Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai - tháng Tư lịch sử

07:04, 29/04/2023

Những ngày cuối tháng 4-1975 đầy biến động và thế tiến công của quân cách mạng ngày càng mạnh mẽ. Trên chiến trường miền Nam, thắng lợi của các chiến dịch quân sự trước đó, từ cao nguyên cho tới đồng bằng, đô thị đã đưa quân lực Việt Nam Cộng hòa đi vào trạng thái thối động.

Những ngày cuối tháng 4-1975 đầy biến động và thế tiến công của quân cách mạng ngày càng mạnh mẽ. Trên chiến trường miền Nam, thắng lợi của các chiến dịch quân sự trước đó, từ cao nguyên cho tới đồng bằng, đô thị đã đưa quân lực Việt Nam Cộng hòa đi vào trạng thái thối động.

Quân giải phóng tiến vào Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa tháng 4 năm 1975. Ảnh tư liệu
Quân giải phóng tiến vào Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa tháng 4 năm 1975. Ảnh tư liệu

Tại Xuân Lộc, cửa ngõ phía Đông Bắc Sài Gòn, quân lực Việt Nam Cộng hòa thiết lập tuyến phòng thủ thép với hy vọng án ngữ, đẩy lùi những cánh quân của cách mạng đang tiến về Sài Gòn. “Tử thủ Long Khánh” như một mệnh lệnh đầy tuyệt vọng của chế độ Sài Gòn trong khi quân giải phóng thực hiện mật lệnh của Tổng tư lệnh quân đội - đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.

Đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc

TX.Long Khánh của tỉnh Long Khánh được chính quyền Sài Gòn bố trí một lực lượng quân sự khá dày đặc bởi vị trí quan trọng về hướng Đông Bắc đối với thủ phủ Sài Gòn. Tướng Uây - Oen (Tham mưu trưởng Lục quân Hoa Kỳ) đến Sài Gòn và nhận định “Phải giữ cho được Xuân Lộc. Mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn”. Tuyến “Phòng thủ thép Xuân Lộc” được tập trung lực lượng mạnh với vũ khí hiện đại; trong đó có Sư đoàn Bộ binh 18 với các chiến đoàn 43, 52, 48, Thiết đoàn 22 kỵ binh, tiểu đoàn biệt động, 9 tiểu đoàn bảo an được chi viện hỏa lực pháo binh, máy bay... cùng với các lực lượng xung yếu bao quanh từ các chi khu, yếu khu quân sự trong vùng.

Sau 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, Quân đoàn 4 và lực lượng vũ trang Quân khu 7, bộ đội địa phương đã tiêu diệt, bắt sống gần 5 ngàn binh lính địch, thu gần 1.500 vũ khí, phá hủy nhiều xe tăng, trang thiết bị, khí tài quân sự… của quân lực Việt Nam Cộng hòa.

Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Quân ủy và Bộ Tư lệnh Miền mở chiến dịch Xuân Lộc, tấn công vào “chiếc ốc xoáy” và tạo vòng cung bao vây, cô lập thủ phủ Sài Gòn.

Ngày 9-4, chiến dịch Xuân Lộc bắt đầu. Từ hướng Túc Trưng, Bảo Vinh những khẩu pháo bắn cấp tập vào các mục tiêu trong TX.Long Khánh, hỗ trợ cho xe tăng, bộ binh từ các hướng tấn công. Quân địch bất ngờ. Cuộc tấn công dũng mãnh từ nhiều hướng đã chọc thủng tuyến phòng ngự của địch, nhanh chóng phát triển vào trung tâm. Lúc 7 giờ 40 ngày 10-4, cờ giải phóng được cắm trên nóc Dinh tỉnh trưởng Long Khánh, lực lượng cách mạng làm chủ các căn cứ, vị trí: Ty cảnh sát, Khu cố vấn Mỹ,  khu tình báo CIA, khu biệt động quân, hậu cứ Sư đoàn 18… Thế nhưng, quân đội Sài Gòn điều chỉnh, tăng cường lực lượng và phản công với sự yểm trợ của nhiều đơn vị các địa điểm quanh Long Khánh. Binh lính địch cố thủ và giải tỏa trung tâm TX.Long Khánh bằng máy bay ném bom, phi pháo oanh tạc ác liệt vào mục tiêu cách mạng đã đánh chiếm và phía sau đội hình tiến công.

