Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiệc văn chương, chẳng dễ dàng tìm đến...

11:01, 15/01/2023

Chẳng thể tìm được từ ngữ mang đủ hàm ý của niềm hạnh phúc, sự vui sướng, thỏa nguyện, đủ đầy... hay những ưu ái của cuộc đời dành cho nhà văn khi họ cầm bút và đối diện cùng trang viết. Để có những "bữa tiệc" thi ca, những ngày hội văn chương, những lần hội ngộ, người viết đã phải trải qua thật nhiều lao khổ, cô đơn...

Chẳng thể tìm được từ ngữ mang đủ hàm ý của niềm hạnh phúc, sự vui sướng, thỏa nguyện, đủ đầy... hay những ưu ái của cuộc đời dành cho nhà văn khi họ cầm bút và đối diện cùng trang viết. Để có những “bữa tiệc” thi ca, những ngày hội văn chương, những lần hội ngộ, người viết đã phải trải qua thật nhiều lao khổ, cô đơn...

 Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng văn nghệ sĩ tại lễ trao giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần 5. Ảnh: M.Ny
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và các đại biểu chụp hình lưu niệm cùng văn nghệ sĩ tại lễ trao giải thưởng Trịnh Hoài Đức lần 5. Ảnh: M.Ny

1. Tháng 7-2022, hưởng ứng hội nghị viết văn trẻ lần thứ X của Hội Nhà văn Việt Nam, Đồng Nai cuối tuần dành một chuyên trang cho các cây bút trẻ của tỉnh nhà. Trong không khí cả nước vừa cùng bước qua cơn đại dịch Covid-19, những người viết văn trẻ cả nước tụ hội về TP.Đà Nẵng để chia sẻ ước mơ sáng tạo (Đồng Nai có 2 đại biểu); thì các tác giả trẻ Đồng Nai cũng háo hức, phấn khởi bước vào Trại sáng tác Trẻ lần thứ VI do Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai tổ chức. Qua 6 năm duy trì trại sáng tác chuyên đề này, Hội đã có thêm 20 cộng tác viên và 10 hội viên trẻ, 3 tuyển tập và 1 tập sách cá nhân...

Tác phẩm và hình ảnh của các bạn trẻ được giới thiệu, quảng bá và đăng lên mạng xã hội. Rất nhiều lời khen, lời chúc mừng được “dán” lên tường Facebook, Zalo... Song đó là kết quả từ những kế hoạch dài hạn của tỉnh nhà, của các cơ quan, Hội VHNT, và trước hết là sự bền chí, niềm đam mê sáng tác và cố gắng của các tác giả trẻ trong những năm qua...

2. Tháng 9-2022, Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh Đồng Nai được thành lập và ngày 25-10-2022, chi hội làm lễ ra mắt. Đây là chi hội nhà văn đầu tiên của khu vực Đông Nam bộ được thành lập và được đánh giá là chi hội mạnh với 19 thành viên (trong đó có 16 nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình của Đồng Nai).

Buổi lễ ra mắt đúng nghĩa là một ngày hội của văn chương Đồng Nai, với sự có mặt của nhà thơ Phan Hoàng - Ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam phụ trách khu vực Đông Nam bộ và Tây nguyên - đến dự, trao quyết định cho Ban chấp hành lâm thời, đồng thời gửi gắm sự tin tưởng, kỳ vọng của Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Những nhà văn Đồng Nai có được khu vườn lớn để góp nên mùa, tìm được “bến mới” để hoạt động và phát triển (từ dùng của nhà thơ Trần Nhã My, hội viên duy nhất của tỉnh Tây Ninh cùng tham gia sinh hoạt chi hội)...

Nhưng để có Chi hội Nhà văn Đồng Nai như hôm nay, các nhà văn lão thành Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn đã đổ bao nhiêu công sức để đắp bồi. Còn nhớ, trong tùy bút thơ Sông Đồng Nai chín khúc viết trong dịp kỷ niệm Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm, nhà văn Hoàng Văn Bổn mượn lời dòng sông Đồng Nai truy vấn chính mình:

Mày viết chi mà viết hoài vậy hả

Bảy mươi rồi viết sao kịp hả con?

Mà trong đống sách mày đã viết

Có dòng nào hơi hướng ta không?

“Dòng sông mẹ”, mảnh đất Đồng Nai yêu quý và sự nghiệp văn chương nghệ thuật đã được các thế hệ nhà văn Đồng Nai bền bỉ sáng tác, cống hiến với hàng trăm tập sách đã xuất bản, những giải thưởng đã ghi dấu... Và còn biết bao dự định, trăn trở của người làm nghề - nhất là những thách thức, áp lực của đời sống, của số hóa và thời đại 4.0... Trong phương hướng hoạt động của chi hội, nhà thơ Đàm Chu Văn - Chi hội trưởng khẳng định: “Mọi hoạt động tổ chức, phong trào, chuyên môn đều nhằm tới cái đích cuối cùng là tạo nên tác phẩm văn học chất lượng cao. Tác phẩm là gương mặt, cống hiến, vị trí của nhà văn trong nền văn học”.

