Họ đều còn trẻ. Sáng tác văn chương có thể chưa là sự nghiệp nhưng đã là niềm yêu thích, sự đam mê của bản thân và sự ghi nhận, đón đợi của bạn đọc. Những thành quả này là sự khẳng định bước đầu những tác giả trẻ, những năng khiếu sáng tác văn chương.
Họ đều còn trẻ. Sáng tác văn chương có thể chưa là sự nghiệp nhưng đã là niềm yêu thích, sự đam mê của bản thân và sự ghi nhận, đón đợi của bạn đọc. Những thành quả này là sự khẳng định bước đầu những tác giả trẻ, những năng khiếu sáng tác văn chương. Vẫn là những nội dung muôn thuở của dòng chảy cuộc sống, với cái nhìn biết ngẩng lên và tự vấn, nhưng về mặt bút pháp những người trẻ đã mang đến cùng sự kế thừa, liền lạc là làn gió mới của chính thế hệ mình, thời đại mình.
Họ là lớp kế tiếp, nối dài đội ngũ sáng tác văn chương Đồng Nai. Trân trọng giới thiệu một số tác phẩm thơ của những người trẻ Đồng Nai.
Nhà thơ Đàm Chu Văn (tuyển chọn, giới thiệu)
Chuyện cũ
là vì mình gọi tên sai
năm này tháng nọ, ngày dài vẫn trôi
tay không giữ nổi mặt người
chân đừng bước mãi những lời xa xưa
nhưng mà nơi ấy trời mưa
nhưng mà hôm ấy, người đưa ai về
thề non hẹn biển vẫn thề
hoang tàn đổ nát lối về tim tôi
thôi thì một kiếp này thôi
xin người vẫn nhớ ngày tôi xa lìa…
Chúng ta rồi sẽ ổn thôi
Có một buổi chiều, em đã quên chưa?
Dưới vòm lá xanh, bậc cầu thang lặng lẽ
Ánh mắt em chất chứa buồn như thế
Tôi quay đi, im lặng tựa đêm hè
Nhiều tháng ngày sau, tôi đã trở về
Nhưng tất cả chẳng còn như xưa nữa
Phía cuối bậc cầu thang vẫn khép hờ cánh cửa
Chỉ không còn đôi mắt ấy trông theo
Sẽ chẳng bao giờ em biết vì sao
Trái tim tôi bao năm dài đóng cửa
Người hạnh phúc luôn là người thất hứa (?!)
Nắng lên rồi, còn ai nhớ cơn mưa?
Đã hết rồi những hơi ấm ngày xưa
Những rực rỡ thanh xuân từng ngỡ là muôn thuở
Nhưng đâu phải trên đường đời rộng mở
Ai cũng dễ dàng thất hứa với đôi mươi
Nếu như em là ảo mộng cuối cùng
Của năm tháng thanh xuân đang dần chạy trốn
Tôi chỉ xin một giọt tình bé mọn
Xóa một lần trọn vẹn nỗi cô đơn
Có ai lớn lên mà sâu trong trái tim không chất chứa tủi hờn
Trưởng thành đôi khi chỉ giản đơn là lựa chọn con đường buồn tẻ nhất
Là có lúc, dẫu buồn nhưng không khóc
Và tự nhủ lòng: “Cuộc đời này, tất cả chúng ta rồi cũng sẽ ổn thôi!”.
Đào Nguyên Thảo
Vấn đáp cho thời của tôi
1. Ở đây chúng tôi có một tòa thành không còn nguyên trạng
Chén dĩa, sành sứ đau đáu rạn bàn tay
Con mèo hoang giậm lên bước chân người
Ngàn năm trước nhìn ngàn năm sau cùng dấu hỏi?
Ở đây chúng tôi có rừng đại ngàn hoang vu hơn tịch mịch đêm
Mặt đất gập ghềnh vỡ tan từng tiếng sáo
Những tán cây nghiêng mình che nỗi đau thế kỷ
Tìm làm sao tiếng gọi thiên thu?
Ở đây chúng tôi trưng bày nhiều hiện vật lịch sử
Có khẩu súng từng lấy mạng một đại tá đế quốc lừng danh
Ai đi qua đánh rơi cái gật đầu “nghe - hiểu”
Bảo tàng thời gian vùi sâu trong bảo tàng thời gian?
