Chọn học nghề hay đại học là câu hỏi của nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa tương lai, đặc biệt là những học sinh khối 12 đang trong giai đoạn chọn ngành, chọn nghề. Báo Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trao đổi với anh NGUYỄN DUY THANH, đại sứ kỹ năng nghề xoay quanh nội dung này.
Anh Nguyễn Duy Thanh, đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam. Ảnh: H.YẾN |
Chọn học nghề hay đại học là câu hỏi của nhiều bạn trẻ trước ngưỡng cửa tương lai, đặc biệt là những học sinh khối 12 đang trong giai đoạn chọn ngành, chọn nghề. Báo Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trao đổi với anh NGUYỄN DUY THANH, đại sứ kỹ năng nghề xoay quanh nội dung này.
Anh Nguyễn Duy Thanh là thí sinh Việt Nam đầu tiên đạt huy chương đồng trong kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới (năm 2015) và là một trong 10 đại sứ kỹ năng nghề đầu tiên của Việt Nam.
Chủ động tìm kiếm cơ hội
Việc là thí sinh Việt Nam đạt được thành tích cao tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới đã mang đến cho anh những cơ hội nào?
- Tôi vào học đại học ngành công nghệ thông tin (CNTT) chuyên ngành khoa học máy tính Trường đại học Công nghiệp TP.HCM từ năm 2011. Do đẩy nhanh tiến độ học nên đến năm 2014 tôi gần như hoàn thành chương trình.
Khi đó, tôi chủ động tìm kiếm cơ hội cho mình thông qua các kỳ thi nghề. Tôi đã đoạt giải nhất quốc gia nghề Giải pháp phần mềm CNTT rồi được Công ty Samsung Việt Nam đưa sang Hàn Quốc để luyện tập tay nghề trong vòng 1 năm. Năm 2015, tôi tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới tại Brasil và giành được huy chương đồng, trở thành thí sinh đầu tiên của Việt Nam đạt giải cao trong kỳ thi này.
Sau kỳ thi, tôi quay trở về trường để hoàn thành chương trình học và lấy bằng tốt nghiệp rồi ra Hà Nội làm việc cho Công ty Samsung Việt Nam. Sau 4 năm, tôi quay trở lại TP.HCM để cùng bạn bè thành lập công ty giải pháp phần mềm và bắt đầu khởi nghiệp với vai trò là giám đốc kỹ thuật.
Sau khi đoạt giải tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới, anh đã trở thành huấn luyện viên để hỗ trợ cho nhiều sinh viên tham gia kỳ thi kỹ năng nghề các cấp. Anh thấy hạn chế của các bạn là gì?
Từ năm 2016, anh Nguyễn Duy Thanh bắt đầu tham gia huấn luyện cho các kỳ thi tay nghề quốc gia, ASEAN và thế giới ở nghề Giải pháp phần mềm CNTT. Các thí sinh do anh Thanh huấn luyện đã đạt được nhiều thành tích cao. Năm 2020, anh đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba. |
- Hạn chế lớn nhất là các bạn chưa có ý chí quyết tâm, chưa toàn tâm, toàn lực cho kỳ thi. Điều này có thể là do các bạn chưa thấy được cơ hội mà cuộc thi mang đến; có thể do các bạn bị phân tâm bởi những yếu tố bên ngoài như: lịch học ở trường, tác động của gia đình, bạn bè, vấn đề sinh hoạt phí…
Hầu hết những huy chương, thành tích cao mà đoàn Việt Nam đạt được ở đấu trường quốc tế đều có sự hỗ trợ của doanh nghiệp (DN). Đây là những DN mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã ký kết hợp tác nhằm hỗ trợ, giúp sinh viên có cơ hội bước chân vào môi trường DN để rèn luyện, học tập.
