Báo Đồng Nai điện tử
En

Lời hẹn với Cổ Thạch

09:02, 10/02/2023

Được thiên nhiên ưu đãi, quần thể chùa, đá, hang động và bãi biển Cổ Thạch (thuộc H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) trở thành "một điểm đến - nhiều tiện ích" cho du khách thập phương.

Được thiên nhiên ưu đãi, quần thể chùa, đá, hang động và bãi biển Cổ Thạch (thuộc H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) trở thành “một điểm đến - nhiều tiện ích” cho du khách thập phương.

Cổng chào Khu du lịch chùa Cổ Thạch - Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: L.VIÊN
Cổng chào Khu du lịch chùa Cổ Thạch - Bình Thạnh (xã Bình Thạnh, H.Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Ảnh: L.VIÊN

Những ngày đầu Xuân Quý Mão 2023, đông đảo người dân từ các nơi đổ về Khu du lịch chùa Cổ Thạch - Bình Thạnh để hành hương, chiêm bái; đồng thời vui chơi, tắm biển, thưởng lãm cảnh đẹp thiên nhiên độc đáo của nơi đây.

* Đường lên Cổ Thạch tự

Ngày nay, đường đến với Khu du lịch chùa Cổ Thạch - Bình Thạnh được thảm nhựa rộng rãi, khá thuận lợi. Chúng tôi đi trên quốc lộ 1 đến TT.Liên Hương (H.Tuy Phong) rẽ vào vài cây số là đến cổng chào của khu du lịch được xây dựng khá đồ sộ, quy mô.

Ngay từ tên gọi chùa Cổ Thạch hay Cổ Thạch tự đã cho thấy rõ đặc điểm riêng của ngôi chùa này - chùa đá xưa. Tên gọi này có từ khi chùa mới được khai lập, gắn liền với địa hình địa thế của một vùng đồi núi đá. Người dân địa phương còn gọi là chùa Hang vì các hạng mục của chùa được tạo lập dựa vào địa thế của các tảng đá, hang động tự nhiên.

Theo sử sách, năm Minh Mạng thứ 16 (năm 1835), Thiền sư Bảo Tạng (sinh năm 1818, quê ở Phú Yên) đã khai sơn và tu hành ở Cổ Thạch tự. Sau đó, thiền sư vào Nam và viên tịch tại một ngôi chùa ở TP.Vũng Tàu. Để tưởng nhớ công lao của vị sư Tổ có công sáng lập chùa Cổ Thạch, nhà chùa đã lấy ngày 25-5 âm lịch hàng năm làm ngày giỗ Tổ của chùa. Chùa Cổ Thạch đã được xếp hạng thắng cảnh cấp quốc gia vào năm 1993.

Nhìn bao quát, chùa tọa lạc trên đỉnh một khu đồi núi Cổ Thạch, có nhiều vòm đá, hang động. Nhiều tảng đá lớn nguyên sơ độc đáo nối tiếp và chồng lên nhau tạo thành nhiều hang động, một số hang động được chỉnh trang để thờ Phật trang nghiêm, hết sức độc đáo.

So với các chùa như: Bái Đính, Tam Chúc… ở miền Bắc hay chùa Bà chúa Xứ ở miền Tây Nam bộ, thì quy mô kiến trúc của chùa Cổ Thạch không lớn. Dù vậy, chùa Cổ Thạch lại có vẻ độc đáo riêng khi tọa lạc trên khu vực núi đá, trong một quần thể hang động rộng lớn muôn hình muôn vẻ nối tiếp nhau, xen lẫn giữa đá và cây cối xanh tươi, nằm thoai thoải hướng mặt về biển khơi xanh thẫm đến vô tận…

Đứng trên đồi cao của chùa, du khách dễ dàng thu vào tầm mắt khung cảnh nắng gió chan hòa rực rỡ, hít thở căng trong lồng ngực mình một bầu không khí trong lành pha với vị mặn mà của biển khơi Bình Thuận. Khi lắng nghe thanh âm thanh tịnh của trời biển mênh mang cùng tiếng chuông chùa vang vọng, cũng là lúc lòng người thư thái hơn bao giờ hết…

* Khung cảnh hữu tình - điểm check-in của giới trẻ

Cách chùa Cổ Thạch khoảng trăm mét, hướng về phía chân núi là bãi biển Cổ Thạch có nhiều bãi cát xen kẽ với các ghềnh đá, bãi đá tự nhiên chạy dọc theo bờ biển. Khúc eo biển khá rộng có bãi cát từ lâu đã trở thành bãi tắm lý thú của du khách gần xa.

