Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai liên tục xảy ra các vụ vi phạm liên quan đến hoạt động của các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới. Trong đó có nhiều TTĐK của tư nhân, hoạt động theo mô hình xã hội hóa.
Thời gian qua, ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, trong đó có Đồng Nai liên tục xảy ra các vụ vi phạm liên quan đến hoạt động của các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) xe cơ giới. Trong đó có nhiều TTĐK của tư nhân, hoạt động theo mô hình xã hội hóa.
Nhiều xe nối đuôi chờ đăng kiểm tại Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới 60-01S (TP.Biên Hòa) Ảnh: Đăng Tùng |
Việc Nhà nước thực hiện xã hội hóa hoạt động đăng kiểm là chủ trương đúng, phù hợp với Luật Giao thông đường bộ năm 2018; cũng như xu thế đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đáp ứng nhu cầu đăng kiểm của số lượng lớn xe ô tô ngày càng gia tăng, nhất là tại các đô thị và các tỉnh, thành trọng điểm.
Hiện cả nước có hàng chục TTĐK xe cơ giới, trong đó đa phần là TTĐK tư nhân phải tạm dừng hoạt động do liên quan đến sai phạm, đang bị cơ quan công an điều tra hoặc do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018/NĐ-CP ngày 8-1-2018 về quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Tại Đồng Nai có 2 TTĐK xe cơ giới tư nhân tạm dừng hoạt động là 60-04D (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa) và 60-05D (P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cũng tạm dừng hoạt động để phục vụ điều tra về các hành vi đưa và nhận hối lộ.
Từ kết quả điều tra của Công an tỉnh về hoạt động của 2 TTĐK cho thấy, hành vi của các nhân viên tại 2 TTĐK tư nhân nói trên diễn ra có tổ chức. Các đối tượng từ giám đốc đến các nhân viên đã thực hiện hành vi một cách bài bản, liên tục trong suốt thời gian dài. Sau khi phát hiện các lỗi này, các nhân viên sẽ gợi ý với chủ xe để nhận tiền hối lộ rồi làm các thủ tục để bỏ qua các lỗi và cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn cho các phương tiện này. Hành vi của các đối tượng chủ yếu là bỏ qua các lỗi tiêu chuẩn về kỹ thuật an toàn và bảo vệ môi trường của các phương tiện xe cơ giới (chủ yếu là xe tải) như: cơi nới, quá khổ, quá tải và xác nhận vẫn đảm bảo thông số kỹ thuật để các xe này lưu thông trên đường.
Rõ ràng, hoạt động của các TTĐK, nhất là các TTĐK tư nhân còn thiếu sự kiểm tra, kiểm soát từ các cơ quan chủ quan, ngành chức năng mới dẫn đến vi phạm trong thời gian dài, có tổ chức. Vì vậy, thời gian tới, để tránh xảy ra những vi phạm tương tự từ hoạt động xã hội hóa tại các TTĐK xe cơ giới cần tăng cường sự kiểm tra, kiểm soát từ các ngành chức năng; kịp thời chấn chỉnh tồn tại, bất cập, “lỗ hổng” dễ phát sinh tiêu cực; xử lý nghiêm các sai phạm ảnh hưởng đến chất lượng kiểm định. Mặt khác, các TTĐK tư nhân là loại hình kinh doanh có điều kiện nên cần có hệ thống quy định rõ ràng, có bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn cụ thể, có hướng dẫn, có kiểm tra chặt chẽ để doanh nghiệp thực hiện cho đúng.
Song song đó, cần chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật để các doanh nghiệp tham gia hoạt động đăng kiểm, nhân viên đăng kiểm tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật trong hoạt động đăng kiểm để không làm sai quy định; không để lọt các xe không đảm bảo tiêu chuẩn về kỹ thuật, không đảm bảo an toàn lưu thông trên đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn giao thông.
Đặng Ngọc