Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn: Mang chữ "văn" trên hành trình an nhiên hái tuổi

07:03, 24/03/2023

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn ôm Tây Ban Cầm, thanh âm trong trẻo bay lên từ những ngón gầy thướt tha khiêu vũ, lúc thì mạnh mẽ, mê say, khi lại ngập ngừng, lưu luyến… Như một nốt trầm bâng khuâng giữa bản nhạc cuộc đời đầy biến tấu hoa mỹ, vút cao, Cao Hồng Sơn cất tiếng hát.

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn ôm Tây Ban Cầm, thanh âm trong trẻo bay lên từ những ngón gầy thướt tha khiêu vũ, lúc thì mạnh mẽ, mê say, khi lại ngập ngừng, lưu luyến… Như một nốt trầm bâng khuâng giữa bản nhạc cuộc đời đầy biến tấu hoa mỹ, vút cao, Cao Hồng Sơn cất tiếng hát.

Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn (phải). Ảnh: H.Quy
Nhạc sĩ Cao Hồng Sơn (phải). Ảnh: H.Quy

Thô ráp mà vững vàng, trầm khàn mà chắc nịch, vượt lên trên sự mềm mại, ngọt ngào, chuẩn mực từ làn hơi mượt mà hay âm sắc sáng rực với quãng rộng của kỹ thuật thanh nhạc: “Chữ văn tôi giữ làm hành trang/ Câu ca tôi đã trả đời/ Tôi đã đi qua nhiều miền xa/ An nhiên tôi hái tuổi mình”.

* Tha thiết với quê hương, xứ sở

Từ tiếng hát ấy hiện ra một không gian tĩnh lặng, yên bình vùng đồng bằng Bắc bộ quen thuộc và thân thiết với tuổi thơ mỗi người lúc hồn nhiên, khi dữ dội… được vẽ bằng âm thanh: “Đã từng vượt núi băng sông/ Mà không qua nổi ao ông vườn bà/ Đã từng ngang dọc nhân gian/ Mà không đi hết đường làng quê hương”.

“Lòng quê” mang chất dân ca với những nguyên âm luyến láy được kết hợp khéo léo cùng giai điệu ngũ cung gọi tình yêu quê hương sâu thẳm trong mỗi con người. Tất cả lặng im thưởng thức bữa tiệc âm nhạc chay tịnh, đơn sơ mà không kém phần thanh cao, quý phái. Hơn thế nữa là thưởng thức tiếng gõ nhịp thập thình từ lồng ngực bật ra qua làn hơi của nhạc sĩ.

Mảnh đất Thanh Hà với nhiều di tích lịch sử văn hóa, sông nước hữu tình, cảnh quan tươi đẹp, hoa thơm trái ngọt bốn mùa đã nuôi dưỡng tâm hồn ông từ thuở mẹ đẻ cha sinh, cho ông cảm nhận được cái “hồn”, cái “thần” của quê hương một cách tinh tế, nhạy bén. Ông nghe được cả thanh âm vọng lên từ mỗi mảnh đời, từng số phận, từ chính cuộc sống dù ồn ào hay lắng dịu, từ nỗi buồn đang khuyết hay niềm vui đã tròn…

Ông đến với thế giới âm thanh ấy bằng ánh mắt cùng trái tim khi mệt nhoài giữa náo nhiệt phố đông, để thiết tha kiếm tìm cái tĩnh lặng yên ả quê nhà. Lúc ngột ngạt trong nêm cối ngựa xe, mịt mù khói bụi ngang đường, ông lại để lòng rong chơi, khắc khoải nhớ thương cánh đồng bát ngát. Nhớ quê, Hoài niệm làng, Mình ơi là những “đứa con tinh thần” được ra đời khi nhạc sĩ xa cách quê hương, từng bước theo ông phiêu du vào trái tim khán giả.

