Báo Đồng Nai điện tử
En

Những "bà đỡ" cho các start-up

10:03, 18/03/2023

Khởi nghiệp là quá trình gian nan, đầy thử thách, không nhiều start-up thành công khi dấn thân vào khởi nghiệp, nhiều yếu tố tác động đến start-up ngay từ lúc mới bắt đầu.

Khởi nghiệp là quá trình gian nan, đầy thử thách, không nhiều start-up thành công khi dấn thân vào khởi nghiệp, nhiều yếu tố tác động đến start-up ngay từ lúc mới bắt đầu.

Doanh nhân Nguyễn Phi Vân trong một sự kiện hợp tác nhượng quyền thương hiệu Việt ra thế giới
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân trong một sự kiện hợp tác nhượng quyền thương hiệu Việt ra thế giới

Trong quá trình ấy, các start-up rất cần sự tư vấn, hỗ trợ từ những người đi trước. Có thể gọi họ là những người chắp cánh, “bệ đỡ” cho các start-up, nhờ vậy mà rất nhiều nhà khởi nghiệp có thêm kiến thức, kinh nghiệm trên bước đường đi tới thành công.

“Thành bại nhờ mentor”

Ở tuổi mà nhiều người có thể lựa chọn nghỉ ngơi sau khi về hưu thì bà Lê Thị Thanh Lâm vẫn miệt mài dành thời gian dạy học và tham gia hoạt động đào tạo khởi nghiệp.

Tốt nghiệp chuyên ngành Thủy sản Trường đại học Nông lâm TP.HCM năm 1982, bà Lâm kinh qua nhiều chức vụ công tác trong các doanh nghiệp (DN) và nguyên là một trong những cổ đông sáng lập, Phó tổng giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food (TP.HCM). Hơn 35 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế biến và kinh doanh thực phẩm, bà Lâm đảm trách nhiều bộ phận quan trọng như kinh doanh nội địa, nghiên cứu và phát triển sản phẩm, truyền thông đối ngoại, phát triển nhân lực.

Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn
Doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn

Điều tâm huyết của bà là mong xây dựng được đội ngũ cố vấn (mentoring) cho DN. Năm 2017, bà được mời vào Ban chấp hành Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia phía Nam. Với sự chuyên nghiệp cùng khả năng truyền cảm hứng qua các buổi thuyết giảng, bà được nhiều trường đại học chú ý, mời về chia sẻ với sinh viên các đề tài về lập nghiệp, khởi nghiệp và quản trị kinh doanh.

Trong quá trình khởi nghiệp, các start-up rất cần sự tư vấn, hỗ trợ từ những người đi trước. Những bài học kinh nghiệm, giải pháp hỗ trợ kinh doanh từ các “bệ đỡ” sẽ tạo năng lượng tích cực cho các start-up trên bước đường khẳng định năng lực kinh doanh.

Từ trải nghiệm của chính bản thân trong quá trình lãnh đạo và phát triển nhân lực cho Sài Gòn Food, doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm nhận thấy rằng, mentoring là kênh kết nối với bên cho - mentor (người cố vấn) và bên nhận - mentee (người được cố vấn). Thông qua hệ sinh thái Mentoring, có thể đào tạo ra những tài năng để đóng góp vào sự phát triển bền vững cho DN. Chỉ trong 6 năm kể từ khi biết đến Mentoring, bà đã cố vấn cho hàng trăm người, một số là các start-up thành công, trở thành chủ các DN nổi tiếng. Nữ doanh nhân này cũng góp mặt vào các tổ chức Mentoring ở nhiều vai trò như một người cố vấn. Trong đó, bà là người đầu tiên đề xuất sáng lập CLB Mentoring Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam.

Tháng 10 - 2022, doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm đã cho ra mắt cuốn sách “Người cố vấn - Mentoring - Những cuộc hôn nhân có bảo hành”, đúc rút kinh nghiệm qua quá trình thực tế của mình. Theo bà, các bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hoặc đã và đang khởi nghiệp nên tìm đến các mentor trong các tổ chức cộng đồng còn DN thì cần tổ chức mentoring trong nội bộ để thế hệ đi trước kèm cặp cho thế hệ đi sau. Bởi hơn ai hết, doanh nhân thành đạt từng nhiều phen chìm nổi, trải qua các biến cố, từ đó sẽ luôn sẵn lòng sẻ chia kinh nghiệm cho lớp trẻ nối tiếp.

