Từng là "dân" chuyên toán của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa), doanh nhân trẻ NGUYỄN TIẾN HUY đã trải qua nhiều bước ngoặt trong sự nghiệp trước khi trở thành nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp truyền thông và công nghệ sáng tạo Pencil Group (TP.HCM).
Từng là “dân” chuyên toán của Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa), doanh nhân trẻ NGUYỄN TIẾN HUY đã trải qua nhiều bước ngoặt trong sự nghiệp trước khi trở thành nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc Tổ hợp truyền thông và công nghệ sáng tạo Pencil Group (TP.HCM).
Anh Nguyễn Tiến Huy |
Anh Huy từng có nhiều quyết định mạo hiểm như: bỏ ngang việc học khi đang là sinh viên Trường đại học Bách khoa (Ðại học Quốc gia TP.HCM), rời vị trí Giám đốc truyền thông số tại Tập đoàn Truyền thông toàn cầu Ogilvy để khởi nghiệp một công ty truyền thông số, sau đó mở rộng thành tổ hợp Pencil Group… Công ty truyền thông số của anh từng được báo cáo về nền kinh tế số của Diễn đàn APEC 2017 ghi nhận là một trong những công ty tiêu biểu của Việt Nam.
Kể những câu chuyện thương hiệu từ nét “bút chì”
* Anh từng chia sẻ với truyền thông là mình đã đưa ra nhiều quyết định mạo hiểm, phá cách để đạt được vị trí như hiện tại. Nhìn lại con đường đó, anh thấy mình được và mất gì?
- Tôi bắt đầu làm website đầu tiên vào năm 2001, trước khi biết về marketing và quyết định đi theo ngành này trong suốt hơn 10 năm, ở nhiều vị trí khác nhau. Ðiều luôn giúp tôi giữ lửa với ngành này là tốc độ của sự thay đổi. Bởi vì nó luôn phải thay đổi nhanh chóng theo nhịp vận động của văn hóa và xã hội. Người tiêu dùng thay đổi và người làm marketing lại càng phải thay đổi, tìm hiểu để đổi mới sáng tạo.
Khi đã chọn một con đường thì sẽ không biết con đường kia sẽ như thế nào. Tôi không nghĩ quá nhiều về việc mình đã mất gì mà luôn cảm thấy mình may mắn nhận được nhiều thứ hơn. Quá trình làm việc tại các tập đoàn đa quốc gia, đảm đương các vị trí quan trọng, tôi học hỏi được tư duy chiến lược, quy trình, nguyên tắc quản trị nhân sự… đồng thời tạo ra được văn hóa khai phá những gì mới mẻ vượt qua những khuôn khổ, giới hạn bình thường vào trong công ty của mình. Tôi cũng tự hào vì đã tạo ra được môi trường cho các bạn trẻ khác có thể đồng hành, khám phá những con đường riêng của các bạn.
Anh NGUYỄN TIẾN HUY là tác giả hai cuốn sách trong lĩnh vực marketing là Đọc vị thế hệ sống ảo và Digital marketing - Chiến lược là lược đi để chiến. Đồng thời, anh còn là chuyên gia cố vấn, diễn giả quen thuộc trong một số diễn đàn, hội thảo chuyên ngành marketing, khởi nghiệp tại TP.HCM và cả nước. |
* Trong quá trình rẽ hướng từ công nghệ và tư duy logic sang truyền thông, anh có gặp khó khăn nào không?
- Thời điểm ban đầu cũng có chút bỡ ngỡ vì tôi không được đào tạo bài bản về marketing, mà phải học hoàn toàn dựa trên thực tế công việc. Ðặc biệt là với một người làm công nghệ, trải nghiệm công nghệ trong ngành truyền thông.
Tuy nhiên, vào giai đoạn 2006-2007, xu hướng marketing là sử dụng công nghệ để tạo ra những trải nghiệm mới cho người tiêu dùng. Nói là rẽ hướng nhưng thật ra là “chắp cánh” bởi vì trong thời điểm chuyển giao đó, xu hướng truyền thông vô cùng phù hợp với những kỹ năng công nghệ tôi đã có, trở thành chiếc cầu nối vững chắc, giúp tôi ứng dụng tối đa vai trò của mình trong lĩnh vực truyền thông.
* Tại sao công ty sáng tạo của anh lại gắn với hình ảnh chiếc bút chì?
- Pencil Group là tổ hợp truyền thông và công nghệ được thành lập năm 2014, mang tinh thần can đảm dám đổi mới, dựa trên chính cái tên Pencil. Hình ảnh cây bút chì biểu trưng cho sự can đảm không sợ thất bại, mọi nét đều có thể tẩy xóa hay sửa chữa.
Bất cứ công ty, lĩnh vực nào muốn phát triển và thành công cũng cần có 3 yếu tố chiến lược đó là: con người - quy trình - công nghệ. Tuy nhiên, dù công nghệ có hiện đại tới đâu và những thay đổi có diễn ra nhanh chóng như thế nào, thì một “chân lý” có thể làm điểm tựa cho những người làm ngành sáng tạo chính là sự thấu cảm.
Ðây là yếu tố vô cùng quan trọng vì sáng tạo là phải đến từ nhiều người, nhiều góc nhìn khác nhau. Sáng tạo không chỉ là câu chuyện riêng của một cá nhân. Sự thấu cảm giúp mọi người lắng nghe nhau, vừa có thể hiểu góc nhìn của nhau hơn, góp phần giúp quá trình hiện thực hóa ý tưởng được hiệu quả hơn.
