Để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa ở nước ta, ngay từ đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho xây dựng đường sắt Bắc - Nam, trong đó có tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang đi qua địa phận Đồng Nai.
Để phục vụ cho công cuộc khai thác thuộc địa ở nước ta, ngay từ đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp đã cho xây dựng đường sắt Bắc - Nam, trong đó có tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang đi qua địa phận Đồng Nai.
Nhà ga Biên Hòa năm 1910. Nguồn: delcampe.net |
Ga Biên Hòa trở thành một trong những nhà ga quan trọng của tuyến đường sắt, là nơi đón đưa những chuyến tàu ra Bắc vào Nam trong suốt hơn một thế kỷ qua.
Ký ức xe lửa
Lịch sử Biên Hòa - Đồng Nai ghi nhận, năm 1896, thực dân Pháp cho khảo sát tuyến quốc lộ 1 và tuyến đường sắt Bắc - Nam. Năm 1897, toàn quyền Pháp ở Đông Dương Pôn Đume báo cáo về Bộ Thuộc địa Pháp đề nghị xây dựng tại Đông Dương hệ thống đường bộ, đường sắt, kênh đào, bến cảng… Kế hoạch này chính thức được phê duyệt và bắt tay vào xây dựng.
Trưởng ga Biên Hòa NGUYỄN ĐÌNH ÂN cho biết: Là ga cửa ngõ của vùng Đông Nam bộ, tất cả các tàu đều dừng đón trả khách tại ga Biên Hòa, lượng khách đặc biệt tăng cao vào các dịp lễ, Tết. Với vai trò quan trọng trên tuyến đường sắt Bắc - Nam, ga Biên Hòa phấn đấu phát triển hơn về mọi mặt để phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại bằng tàu hỏa của người dân, nhất là công nhân lao động. |
Một năm sau đó, cùng với quốc lộ 1, tuyến đường sắt xuyên Đông Dương bắt đầu khởi công. Người ta đồng thời mở nhiều công trường làm đường từ Sài Gòn tiến ra phía Bắc và từ Nha Trang hướng về Nam. Trong phạm vi tỉnh Biên Hòa, quốc lộ 1 và đường sắt chạy cặp kè nhau.
Việc xây dựng tuyến đường sắt vào thời kỳ đầu tốn kém khá nhiều tiền của và sức người, thậm chí nhiều đồng bào đã thiệt mạng khi làm phu trên tuyến đường này. Theo một số tài liệu, chi phí xây dựng toàn tuyến đường Sài Gòn - Nha Trang lên đến 69 triệu franc, giá thành 1km khoảng 148 ngàn franc, tính đổi thời giá khoảng 60.900 đồng Đông Dương. Năm 1900, trên công trường đường sắt Sài Gòn - Nha Trang, một đoàn phu 100 người bắt đầu khởi hành từ tháng 4-1900 từ Sài Gòn, nhưng 3 tháng sau chỉ còn lại 20 người, 80 người kia bị chết hoặc mất tích.
Năm 1903, hai cầu Gành (hay Ghềnh) và Rạch Cát bắc xong thì ngày 14-1-1904, đoạn đường sắt Sài Gòn - Xuân Lộc dài 71km thông xe. Tàu chợ Sài Gòn - Biên Hòa mỗi ngày hai chuyến bắt đầu hoạt động. Tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang dài hơn 400km hoàn thành ngày 16-7-1913. Đoạn đường sắt xuyên Đông Dương băng ngang tỉnh Biên Hòa dài 87,5km có 12 ga, gồm: Biên Hòa, Hố Nai, Long Lạc, Trảng Bom, Bàu Cá, Dầu Giây, An Lộc, Xuân Lộc, Bảo Chánh, Gia Ray, Trảng Táo, Gia Huynh.
Theo cuốn Hình ảnh Biên Hòa xưa, nhờ tuyến đường sắt Sài Gòn - Nha Trang mà sản phẩm của tỉnh, chủ yếu gỗ cưa trên rừng, được tỏa đi các nơi rất dễ dàng vì đường sắt băng rừng trên phần lớn hành trình của nó. Những cơ sở khai thác lâm nghiệp lớn còn thậm chí ghép trên đường sắt đó những tuyến đường nhánh, đặc biệt tuyến đường loại Decauville, như tuyến 30km mà Công ty B.I.F (Kỹ nghệ và lâm nghiệp Biên Hòa) xây dựng từ Trảng Bom đến Bến Nôm trên sông Đồng Nai.
Tại ga Biên Hòa xưa có một kho máy móc, một xưởng phụ để sửa chữa và một kho dự trữ nhiên liệu. Những ga xép khác là ga Xuân Lộc và ga Gia Ray. Có nhiều xe lửa mà chặng cuối là Biên Hòa nối tỉnh lỵ với Sài Gòn. Hai xe lửa cho mỗi chiều, không kể đến những dịch vụ đặc biệt, đi đến Nha Trang qua Mương Mán và phục vụ giao thông hàng ngày của tỉnh cho đến tận ranh giới Trung kỳ.
