Trong bộ phim Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy có đoạn lời bình: "Giữa thế kỷ XX này, có một người dân ở đồng bằng sông Cửu Long thương nhớ Hà Nội đã viết: Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long (có chỉnh sửa vài chỗ lời bình này để phù hợp với lời thơ).
Trong bộ phim Hà Nội trong mắt ai của đạo diễn Trần Văn Thủy có đoạn lời bình: “Giữa thế kỷ XX này, có một người dân ở đồng bằng sông Cửu Long thương nhớ Hà Nội đã viết: Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long (có chỉnh sửa vài chỗ lời bình này để phù hợp với lời thơ).
Toàn cảnh Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh nhìn từ trên cao. Ảnh: Lò Văn Hợp |
Đó là 2 câu thơ nổi tiếng trong bài thơ Nhớ Bắc của một người con đất phương Nam là Huỳnh Văn Nghệ. Cả bài thơ là nỗi niềm nhung nhớ cội nguồn, tổ tiên da diết của những người con đất phương Nam.
* Cuộc thiên di tìm về vùng đất mới ở phương Nam
Truyền thuyết Rồng - Tiên về nguồn gốc của dân tộc Việt đã ghi rõ, xưa cháu 3 đời của Viêm Đế họ Thần Nông là Đế Minh đi tuần phương Nam, đến Ngũ Lĩnh lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra vua (Kinh Dương Vương). Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân tên là Thần Long sinh ra Sùng Lãm (tức Lạc Long Quân). Lạc Long Quân lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai (tục truyền sinh trăm trứng), là tổ của Bách Việt.
Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: “Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”. Bèn từ biệt nhau, chia 50 con theo mẹ về núi, 50 con theo cha về biển, phong cho con trưởng làm Hùng Vương, nối ngôi vua. Xin đừng đem hệ quy chiếu hôm nay để mổ xẻ về huyền sử, bởi huyền sử không phải lịch sử, huyền sử là… huyền sử. Huyền sử không thể dùng cái đầu để giải thích mà phải dùng trái tim, bởi cái gì từ trái tim sẽ dễ dàng đi tới trái tim.
Lịch sử đã xoay một vòng để những dân tộc bản địa và nhiều dân tộc khác cùng cộng cư trên vùng đất này... |
Nhìn lên phía Bắc, người Việt bắt gặp một dân tộc lớn với nền văn minh Hoa Hạ và mộng bá quyền. Nhìn sang phía Tây là dãy núi cao sừng sững. Nhìn về phía Đông là Biển Đông bao la, có lẽ vì vậy mà cha ông chúng ta chỉ còn con đường duy nhất đi về phía Nam.
Đầu tiên phải kể tới là chuyến thăm Chiêm Thành năm 1301 của Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Hơn 700 năm trước, đức Trần Nhân Tông hẳn nhiên đã dõi con mắt nhìn về phương Nam xa xăm để nghĩ kế cho muôn đời con cháu mai sau. Thuở xưa, khi luật pháp quốc tế chưa định hình, việc mở rộng lãnh thổ thường chủ yếu được tiến hành bằng chiến tranh xâm chiếm, đồng hóa và sáp nhập, thế nhưng vẫn có những con đường khác khả dĩ hòa bình hơn, hôn nhân chính trị là một trong những con đường đó.
Từ lời hứa của Thượng hoàng Trần Nhân Tông với vua Chiêm Thành nên năm 1306, Huyền Trân công chúa về làm vợ vua Chế Mân, nước Đại Việt có thêm không gian sinh tồn là 2 châu Ô, châu Rý (còn gọi là Lý) - vùng đất từ phía Nam Quảng Trị đến phía Bắc Đà Nẵng hiện nay.
Sau Huyền Trân công chúa hơn 300 năm, một nữ lưu nước Việt lại lên đường về làm dâu Chân Lạp, đó là Công nữ Ngọc Vạn, con gái của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635). Cùng bước chân của Công nữ Ngọc Vạn, nhiều lưu dân Việt theo chân bà vào khai khẩn vùng đất mới vốn còn nhiều hoang hóa. Năm 1679, chúa Nguyễn thỏa thuận với vua Chân Lạp cho nhóm di thần “Phản Thanh, phục Minh” vào khai khẩn vùng đất ngày nay là Nam bộ. Cùng với người Khmer và các dân tộc bản địa trước đó, người Việt và bây giờ là người Hoa đã chung lưng đấu cật, tạo nên một vùng đất trù phú với những thương cảng sầm uất: cù lao Phố, Mỹ Tho đại phố…
Nhà văn Sơn Nam, một người được mệnh danh là “ông già Nam bộ” từng viết đại ý rằng người Việt trong cuộc thiên di tìm về vùng đất mới ở phương Nam trong khoảng thời gian dài như vậy nên những gì rườm rà vứt bớt nó đi. Nếu tính từ chuyến đi đầu tiên của đức Thượng hoàng Trần Nhân Tông năm 1301 đến mùa xuân năm Mậu Dần (1698) khi Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn Phúc Chu thiết lập nền hành chính ở Nam bộ là khoảng gần 400 năm, nếu tính từ mốc năm 1301-1775 (khi bản đồ Việt Nam cơ bản như hiện trạng hiện nay) là gần 500 năm. Vậy nên người Nam bộ nói chung có tính cách dứt khoát, ngắn gọn.