3. Ngày 1-12-2022, lễ tổng kết, trao giải cuộc thi truyện ngắn Đông Nam bộ lần thứ II-2022 đã được tổ chức. Cuộc thi do tỉnh Đồng Nai đăng cai tổ chức, được phát động và đã nhận được sự tham gia của tác giả 9 tỉnh (Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Đắk Nông, Ninh Thuận và Đồng Nai). Cuộc thi được thực hiện theo đề nghị của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và cũng là hoạt động liên kết, phối hợp của các hội VHNT khu vực Đông Nam bộ đã được ký kết.

12 giải thưởng truyện ngắn đã được trao cho 12 tác giả đạt giải, nhưng niềm vui từ sự gắn bó và sẻ chia thì được nhân lên gấp nhiều lần. Trong cuộc gặp gỡ, giữa niềm hân hoan không thể quên, những nỗi lo toan, những nhọc nhằn mỗi người trải qua trong đời sống và cả những đêm trắng miệt mài trên trang viết. Ngày vui dài chẳng tày gang, những người bạn văn và các Hội VHNT lại phải chia tay, hẹn ngày hội mới năm sau...

4. Ngày cuối năm, Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức được UBND tỉnh Đồng Nai xét trao 5 năm 1 lần cho những tác phẩm xuất sắc, cũng là minh chứng cho sự lao động thầm lặng của người cầm bút. Giải thưởng được trao lần thứ V (giai đoạn 2016-2020) không chỉ đánh dấu 5 năm nỗ lực của văn nghệ sĩ Đồng Nai nói chung, các tác giả văn học Đồng Nai nói riêng mà còn là sự tiếp nối không ngừng nghỉ trong lao động, sáng tạo vì các giá trị văn hóa - nghệ thuật Đồng Nai. Để có một tiểu thuyết, tập truyện hoặc tập thơ, tác giả đã phải trải qua biết bao khổ luyện, phải hy sinh, chờ đợi... Đó là kết quả của những trải nghiệm và tìm tòi, sáng tác, đồng thời xã hội thử thách và đón nhận. Những tác phẩm thực sự đã được hun đúc bằng những giá trị tinh thần vô giá, góp phần chào đón Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển.

Công chúng, bạn đọc có thể nhìn thấy giây phút các nhà văn, nhà thơ hạnh phúc vì được ghi nhận, được tôn vinh; nhưng mấy ai chứng kiến và hiểu được hành trình lao động nghệ thuật trong cô độc và yên lặng của họ; những cung bậc cảm xúc, những ray rứt ám ảnh... để viết nên con chữ.

Sinh thời, nhà văn Hoàng Văn Bổn từng bộc bạch: “Viết xong một tác phẩm, chỉ vui được vài ngày, rồi sau đó lại ôm trong lòng bao nỗi ưu tư, lại cặm cụi, cọc cạch gõ chữ...”.

5. Nụ cười của văn nghệ sĩ tỏa sáng trước thềm mùa Xuân mới, có đủ để xua tan những nhọc nhằn năm cũ và hướng đến những sáng tác mới, những thành công mới không? Theo tôi thì có thể. Vì đó là tình yêu, niềm đam mê dành cho thơ để mỗi sớm, mỗi khuya các nhà thơ viết những hàng thơ mới, như tác giả Trần Thị Bảo Thư từ TP.Long Khánh:

Xuân đi Xuân đến bao lần,

Con đường quê cũ lại dần dần xa

Giao thừa, rót rượu mời ta

Thì say một chuyến lội qua tuổi mình...

Dở xem nếp gấp áo lành

Hơi tay mẹ, vẫn ấm quanh, cõi người

                                                                                  (Tiếng chim xanh)

Hay như đối với nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn nơi miệt vườn Vĩnh Cửu, anh suốt đời tâm niệm giữ lấy ánh mặt trời “sau những tàn mây mùa đông” để đón lấy “Mùa Xuân trở lại”:

Trái tim đốt lên ngọn lửa

Xua tan băng giá, muộn phiền

Ta gặp mùa-Xuân-trở-lại

Trong ánh mắt cười của em.

Hay từ sự tỏ bày, đồng cảm và thăng hoa..., tháng 5 vừa qua, nhà văn Trần Thu Hằng được đặt chân đến quần đảo Trường Sa và viết bài thơ Về với anh. Ngay sau đó, nhạc sĩ Trần Viết Bính - Giải thưởng Nhà nước về VHNT - đã phổ thành ca khúc Gạc Ma - vọng mãi tên anh thể hiện đúng tình cảm, rung động của tác giả trước hình tượng biển đảo của Tổ quốc. Vần thơ, giai điệu hiện trên dòng kẻ nhạc... đang chờ tiếng hát cất lên:

Anh có thấy vầng trăng trên chiến hạm

Biển chiều nay sóng đỏ nhuộm ngang trời

Trăng thấp thoáng trên hải đài mây trắng

Biển bạc đầu thăm thẳm nhớ người ơi...

Mai Sơn

Tin xem nhiều