Một trong những điểm mới, quan trọng mang tính chất quyết định đến sự tồn tại và phát triển của nhiều bệnh viện công đó là Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 đã cho các bệnh viện công tự chủ tài chính.
Một trong những điểm mới, quan trọng mang tính chất quyết định đến sự tồn tại và phát triển của nhiều bệnh viện công đó là Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 đã cho các bệnh viện công tự chủ tài chính. Đây chính là vấn đề mà lâu nay nhiều bệnh viện tự chủ một phần đang như thuyền mắc cạn, bởi tình trạng “tự chủ nửa vời” là cho tự chủ nhưng không trao quyền tự quyết cho bệnh viện.
Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi năm 2023 quy định, cơ sở khám, chữa bệnh được tự chủ trong quyết định về tổ chức và nhân sự, thực hiện nhiệm vụ, phát triển các hoạt động chuyên môn, các hoạt động khác phục vụ khám, chữa bệnh theo quy định của luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đã được thông qua. Đồng thời luật cũng quy định cụ thể các nội dung tự chủ về tài chính của các cơ sở khám, chữa bệnh bao gồm: quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh theo quy định của pháp luật, trừ dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước định giá; quyết định sử dụng nguồn thu hợp pháp để đầu tư các dự án thực hiện hoạt động khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Lâu nay, do không được tự chủ hoàn toàn nên nhiều bệnh viện công lập hoạt động tự chủ một phần đã gặp rất nhiều khó khăn. Các bệnh viện muốn bổ nhiệm nhân sự, mua sắm trang thiết bị, xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất… đều phải xin phép cơ quan có thẩm quyền, không được tự quyết định. Trong khi chúng ta đang khuyến khích các bệnh viện công lập khoán việc, tự chủ tài chính để cải thiện thu nhập cho bác sĩ, nhưng giám đốc bệnh viện lại chỉ có quyền trả lương cho nhân viên mà không có quyền trả lương cao hơn cho những người làm việc hiệu quả; không được thu thêm, không được tự quyết giá viện phí mà vẫn phải thực hiện theo khung giá của Bộ Y tế. Muốn làm gì cũng phải thực hiện theo đúng quy trình và nguồn thu vẫn phải trích 45% cho rất nhiều nguồn quỹ như: quỹ phát triển sự nghiệp (25%), quỹ phúc lợi (10%), quỹ khen thưởng (5%), quỹ cải cách tiền lương (5%), trong khi nguồn kinh phí dành cho hoạt động của bệnh viện rất hạn chế… Điều này ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu, vận hành và phát triển của các bệnh viện.
Cho nên, theo tôi quy định cho các bệnh viện công lập được tự chủ tài chính là một trong những đổi thay lớn trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm đổi mới cơ chế quản lý phù hợp bối cảnh phát triển nền kinh tế thị trường, đó là từng bước cải cách phương thức tài chính công theo hướng phát huy tính tự chủ, sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước, phát huy mọi khả năng của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc cung cấp dịch vụ công với chất lượng cao.
Tuy nhiên, khi thực hiện tự chủ toàn diện, một vấn đề xã hội đang rất quan tâm là sự cân bằng giữa tự chủ với việc thực hiện trách nhiệm xã hội và công bằng trong khám, chữa bệnh. Nhiều ý kiến lo ngại rằng, cơ chế tự chủ tiềm ẩn nguy cơ các bệnh viện có khuynh hướng tìm kiếm thêm doanh thu thông qua việc cung cấp các dịch vụ kỹ thuật cao và xem nhẹ các dịch vụ cơ bản; khuyến khích khám chữa bệnh theo yêu cầu có giá cao hơn khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, dẫn đến chức năng xã hội của bệnh viện bị giảm sút, ảnh hưởng đến tiếp cận dịch vụ y tế của người nghèo.
Vì vậy, mong rằng, trao quyền tự chủ tài chính là “cởi trói” cho các bệnh viện công phát triển, nhưng cũng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát để các bệnh viện công lập phải thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của mình là công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ với ý nghĩa là dịch vụ công bao gồm các dịch vụ khám chữa bệnh cơ bản do ngân sách nhà nước và Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả, các dịch vụ khám chữa bệnh ngoài phạm vi chi trả của Quỹ Bảo hiểm y tế và các dịch vụ y tế bổ trợ có tính chất nâng cao… chứ không phải thuần túy kinh doanh sản phẩm khám, chữa bệnh.
Nguyễn Trần Đan Lê
(TP.Biên Hòa)