Nhờ được thiên nhiên ưu đãi cảnh quan đẹp, rất đông du khách tìm đến để vui chơi và nhờ cũng thế, dịch vụ du lịch của người dân địa phương ở bãi biển này khá phong phú: từ nhà nghỉ, khách sạn cho đến dịch vụ gửi xe, cho thuê dàn loa “kẹo kéo”, thuê võng, thuê chỗ ngồi, chế biến hải sản tại chỗ, dịch vụ tắm nước ngọt…

Bờ biển Cổ Thạch hình cánh cung với nhiều bãi đá
Bờ biển Cổ Thạch hình cánh cung với nhiều bãi đá

Ghi nhận vào mùng 3 Tết Nguyên đán Quý Mão, rất đông người dân từ các nơi đổ về bãi biển này để vui chơi, thưởng thức hải sản tươi sống và tắm biển. Du khách đến đây chủ yếu đi theo nhóm bạn hoặc gia đình, từ 5-7 người hoặc nhiều hơn. Một số nhóm có mang theo thức ăn nhẹ và đồ uống, sau đó thuê bàn ghế để ngồi chơi, ca hát, tắm biển. Trong khi đó, có nhóm khách chọn mua hải sản tươi sống tại các quầy bán và chế biến tại chỗ để thưởng thức.

Theo nhân viên quán Đại Hiền, cơ sở chuyên bán hải sản chế biến ở Khu du lịch chùa Cổ Thạch - Bình Thạnh, những ngày Tết Nguyên đán vừa qua, rất đông người dân địa phương và du khách đến vui chơi, tắm biển nên các dịch vụ ở khu vực này hoạt động sôi động hơn hẳn. Đặc sản của vùng biển này là sò điệp, ốc tỏi, mực tươi, ghẹ… nên khách đến đây đều muốn thưởng thức các món ăn này.

Nhân viên quán Đại Hiền cũng cho biết, dọc theo bờ biển phía trên bãi tắm là bãi đá Bảy Màu hình cánh cung chạy dài hơn 200m với những viên đá nhỏ nhiều màu sắc, đủ hình hài, kích cỡ. Dưới ánh nắng mặt trời soi chiếu, những viên đá nhiều màu sắc này trở nên lấp lánh rất đẹp. Nối tiếp bãi đá Bảy Màu là bãi Rêu với những mảng rêu tự nhiên bám trên các tảng đá nằm dưới nước biển ven bờ. Chính vẻ đẹp này đã giúp nơi đây trở thành nơi chụp ảnh lưu niệm lý thú; được nhiều người chia sẻ rầm rộ trên mạng xã hội.

Người dân hành hương lễ Phật đầu năm tại chùa Cổ Thạch
Người dân hành hương lễ Phật đầu năm tại chùa Cổ Thạch

Biết được đây là địa điểm “check-in” nổi tiếng, được nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội, nên người viết cùng rất nhiều du khách đã tìm đến đây với mong muốn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp kỳ ảo, độc đáo của thiên nhiên, đồng thời sở hữu được những bức hình đẹp.

Tuy nhiên, theo người dân địa phương, cảnh sắc thiên nhiên ấn tượng nói trên chỉ diễn ra vào thời điểm mặt trời vừa ló dạng trong ngày. Khi bình minh lên, con nước nhỏ, sóng ít sẽ làm lộ lên cổ thạch phủ rong rêu. Vì vậy, lúc trời tờ mờ sớm, đã có rất nhiều người tìm đến để chụp ảnh biển lúc bình minh và cổ thạch… Để thuận tiện, một số người còn thuê nhà nghỉ, homestay gần đó để thuận tiện “săn ảnh”.

Chúng tôi đến bãi biển Cổ Thạch vào lúc giữa trưa, “đúng địa điểm, nhưng sai thời điểm”, cuộc vui có phần chưa trọn vẹn vì thiếu những bức ảnh đẹp với cổ thạch, nhưng bù lại, được thưởng thức những món ăn hải sản tươi ngon và hiểu thêm về một vùng biển xinh đẹp của xứ sở Bình Thuận nên cũng không tiếc chặng đường xa…

Có lẽ, việc lỡ thời điểm chụp ảnh với cảnh sắc của bãi đá Bảy Màu, bãi Rêu sẽ là lời hẹn với biển Cổ Thạch vào một dịp không xa…

Hiện nay, ở Khu du lịch chùa Cổ Thạch - Bình Thạnh, một số cơ sở tư nhân tổ chức dịch vụ du lịch vẫn chưa chuyên nghiệp, khuôn viên khu du lịch còn rác thải, còn tình trạng bói toán xuất hiện ở khuôn viên bãi tắm. Bên cạnh đó, lối vào chùa còn bày bán hàng quán lộn xộn, tình trạng người ăn xin xuất hiện nhiều… làm ảnh hưởng đến không gian tôn nghiêm, thanh tịnh của người đi hành hương, chiêm bái vãng cảnh chùa.

Lâm Viên

Tin xem nhiều