Còn với góc độ của công ty với khách hàng, sự thấu cảm càng quan trọng hơn vì nó giúp cho người làm nội dung sáng tạo đi sâu hơn vào suy nghĩ, cảm xúc của người tiêu dùng. Ðiều này giúp Pencil Group định vị được mình trong nhiều dự án truyền thông, hợp tác với các nhãn hàng, thương hiệu hàng đầu trong và ngoài nước như: Vincom, Vinfast, VPBank, Tiki.vn, BIDV, LG, Huda, Vua Nệm, Prudential…
Trí tuệ nhân tạo không thay thế được sự thấu cảm
* Công nghệ ngày càng hiện đại và liên tục vận hành, thay đổi. Ðể kết nối - hòa nhập với dòng chảy số đó thì mỗi cá nhân trong “thế hệ kết nối” cần phải làm gì?
- Với công nghệ của internet, mọi người thường liên hệ với nhau dễ dàng hơn mà liên kết với nhau ngày càng khó. Với tôi, công nghệ luôn làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, chẳng qua cách mình sử dụng, mình chọn lựa nó ra sao. Giữa một “rừng” công nghệ thì thông tin nào dành cho mình, giá trị nào làm cho cuộc sống mình tốt đẹp hơn, đó mới là vấn đề.
Anh Nguyễn Tiến Huy (giữa) tham gia chia sẻ tại hội nghị Thương hiệu do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức năm 2022 |
Theo tôi, có 3 tầng kết nối, kết nối với bản thân, kết nối với người khác và kết nối với cộng đồng, xã hội. Có vô số thảo luận về việc internet có làm ảnh hưởng đến con người hay không nhưng cơ bản internet không có lỗi. Chỉ cần mọi người tìm được giá trị cốt lõi của mình thông qua câu hỏi “Tôi là ai?” ở tầng kết nối với bản thân thì họ có thể tự chọn lọc được nội dung dành cho mình và khi giao tiếp ứng xử với người khác, lúc đó internet chỉ có mặt tốt mà thôi. Do vậy nền tảng giáo dục, nhất là với giới trẻ, vô cùng quan trọng.
Còn ở tầng thứ 3 cũng thế, kết nối với thế giới, xã hội nghe có vẻ hơi vĩ mô vì bản thân mình nghĩ làm sao có thể tạo ra những điều hoàn hảo, lớn lao như vậy. Nhưng tôi tin rằng, chỉ cần mình ý thức tìm kiếm câu trả lời cho chính mình, chọn lọc thông tin phù hợp thì chắc chắn sẽ mang lại những vai trò, giá trị bền vững lâu dài với cuộc sống.
* Trong thế giới phẳng như hiện nay, vai trò của marketer (người làm truyền thông) muốn cạnh tranh được, trở thành những nhà sáng tạo nối dài thì phải có những yếu tố nào?
- Tôi cũng nhiều lần tự đặt ra câu hỏi về vai trò của công nghệ trong tương lai của ngành sáng tạo. Tuy nhiên, có hai điểm công nghệ không bao giờ thay thế được con người. Thứ nhất, đó là sự thấu cảm như tôi đã đề cập ở trên. Máy móc hay AI (trí tuệ nhân tạo) cho dù có giỏi đến mấy cũng chỉ dựa trên những dữ liệu, quy tắc có sẵn. Còn sự thấu cảm ở người thật chính là trung tâm của mọi trải nghiệm, cảm xúc, là khởi nguồn của mọi ý tưởng, thông điệp, AI sẽ không thể làm được.
Thứ hai, là tinh thần lãnh đạo sáng tạo. Ví dụ ngày trước công việc của người làm sáng tạo phải làm thủ công hoặc máy móc cơ bản, mất nhiều thời gian, công sức thì bây giờ công nghệ đã thay thế dần những công việc đó. Ðiều này tạo tiền đề cho những người làm sáng tạo có thể chắp cánh ý tưởng, hoàn thành công việc nhanh chóng, hiệu quả hơn nhưng tư duy và tinh thần lãnh đạo sáng tạo vẫn là yếu tố cần phải có để dẫn dắt, đưa công cụ đó vào thời điểm nào, công việc nào một cách phù hợp.
* Ngoài làm doanh nhân, anh còn là chuyên gia cố vấn cho các bạn trẻ khởi nghiệp, thậm chí tham gia đầu tư vào các lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, game. Ðiều gì đã mang lại cho anh nhiều năng lượng như vậy?
- Hầu hết các quyết định của tôi đều để thỏa mãn khát vọng sáng tạo. Bằng sự đam mê của mình, tôi sẵn lòng chia sẻ, tạo môi trường để các bạn trẻ có thể tự do sáng tạo, tận dụng cơ hội cũng như thách thức. Cùng với đó, tôi đầu tư cho những ý tưởng tiềm năng trong ngành công nghiệp sáng tạo được lớn lên. Tôi khám phá và nuôi dưỡng những ý tưởng khi còn đang nung nấu bằng cách góp vốn và góp lời khuyên để giấc mơ của các start-up thành hiện thực...
* Xin cảm ơn anh!
Hải Hà (thực hiện)