2. Ở đây chúng ta có quần thể danh thắng được phục dựng phơi phới
Những tượng đài bất tử ngày đêm trừng mắt đảo xa
Từng cổ vật căng tràn sức sống như thước phim quay chậm trong lồng kính
Cô hướng dẫn viên mỉm nụ cười quê hương ba miền
Ở đây chúng ta đứng dưới bóng cây ngàn năm tuổi
Trở về nguồn lặng nghe chim chóc gảy đàn ấm con tim
Đêm lửa trại nửa thế kỷ không lụi tàn
Người nối người vang tiếng gọi đồng chí, đồng đội
Thắp nên ngọn đuốc lửa thiêng bùng mãi
Ở đây chúng ta có bảo tàng xa hơn lịch sử
Những chiếc loa phát thanh hào hùng kể câu chuyện ngày xửa, ngày nay và một mai
Đứa trẻ hồn nhiên đánh rơi nước mắt khi Bác vẫy tay chào đồng bào
Từ phía sau: từng đoàn khách da màu, da trắng...
3. Ở đây tay bắt mặt mừng
Cùng nhau
Giở từng trang sử mà soi ngày mới
Đứng trên đất mẹ nhìn khắp năm châu
Ở đây
Tôi và bạn nhớ ơn người người đi trước
Như cách thế giới đi từ Việt Nam.
Lê Phan Hiếu Anh
Về rừng
Đường vào Mộ Gió xa xôi
Tôi đi như thể tìm tôi giữa rừng
Đường cong, cong lối ngập ngừng
Người về đừng bước lên phần nghĩa ơn.
Lá vàng đổ một màu sơn
Lem qua ký ức từng cơn gió lùa
Nhớ xưa đêm rét chung mùa
Tôi và đồng đội thiếu thừa có nhau.
Đường rừng, bước thấp bước cao
Bước không qua được nỗi đau một thời
Tên anh viết chẳng thành lời
Nhận vô danh, gửi lại đời ấm êm!
Tháng ngày dẫu có điềm nhiên
Dấu con vắt cắn còn nguyên nghĩa tình
Một mai mưa gió đăng trình
Rừng xưa mãi vẹn bóng hình cố nhân!
Huỳnh Ngọc Tuyết Cương
Quay lại Hậu Giang
tôi thả nỗi buồn lê thê
tình yêu mong nhớ quay về Hậu Giang
ghe xuồng cập bến đò ngang
người mong chẳng thấy xốn xang đi tìm.
quay lại như một thước phim
hôm kia như thể đang chìm vào nguôi
hình như là rất xa rồi
quên đi là chắc sẽ dồi dào hơn.
hàng cây còn mãi xanh rờn
con đường thẳng tắp nhịp đờn gảy lên
thị xã đẹp bởi cái tên
có sông bảy ngã làm nên ân tình.
yêu sao để giống yêu mình
bức tranh quê chiếu lung linh sắc màu
lời chào hỏi nghe sắc sâu
nắng trên chiếc nón đội đầu tình quê.
Trần Huynh Quỳnh
Yêu em
Ngày em hỏi liệu tình mình còn thắm,
Tôi mỉm cười, sao cứ thấy mình thương
Em không chịu, khẽ khàng muốn biết
Yêu em nhiều như thế nào đây?
Yêu em, nhờ gió ôm mái tóc
Trong buổi chiều mình chưa kịp đón đưa
Nhờ mây che bớt nắng
Cho em trên đường vắng người thưa
Nhờ trăng soi lối bước
Em đi về sau những tối tăng ca
Nhờ mưa lau nước mắt
Yêu đương nào không lệ ướt hàng mi
Yêu em
Những ngây ngô, ngơ ngác tình đầu
Như muôn nỗi ngày sau vẫn thế
Trao cho người chân tình cuối dài lâu.
Vy Ngân
Bắt đền ai bây giờ
Tháng Sáu về qua ngõ
Bắt gặp một cơn mưa
Cơn mưa qua cửa sổ
Bắt gặp một kẻ khờ
Kẻ khờ ngồi ngơ ngẩn
Bắt gặp những ngày xưa
Ngày xưa không về nữa
Bắt đền ai bây giờ...
Văn Ánh Ngọc
Nỗi nhớ tháng ba
Tháng ba nỗi nhớ theo về
Thênh thang hoa gạo đỏ bề sông quê
Cánh diều chảy dọc bờ đê
Ai đem thả ước mơ về ngày thơ?
Tháng ba đàn bướm thẫn thờ
Trên cành xoan nở lượn lờ đậu bay
Lá bàng rơi khẽ ai hay?
Bằng lăng tím một khoảng đầy nhớ thương
Tháng ba hoa bưởi còn vương
Tóc người thương thuở bên đường đón đưa
Kỷ niệm giờ đã xa xưa
Chiều rơi nỗi nhớ như vừa hôm qua
Tháng ba, ừ đã tháng ba
Xuân qua để lại phôi pha ngậm ngùi
Thương em tóc rối nùi nùi
Tròng trành phía gió đắng bùi ai hay?
Trần Hoan