tỉnh trưởng (nay là Nhà thiếu nhi Đồng Nai) có kiểu thức kiến trúc Pháp, gắn với công viên cây xanh, sang trọng được chính quyền thực dân Pháp xây dựng.
Những biến động xã hội đã làm thay đổi bao điều trong dòng chảy thời gian. Quảng trường Sông Phố là địa danh mang nhiều dấu ấn của lịch sử, bước ngoặt của TP.Biên Hòa. Trong khí thế của Cách mạng Tháng Tám lịch sử năm 1945, Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa đã thay đổi màu cờ tại Tòa bố Biên Hòa với chính quyền về tay nhân dân sau bao nhiêu năm trong kiếp lầm than, nô lệ. Quảng trường Sông Phố chính là nơi diễn ra cuộc mít tinh biểu dương sức mạnh của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng vào mùa thu Tháng Tám. Mùa Xuân năm 1975, sau 21 năm kháng chiến với bao gian khổ, quân và dân cách mạng Biên Hòa trong phương châm “thần tốc, táo bạo, bất ngờ” cùng với lực lượng giải phóng từ các hướng tiến vào Tòa bố Biên Hòa - biểu tượng của bộ máy chính quyền Sài Gòn được thiết lập từ năm 1955. Chính quyền cách mạng tỉnh Biên Hòa thành lập trong niềm vui lớn của quân và dân Biên Hòa sau nhiều cuộc đấu tranh bằng nhiều phương thức, từ bí mật đến trực tiếp để đi đến thắng lợi. Quảng trường Sông Phố chứng kiến những cuộc đổi thay lịch sử trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Ẩn chứa nhiều điều thú vị về Biên Hòa - Đồng Nai
Từ địa điểm vòng xoay này của Sông Phố, con đường Cách Mạng Tháng Tám như song song với đoạn Sông Phố và đường 30-4 như vuông góc hướng lên phía trên đến Đài Kỷ niệm - một dấu ấn lịch sử cũng là công trình kiến trúc độc đáo ghi tên những thanh niên Biên Hòa bị bắt và chết trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất khi Pháp tham chiến. 2 con đường này không lớn và dài so với các con đường mới mở ra trong đô thị Biên Hòa hiện nay nhưng mang dấu ấn của lịch sử, hướng về phía trung tâm quản lý hành chính qua nhiều thời đoạn. Công trường Sông Phố được xây dựng năm 1923 mang dấu ấn kiến trúc nghệ thuật bởi những bàn tay khéo léo của nghệ nhân Biên Hòa.
Những thiết chế về giáo dục, tôn giáo trong đời sống xã hội cũng “lớn lên” với tầm vóc khác, “thay da đổi thịt” trong không gian của thời đại. Có nhiều người hoài cổ về những “dấu xưa tích cũ” nhưng nhịp sống luôn hướng về phía trước bởi những khát vọng, chinh phục của con người. |
Cách Quảng trường Sông Phố không xa, trên trục đường 30-4 là nhà hội Bình Trước (đối diện Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cũ) - nơi làm việc của bộ máy hương chức chính quyền xưa. Công trình với lối kiến trúc nhà vuông xây bằng chất liệu kiên cố từ năm 1936 do Bolen - người Pháp làm chủ tỉnh Biên Hòa. Những mảng điêu khắc gỗ, trang trí gốm độc đáo do nghệ nhân Biên Hòa tạo tác độc đáo. Tại đây, vào ngày 23-9-1945, Hội nghị cán bộ tỉnh Biên Hòa quyết định thành lập Tỉnh ủy đầu tiên sau khi giành được chính quyền vào tháng 8-1945.
Trên đường Cách Mạng Tháng Tám hiện nay về hướng Mũi Tàu, cạnh Quảng trường Sông Phố là ngôi trường được xây dựng khá sớm ở Biên Hòa vào cuối thế kỷ XIX. Chính quyền thuộc địa Pháp mở trường học ở các địa hạt, sau là trường tiểu học cấp tỉnh với tên gọi Ecole Primarie Complémentaire. Đây là trường đào tạo những thế hệ học sinh của xứ Biên Hòa theo chủ trương giáo dục mới Pháp - Việt. Ngôi trường được duy trì dạy học qua nhiều thời kỳ, thay đổi tên, được tôn tạo và mang dấu ấn của giáo dục Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay với tên gọi Trường tiểu học Nguyễn Du.
Về phía bên phải của quảng trường tính từ hướng bờ sông, nhà thờ của giáo xứ Biên Hòa được xây dựng khá hiện đại. Trước đây, nhà thờ được xây dựng bên bờ sông, sau dời chuyển về vị trí này từ cuối thế kỷ XIX khi người Pháp quy hoạch đô thị. Trải qua những lần trùng tu, tôn tạo và mở rộng, năm 2010, nhà thờ có một diện mạo mới với kiến trúc mang tính hiện đại, tạo nên một không gian mở trong phạm vi của Quảng trường Sông Phố xưa.
Quang cảnh Sông Phố vẫn còn đó nhưng với nhiều nét mới. Một trường học quốc tế khá khang trang được xây dựng và đi vào hoạt động gần đây trên khu bệnh viện tỉnh ngày nào cho thấy sự đổi thay mạnh mẽ. Công sở nhà hội Bình Trước trở thành di tích như nép bóng “ru dấu xưa một thời” của kiến trúc truyền thống, lưu lại mảng công trình bởi những nghệ nhân xứ sở này.
Ngày ngày, qua lại trên con đường này, qua bùng binh Sông Phố, có ai còn nhớ những sự kiện đã đi vào lịch sử của đất Biên Hòa trong trang sử chống ngoại xâm, giành độc lập, tự do. Một phạm vi không rộng từ quảng trường này nhưng lại ẩn chưa nhiều điều thú vị về lịch sử, văn hóa của Biên Hòa - Đồng Nai đáng trân trọng và cần được bảo tồn, phát huy khi xây dựng Biên Hòa trở thành thành phố ven sông, đáng sống, văn minh nhưng luôn giữ được truyền thống đã tạo dựng qua nhiều thế hệ.
Quảng trường Sông Phố có nhiều thay đổi so với xưa theo sự phát triển ngày càng nhanh của đô thị. Dấu tích Tòa bố với công năng trong thời gian hữu hạn đã được thay bằng khu kiến trúc hiện đại. Ngôi nhà trưng bày sản phẩm gốm truyền thống của Trường Bá nghệ Biên Hòa đầu thế kỷ cũng được dịch chuyển đến một địa điểm văn hóa khác. |
P.Đ.D