Thay đổi cách dạy học, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm toán học, ứng dụng các trò chơi toán học, giới thiệu các hoạt động toán học mang tính chất liên môn… là những cách làm có thể giúp học sinh yêu thích môn Toán và học có hiệu quả hơn.
Thay đổi cách dạy học, tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm toán học, ứng dụng các trò chơi toán học, giới thiệu các hoạt động toán học mang tính chất liên môn… là những cách làm có thể giúp học sinh yêu thích môn Toán và học có hiệu quả hơn.
Học sinh trải nghiệm các trò chơi toán học tại Ngày hội Toán học mở, tổ chức tại TP.Long Khánh ngày 14-3 |
Đó là những gợi ý của PGS-TS Lê Minh Hà, Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về toán (VIASM).
Tăng cường hoạt động trải nghiệm toán học
Ngày 14-3 năm nay là lần đầu tiên Sở GD-ĐT phối hợp cùng VIASM tổ chức Ngày hội Toán học mở (MOD). Ngày hội thu hút gần 2 ngàn học sinh và khoảng 300 giáo viên trên toàn tỉnh tham gia.
Ngày hội Toán học mở là hoạt động được VIASM tổ chức thường niên từ năm 2015. Ngày hội mang tinh thần không chỉ toán học thuần túy mà còn là toán học trong các ứng dụng của nhiều ngành khoa học, lĩnh vực khác của cuộc sống. |
Nói về cơ duyên tổ chức hoạt động này tại Đồng Nai, PGS-TS Lê Minh Hà cho biết: “Chúng tôi nhận được tin nhắn của một trường học ở TP.Long Khánh vào trang Facebook của VIASM. Trường này mong muốn tổ chức hoạt động trải nghiệm toán học nhưng gặp phải khó khăn do không biết quy mô, cách thức tổ chức. Các thầy cô có ý tưởng nhưng chưa biết triển khai cụ thể. Tôi nghĩ rằng VIASM và Chương trình trọng điểm quốc gia về toán học sẽ hỗ trợ hết sức cho các thầy cô để tổ chức hoạt động này. Đó là lý do mà VIASM chọn TP.Long Khánh làm nơi tổ chức Ngày hội Toán học mở năm 2023”.
Ngày hội Toán học mở đã được tổ chức tại TP.Long Khánh với nhiều hoạt động trải nghiệm toán học cho học sinh. Những trò chơi, hoạt động trải nghiệm này giúp học sinh thấy được những khía cạnh khác, những vẻ đẹp của toán học, cảm nhận được niềm vui nhờ ứng dụng toán học trong cuộc sống… Đây cũng là cách giúp học sinh yêu thích môn Toán và học toán tốt hơn.
PGS-TS Lê Minh Hà cho biết, mục tiêu của VIASM là tổ chức các hoạt động Ngày hội Toán học tại các tỉnh, thành phố để giới thiệu và lan tỏa đến các trường học. VIASM sẵn sàng hỗ trợ, chuyển giao các hoạt động này cho các giáo viên để các trường tự tổ chức cho học sinh tham gia.
Ngoài cách tham gia ngày hội để học hỏi trực tiếp, các trường có thể tham khảo các kho học liệu, các hoạt động trải nghiệm trên website (https://viasm.edu.vn) và trang Facebook của VIASM (www.facebook.com/viasmeduvn).
“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các trường. Các thầy cô có thể liên lạc với Viện thông qua email hoặc gọi điện thoại đến Viện để được tư vấn về mặt chuyên môn. Chúng tôi thậm chí có thể hỗ trợ bước đầu như: giới thiệu hoạt động chuyên môn, hoạt động trải nghiệm để thầy cô có thêm các đơn vị cùng tham gia tổ chức để có được chương trình dày dặn hơn, tốt hơn” - ông Hà cho hay.
Tăng tính ứng dụng, liên môn
Theo PGS-TS Lê Minh Hà, môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới đã có nhiều thay đổi so với chương trình trước đây theo hướng chuyển từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá năng lực của học sinh. Ông Hà cho rằng đây là cơ hội để toán học Việt Nam có thể đưa vào những khái niệm mới, hình ảnh mới, phương pháp mới nhằm giúp cho học sinh hiểu rõ hơn về bản chất của toán học, tránh sa đà vào các chủ đề không cần thiết.
Một trong những chủ đề quan trọng của môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới là mạch kiến thức thống kê và xác suất. Mạch kiến thức này được triển khai từ lớp 2 cho đến hết bậc THPT ở nhiều cấp độ khác nhau. Để giúp cho giáo viên hiểu rõ hơn mạch kiến thức thống kê - xác suất phục vụ quá trình giảng dạy, VIASM đã mời PGS-TS Ngô Hoàng Long, Phó trưởng khoa Toán - tin, Trường đại học Sư phạm Hà Nội giới thiệu những nội dung căn bản của mạch kiến thức này cho giáo viên dạy toán các trường THPT trên địa bàn tỉnh.
Năm nay, Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ triển khai ở lớp 11, giáo viên phải bắt tay ngay vào việc biên soạn giáo án, hiểu rõ hơn về thống kê, xác suất để phục vụ quá trình giảng dạy.
“Trong tương lai, các trường học sẽ bắt tay vào thay đổi việc dạy học toán; tổ chức nhiều hơn các hoạt động trải nghiệm toán học, các trò chơi toán học hoặc giới thiệu với học sinh nhiều hơn các hoạt động toán học mang tính chất liên môn. Đấy cũng là cách thể hiện mới đối với toán học, giúp toán học gần gũi hơn và có sự liên kết chặt chẽ hơn với các khoa học khác” - PGS-TS Lê Minh Hà chia sẻ.
Tường Vi