Năm 2023, Thành cổ Diên Khánh ở TT.Diên Khánh (H.Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) xây dựng tròn 230 năm. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đến nay, ngoài kinh thành cố đô Huế, thành cổ Diên Khánh là tòa thành lũy quân sự của nhà Nguyễn còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn kiến trúc xưa độc đáo.
Năm 2023, Thành cổ Diên Khánh ở TT.Diên Khánh (H.Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) xây dựng tròn 230 năm. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, đến nay, ngoài kinh thành cố đô Huế, thành cổ Diên Khánh là tòa thành lũy quân sự của nhà Nguyễn còn được giữ gìn gần như nguyên vẹn kiến trúc xưa độc đáo.
Thành cổ Diên Khánh - cửa thành phía Tây |
Thành lũy 230 năm tuổi
Mặc dù đây là công trình do người Pháp giúp Nguyễn Ánh xây dựng theo kiểu Vauban, vốn là hình mẫu thành quân sự phổ biến ở Tây Âu vào thế kỷ XVII-XVIII, song đến với Thành cổ Diên Khánh, ấn tượng đến với người thưởng lãm vẫn có sự gần gũi, cổ kính bởi người ta dễ dàng tìm thấy ở đó sự hòa quyện tinh tế những đặc điểm kiến trúc phương Đông, thể hiện qua các chi tiết như: các lầu cổ, mái vòm cong, mái ngói âm dương…
Trong cuốn Địa danh Khánh Hòa xưa và nay - Lược khảo và tra cứu một số địa danh do NXB Văn hóa thông tin ấn hành, có miêu tả khái quát về thành Diên Khánh như sau: “Thành được đắp bằng đất với diện tích khoảng 36 ngàn m2. Tường thành chạy dọc uốn khúc theo hình lục giác dài 2.694m. Tường thành xây cao khoảng 3,5m. Mặt ngoài thành được đắp hơi thẳng đứng, mặt trong được đắp thoai thoải gồm hai bậc thang dùng làm đường đi. Các góc thành được đắp nhô ra ngoài cho dễ quan sát. Mỗi góc thành có một ụ đất cao khoảng 2m dùng để đặt súng đại bác. Trên thành được trồng nhiều tre, cây có gai để tăng độ bền và làm hàng rào phòng ngự. Bên ngoài thành có hào sâu bao quanh, sâu từ 3-5m. Nước sông Cái Nha Trang có thể dẫn vào hào”.
Thành cổ Diên Khánh - cửa thành phía Đông |
Lúc mới xây dựng, thành có 6 cửa: Đông, Tây, Tiền, Hậu, Tả, Hữu. Hai cửa Tả và Hữu sau bị lấp không còn dấu vết. Về sau còn 4 cửa: Đông, Tây, Tiền, Hậu là có đường ra vào thành. Tuy nhiên, hiện chỉ còn cửa Đông và cửa Tây là còn giữ nguyên vẹn hình dáng ban đầu.
Cửa thành phía Đông (còn gọi là Đông môn) xây bằng gạch nung cùng với vữa vôi gồm 2 tầng: tầng dưới gắn liền với tường thành, mặt ngoài rộng 16,8m, cao 4,5m, xây thẳng đứng. Mặt trong xây tường gạch cao khoảng 2m, cách mặt ngoài 2,5m, đổ đất vào giữa. Ở giữa xây vòm cuốn rộng 3,2m, cao 3,4m, đủ để người dân cùng các loại xe ô tô thông thường có thể lưu thông qua thuận lợi.
Theo thông tin Trung tâm Quản lý di tích danh lam thắng cảnh Khánh Hòa ghi tại bia đá trước Đông môn: “Thành được chúa Nguyễn xây dựng năm Quý Sửu (1793), kiến trúc theo kiểu thành trì quân sự Vauban (Pháp), nhằm để phòng thủ, án ngữ và bảo vệ vùng đất Nam Trung bộ. Đồng thời, đây cũng là trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa qua các thời kỳ lịch sử từ năm 1802 (thời nhà Nguyễn) đến đầu năm 1945. Năm 1988, Thành cổ Diên Khánh được Bộ Văn hóa - thông tin xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia” (loại hình kiến trúc nghệ thuật - NV). |
Hai bên cổng thành có xây bậc tam cấp để đi lên mặt thành. Phía trên cổng thành có xây lầu tứ giác, bốn cửa ở 4 hướng, bên trên xây cổ lầu, mái uốn cong thể đao ở 4 góc, lợp ngói âm dương. Hai bên lầu có xây lan can cao gần 1m. Cổng thành không có hoa văn, chỉ ghi tên cổng thành bằng chữ Hán: Đông môn.