Tình hình chiến sự căng thẳng kéo dài. Phương án tác chiến chiến lược của cách mạng thay đổi với việc rút lực lượng chủ lực ra khỏi trung tâm thị xã, sử dụng lực lượng dự bị tấn công quân lính địch ở các hướng chi viện và cô lập Long Khánh. Đêm 20-4, binh lính Sài Gòn rút chạy khỏi Long Khánh theo hướng Bà Rịa, Long Thành và Trảng Bom trong tinh thần hoảng loạn. Sáng 21-4, quân cách mạng tiếp quản TX.Long Khánh.

Cánh cửa thép Xuân Lộc của chính quyền Sài Gòn bị đập tan. Những cánh quân giải phóng chuẩn bị hành quân tiến về Sài Gòn. Chính quyền Việt Nam Cộng hòa hỗn loạn trong cơn hấp hối. Thời khắc của lịch sử được mở ra sau những ngày chiến thắng của chiến dịch Xuân Lộc.

Thế trận nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ

Tại Đồng Nai, Tân Phú và Định Quán (tỉnh Tân Phú) là khu vực được giải phóng sớm trong chiến dịch mùa khô năm 1975. Đến ngày 16-4, toàn bộ chi khu, yếu khu (Định Quán, Gia Kiệm, Túc Trưng…) và hệ thống đồn bót, chốt quân sự của địch bị quét sạch. Nhân dân địa phương đã vùng lên làm chủ, xóa bộ máy tề ấp, tề xã. Nhiều ấp, xã Phú Lâm, Phú Lộc, Phú Định, Phú Thanh, Phú Điền, Phú Quảng… được giải phóng, thành lập tiểu đội vũ trang.

Quân giải phóng bắt chỉ huy Tiểu khu Long Khánh trong chiến dịch Xuân Lộc
Quân giải phóng bắt chỉ huy Tiểu khu Long Khánh trong chiến dịch Xuân Lộc

Ở Vĩnh Cửu, nơi có phong trào cách mạng gắn liền với căn cứ Chiến khu Đ, huyện ủy chỉ đạo chi bộ, đảng viên, cơ sở nòng cốt nhanh chóng phát triển lực lượng, đón thời cơ chuẩn bị kết hợp ba mũi tấn công, nổi dậy giải phóng toàn xã, ấp. Nhân dân, du kích dùng lực lượng tại chỗ bao vây đồn bót địch, khiến lực lượng tề ấp, xã dọc theo lộ 24, từ Đại An xuống Tân Định, Thiện Tân, Bình Thạnh, Tân Phú, Bình Ý… hoảng sợ. Các xã Bình Hòa, Bình Phước, Tân Triều, Bình Long… giành quyền làm chủ, truy bắt lính địch.

Địa bàn Đồng Nai, vào những tháng 4-1975, nhân dân đã thực hiện chủ trương của Khu ủy miền Đông: Quần chúng khởi nghĩa với tinh thần ấp giải phóng ấp, xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện… giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân.

Trước khi chiến dịch Xuân Lộc mở màn, dưới sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, nhân dân Long Khánh đã bức rút nhiều đồn bốt của địch. Những ấp vùng ven của TX.Long Khánh gồm Bình Lộc, Bảo Vinh A, Bảo Vinh B, Suối Chồn do cách mạng làm chủ tình hình. Đến đầu tháng 4-1975, Xuân Lộc đã giải phóng hầu hết các xã dọc lộ 1 và lộ 3, giải phóng trên 100 ngàn ngàn dân, mở một hành lang rộng phía Bắc TX.Long Khánh tạo điều kiện thuận lợi để cho cách mạng cơ động bố trí và triển khai lực lượng tiến công.

