Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhớ nhịp cầu Gành

10:03, 18/03/2023

Tính từ năm 1903, 2 cầu Gành và cầu Rạch Cát được bắc qua sông Đồng Nai, thì năm 2023 này, đã tròn 120 năm tuổi của 2 cây cầu từng một thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời cũng là hình ảnh thân thương in hằn trong ký ức của biết bao người dân Biên Hòa…

Tính từ năm 1903, 2 cầu Gành và cầu Rạch Cát được bắc qua sông Đồng Nai, thì năm 2023 này, đã tròn 120 năm tuổi của 2 cây cầu từng một thời có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đồng thời cũng là hình ảnh thân thương in hằn trong ký ức của biết bao người dân Biên Hòa…

Một thiết kế của Công ty Eiffel (Pháp)

Sông Đồng Nai - đoạn chảy qua TP.Biên Hòa chia làm 2 nhánh. Một nhánh lớn và một nhánh nhỏ ôm vòng Cù lao Phố (P.Hiệp Hòa).  Tuyến đường sắt qua Biên Hòa được thiết kế qua hai nhánh sông này thông qua hai chiếc cầu bằng sắt thép.

Trong đó, chiếc cầu Rạch Cát bắc qua nhánh sông Cái có 3 nhịp, 129m, bắt đầu từ ở cuối đường Cách Mạng Tháng Tám và nối vào đầu đường Nguyễn Tri Phương, nối vùng nội ô TP.Biên Hòa với P.Hiệp Hòa (Cù lao Phố xưa).

Còn chiếc cầu lớn hơn là cầu Gành bắc qua nhánh sông Đồng Nai, nối P.Hiệp Hòa với khu vực chợ Đồn, thuộc P.Bửu Hòa, có 4 nhịp, dài 238m.

2 cây cầu 120 năm tuổi này không chỉ có giá trị về lịch sử mà còn là dấu ấn, nét đặc trưng của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Cả 2 cây cầu này đều rộng 4,2m là huyết mạch phục vụ tuyến giao thông đường sắt lưu thông qua Biên Hòa. Không dừng lại ở đó, 2 cây cầu này với tuyến đường bộ song hành hai bên, còn là tuyến đường dành cho xe hai bánh và người bộ hành lưu thông quan trọng của người dân trong vùng suốt hàng trăm năm qua.

Còn nhớ, trước đây, mỗi khi có xe lửa chạy qua, các đầu cầu được chặn lại cho đến khi tàu qua khỏi. Năm 2016, cầu Gành bị sà lan đâm sập khiến tuyết đường sắt Bắc - Nam bị đứt mạch. Bốn nhịp cầu sau đó được trục vớt, tháo gỡ, trong đó hai nhịp còn nguyên. Khi cầu Gành mới được xây dựng và thay thế ngay vị trí cũ, việc phân luồng lưu thông được sắp xếp, bố trí lại để không còn phải sử dụng thanh chắn cầu nữa và quan trọng hơn là tránh được các xung đột giao thông trước đó đã xảy ra.

Hoàng hôn trên cầu Gành Ảnh TRẦN VĂN KỶ
Hoàng hôn trên cầu Gành. Ảnh TRẦN VĂN KỶ

Tên gọi cầu Gành - cầu Ghềnh cũng có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho rằng cách gọi Gành - Ghềnh xuất phát từ phương ngữ, cách gọi của vùng miền. Miền Nam gọi là cầu Gành với cách lý giải đoạn sông tại đây có dãy đá chắn ngang dòng tạo nên một cái gành. Còn Ghềnh là các đọc của người miền Bắc.

Theo một số nguồn thông tin, công ty của kiến trúc sư danh tiếng Gustave Eiffel - tác giả của tháp Eiffel, biểu tượng của nước Pháp đã thiết kế công trình cầu Gành và cầu Rạch Cát. Với kiến trúc cổ kính, vững chãi, trường tồn theo thời gian, hai chiếc cầu này đã tạo nên một nét văn hóa rất riêng của vùng đất và con người Biên Hòa.

120 năm chứng kiến biết bao thăng trầm thời cuộc

Cũng giống như những cây cầu được thực dân Pháp xây dựng cách đây hơn 1 thế kỷ, cầu Gành, cầu Rạch Cát vắt qua sông Đồng Nai và vắt qua cả miền ký ức của biết bao người dân Biên Hòa. Cây cầu sắt đã chứng kiến biết bao thăng trầm thời cuộc, những đổi thay của thành phố công nghiệp ven sông.

Cầu Rạch Cát. Ảnh: Vĩnh Huy
Cầu Rạch Cát. Ảnh: Vĩnh Huy

Năm 2016, khi cầu Gành bị sà lan đâm sập, tỉnh có kế hoạch phục dựng lại cầu cũ theo nguyện vọng của người dân bởi nó là một phần ký ức lịch sử hơn trăm năm ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Tuy nhiên, do việc di dời bằng đường thủy, đường bộ và đường sắt không khả thi do hai nhịp cầu quá nặng. Ngoài ra, tại TP.Biên Hòa cũng không có vị trí nào phù hợp để thực hiện việc phục dựng và bảo tồn cầu Gành cũ như ý tưởng ban đầu. Do đó, Đồng Nai đã cho xây dựng cầu Gành mới ngay tại vị trí cũ, tiếp nối sứ mệnh lịch sử của cây cầu trước đây.

Mặc dù không thể khôi phục nguyên trạng cầu Gành song với người dân Biên Hòa - Đồng Nai, ký ức về tiếng còi hụ mỗi khi xe lửa qua cầu, những tiếng rầm rập của đường ray khiến cây cầu rung lên như vẫn còn đó, giữa nhịp sống hiện đại xô bồ.

Gắn với những thăng trầm của ngành đường sắt là các cây cầu thép đi chung đường bộ với đường sắt được thực dân Pháp xây dựng. Hàng trăm cây cầu kiên cố như vậy đã mọc lên trên cả nước, các cầu vượt sông lớn, đều đi chung với đường sắt, trong đó có cầu Gành bắc qua sông Đồng Nai nối P.Bửu Hòa và P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa).

Trang Uyên

Tin xem nhiều