* Say sưa sáng tạo, say sưa cống hiến

Sau hơn 40 năm đến với “xứ sở lạ lùng”, Cao Hồng Sơn ngày càng gắn bó đậm sâu với chốn này. Vùng đất mênh mông, bát ngát hoang vu “Từ thuở mang gươm đi mở cõi” khi xưa, bi tráng mà kiêu hùng, uy nghiêm mà khí phách, độ lượng và nghĩa tình đã gieo vào tâm trí ông khát vọng tự do cùng tính cách phóng khoáng, bộc trực, chân thành mà dung dị, đậm chất phương Nam. Mạch nguồn văn hóa Đồng Nai, khí phách Trấn Biên nghĩa dũng hơn người khơi dậy tất cả trí tuệ, tài năng, tâm huyết, đam mê nơi chàng trai Bắc bộ.

Nhạc sĩ lão thành TRẦN VIẾT BÍNH nhận xét: “Cao Hồng Sơn đã rất thành công khi tạo được một “thương hiệu” riêng đậm dấu ấn Việt, tôn vinh giá trị Việt bằng những sáng tạo nghệ thuật mang hơi thở dân tộc, kết hợp giá trị truyền thống với tinh hoa nhân loại. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho lĩnh vực âm nhạc Việt Nam, ảnh hưởng tích cực đến bộ phận giới trẻ hoạt động sáng tạo âm nhạc”.

Cứ thế, thiên nhiên - đất nước - con người với sự khác biệt, độc đáo của 325 năm hình thành, phát triển, biến đổi thăng trầm… trở thành cảm hứng bất tận trong ông. Say sưa tìm tòi, khám phá; say sưa ngụp lặn, vẫy vùng; say sưa trả ơn, cống hiến… Không ít giải thưởng đến với ông từ niềm đam mê ấy. Ông thành danh trên chính mảnh đất hào kiệt, trung kiên này. Những ca khúc Đồng Nai quê tôi, Đất lành, Nơi tinh hoa hội tụ… là nghĩa tình nhạc sĩ Cao Hồng Sơn đáp đền xứ sở Rồng thiêng “nước ngọt gió hiền”.

Trong cuộc sống cũng như trong âm nhạc, Cao Hồng Sơn bộc lộ về mình một cách chậm rãi, khiêm nhường. Hào hoa, phong nhã song vẫn chừng mực, hài hòa. Ăm ắp trí tuệ mà giản dị, dịu dàng. Khí phách ngang tàng mà giàu lòng nhân ái. Ông chưa bao giờ đứng ngoài cuộc sống của nhân dân, thờ ơ trước vận mệnh của đất nước, càng không bao giờ quên người dân nước Việt đang ngày đêm đau đáu gửi đá và gửi máu ra biển khơi.

Không đợi đến khi được lênh đênh trên sóng để sà vào “máu thịt quê hương”, ông viết ca khúc về Trường Sa khi chưa một lần ra đảo. Tháng 6-2013, Hát Quốc ca giữa đảo Trường Sa mang âm hưởng hào hùng đã đi vào nghệ thuật, làm rung động triệu trái tim người Việt.

Sau này, được đi thăm các đảo vùng biển miền Tây Nam bộ, hơn 1 tuần được sống giữa vùng biên hải thiêng liêng gió dập sóng dồi trong những cái ôm thật chặt và những giọt nước mắt đàn ông, cùng cái bắt tay không muốn rời và những câu chuyện về lớp cha trước, lớp con sau từng ngày vượt lên sóng gió, dong buồm kiêu hãnh ra khơi, đổ biết bao nhiêu máu và nước mắt giữ vẹn tròn vạn lý Trường Sa… tim ông nhức nhối đau. Trải lòng lên giấy ngay trong đêm, Cao Hồng Sơn khiến những “người hùng biển cả” dẫu “sắt thép”, kìm nén cảm xúc đến đâu cũng phải cay khóe mắt… Mắt biển, Những chàng trai của biển ra đời như thế.

Tổ quốc và người lính lại là ca khúc trong các tác phẩm tiêu biểu theo thể loại âm nhạc thính phòng, kinh điển mà ông viết về những người con đất Việt - biểu tượng cho sức mạnh và vẻ đẹp thời đại, vẻ đẹp Việt Nam. Hình ảnh người lính đậm nét hơn, vững vàng hơn, sẵn sàng đón nhận đầy thử thách cam go trên mặt trận mới - xây dựng và bảo vệ đất nước: “Không thể quên mình vẫn là người lính, người lính Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”.

