Theo thông tin trên Báo Đồng Nai, Đồng Nai vừa ghi nhận trường hợp 1 nhân viên của phòng khám thú y bị chó dại (ở xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) cắn.
Theo thông tin trên Báo Đồng Nai, Đồng Nai vừa ghi nhận trường hợp 1 nhân viên của phòng khám thú y bị chó dại (ở xã Tây Hòa, H.Trảng Bom) cắn.
Điều tra dịch tễ một ca chó cắn người nghi mắc bệnh dại |
Tính từ tháng 12-2022 đến nay, bệnh dại đã lây lan trên địa bàn 3 huyện, thành phố của tỉnh. Trong đó, đánh giá dịch tễ ca bệnh dại trên người tại P.Tân Phong, TP.Biên Hòa (đã tử vong tháng 12-2022) là rất phức tạp.
Theo nhận định của Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai, mầm bệnh dại đã lưu hành âm thầm trên đàn chó, mèo ở diện rất rộng; nguy cơ tiếp tục phát sinh dịch bệnh dại chó, mèo trong thời gian tới là rất cao. Mỗi tháng có khoảng 1 ngàn lượt người đến tiêm phòng bệnh dại, tăng trên 200 người/tháng so với các tháng trước đó…
Cũng trong tháng 2 vừa qua, không chỉ ở Đồng Nai, mà ở Lào Cai đã xảy ra trường hợp một nam sinh bị 2 con chó quật ngã, cắn xé theo kiểu “bầy đàn” để lại hàng chục vết cắn sâu trên toàn cơ thể. Ở Nha Trang cũng xảy ra trường hợp khách du lịch nước ngoài cũng bị chó cắn đến nát tay phải nhập viện cấp cứu…
Những nguy hiểm về nuôi chó, mèo thả rông, trong đó có những nguy cơ cắn người gây thương tích, có thể dẫn đến tử vong; hoặc vật nuôi mang mầm bệnh dại khi cắn lây sang người là cực kỳ nguy hiểm… đã được cảnh báo, nhắc nhở, tuyên truyền từ nhiều năm, với nhiều bài học, sự việc đau lòng nhưng cuối cùng vẫn rơi vào tình trạng “đâu cũng lại vào đấy”. Trước những sự việc đau lòng mà báo chí phản ánh có thể thấy người nuôi chó, mèo, vẫn chưa thực sự ý thức, cảnh giác cao độ về mối nguy tưởng chừng như không đáng này.
Từ trong những con hẻm nhỏ ở khu dân cư cho đến công viên, khu vui chơi ngoài trời, chó được chủ nuôi chủ động dắt đi giải quyết “nỗi buồn… vệ sinh” một cách bừa bãi nơi công cộng, gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị.
Đáng lo ngại hơn, những con chó không được rọ mõm còn thả rông khắp nơi có thể tấn công người khác bất cứ lúc nào. Đơn cử như quanh khu vực chủ nhà có chó dại ở xã Tây Hòa, H.Trảng Bom, có 19 hộ nuôi chó với gần 60 con, đa số đều nuôi thả rông và chưa được tiêm vaccine phòng dại.
Càng bức xúc với tình trạng vật nuôi thả rông, càng ngao ngán về ý thức của chủ vật nuôi. Bởi chung quy lại, việc chó đi vệ sinh bừa bãi, hoặc có điều kiện tấn công người khác… đều xuất phát từ ý thức yếu kém của chủ vật nuôi. Đã có trường hợp ở TP.HCM, chủ vật nuôi tấn công, hành hung luôn một người cha cố bảo vệ con mình trước một con chó không rọ mõm.
Bên cạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong quản lý vật nuôi, pháp luật đã có những quy định cụ thể về việc chủ nuôi chó, mèo cần phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, phải giữ gìn vệ sinh môi trường và bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; quy định về việc tiêm vaccine ngừa bệnh dại theo quy định… Đi kèm với những quy định là những hình thức xử phạt tương ứng nếu chủ vật nuôi vi phạm.
Tuy nhiên, để không còn phải xảy ra những sự việc thương tâm từ chó mèo như đã nêu, các cơ quan chức năng cần mạnh tay xử phạt theo quy định đối với chủ vật nuôi vi phạm, để từ đó tạo sức răn đe đối với cộng đồng người nuôi nói chung.
Cũng qua thông tin trên báo chí được biết ở một quận của TP.HCM có mô hình rất được lòng dân là đội săn bắt chó thả rông, giúp chấn chỉnh lại hoạt động nuôi vật nuôi, đảm bảo an toàn cho cộng đồng, mỹ quan đô thị. Mô hình này có thể là một trong nhiều giải pháp tham khảo để ngành chức năng của Đồng Nai giải quyết bài toán về quản lý chó thả rông trong bối cảnh virus dại đang âm thầm diễn tiến trong cộng đồng hiện nay.
Lâm Viên