Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảnh giác khi nhận chuyển, xách hộ hàng hóa

07:04, 01/04/2023

Vụ việc 4 tiếp viên của Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bị bắt quả tang xách tay hơn 11kg ma túy, thuốc lắc từ Pháp về Việt Nam được cất giấu trong vỏ bọc kem đánh răng đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Vụ việc 4 tiếp viên của Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) bị bắt quả tang xách tay hơn 11kg ma túy, thuốc lắc từ Pháp về Việt Nam được cất giấu trong vỏ bọc kem đánh răng đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Làm việc với công an, các nữ tiếp viên này khai là nhận xách hộ lượng kem đánh răng này về Việt Nam với giá 10 triệu đồng mà không biết bên trong có cất chứa ma túy. Vụ việc đang được Công an TP.HCM điều tra làm rõ.

Khi đi máy bay, hành khách lưu ý quản lý hành lý của mình, không nên nhận cầm giùm, xách hộ hành lý cho người khác. Trong ảnh: Hành khách nhận hành lý ký gửi tại sân bay quốc tế Nội Bài
Khi đi máy bay, hành khách lưu ý quản lý hành lý của mình, không nên nhận cầm giùm, xách hộ hành lý cho người khác. Trong ảnh: Hành khách nhận hành lý ký gửi tại sân bay quốc tế Nội Bài

Dù hiện nay, những tiếp viên này đã được tại ngoại vì chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, nhưng đây cũng là một lời cảnh tỉnh cho nhiều người về việc nhận vận chuyển, cầm hộ hàng hóa cho người khác, có thể gặp rắc rối liên quan đến pháp luật. Nhiều ý kiến đã chia sẻ kinh nghiệm an toàn với vấn đề chuyển, cầm hộ hàng hóa cho người khác.

Ông NGUYỄN NGỌC CHƯƠNG, Việt kiều Mỹ (gia đình ngụ P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa):

Thân quen lắm mới nhận xách hộ đồ

Đã nhiều lần tôi từ Mỹ về thăm quê hương, lần nào bạn bè, người quen cũng gửi mang hộ ít quà về cho người thân ở Việt Nam và ngược lại, nhưng tôi rất ngại nên thường thẳng thắn từ chối, nếu có giúp cũng rất hạn chế, chỉ mang hộ một gói quà nhỏ gọn nhưng chỉ của anh em thân thuộc trong gia đình, chứ tuyệt đối không nhận của người lạ.

Khi nhận chuyển giúp, dù là người thân nhưng tôi vẫn yêu cầu người gửi mở quà cho tôi kiểm tra trước khi quyết định nhận chuyển hộ hay không, bởi không ai biết trước được điều gì. Mang hộ mà không kiểm tra kỹ có ngày mắc vạ oan khi “trình” ngụy trang, cất giấu hàng cấm của tội phạm bây giờ rất tinh vi.

Bà NGUYỄN TÚ THỦY (ngụ P.Tân Biên, TP.Biên Hòa):

Không nhận xách hộ là cách giúp mình an toàn

Trước đây, khi ra nước ngoài thăm thân nhân hay đi chơi nhiều nơi trong nước, vì nể nang tôi hay nhận chuyển hộ, mang giúp hàng hóa, quà cáp của bạn bè gửi cho người thân nơi này, nơi kia. Song, từ khi xảy ra nhiều vụ người xách, chuyển hộ đồ đạc, hàng hóa gặp rắc rối khi hàng hóa nhờ xách, chuyển hộ là hàng cấm, ma túy được ngụy trang dưới nhiều hình thức thực phẩm, đồ dùng, thuốc uống… thì tôi cẩn trọng hơn. Từ đó, tôi quyết không nhận chuyển giùm, xách hộ đồ đạc, hàng hóa nữa, thà mất lòng còn hơn bản thân vướng lao lý khi lỡ mang giúp hàng cấm. Không nhận xách hộ là giải giúp mình an toàn.

LS NGÔ VĂN ĐỊNH, Phó giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật (Hội Luật gia tỉnh):

Nếu hàng xách hộ là ma túy, việc chứng minh ngoại phạm rất khó

Thời gian qua, đã có không ít vụ người nhận chuyển giúp, xách hộ hàng hóa, quà cáp rơi vào tình huống “tình ngay lý gian” khi hàng xách hộ là hàng cấm. Bởi khi nhận cầm giùm, xách hộ mà không biết rõ đối tượng giao - nhận là ai thì người phải chịu trách nhiệm với số hàng hóa sẽ là người xách, chuyển hàng hóa. Việc chứng minh bản thân ngoại phạm là rất khó.

Thường kẻ xấu hoặc tội phạm nhờ xách hộ hàng sẽ theo dõi “nhất cử nhất động” của người được nhờ xách hộ, một khi bị phát hiện, bị công an kiểm tra, thấy không an toàn, các đối tượng sẽ “bỏ của chạy lấy người”. Người cầm giùm, xách hộ nếu không tìm được người làm chứng rất dễ dính đến pháp luật, thậm chí là tội hình sự.

Tốt nhất là không nên cầm giùm, xách hộ hàng hóa, quà cáp cho người khác khi không biết hàng hóa, quà cáp này là gì hoặc không chắc hàng hóa này có phải hàng cấm hay không.

Chuyên gia tâm lý, ThS NGUYỄN CÔNG BÌNH, Phó giám đốc Trung tâm Tâm lý học ứng dụng Hoàng Đức (TP.Biên Hòa):

Cảnh giác khi người lạ nhờ xách đồ

Nhiều người cho rằng, việc người khác nhờ chuyển giúp, xách hộ hàng hóa ở sân bay, bến tàu, bến xe hay đơn giản là nhờ chuyển hàng từ địa chỉ này đến địa chỉ khác là việc làm bình thường. Bởi nhiều người thường cả nể, tốt bụng và hay giúp đỡ người khác, nhất là khi người nhờ là người già, phụ nữ mang thai hoặc có con nhỏ…

Tuy nhiên, giúp người là tốt nhưng cần tỉnh táo, nhất là khi người nhờ là người lạ và chúng ta không biết thứ mà chúng ta cầm giùm, xách hộ đó là gì. Từ chối mang giúp là cách để chuyến đi an toàn, suôn sẻ, tránh được những tai họa, tránh được cảnh làm ơn mắc oán, tự rước họa vào thân.

Theo Điều 250, Bộ luật Hình sự năm 2015, người phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với 4 khung hình phạt, tùy theo trọng lượng ma túy vận chuyển. Đặc biệt, nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 5kg trở lên; heroine, cocaine, methamphetamine, amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100gam trở lên thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Phương Liễu (ghi)

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích