Báo Đồng Nai điện tử
En

Đàn đá Bình Đa - sáng tạo nghệ thuật bản địa đặc sắc

09:02, 04/02/2023

Ngày 30-1, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11), trong đó có sưu tập đàn đá Bình Đa.

Ngày 30-1, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký quyết định công nhận 27 bảo vật quốc gia (đợt 11), trong đó có sưu tập đàn đá Bình Đa.

Di tích khảo cổ học Bình Đa nằm trên triền Nam quả đồi thấp (cao 10-15m/mức nước sông) trải dài hướng Đông Tây bên bờ trái sông Cái - nhánh sông Đồng Nai (TP.Biên Hòa). Các vết tích khảo cổ học (rìu bôn, bàn mài, đá có gia công, gốm vỡ) rải khắp bề mặt diện tích. Đây là một trong những di tích phát hiện đầu tiên ở Nam bộ, được khai quật vào năm 1979 (174m²) và năm 1993 (60m²), tầng văn hóa với nhiều phân lớp phức tạp dày nhất tới 2,9m, chứa đựng 13 cụm than tro, 140 cụm gốm, 8 cụm xương thú chôn trong nồi hũ gốm, 1.670 đồ đá, hàng tạ xương răng thú và hàng vạn mảnh gốm vỡ.

* Công xưởng chuyên chế tác đàn đá tiền sử

Với khối tư liệu đồ sộ của 2 lần khai quật, di tích Bình Đa, cùng với Dốc Chùa cách đó 20km theo đường sông Đồng Nai và Cái Vạn - Bưng Bạc nơi cửa sông cận biển mang tầm vóc các “thị trấn” trung tâm lưu vực, các “di chỉ - xưởng” chế tác đá phục vụ nhu cầu nông nghiệp, thủ công và giao thương vào khoảng nửa cuối thiên niên kỷ II - đầu thiên niên kỷ I BC. Đặc biệt, Bình Đa còn là công xưởng chuyên chế tác đàn đá, với 51 thanh, đoạn còn nguyên hình hay chế tác dang dở. Tất cả 47 thanh, đoạn, mảnh đàn đá trong hố khai quật năm 1979 nằm rải thành các cụm trong tầng văn hóa màu nâu tơi xốp. Trong sưu tập đàn đá có 5 tiêu bản nguyên, 15 đoạn đầu và 20 đoạn thân, cùng các mảnh vỡ rìa khác nhau.

Đàn đá (Lithophone) là một trong những loại hình di vật khảo cổ học tiêu biểu vào bậc nhất của văn hóa vật chất thời nguyên thủy ở miền Nam Việt Nam. Nó “có tiếng ngân vang trong trẻo tạo nên mỹ cảm âm nhạc” (Tô Vũ, 1994). Nó có tuổi “cổ nhất thế giới” (Schaeffner, A, 1951) và “nó không giống bất cứ một nhạc cụ nào mà khoa học đã biết” (Sadorov, R.L, 1962). Từ gần 7 thập kỷ nay, sản phẩm văn hóa đặc sắc này phần lớn chỉ được phát hiện ngẫu nhiêu, rất hiếm khi phát hiện nguyên trạng trong lòng đất cổ xưa, đi kèm theo các chứng tích không lời khác.

Tháng 12-1979, lần đầu tiên đã khai quật được trong di chỉ khảo cổ Bình Đa 47 thanh đàn và phiến đoạn của đàn đá cùng nằm chung với các loại rìu đá, đục đá. Việc phát hiện được đàn đá Bình Đa cùng với các công cụ bằng đá và đồ gốm cổ từ trong di chỉ khảo cổ học là một sự kiện rất quan trọng giúp các nhà nghiên cứu có thể giải đáp được một cách chính xác câu hỏi về niên đại. Sự phát hiện quan trọng này đã đem lại đầy đủ cứ liệu để xác nhận truyền thống chế tác đàn đá ở Việt Nam đã xuất hiện trước đây 3-4 ngàn năm.

Với sự hiện diện các công xưởng chuyên chế đàn đá Việt Nam ở Bình Đa, Suối Linh (Đồng Nai), Gò Đá, cù lao Rùa (Bình Dương), Đa Kai (Bình Thuận) và cả ở Dốc Gạo (Khánh Hòa), cùng nguồn tư liệu khảo cổ học phong phú hiện nay, khẳng định chủ nhân đích thực của đàn đá Tiền sử chính là các cộng đồng cư dân bản địa, chủ nhân đích thực của các nền văn hóa cổ xưa từng chế ngự, lao động cần mẫn và sáng tạo nơi miền cao nguyên và đồng bằng châu thổ ven biển Đông phía Nam Việt Nam ngày nay.

