Được mệnh danh là vua tiêu, vua cà phê của Việt Nam, ông PHAN MINH THÔNG, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh (TP.HCM) đã dành hơn 20 năm để đưa doanh nghiệp (DN) dẫn đầu trong chế biến, xuất khẩu hàng nông sản. Trong đại dịch Covid-19, đa số DN chịu tổn thất nặng nề, song Phúc Sinh vẫn có những bước phát triển vững chắc.
Được mệnh danh là vua tiêu, vua cà phê của Việt Nam, ông PHAN MINH THÔNG, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh (TP.HCM) đã dành hơn 20 năm để đưa doanh nghiệp (DN) dẫn đầu trong chế biến, xuất khẩu hàng nông sản. Trong đại dịch Covid-19, đa số DN chịu tổn thất nặng nề, song Phúc Sinh vẫn có những bước phát triển vững chắc.
Ông Phan Minh Thông |
Theo ông Phan Minh Thông, nhiều năm qua, ông luôn dành tâm huyết cho nông nghiệp, liên tục đổi mới, sáng tạo, theo sát nhu cầu thị trường. Đây là điều mà bất cứ DN nào cũng phải quan tâm nếu muốn phát triển bền vững.
Dành tâm huyết lớn cho nông sản
* Nhiều năm theo đuổi ngành sản xuất, chế biến nông sản, điều gì giữ được chân ông lâu như vậy?
- Xuất phát từ DN nhỏ, sau hơn 20 năm, chúng tôi đã xây dựng được công ty có quy mô lớn, hàng năm chế biến hơn 70 ngàn tấn cà phê để tiêu thụ ở thị trường trong nước và xuất khẩu hơn 25 ngàn tấn. Hồ tiêu cũng là một mặt hàng chủ lực của công ty.
Chúng tôi phát triển với ước vọng nâng tầm cho giá trị của nông sản Việt, đưa hàng Việt ra thị trường thế giới, phát triển thương hiệu của chính người Việt Nam, làm giàu cho DN và cho người nông dân. Tôi nghĩ rằng, dù trong hoàn cảnh nào, việc dành tâm huyết, tình yêu cho công việc mình theo đuổi sẽ là sức mạnh lớn nhất để đưa tới thành công.
Theo ông PHAN MINH THÔNG, đổi mới, sáng tạo là yếu tố sống còn của DN trong bối cảnh thị trường có nhiều cạnh tranh. Phúc Sinh sẽ luôn nỗ lực để tìm tòi những điều mới mẻ, phục vụ khách hàng. |
* Để bán hàng ra nước ngoài một cách bền vững, theo ông đâu là điều quan trọng?
- Bán hàng ra nước ngoài, uy tín là điều rất quan trọng, nhất là khách hàng châu Âu, châu Mỹ. Phải giữ lời hứa, kể cả làm nhiều hay ít cũng luôn phải giữ chữ tín với khách hàng.
Thực tế ở Việt Nam hiện nay, kinh doanh chưa thật sự chuyên nghiệp, khó khăn khi làm ăn với khách hàng nước ngoài là bất đồng về văn hóa, tập quán. Người Việt Nam mình hay nói: “Tôi sẽ giao hàng”, nhưng người nước ngoài thì phải rõ ràng là ngày nào, tháng nào, năm nào? Nghĩa là phải có thời gian cụ thể, trong khi chúng ta vẫn còn cam kết chung chung. Bên cạnh đó, họ yêu cầu rất cao về chất lượng. Để đáp ứng, DN phải nỗ lực rất nhiều, từ việc thuyết phục người nông dân trồng cà phê, hồ tiêu theo tiêu chuẩn, đến chăm sóc, thu hoạch đều phải đáp ứng các tiêu chí, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
* Cơ sở hạ tầng, nhất là vấn đề logistics, phải chăng đang là một trở ngại cho phát triển?
- Đúng như vậy. Khi dấn thân vào sản xuất nông nghiệp mới thấy còn nhiều rào cản. Cần ứng dụng công nghệ 4.0 vào hạ tầng vận tải. Nếu không có tâm huyết với ngành nông nghiệp, các DN sẽ không “mặn mà” để đầu tư.
Đơn cử như việc vận chuyển nông sản còn mất quá nhiều thời gian vì hạ tầng giao thông ở các địa phương còn thiếu, yếu. Bên cạnh đó, cước phí vận chuyển, thời gian qua liên tục tăng cao, gấp 1,5-3 lần so với trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, cũng là một trở ngại lớn.