Còn cửa thành phía Tây (Tây môn) được bố trí cách phía Đông chưa đến 1km trên cùng một trục đường, có kiến trúc được thiết kế tương tự nhưng không bề thế bằng cửa thành phía Đông.
Vốn là trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa qua các thời kỳ lịch sử từ năm 1802 (thời nhà Nguyễn) đến đầu năm 1945 nên bên trong Thành cổ Diên Khánh xây dựng nhiều dinh thự, nơi làm việc của quan lại như: dinh Tuần Vũ, dinh Án sát, dinh Tham tri, dinh Lãnh binh và có cả Hành cung để khi nhà vua vi hành có chỗ nghỉ. Trong thành còn có nhà kho, nhà lao. Hiện nay, các cơ sở này không còn nữa, thay vào đó là trụ sở các cơ quan nhà nước.
Theo các sử liệu, là căn cứ quân sự của Nguyễn Ánh, Thành Diên Khánh đã chứng kiến nhiều trận chiến giữa quân Tây Sơn và quân Nguyễn Ánh. Nơi đây cũng là căn cứ quân sự của nghĩa quân trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp do Trịnh Phong lãnh đạo. Cách mạng tháng Tám 1945, nhân dân Diên Khánh kéo vào thành, lật đổ ách thống trị của thực dân phong kiến. Thành Diên Khánh cũng là nơi đóng của Bộ tư lệnh Mặt trận Nha Trang. Ngày 2-4-1975, Thành Diên Khánh trở về với nhân dân, cách mạng.
Địa điểm du lịch, check-in thú vị đối với người dân và du khách
Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, vào năm 1988, Thành Diên Khánh đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Mỗi năm, di tích lịch sử này thu hút rất đông người dân địa phương cũng như du khách gần xa đến thưởng lãm, nghiên cứu, học tập. Riêng những năm gần đây, nhờ mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, hình ảnh Thành cổ Diên Khánh với những bức hình check-in rất thơ mộng và hoài cổ được lan tỏa rộng rãi trên không gian mạng. Do đó, thành cổ Diên khánh trở thành địa chỉ check-in, thu hút rất đông người dân xa gần, trong đó có giới trẻ.
Bạn trẻ check-in nơi cổ lầu Đông môn Thành cổ Diên Khánh |
Chị Mai Nguyễn Anh Thy, một du khách đến tham quan Thành cổ Diên Khánh vào cuối tháng 1-2023 cho biết: “Tôi tình cờ biết đến địa điểm du lịch này thông qua các bức ảnh được chia sẻ trên mạng xã hội. Thú thật, ý định ban đầu của tôi đơn giản chỉ là mong muốn được check-in chụp một bộ ảnh kỷ niệm thôi, nhưng chuyến đi thật sự thú vị khi tận mắt chứng kiến tòa thành 230 năm này, và biết được đây là di tích lịch sử cấp quốc gia với nhiều câu chuyện lịch sử, văn hóa ẩn chứa trong đó nên tôi dừng lại ở địa điểm này lâu hơn để thưởng lãm kỹ hơn”.
Không chỉ với du khách phương xa, mà thành cổ Diên Khánh còn là địa điểm yêu thích của người dân địa phương. Chị Nguyễn Thị Liên, ngụ tại TT.Diên Khánh, cho biết dù di tích lịch sử này cũng là điểm đến rất quen thuộc của người dân địa phương, thường đến để thư giãn, ngắm cảnh, học tập, ôn lại truyền thống, lịch sử, nhưng chị cũng dành thời gian đưa các con cháu đến thành cổ chụp hình kỷ niệm.
Lâm Viên