Miệt mài xây dựng “Thư viện Ước mơ”

Doanh nhân Nguyễn Phi Vân là Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á. Từ người làm quản lý cho DN nước ngoài, bà dần chuyển sang công việc chính là nhà tư vấn và đầu tư. Cho tới nay, doanh nhân Nguyễn Phi Vân đã đầu tư vào hàng chục DN start-up.

Qua công việc tư vấn, bà nhận thấy khả năng quản trị của DN Việt Nam so với DN các nước phát triển còn khoảng cách rất xa. Start-up còn quá trẻ, thiếu kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng quản trị còn các DN vừa và nhỏ thường xuất phát điểm là hộ kinh doanh cá thể. Họ thiếu sự minh bạch về tài chính, không xây dựng được nền tảng quản trị chuyên nghiệp, thiếu khả năng nhìn xa để hiểu gần, nhìn cao để hiểu nền tảng. Vì vậy, bà dành nhiều thời gian chia sẻ, hỗ trợ phát triển nhân sự, giúp phát triển DN.

Năm 2020, Bộ tiêu chí liêm chính trong kinh doanh cho nhà đầu tư và DN khởi nghiệp do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam xây dựng với tác giả là doanh nhân Nguyễn Phi Vân được ấn hành. Đây là bộ công cụ rất quan trọng với các chủ DN khởi nghiệp và cả nhà đầu tư... Nữ doanh nhân kỳ vọng nó sẽ là kim chỉ nam, hướng dẫn các nhà khởi nghiệp trong vấn đề minh bạch, liêm chính cho cộng đồng đầu tư tại Việt Nam.

Ngoài vai trò nhà tư vấn - đầu tư, những năm gần đây, doanh nhân Nguyễn Phi Vân rất quan tâm đến vấn đề ươm mầm tri thức cho thế hệ trẻ, ngay từ lúc còn là học sinh. Với tầm nhìn như vậy, bà đã nỗ lực kêu gọi, tìm kiếm người đồng hành xây dựng những Thư viện ước mơ để ươm mầm tri thức, góp phần xây dựng một Việt Nam sáng tạo, đổi mới trong tương lai. Thư viện ước mơ đã chạm con số 100 và đang trên đường hướng tới mục tiêu 1 ngàn thư viện trên khắp Việt Nam từ nay đến năm 2030.

Người“truyền lửa” cho sinh viên

Trong khi đó, doanh nhân Huỳnh Thanh Vạn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP S-Furniture coi việc truyền lửa cho sinh viên là một phần quan trọng trong cuộc sống. Tốt nghiệp đại học với nhiều thành tích xuất sắc trong hoạt động Đoàn, không khó để ông xin vào làm việc tại các DN nước ngoài. Sau đó, ông Vạn trở thành Giám đốc DN lớn trong ngành chế biến gỗ thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam.

Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm
Doanh nhân Lê Thị Thanh Lâm

Khi sự nghiệp đang thăng tiến mạnh mẽ thì cũng là lúc ông Huỳnh Thanh Vạn cùng các cộng sự chung chí hướng quyết định thành lập Công ty CP S-Furniture năm 2015 tại Bình Dương. Trước khi “ra riêng”, ông cũng có rất nhiều trăn trở. 15 năm làm việc cùng các lãnh đạo, anh chị em cán bộ, nhân viên, ông luôn mang hoài bão của tuổi trẻ, muốn khẳng định mình, đem những tâm huyết, ý tưởng mới nhanh chóng áp dụng vào thực tiễn.

Bên cạnh thành công trong kinh doanh, với vai trò Phó chủ tịch Hội đồng tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, ông Huỳnh Thanh Vạn luôn “cháy” hết mình cùng phong trào khởi nghiệp. Ông đã có những chuyến giao lưu tại hơn 40 trường đại học, cao đẳng trên cả nước, đồng thời phối hợp với một số trường đại học tổ chức chương trình Học kỳ trong DN, đưa sinh viên về S-Furniture để tham quan, học tập và tạo tâm thế, khát vọng khởi nghiệp.

Theo ông, yếu tố may mắn chỉ chiếm 1% và 99% còn lại là sự cố gắng mỗi ngày để đến được thành công. Với các bạn sinh viên còn ngồi trên ghế giảng đường nên tập trung học tập, trau dồi kiến thức trước khi nghĩ đến khởi nghiệp kinh doanh. Có “máu” khởi nghiệp nhưng nền tảng về kiến thức, kinh nghiệm, mối quan hệ, sự am tường về thị trường còn rất hạn chế, nhiều bạn trẻ hay ảo tưởng về bản thân nên một khi gặp sự cố thì khó lòng gượng dậy.

Đào Lê

Tin xem nhiều