* Các lớp cha ông để lại cho con cháu vùng đất trù phú
Mỗi người khi xa quê hương bản quán, điều đầu tiên có lẽ là nỗi nhớ da diết. Có phải vậy không mà vào tới Thuận Hóa (nay là tỉnh Thừa Thiên - Huế), đã bắt đầu buồn với những âm điệu man mác buồn của Nam Ai, Nam Bình. Vào đến Tây Nam bộ, càng xa, càng nhớ, càng buồn nên mới có vọng cổ với những điệu buồn phương Nam. Bởi buồn như vậy, nên chẳng may có người thân nằm xuống lại càng buồn hơn, có phải vì vậy mà nhiều đám tang ở miền Nam không khóc mà… hát để đỡ thê lương.
Tới vùng đất mà “Đến đây xứ sở lạ lùng/ Chim kêu phải sợ, cá vùng phải lo” hay đến một vùng đất “Dưới sông sấu lội, trên bờ cọp um” nên những người Việt phải đoàn kết với nhau để chống chọi lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, chống thú dữ. Có lẽ cũng chính vì vậy mà những người đến trước bao giờ cũng dang rộng vòng tay chào đón và cưu mang những người đến sau: “Rồng chầu ngoài Huế/ Ngựa tế Đồng Nai/ Nước sông trong chảy lộn sông ngoài/ Thương người xa xứ lạc loài tới đây/ Tới đây thì ở lại đây/ Khi nào bén rễ xanh cây thì về” (ca dao).
Ở cái thuở mà “nhất cận thị, nhị cận giang” mà “thị” chắc chắn phải gần “giang”, bởi khi ấy giao thông chủ yếu bằng đường thủy, những lưu dân đến trước đã làm những bè lá thả nước ngọt trên sông để cho những người qua lại có nước ngọt uống và chúng ta có địa danh Nhà Bè hiện nay: “Nhà Bè nước chảy chia hai/ Ai về Gia định Đồng Nai thì về”.
Bây giờ, ở hầu khắp các đô thị của các tỉnh, thành miền Nam, nhất là TP.HCM chúng ta không khó để bắt gặp những thùng trà đá khiêm nhường nép mình bên những gốc cây với lời mời mọi người uống nước miễn phí vô cùng dễ thương, đó là sự tiếp nối mạch nguồn văn hóa cha ông từ thuở trước.
Nam Kỳ vốn là một tên gọi vùng đất do vua Minh Mạng đặt ra năm 1834 sau cuộc cải cách về hành chính. Tên gọi này lúc ban đầu chỉ để giới hạn về địa danh trong một lãnh thổ thống nhất của nước Đại Nam. Thế nhưng khi đô hộ Việt Nam, thực dân Pháp, một mặt kế thừa tên gọi này, một mặt khoét sâu mối bất hòa, nghi kỵ giữa các vùng miền để họ dễ bề cai trị. Có lần, khi bắt được Huỳnh Văn Nghệ, một người Pháp đã hỏi ông: Ông là người Bắc? Huỳnh Văn Nghệ đã trả lời: Vâng! Tôi là người Bắc của ba trăm năm trước!
Dưới bàn tay và khối óc lao động suốt nhiều thế kỷ, các lớp cha ông đã khai khẩn, xây dựng và để lại cho con cháu một vùng đất trù phú hôm nay. Để xứng đáng với tiền nhân, với sự hy sinh to lớn của các bậc “tiền hiền khai khẩn”, “hậu hiền khai cơ” lớp con cháu hôm nay cần vượt lên những khác biệt, đoàn kết như cha ông buổi đầu khi mới đến vùng đất này để xây dựng và phát triển quê hương, đất nước, đó là sự tri ân, có ý nghĩa nhất đối với tiền nhân.
Vũ Trung Kiên