Không chỉ riêng kỳ thi Kỹ năng nghề mà việc hợp tác với DN cũng đã được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thúc đẩy để học sinh, sinh viên có môi trường học tập, rèn luyện tốt hơn. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, đổi mới cách dạy học cũng tác động tích cực đến kiến thức, kỹ năng của học sinh, sinh viên hiện nay.
Đại học hay trường nghề chỉ là con đường, không phải lựa chọn cuối cùng
Quá trình làm việc tại DN lớn đã giúp ích gì cho anh trong quá trình khởi nghiệp sau này? Kinh nghiệm mà anh học được là gì?
- 1 năm làm việc tại Hàn Quốc và 4 năm làm việc tại Công ty Samsung Việt Nam đã đào tạo cho tôi rất nhiều, đặc biệt là về các kỹ năng và tác phong làm việc chuẩn mực. Điều này rất quan trọng cho quá trình khởi nghiệp của tôi.
Từ trải nghiệm của bản thân, tôi cho rằng muốn làm chủ thì trước tiên phải làm được việc. Ví dụ bạn muốn khởi sự kinh doanh thì bạn phải biết kỹ năng bán hàng, quản lý kho, xuất - nhập hàng hóa… Tức là phải hiểu được quy trình, làm chủ được quy trình thì mới quản lý tốt được nhân sự trong quy trình đó.
Bản thân tôi cũng vậy, không chỉ giỏi kỹ năng CNTT mà tôi còn phải biết về nghiệp vụ văn phòng, quản lý nhân sự… những kinh nghiệm này mới giúp tôi làm chủ DN của mình. Sở dĩ tôi nói như vậy là vì hiện có nhiều bạn trẻ khá mơ mộng, nôn nóng làm chủ trong khi chưa hề có kinh nghiệm làm việc thực tế. Như vậy rất khó để thành công.
Không ít bạn trẻ đang phân vân giữa việc học đại học hay học trường nghề. Anh có lời khuyên gì cho các bạn trước vấn đề này?
Sinh viên Trường cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc trong giờ thực hành. Ảnh: H.YẾN |
- Đại học hay trường nghề chỉ là con đường, không phải lựa chọn cuối cùng. Theo tôi, các bạn học sinh nên bỏ quan niệm “chọn đại học không được rồi mới chọn cao đẳng, chọn cao đẳng không được thì xuống trung cấp”. Đây là quan niệm sai lầm. Chọn học nghề hay đại học trước phải căn cứ vào năng lực, sở thích, đam mê, điều kiện của các bạn. Ở góc độ DN, chúng tôi quan tâm đến việc các bạn có kỹ năng làm việc, có thái độ tốt hay không chứ không phải các bạn tốt nghiệp bậc học nào. Nếu học đại học mà ra trường không đáp ứng được với yêu cầu công việc thì cũng không bằng các bạn học nghề mà có thể làm được việc, tạo được giá trị cho DN.
Bản thân tôi làm chủ một DN. Tôi sẵn sàng thuê người làm được việc và trả lương theo năng lực chứ không căn cứ vào bằng cấp mà bạn có. Vì vậy, các bạn trẻ cứ tự tin chọn trường, chọn ngành theo năng lực, sở thích.
Anh đánh giá như thế nào về cơ hội việc làm của các bạn trẻ trong giai đoạn hiện nay?
- Hiện các trường rất chú trọng đến khâu thực tập cho sinh viên. Bên cạnh đó, DN ngày càng tham gia sâu vào quá trình đào tạo. Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên có nhiều cơ hội tiếp cận và tìm kiếm việc làm hơn.
Ngay như DN của tôi cũng có những khóa đào tạo miễn phí cho sinh viên trong 3 tháng, 6 tháng và cam kết việc làm cho sinh viên. Điều quan trọng là sinh viên phải tập trung học tập, rèn luyện để có kiến thức, kỹ năng cần thiết, đáp ứng được yêu cầu công việc. Riêng đối với các DN ngành CNTT thì chúng tôi rất cần người trẻ.
Xin cảm ơn anh!
Hải Yến (thực hiện)