Chứng kiến những đau khổ, hy sinh cao cả không kém phần vĩ đại phía sau người chiến sĩ, Cao Hồng Sơn đã dựng lên một bộ phim về thân phận, tình yêu, hạnh phúc mong manh của người phụ nữ trong chiến tranh bằng ca khúc Câu hát tiễn chồng phỏng thơ của tác giả Lê Liên - một trong những tác phẩm được ông phổ thơ thành công, đoạt nhiều giải thưởng lớn tại các cuộc thi âm nhạc quốc gia, Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, giải A Giải thưởng Văn học nghệ thuật Trịnh Hoài Đức lần V (2015-2020).

Mang âm hưởng dân ca miền Bắc song điểm thêm một chút thính phòng, tráng ca, lại có những nốt “nghịch”, dấu hóa bất thường nhưng rất đúng quy luật hòa thanh… tạo những bất ngờ về hòa âm “thuận”. Tác giả đẩy cảm xúc lên đỉnh điểm bằng ca từ mạnh mẽ, dứt khoát, nhấn mạnh nỗi mất mát, xót xa, bày tỏ lòng ngưỡng mộ, biết ơn vô hạn: “Hôm nay sống giữa hòa bình/ Tưởng nhớ một thời/ Nghe câu hát tiễn chồng đi/ Tận đáy lòng mình bao câu hát thức dậy chị ơi!”. Những câu hát thảng thốt, xé lòng trong giai điệu trầm lắng, da diết: “Anh đi không về chị ơi! Anh đi không về chị ơi!...” như bàn tay vô hình, nâng con người từ đau thương đứng dậy.

* “Thương hiệu” với âm nhạc truyền thống

Trong khối tài sản hơn 200 ca khúc được góp nhặt, chắt chiu, nuôi dưỡng cảm xúc gần 50 năm viết nhạc, Cao Hồng Sơn tập trung viết về quê hương đất nước, về những đứa con của biển, về những mảnh đất, mái trường, cuộc sống xung quanh trong hành trình sáng tạo nghệ thuật miệt mài và trách nhiệm. Ông làm giàu thêm cho thế giới thanh âm bằng những ca từ đẹp, phát huy tối đa trên cơ sở giữ gìn vẹn nguyên sự trong sáng của tiếng Việt.

Không dễ dãi trong cách dùng từ, nhả chữ, ông dành nhiều tâm huyết tìm tòi, lựa chọn, để mỗi câu hát được vang lên từ sự kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật âm nhạc và tiếng nói dân tộc, chạm đến mức cao nhất tính tượng hình, tượng thanh: “Thương em, anh gọi là mình/ Thương mình anh gọi là nhà mình ơi/ Ta là hai nửa trăng non… Hai mà như một...”. Ca từ ấy dành cho những đứa con đất Việt, yêu tiếng Việt, mang hình hài, tầm vóc và trí tuệ Việt đến mọi miền.

Trong đời sống âm nhạc toàn cầu hóa của thời đại 4.0 như hiện nay, chất liệu dân gian, yếu tố lịch sử và nguồn cảm hứng từ văn học góp phần không nhỏ trong việc khẳng định “cái tôi” của nhạc sĩ. Bằng những tác phẩm âm nhạc với tính nghệ thuật cao, nội dung đa dạng và phong phú, hình thức thể hiện chỉn chu, bài bản và thẩm mỹ, Cao Hồng Sơn cần mẫn, thủy chung với loại hình âm nhạc truyền thống trước số lượng khổng lồ những ca khúc phổ thông của âm nhạc giải trí, âm nhạc thị trường đang được chấp nhận dễ dàng, bắt nhịp nhanh chóng.

Với nỗ lực phát huy việc khai thác các chất liệu âm nhạc dân tộc, văn hóa truyền thống, nhạc sĩ Cao Hồng Sơn vẫn âm thầm theo sát, đồng hành cùng các học trò, định hướng chuyên môn cho các thế hệ sáng trẻ, góp phần tạo nên dấu ấn thời đại: dù mang yếu tố hội nhập vẫn đậm đà bản sắc dân tộc trong âm nhạc.

Huyền Quy

Tin xem nhiều