Báo Đồng Nai điện tử
En

Đi hái rau rừng

07:04, 01/04/2023

Nhiều hộ dân ở xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) đã gắn bó với nghề hái rau rừng cả chục năm. Hàng ngày, người dân đi vào các lô cao su hay vườn, rẫy để tìm hái các loại rau mọc trong tự nhiên như: càng cua, lá lốt, mướp đắng… đem bán để mưu sinh.

Nhiều hộ dân ở xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) đã gắn bó với nghề hái rau rừng cả chục năm. Hàng ngày, người dân đi vào các lô cao su hay vườn, rẫy để tìm hái các loại rau mọc trong tự nhiên như: càng cua, lá lốt, mướp đắng… đem bán để mưu sinh.

Bà Phan Thị Dàn (ấp 2, xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) đang hái rau rừng trong lô cao su
Bà Phan Thị Dàn (ấp 2, xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) đang hái rau rừng trong lô cao su

Các loại rau rừng được thương lái tại xã Sông Nhạn “săn tìm”, thu mua hàng ngày rồi vận chuyển lên TP.Biên Hòa để bán trực tiếp cho người tiêu dùng hoặc trong các nhà hàng, quán ăn.

Vất vả mưu sinh

Bà Đoàn Thị Lý (ấp 61, xã Sông Nhạn) là một trong những người hái rau rừng giỏi  hiện nay tại địa phương. “Tôi có thể cắt khoảng 60kg rau trong vài giờ là chuyện bình thường. Tôi cắt nhanh lắm, trong khu vực này không ai làm bằng được đâu” - bà Lý bộc bạch.

7 giờ sáng hàng ngày, sau khi lo việc nhà cửa xong, bà Lý bắt đầu đi hái rau rừng. Ngoài chiếc xe máy cũ làm phương tiện di chuyển, bà còn mang theo đồ nghề với vài thứ cần thiết như: dao cắt rau, túi ny-lông, chai nước uống... Bà đi sâu vào các lô cao su để tìm rau.

“Rau rừng mọc tự nhiên, chất lượng tốt nên nhiều người ở thành thị rất ưa thích. Vào mùa khô, rau rừng khan hiếm, trong khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao nên thường xuyên hút hàng. Nhiều khi khách đến hỏi nhưng không còn rau để bán” - ông Phạm Văn Thắng (ngụ ấp 4, xã Sông Nhạn) cho hay.

Thời tiết những ngày cuối tháng 3 đang vào cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt khiến rau ngày càng khan hiếm. Nếu tiếp tục đi trong các lô để tìm rau thì sẽ mất nhiều thời gian, công sức mà hiệu quả mang lại không cao. Do vậy, bà Lý quyết định chuyển hướng bằng cách đi men theo các con mương, suối trên địa bàn xã Sông Nhạn với hy vọng có nhiều rau hơn.

May mắn đã đến với bà Lý khi các con mương, suối vẫn còn nước nên các loại rau: càng cua, lá lốt… mọc nhiều ở dọc hai bên bờ. Chỉ khoảng 3 giờ của buổi sáng, bà Lý đã cắt hơn 20kg rau các loại. Những bó rau tươi xanh mơn mởn được bà cẩn thận xếp vào các túi ny-lông rồi chất lên xe máy chở về nhà để chờ đến giờ bán cho thương lái. “Hôm nào gặp may mắn, tôi thu hoạch được từ 50-60kg rau các loại, còn hôm cắt ít cũng được 15-20kg” - bà Lý chia sẻ.

Khi nhắc đến “duyện nợ” gắn bó với nghề hái rau rừng, bà Lý kể, bà từng làm công nhân cho Nông trường Cao su Ông Quế (xã Sông Nhạn) được 22 năm nhưng gia đình có việc nên xin nghỉ. Sau đó, bà đã chuyển qua làm hái rau rừng và duy trì nghề ổn định cho đến nay đã hơn 8 năm.

“Thời gian làm công nhân cạo mủ cao su đã giúp tôi nắm rõ khu vực có nhiều loại rau rừng mọc tự nhiên trong các lô. Cho nên, việc tôi chọn nghề hái rau rừng diễn ra thuận lợi hơn nhiều so với những người khác” - bà Lý bộc bạch.

Hiện trên địa bàn xã Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ) có hơn 10 hộ dân đang hái rau rừng để mưu sinh. Nhờ nghề này đã giúp cho nhiều gia đình vượt khó, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Theo bà Lý, nghề hái rau rừng diễn ra quanh năm và mỗi mùa mưa hay nắng đều có những thuận lợi và khó khăn. Mùa mưa, rau rừng mọc nhiều trong tự nhiên, người dân chỉ cần đi hái rau tại khu vực xã Sông Nhạn là đủ số lượng cung cấp cho thương lái nhưng giá cả thường hay xuống thấp (khoảng từ 4-5 ngàn đồng/kg). Ngược lại, mùa khô nắng nóng, rau rừng mọc ít, người dân rất vất vả để tìm hái rau vì phải băng rừng, lội suối đi xa hàng chục cây số nhưng giá cả lại tăng cao (khoảng từ 7-8 ngàn đồng/kg). 