Nhà ga Biên Hòa ngày nay |
Hiện nhà truyền thống công nhân cao su Đồng Nai còn trưng bày hình ảnh chuyến xe lửa đầu tiên đưa công nhân từ H.Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị) vào làm phu công tra tại các đồn điền ở Xuân Lộc năm 1906, vốn được thực dân Pháp và tay sai thêu dệt như một “thiên đường đất đỏ” ở Nam kỳ. Những chuyến xe lửa này chở những người nông dân nghèo khổ bị bần cùng hóa với mong muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn, thế nhưng “cao su đi dễ khó về”.
Tuyến Sài Gòn - Biên Hòa đi qua những vùng đất phì nhiêu và đông dân. Trong cuốn Cù lao Phố - lịch sử và văn hóa do Huỳnh Ngọc Trảng chủ biên cho biết, dân Cù lao Phố xưa kia muốn đi xe lửa ra miền Trung, miền Bắc thì tới ga Biên Hòa; muốn đi tàu chợ Sài Gòn - Biên Hòa thì có thể đến ga Biên Hòa hoặc ga xép Bửu Hòa.
Ký ức về Biên Hòa xưa cùng tiếng còi hụ mỗi khi những chuyến xe đò, xe lửa ghé qua ga vẫn in đậm trong mỗi người dân Biên Hòa… |
Vào thời điểm này, tàu hỏa trở thành phương tiện giao thông hiện đại, lưu thông nhanh chóng, tiện lợi. Người dân thường có câu “nhanh như xe lửa Biên Hòa” hay “Bước lên xe lửa Biên Hòa/Tánh Linh anh tới đó, chắc là xa em”…
Trong cuốn Nhớ Biên Hòa, nhà văn Thái Hải bộc bạch: “Xe đò chở khách từ Sài Gòn về phải đi qua cầu Gành và cầu Rạch Cát. Thường, khi tới Chợ Đồn, nếu có xe lửa đi qua thì các loại xe phải dừng lại chờ, đậu thành hàng dài trước cầu Gành. Bà con ở đây xây những ki-ốt giữa đường rầy xe lửa và lề đường nhựa để bày bán bưởi Biên Hòa cho khách đi xe - những chồng trái bưởi xếp có ngọn thật hấp dẫn, rồi những người bán hàng rong với đủ thứ mặt hàng, người tàn tật ôm đàn hát dạo... tạo nên một hình ảnh đặc biệt khó quên cho hành khách xe đò và cả những người dân địa phương một thời. Xe lửa đi qua, bánh xe sắt nghiến trên đường rày cùng tiếng còi hú dài, khách đi xe lửa nhìn xuống đoàn xe đậu nối đuôi, khách đi xe đò nhìn lên xem xe lửa...”.
Mạch máu giao thông quan trọng
Hiện nay tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy qua Đồng Nai dài 87,5km với 12 ga là Gia Huynh, Trảng Táo, Gia Ray, Bảo Chánh, Xuân Lộc, An Lộc, Dầu Giây, Bàu Cá, Trảng Cá, Trảng Bom, Long Lạc, Hố Nai và Biên Hòa. Đây cũng là mạch máu giao thông quan trọng nối Đồng Nai với các tỉnh phía Bắc và TP.HCM.
Theo ông Nguyễn Đình Ân, Trưởng ga Biên Hòa thì ga có lý trình Km 1679 +480 thuộc tuyến đường sắt Bắc - Nam, khổ đường 1000mm, tiếp nối sau ga Hố Nai và trước ga Dĩ An. Ga được thành lập từ thời Pháp thuộc, vào khoảng năm 1903. Năm 2015 ga được xây mới bao gồm tổng thể nhà ga, đề pô sửa chữa đầu máy. Hiện nay ga Biên Hòa là ga cấp 3, trực tiếp sản xuất , kinh doanh, tổ chức thực hiện các hợp đồng của Tổng công ty đường sắt Việt Nam, Chi nhánh khai thác đường sắt Sài Gòn. Trong đó có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức chạy tàu gồm công tác đón gửi tàu, công tác lập tàu, dồn đưa lấy xe xếp dỡ và các tác nghiệp kỹ thuật liên quan đến công tác chạy tàu theo đúng biểu đồ chạy tàu và kế hoạch của điều độ chạy tàu đảm bảo tuyệt đối an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Mặc dù các phương tiện di chuyển đường bộ ngày càng dễ dàng, tiện lợi, trong đó có xe công nghệ nhưng đi tàu hỏa vẫn là lựa chọn của nhiều người. Thời gian gần đây các chuyến tàu TP.HCM - Biên Hòa xuất hiện nhiều trên các hội nhóm du lịch, trở thành một lựa chọn vui chơi cuối tuần của nhiều người trẻ.
Đang chờ tàu tại ga Biên Hòa sau một ngày khám phá Đồng Nai, chị Nguyễn Lưu Hiền (TP.HCM) chia sẻ: “Trước đây ông bà em cũng hay đi lại trên tàu chợ Biên Hòa - Sài Gòn. Ngày nay có nhiều phương tiện đi lại nhanh hơn, thuận tiện hơn nhưng bọn em vẫn chọn đi tàu hỏa. Trên tàu bọn em có thể ngắm cảnh, thưởng thức cà phê, đọc sách, sau khi khám phá các điểm vui chơi, ăn uống của Biên Hòa thì bọn em lại lên tàu về TP.HCM. Tuyến này hiện có nhiều khung giờ, giá lại khá rẻ nên rất phù hợp với những người trẻ ưa thích khám phá”.
Lâm Viên - Thảo Nguyên