Báo Đồng Nai điện tử
En

Bến Gỗ - dấu xưa tìm về

07:02, 18/02/2023

Làng Bến Gỗ, chợ Bến Gỗ, nhà thờ Bến Gỗ, rượu Bến Gỗ… là những tên gọi rất quen thuộc của nhiều người dân Biên Hòa - Đồng Nai.

Làng Bến Gỗ, chợ Bến Gỗ, nhà thờ Bến Gỗ, rượu Bến Gỗ… là những tên gọi rất quen thuộc của nhiều người dân Biên Hòa - Đồng Nai.

Trưởng ban Quý tế Nguyễn Văn Khai và Phó trưởng ban Quý tế đình Võ Văn Hắc thực hiện nghi lễ cúng đình
Trưởng ban Quý tế Nguyễn Văn Khai và Phó trưởng ban Quý tế đình Võ Văn Hắc thực hiện nghi lễ cúng đình

Làng Bến Gỗ với nhiều đình, chùa, miếu… cùng những nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống được bảo lưu, tồn tại suốt hàng trăm năm qua, phản ánh đa chiều, đặc sắc văn hóa của một vùng đất được khai phá sớm trong hành trình 325 năm hình thành và phát triển của Biên Hòa - Đồng Nai.

Một làng được khai phá sớm

Nếu lấy mốc 1698 khi Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lý, sự thay đổi hành chính diễn ra ở tầm vĩ mô theo cấp dinh và trấn, chưa tìm ra tài liệu nào đề cập tới cấp tổng, xã, thôn.

Sách Gia Định thành thông chí (năm 1820) của Trịnh Hoài Đức là cuốn sách địa chí đầu tiên kê tỉ mỉ các tổng, xã, thôn ở Nam bộ. Theo sách này, vào thời nhà Nguyễn, có địa danh An Hòa thuộc tổng Long Vĩnh, H.Long Thành, trấn Biên Hòa.

Theo Địa bạ tỉnh Biên Hòa (năm 1836), thôn An Hòa thuộc tổng Long Vĩnh Thượng, H.Long Thành.

Theo sách Biên Hòa sử lược của Lương Văn Lựu, tỉnh Biên Hòa vào năm 1878 có 17 tổng, 158 làng. Bản kê của Lương Văn Lựu khá tỉ mỉ, giúp người đời sau xác định đúng vị trí các làng, xã xưa. Trong sách có ghi làng An Hòa (Bến Gỗ) thuộc tổng Long Vĩnh Thượng.

Theo Địa chí Đồng Nai, phần Phụ lục tra cứu địa danh tỉnh Đồng Nai đến năm 1996 có nêu rõ, xã An Hòa thuộc H.Long Thành “là vùng Bến Gỗ từ thời xa xưa. Sách Gia Định thành thông chí có ghi tên thôn An Hòa thuộc tổng Long Vĩnh. Sau này thôn trở thành xã An Hòa. Địa bạ 1836 ghi thêm hộ Thiết Tượng. Năm 1957, xã An Hòa Hưng được chính quyền Sài Gòn lập. Năm 1976, xã An Hòa và Long Hưng lập lại như cũ. Năm 1987, hai xã An Hòa và Long Hưng sáp nhập thành xã Hòa Hưng, đến năm 1994 lại tách ra như cũ”.

Ngày 5-2-2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 05/NQ-CP, chuyển xã An Hòa về TP.Biên Hòa quản lý. Ngày 10-5-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 694/NQ-UBTVQH14 (nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1-7-2019, thành lập phường An Hòa trên cơ sở toàn bộ 9,21km² diện tích tự nhiên và 22.925 người của xã An Hòa. Như vậy, qua các sử liệu có thể thấy, địa danh Bến Gỗ vốn là làng xưa, nay nằm trên địa giới hành chính của P.An Hòa thuộc TP.Biên Hòa. Với người dân trong vùng, nhắc đến làng cổ Bến Gỗ là nói tới An Hòa và ngược lại.

Trong công trình nghiên cứu Làng Bến Gỗ xưa và nay do PGS-PTS Diệp Đình Hoa biên soạn, xuất bản cách đây gần 30 năm có ghi: “Cuối thế kỷ trước (thế kỷ XIX - PV), Hamy đã thông báo về chiếc rìu đồng và những chiếc rìu bôn bằng đá mài phát hiện được ở Bến Gỗ. Năm 1934, Georges Migon cũng đã thông báo những nhận xét về những hiện vật phát hiện ở hai làng Long Hưng và An Hòa. Louis Mallerret đã hệ thống lại những phát hiện này, trong đó có những phát hiện của chính tác giả về ba chiếc rìu đồng thau ở An Hưng (Tân Hưng). Bên cạnh đó có những phát hiện lẻ tẻ trong vùng và quanh vùng được đưa vào sưu tập ở Bảo tàng Lịch sử Việt Nam dưới một cái tên chung là đồ đá Biên Hòa”.

