Tình trạng người lao động tại các doanh nghiệp trong cả nước bị cắt giảm giờ làm đang khá phổ biến.
Tình trạng người lao động (NLĐ) tại các doanh nghiệp (DN) trong cả nước bị cắt giảm giờ làm đang khá phổ biến. Thậm chí có DN lớn đã sa thải cùng lúc hàng ngàn công nhân khiến họ lao đao, không biết xoay xở ra sao khi cơ hội tìm công việc mới trong thời điểm này khá khó khăn, nhất là với những lao động đã lớn tuổi. Cuộc sống vì thế với NLĐ chưa khi nào lại phải đối diện với nhiều áp lực như lúc này.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng DN phải cắt giảm giờ làm là do thiếu hụt đơn hàng vì khan hiếm nguyên liệu và những bất ổn của tình hình thế giới. Thực trạng này cũng đã được các chuyên gia dự báo từ trước Tết Nguyên đán và cho đến hiện tại, khả năng phục hồi sản xuất vẫn chưa mấy khả thi.
Nhiều DN đã cố gắng tìm kiếm đơn hàng, sẵn sàng nhận thêm những đơn hàng trước đây không nhận để duy trì việc làm cho NLĐ. Không ít DN luân phiên cắt giảm giờ làm nhưng vẫn thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách vốn có, giúp NLĐ yên tâm gắn bó, cùng DN vượt qua khó khăn.
Tại Đồng Nai, hiện chưa xảy ra tình trạng DN sa thải hàng loạt lao động. Đây là một nỗ lực lớn của DN trong việc giữ chân NLĐ, duy trì sản xuất. Tuy nhiên, do giảm thu nhập nên đời sống của NLĐ đang phải đối mặt với khá nhiều thử thách đòi hỏi phải có sự quan tâm, chăm lo nhiều hơn nữa của các cấp, các ngành. Trong đó, ngoài nỗ lực của DN, tổ chức Công đoàn phải luôn sát sao, kịp thời nắm bắt tâm tư cũng như nguyện vọng của NLĐ. Từ đó, có giải pháp hỗ trợ để NLĐ không cảm thấy cô độc, nhất là với những lao động có hoàn cảnh khó khăn, lao động mắc bệnh hiểm nghèo hay lao động lớn tuổi.
Tình hình sản xuất kinh doanh của DN dự báo vẫn chưa “sáng” hơn, do đó, DN vẫn sẽ tiếp tục phải “gồng” mình để vượt qua giai đoạn này. Hơn lúc nào hết, DN đang rất cần sự cảm thông, chia sẻ của NLĐ và trên thực tế, NLĐ đã và đang đồng hành, góp phần lớn vào sự ổn định của DN. Tuy nhiên, đã xảy ra tình trạng DN lợi dụng khó khăn chung để trục lợi, nợ lương, không đóng bảo hiểm xã hội và thực hiện các chế độ, chính sách cho NLĐ. Đây là vấn đề cần sự giám sát chặt chẽ của đơn vị có chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp của NLĐ, không để họ chịu thiệt thòi.
Với sự nỗ lực, linh hoạt của DN cùng những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, địa phương, NLĐ đang rất hy vọng khó khăn sẽ sớm qua đi, việc làm, thu nhập lại ổn định như trước, hơn trước, vì “hết mưa trời nắng hửng lên thôi”.
Nguyễn Phượng