Vùng Long Thành, huyện ủy chỉ đạo phải giữ được Bình Sơn, Tam An, Phước Thái; đồng thời tấn công đồng loạt bảo đảm mỗi xã phải có từ 1-2 ấp được giải phóng. Xã Phước Nguyên được giải phóng đầu tiên của Long Thành và sau đó các xã khác nhanh chóng nối bước như An Lợi, Tam An, Long Đức, Long Phước, Phước Thái, Phước Long, Bình Sơn… Ấp Thái Lạc là địa bàn được giải phóng sau cùng của Long Thành. Vừa nổi dậy làm chủ, nhân dân Long Thành vừa thực hiện các nhiệm vụ quan trọng dự trữ lương thực, thực phẩm, phục vụ cho các đơn vị bộ đội.

Tình hình chiến sự trên địa bàn Nhơn Trạch căng thẳng khi địch vẫn ngoan cố chốt chặn, chống trả ở chi khu, quận lỵ và kho vũ khí Thành Tuy Hạ… Huyện ủy Nhơn Trạch đề ra phương hướng: Kết hợp chặt chẽ ba mũi vũ trang, chính trị, binh vận tại cơ sở với lực lượng của huyện, tỉnh liên tục tấn công địch giành quyền làm chủ tại ấp, xã. Quân dân cách mạng tổ chức những trận đánh địch dọc các trục lộ quan trọng từ Phú Hội, Phú Mỹ, Phước Thiền đến các xã Phước Kiểng, Phước Lai, Phước Long, Phước Thọ. Người dân Nhơn Trạch vừa chuẩn bị lương thực, sắm sẵn số lượng lớn xuồng ghe để chuyển quân vượt sông Đồng Nai. Đến ngày 28-4, hầu hết các các xã của Nhơn Trạch được giải phóng, riêng xã Vĩnh Thanh đến ngày 1-5, cách mạng mới làm chủ hoàn toàn.

Ngày 16-4, Tỉnh ủy Biên Hòa ra nghị quyết Tổng công kích và nổi dậy giải phóng: Khẩn trương triển khai mọi mặt trong thời gian ngắn nhất, đảm bảo khi có lệnh, kết hợp chặt chẽ với mũi công kích bằng lực lượng lớn, phát động quần chúng khởi nghĩa và công kích của địa phương, giải phóng toàn bộ chính quyền địch từ xã, ấp, quận, tỉnh về tay nhân dân. Trước sức tấn công của lực lượng cách mạng, quân địch trên địa bàn Biên Hòa rút chạy. Ủy ban khởi nghĩa ở các xã phát động quần chúng nổi dậy, du kích tấn công tề ấp và lính dân vệ, bảo an. Hàng loạt các xã Phước Tân, Long Bình Tân, An Hòa, Long Hưng giải phóng. Ban Công vận phát động công nhân ở Khu Kỹ nghệ Biên Hòa nổi dậy làm chủ và treo cờ cách mạng trên các khu trung tâm, nhà máy, xưởng làm. Xã Bình Trước thuộc nội đô Biên Hòa được giải phóng khi Ủy ban Khởi nghĩa tiếp quản. Ngày 30-4, nữ đảng viên mật Trương Thị Sáu được cơ sở nội tuyến đưa vào Tòa hành chính tỉnh hạ cờ của Việt Nam Cộng hòa, treo cờ Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam.*

Tháng 4-1975 ghi mãi dấu ấn tinh thần kiên cường của quần chúng cách mạng ở Đồng Nai. Kết hợp với đấu tranh vũ trang, nhân dân đã đấu tranh chính trị, bình vận và chớp lấy thời cơ, vùng lên làm chủ, giải phóng xã, ấp. 21 năm kháng chiến với biết bao gian khổ, hy sinh, nhân dân Đồng Nai vui mừng trong ngày đất nước được thống nhất, cùng bắt tay vào xây dựng xã hội mới.

Đinh Huyền Phan

Tin xem nhiều