Năm 1988, Bảo tàng tỉnh Đồng Nai và Viện Khoa học xã hội TP.HCM có tổ chức thám sát ở khu vực đình Phước Hội với 4 hố khai quật, phát hiện nhiều hiện vật có giá trị như: gốm cứng văn in, gốm mịn, đèn, thỏi đá, linga, tượng… Qua đó nhận xét: di tích Bến Gỗ có hai loại hình di tích cư trú và di tích thờ cúng, với niên đại khoảng thế kỷ VII-IX.

“Làng Bến Gỗ là một làng có truyền thống lâu đời, vừa mang tính đặc thù của riêng nó, vừa tiêu biểu cho hình thái làng xã Việt Nam ở vùng đất mới Đông Nam bộ”.

Huỳnh Tới (Làng Bến Gỗ xưa và nay, NXB Đồng Nai)

 

Các nhà nghiên cứu cho rằng, những chiếc rìu đá mài phát hiện được ở Bến Gỗ có thể xếp vào giai đoạn Bến Đò, những chiếc rìu đồng thau vào giai đoạn Dốc Chùa. Gốm cứng văn in, ở các tỉnh phía Bắc cũng đã có những phát hiện lẻ tẻ trong các di tích khảo cổ ở Nghệ An: Đồng Mỏm, Đền Đồi, ở Đông Nam bộ cũng phát hiện ở Dốc Chùa…

Những hiện vật khác có thời gian tồn tại tương đối lâu, có thể sớm nhất thuộc giai đoạn Óc Eo, trước Công nguyên…

Theo các nhà nghiên cứu, Bến Gỗ là mảnh đất được các tộc người của nhiều nền văn minh đến quần cư, lập nghiệp, liên tục, xuyên suốt cả một thời kỳ lịch sử dài bắt đầu từ thời đại Đồng thau.

Đặc sắc các giá trị văn hóa truyền thống

Đến làng Bến Gỗ, người dân trong làng còn truyền tai nhau câu chuyện dân gian thời khai khẩn về miếu Bà Mụ. Miếu thờ một bà mụ rất tận tâm đỡ đẻ cho dân làng, người dân rất cảm kích. Một ngày mưa to gió lớn, chúa sơn lâm đến rước bà đi đỡ đẻ cho vợ mình đang khó sinh. Từ đó, để tỏ lòng nhớ ơn bà, chúa sơn lâm mang đến biếu bà các sản vật trong rừng; khi bà mất, còn mang lễ vật đến tế bà… Truyện kể dân gian Miếu Bà Mụ phản ánh sự hòa hợp của con người với thiên nhiên trong hoàn cảnh sống khắc nghiệt thời khai hoang mở đất.

Làng Bến Gỗ hiện có nhiều di tích, cơ sở tôn giáo nổi bật. Trong đó, đình An Hòa trải qua hàng trăm năm đến nay vẫn được bảo tồn tương đối nguyên vẹn, là niềm tự hào của người dân trong làng, là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia được xếp hạng năm 1989.

Chùa làng thờ Quan Thánh đế quân ở ngay chợ Bến Gỗ vào ngày 15-10 âm lịch hàng năm có lễ đàn chay, đáo lệ 3 năm một lần tổ chức xô vàng vào ngày 15-10 âm lịch rất linh đình.

Theo thông tin trong cuốn Hỏi - đáp về Biên Hòa - Đồng Nai, Họ đạo Bến Gỗ là một trong những họ đạo ra đời sớm trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, xây dựng vào năm 1882. Theo đó, họ đạo Bến Gỗ (nay thuộc P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) có từ cuối thế kỷ XVII do thừa sai Feret quy tụ giáo dân thành lập. Đến năm 1747 có khoảng 200 giáo dân. Khi Hội truyền giáo Paris vào truyền giáo ở Đàng Trong đã đặt trụ sở tại Bến Gỗ vào năm 1750. Bến Gỗ trở thành nhà thờ đầu tiên của Hội Truyền giáo Paris ở Nam bộ.

Trong làng còn duy trì các lễ hội truyền thống như lễ hội Kỳ Yên ở đình An Hòa... Ngoài ra, làng còn duy trì đội đua thuyền truyền thống; tương truyền vào đời Minh Mạng, dân Bến Gỗ đã thành lập đội đua thuyền để tham gia vào các hội đua thuyền của vùng…

Lâm Viên

Tin xem nhiều