* Ngoài thành công với kinh doanh, ông còn yêu sách và viết sách. Ông muốn truyền tải điều gì đối với người đọc?
- Với những trải nghiệm có cả thành công lẫn thất bại và sai lầm đã qua, tôi muốn viết sách để truyền tải động lực đến tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ, thế hệ đi sau, những người đang muốn khởi nghiệp có thể vươn lên, vượt qua những khó khăn để lập nghiệp, tránh đi lại những vấp váp mà tôi từng phải trả giá đắt. Thông qua các trang sách, tôi mong muốn mọi người hãy luôn tự đổi mới, nâng cấp bản thân mình, sống và sáng tạo mới có thể vượt qua được những thời khắc khó khăn.
Tiếp tục đầu tư cho phát triển
* Ông đánh giá như thế nào về sân nhà đối với các mặt hàng nông sản. Việc “quay lại” sân nhà của Phúc Sinh gần đây ra sao?
- Mặc dù, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới nhưng phần lớn là xuất thô nên giá trị gia tăng không cao. Theo tôi, đây là vấn đề các DN xuất khẩu cà phê cần để tâm.
Còn với thị trường trong nước, tôi luôn thấy băn khoăn là người dân Việt trồng nhiều cà phê để xuất khẩu nhưng đa số người dân Việt lại đang sử dụng cà phê pha trộn bắp, đậu nành, thậm chí là hóa chất để uống. Nếu chỉ thuần túy đi theo việc xuất khẩu thô thì người tiêu dùng trong nước sẽ không có cơ hội thưởng thức các sản phẩm xuất khẩu tốt nhất. Do đó, tôi mong muốn sẽ góp phần của mình vào thay đổi thói quen, môi trường của người tiêu dùng, để họ được sử dụng sản phẩm chất lượng, nguyên chất. Như vậy, các nhà máy sản xuất đã được đầu tư có thể khai thác tốt hơn thị trường nội địa.
Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, Phúc Sinh đã xây dựng được các vùng nguyên liệu cà phê, hồ tiêu đạt chuẩn quốc tế ở Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu… |
* Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế, đối với Phúc Sinh, giải pháp nào để DN vượt qua khó khăn và tiếp tục phát triển?
- Khó khăn thể hiện rõ trong những năm vừa qua. Toàn nền kinh tế đều bị ảnh hưởng, đơn hàng xuất khẩu giảm sút, hàng hóa bị kẹt ở cảng chuyển tải, cảng đến làm chậm nguồn tiền về của DN, từ đó kéo theo các khó khăn khác. Bên cạnh đó, là thiếu hụt nhân công và container khiến cước tàu biển tăng phi mã.
Theo tôi, khó khăn là điều không thể tránh khỏi, vấn đề là DN phải đưa ra giải pháp để vượt qua. Thời gian qua, Phúc Sinh đã chủ động, nỗ lực để tăng thị phần ở nội địa và mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu. Dựa vào sự thay đổi của thói quen tiêu dùng như: mua bán online, thanh toán không dùng tiền mặt, giao hàng tận nơi... để DN có những thay đổi. Song song đó là thiết kế giải pháp website và app điện thoại bán hàng online. Những nỗ lực này đã mang lại hiệu quả, giúp Phúc Sinh từng bước vượt qua khó khăn.
Ông Phan Minh Thông ký tặng sách cho sinh viên. Ảnh: V.Gia |
* Ông có thể “bật mí” kế hoạch trong thời gian tới của Phúc Sinh?
- Không chỉ năm nay mà các năm tiếp theo, công ty sẽ tiếp tục dùng lợi nhuận thu được để tái đầu tư vào sản xuất, mở rộng và cung cấp cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, coi chuyển đổi số trong DN chính là khâu quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững.
DN thường xuyên cập nhật xu hướng thị trường, nhất là trong bối cảnh tiêu dùng của thế giới, trong nước thay đổi nhanh chóng sau những biến động của đại dịch Covid-19 và sự biến đổi, phát triển của công nghệ. Việc đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, từ sản phẩm đến chiến lược kinh doanh chắn là bài toán lâu dài đối với DN. Làm kinh doanh mà không đổi mới, nỗ lực sáng tạo, thích nghi sẽ rất khó thành công.
* Xin cảm ơn ông!
Văn Gia (thực hiện)