“Nghề hái rau rừng chủ yếu lấy công làm lời vì rất vất vả, phải dãi nắng, dầm mưa nhiều giờ ở ngoài trời, thậm chí còn hay gặp những nguy hiểm như bị: rắn, rết, bò cạp, ong… tấn công, thế nhưng, nhiều người vẫn phải gắn bó với nghề vì cuộc sống mưu sinh. Như trường hợp của tôi nhiều lần bị ong chích sưng cả tay, chân những vẫn theo nghề hái rau rừng, bởi công việc này đã mang lại cho gia đình nguồn thu nhập trung bình từ 150-250 ngàn đồng/ngày. Ngoài ra, tôi còn hái thêm một số loài rau có giá trị dùng làm thuốc Nam để bán kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình” - bà Lý tâm sự.

Buổi sáng bận rộn công việc nhà nên bà Phan Thị Dàn (ấp 2, xã Sông Nhạn) tranh thủ thời gian rảnh buổi chiều đi hái rau rừng để có thêm thu nhập cho gia đình. May mắn đến với bà khi lô cao su ở gần nhà có nhiều đám lá lốt mọc xanh tươi tốt với số lượng lớn, giúp việc hái rau được nhanh hơn.

Bà Dàn cho hay, bà trước đây cũng từng làm công nhân ở Nông trường Cao su Ông Quế hơn 20 năm. Đến năm 2001, bà xin nghỉ làm công nhân vì tuổi ngày càng lớn, một phần do áp lực trong công việc. Bà đã dùng 10 triệu đồng tiền dành dụm mua mảnh rẫy rộng 3.500m2 để đầu tư trồng cây điều nhằm đảm bảo cuộc sống. Ngoài ra, bà còn có hơn 10 năm đi hái rau rừng để bán cho thương lái kiếm thêm thu nhập.

 Bà Dàn tâm sự: “Tôi sinh sống tại vùng đất Sông Nhạn hơn 40 năm và có hơn 20 năm làm công nhân cạo mủ cao su nên nắm rõ đặc tính của nhiều loại rau rừng, rau thường mọc ở đâu và vào thời gian nào để canh thời điểm phù hợp đến hái. Vì vậy, tôi thường đáp ứng đủ số lượng rau theo yêu cầu của thương lái đặt ra”.

Cũng theo bà Dàn, hái rau rừng là nghề tự do, không bị ràng buộc về thời gian phải đi làm nguyên ngày giống như công nhân mà chỉ tranh thủ những lúc rảnh rỗi buổi sáng hoặc buổi chiều để đi hái kiếm thêm thu nhập. Hơn nữa, công việc cũng phù hợp với sức khỏe của những người lớn tuổi.

“Hôm nào tôi hái nhiều rau thì được từ 20-30kg, còn hôm hái ít cũng được từ 10-15kg và thu nhập mang lại cho gia đình trung bình mỗi ngày từ 100-200 ngàn đồng. Nhờ có thêm thu nhập từ nghề hái rau rừng đã giúp tôi có điều kiện chăm lo cho các con ăn học đầy đủ” - bà Dàn bộc bạch.

Ổn định cuộc sống

Cứ sau 16 giờ, tại sân nhà của ông Phạm Văn Thắng (ấp 4, xã Sông Nhạn) trở nên nhộn nhịp bởi “kẻ bán, người mua”. Gia đình ông Thắng đã gắn bó với nghề thu mua rau rừng và các loại rau, củ, quả trong vườn của người dân địa phương gần 20 năm nay.

Bà Đoàn Thị Lý (ấp 61, xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) bên những bịch rau rừng tươi xanh vừa hái được
Bà Đoàn Thị Lý (ấp 61, xã Sông Nhạn, H.Cẩm Mỹ) bên những bịch rau rừng tươi xanh vừa hái được

Ông Thắng cho biết, hoàn cảnh gia đình trước đây rất khó khăn nên vợ chồng ông từng lặn lội vào các lô cao su, vườn, rẫy để hái rau rừng mang ra chợ bán kiếm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế rồi, công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, khách hàng tìm đến mua rau đông dần lên, vợ chồng ông làm không xuể nên phải “đặt hàng” người dân địa phương đi hái rau rừng và sản phẩm làm ra của bà con sẽ được mua lại với giá cả phải chăng. Ngoài ra, ông còn thu mua rau, củ, quả trong vườn của bà con như: chuối, măng, mít, đu đủ… với số lượng lớn.

Cho đến nay, gia đình ông Thắng đều đặn mỗi ngày thu mua từ 2-3 tấn rau, củ, quả trong vườn và khoảng từ 1-2 tạ rau rừng của người dân địa phương. Sau đó, rau được chở bằng xe tải vận chuyển lên chợ Biên Hòa (TP.Biên Hòa) bán cho người người tiêu dùng và các nhà hàng, quán nhậu. Nhờ nghề này đã giúp gia đình ông vượt khó vươn lên khá giả, có điều kiện xây nhà cửa rộng lớn, khang trang và mua sắm xe ô tô phục vụ nhu cầu chở hàng, đi lại.

Không chỉ làm lợi cho gia đình, vợ chồng ông Thắng còn tạo công ăn việc làm ổn định bằng nghề hái rau rừng cho người dân tại địa phương. Nhiều gia đình nhờ đó mà cuộc sống đảm bảo hơn.

Thành Nhân

Tin xem nhiều