Báo Đồng Nai điện tử
En

Khởi nghiệp từ các sản vật địa phương

10:03, 04/03/2023

Bên cạnh phát triển mạnh về các ngành công nghiệp lớn, cơ bản thì Đồng Nai cũng là địa phương được thiên nhiên ưu đãi khi có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nhiều sản vật phong phú. Đây là cơ hội cho các mô hình, ý tưởng kinh doanh tận dụng các lợi thế sẵn có để khởi nghiệp.

Bên cạnh phát triển mạnh về các ngành công nghiệp lớn, cơ bản thì Đồng Nai cũng là địa phương được thiên nhiên ưu đãi khi có khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, nhiều sản vật phong phú. Đây là cơ hội cho các mô hình, ý tưởng kinh doanh tận dụng các lợi thế sẵn có để khởi nghiệp.

Bà Bùi Thu Bình giới thiệu về mô hình sản xuất của mình với giám khảo là các doanh nghiệp tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2022. Ảnh: V.Thế
Bà Bùi Thu Bình giới thiệu về mô hình sản xuất của mình với giám khảo là các doanh nghiệp tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2022. Ảnh: V.Thế

Trên địa bàn tỉnh, ngày càng có nhiều dự án kinh doanh đạt được thành công bước đầu và có triển vọng cao trong xây dựng thương hiệu, tạo ra sản phẩm có giá trị cho xã hội.

* Thành công từ sản vật địa phương

Sông Đồng Nai là con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh, là nơi sinh sống của nhiều loài cá nước ngọt, trong đó có cá trôi. Nếu biết cách chế biến, món cá trôi sẽ là nguồn thực phẩm ngon, sạch, bổ dưỡng.

Tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn tại địa phương, bà Bùi Thu Bình (H.Long Thành) quyết định khởi nghiệp bằng cách sử dụng nguyên liệu cá trôi, cá thác lác để làm nên sản phẩm chả cá vàng - chả cá Thu Bình. Với chất lượng đảm bảo, giá cả cạnh tranh, đến nay sản phẩm chả cá Thu Bình không chỉ được phân phối lẻ qua các nhà hàng, đại lý, bếp ăn công nghiệp mà còn có mặt trên kệ hàng của một số hệ thống siêu thị lớn.

Bà Bình còn đưa sản phẩm của mình lên sàn giao dịch điện tử, quảng bá trên các trang mạng xã hội Zalo, Facebook... để tiếp cận khách hàng. Chuỗi sản phẩm bánh mì chả cá Thu Bình cũng đã được mở ra tại địa phương, thu hút thêm các lao động nữ.

Sản phẩm chả cá Thu Bình cũng đã được tỉnh công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao và đoạt giải nhì trong cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đồng Nai năm 2022. “Chúng tôi đang trong quá trình mở rộng nhà xưởng, đầu tư thêm máy móc để nâng công suất. Mục tiêu cơ sở hướng tới là đến năm 2025 sẽ đạt doanh thu 20 tỷ đồng” - bà Bùi Thu Bình kỳ vọng.

Tương tự, chuối là nông sản phổ biến chiếm số lượng lớn của nhiều địa phương tại Đồng Nai. Cũng do số lượng sản xuất lớn nên nhiều vụ mùa bà con nông dân phải chịu cảnh được mùa mất giá, bị thương lái ép bán… Từ thực trạng đó, Cơ sở chuối sấy Cường Hoa (H.Thống Nhất) được hình thành. Cho đến nay, sản phẩm của cơ sở đã có chỗ đứng ổn định trên thị trường và đang tiếp tục được mở rộng.

Bà Bùi Nguyệt Thùy, chủ cơ sở cho hay, để nâng cao giá trị sản phẩm sẽ mở rộng quy mô sản xuất đầu tư máy móc, bao bì sản phẩm. Cùng với đó là đăng ký thương hiệu sản phẩm, tích cực giới thiệu quảng bá đưa sản phẩm đến gần với nhiều người tiêu dùng thông qua các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, gian hàng đặc trưng. Với mong muốn phát triển sản phẩm chuối phô mai thành một dạng snack ăn vặt phổ biến cho các đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên; cơ sở Cường Hoa đang từng bước cải thiện về bao bì nhãn mác.

Theo bà Thùy, bao bì sản phẩm vẫn là khâu yếu trong việc phát triển thương hiệu, do vậy Cường Hoa mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ các doanh nghiệp đi trước. Có bao bì giúp dễ nhận diện thương hiệu cùng với chất lượng sản phẩm tốt là đích đến lâu dài của đơn vị.

 * Hỗ trợ, thúc đẩy phát triển sản phẩm địa phương

 Bên cạnh các ngành nghề dịch vụ, công nghiệp sản xuất ở đô thị thì khu vực nông thôn cũng có rất nhiều dư địa để các cá nhân mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, tận dụng các lợi thế của địa phương. Thời gian qua, các ban, ngành, địa phương cũng đã có những chính sách, hỗ trợ vốn xúc tiến thương mại, xây dựng mô hình kinh tế để tạo cơ hội cho khởi nghiệp, làm giàu thành công.

Theo ông Lê Hữu Thiện, Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, xu hướng khởi nghiệp, khát vọng lập nghiệp của nông dân đang ngày càng mạnh mẽ. Do vậy, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành tổ chức tư vấn, định hướng cho hội viên, nông dân, chủ trang trại lựa chọn mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả nhất. Đồng thời Hội cung cấp kiến thức, kỹ năng, tổ chức các hoạt động hỗ trợ hội viên nông dân khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường kết nối đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tính khả thi cao.

Tương tự, chương trình tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu hàng năm của ngành công thương, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cũng được nhiều đơn vị hưởng ứng. Đơn cử như đối với các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu sẽ được giới thiệu, quảng bá, hỗ trợ xúc tiến thương mại để phát triển thị trường.

Ở cấp độ chung, Đề án hỗ trợ DN nhỏ và vừa đến năm 2025 với nhiều nội dung như: bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị DN, nâng cao chất lượng lao động; tư vấn, hướng dẫn thủ tục về thuế và hỗ trợ về các vấn đề pháp lý và hỗ trợ DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo... Cách tiếp cận mới này từ phía địa phương được kỳ vọng sẽ tạo động lực thu hút, thúc đẩy ngày càng nhiều cá nhân, DN đầu tư khởi nghiệp, sản xuất kinh doanh thông qua những nguồn lực có sẵn.

Ông LÂM QUANG LIÊM, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Đồng Nai cho hay, không chỉ được hỗ trợ về truyền thông, xúc tiến thương mại mà các cơ sở sản xuất còn có cơ hội được hỗ trợ về kinh phí để đổi mới máy móc công nghệ và nâng cao tay nghề cho người lao động.

Vương Thế

Tin xem nhiều