* Bậc thầy chế tác đàn đá điêu luyện và cổ xưa nhất

Những khám phá và nghiên cứu chuyên khảo ghi nhận chắc chắn rằng, đàn đá Tiền sử chính là nhạc cụ cổ xưa tiêu biểu nhất trong tri thức âm nhạc cổ truyền với các sản phẩm nhạc cụ thuộc bộ gõ và bộ rung truyền thống của họ. Người thợ làm đàn đá Bình Đa xưa chắc chắn có kinh nghiệm làm đàn phong phú, kỹ thuật chế tác thành thạo, tài nghệ của họ được lưu lại đậm nét trên tất cả các dấu ghè đẽo trực tiếp và gián tiếp, các dấu tu chỉnh cẩn thận, tỉ mỉ, các lớp ghè chỉnh lớn, nhỏ, nông sâu, chồng chất nhau ghi nhận tiến trình đẽo đi đẽo lại nhiều lần trên từng thanh đàn đá. Các hướng ghè đẽo, đục chỉnh thường từ các rìa cạnh đầu và thân hướng tâm, độ nông phổ biến trong khoảng 2-5mm với xu hướng sâu phía ngoài và cạn dần vào trong thân.

Đặc điểm chung của kỹ thuật đục với trình độ tay nghề điêu luyện, tinh xảo hiển thị ở mọi công đoạn làm đàn Bình Đa, từ khâu ghè mặt thân bằng cách dựng đứng thanh đá theo chiều ngang, rồi đục đẽo bớt bề dày thanh đá, góc đục hơi nghiêng về phía ngoài để tạo thân dày giữa và mỏng dần về 2 rìa cạnh. Tiếp theo khâu đục tạo dáng thân là tu sửa 2 rìa cạnh, tạo diện ghè thẳng góc với mặt thân đục tách những mảnh nhỏ (giàn nhỏ có 7 thanh đoạn còn diện ghè trên toàn bộ rìa cạnh một mặt thân, 4 đoạn còn diện ghè trên một khúc và 6 đoạn không có diện ghè; giàn lớn có 2 đoạn còn diện ghè trên toàn bộ rìa cạnh).

Tất cả các thanh, đoạn đàn đá điều được làm bằng một loại đá phiến đốm có âm thanh phát ra vừa vang, vừa trong, khi gõ trên mặt đá. Đặc tính “kêu hay và vang” ấy đã hấp dẫn trước hết và khiến người xưa đã chọn loại đá này để làm đàn đá.

Việc đục đẽo đều tuân thủ theo một phương pháp, một thao tác nhất định. Có thể coi chúng là sản phẩm gần như được làm theo một tiêu chuẩn ổn định. Không một thanh, một đoạn nào không có đầy đủ dấu ấn của quy trình kỹ thuật ấy, không một bộ phận nào của đàn không có mặt vết tích của phương pháp đục, của thao tác kỹ thuật như vậy. Đây là đặc trưng thống nhất của tất cả những thanh, đoạn, mảnh đàn đá trong di tích khảo cổ Bình Đa.

* Sáng tạo nghệ thuật bản địa đặc sắc

Trong nhận thức chuyên ngành khảo cổ học, giờ đây, niên biểu tương đối của các khám phá thạch cầm ngẫu nhiên ở Nam Trường Sơn chỉ có thể bằng phân tích so sánh loại hình học (Typology) của chúng với chính các “giàn”, “bộ” đàn chuẩn ở Lộc Hòa, Đa Kai, kể cả các thanh, đoạn đàn nguyên hình ở Bình Đa - di sản đàn đá có địa tầng văn hóa khảo cổ học chứa đựng chứng tích hoạt động con người đương thời ở cả miền văn hóa này. Chúng ta không chỉ thấu hiểu “chuỗi nhạc” của đàn đá, mà còn có thể hiểu chính xác thêm nữa niên biểu sáng chế và sử dụng đàn đá “cổ nhất” Việt Nam trong thời kỳ Đá - Đồng và thời đại Kim khí - thời điểm mà “loài người biết đến âm giai có 5 âm trở nên” và đã biết “phân biệt được các bán âm”. Sự gần gũi về chất liệu đá sừng, các đặc trưng chung về kỹ nghệ chế tác và cấu tạo hình dáng di vật đàn đá Lộc Hòa, Đa Kai (các tiêu chí tương ứng về kích thước, trọng lượng và mặt cắt ngang thân từng cá thể) so với các sưu tập đàn đá được đưa lên khỏi tầng văn hóa khảo cổ học Tiền sử ở Bình Đa...

Các giàn đàn đá hoàn chỉnh đưa lên từ lòng đất Lộc Hòa, Đa Kai, kể cả sưu tập đàn đá được đưa lên khỏi tầng văn hóa khảo cổ học Tiền sử ở Bình Đa như là những sáng tạo văn hóa nghệ thuật âm nhạc bản địa đặc sắc, là tiếng nhạc rừng của riêng miền cao nguyên Tây nguyên và đồng bằng châu thổ Nam bộ Việt Nam từ nửa cuối thiên niên kỷ II đến khoảng giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên trong nền cảnh chung của “Sự gắn bó có tính truyền thống của nền âm nhạc cổ truyền ở đất nước ta trên nền tảng văn hóa Đông Sơn trong vùng Đông Nam Á. Đàn đá ở đồng bằng Nam bộ xưa tuy có những đặc trưng riêng nhưng vẫn hàm chứa trong mình nét nhạc trong văn hóa Đông Sơn thuở ấy”.

Sự phát hiện quan trọng trong chế tác đàn đá tiền sử đã đem lại đầy đủ cứ liệu để xác nhận truyền thống chế tác đàn đá ở Việt Nam đã xuất hiện trước đây 3-4 ngàn năm.

TS Nguyễn Hồng Ân

Tin xem nhiều