Tròn 1 năm, ngày trung tướng Lê Nam Phong rời cõi tạm về với thế giới người hiền. Lòng tôi vẫn khôn nguôi nỗi nhớ vị Tư lệnh Sư đoàn 7, người chỉ huy mũi tiến công chủ yếu trên hướng Đông năm ấy, góp phần đập tan "cánh cửa thép" Xuân Lộc cho quân ta ào ạt tiến lên đánh chiếm dinh lũy cuối cùng.
Tròn 1 năm, ngày trung tướng Lê Nam Phong rời cõi tạm về với thế giới người hiền. Lòng tôi vẫn khôn nguôi nỗi nhớ vị Tư lệnh Sư đoàn 7, người chỉ huy mũi tiến công chủ yếu trên hướng Đông năm ấy, góp phần đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc cho quân ta ào ạt tiến lên đánh chiếm dinh lũy cuối cùng.
Trung tướng Lê Nam Phong (bìa trái) nhận quân kỳ quyết thắng trước Chiến dịch Xuân Lộc. Ảnh tư liệu |
Lần trò chuyện cuối cùng
Sau Tết Nguyên Đán 2022, hay tin bệnh tình trung tướng Lê Nam Phong trở nặng, chúng tôi ghé thăm ông. Biết rằng chỉ hy vọng, chứ lần này, khi tuổi đời đã cao, sức khỏe yếu dần, lại bị Covid-19 hoành hành, rất khó đoán biết ông còn sống được thêm bao lâu nữa.
Nhìn vị tướng già mái tóc bạc phơ trên giường bệnh thiêm thiếp mà thương, thương ông trọn đời chinh chiến trận mạc. Người lính năm xưa ra đi từ mái quê nghèo Quỳnh Lưu (Nghệ An) khi đất nước gặp họa xâm lăng, dân ta còn chịu cảnh lầm than. Chàng thanh niên 17 tuổi ấy đã kiên cường chiến đấu, chỉ huy chiến đấu, đi từ “Đồi Độc Lập đến Dinh Độc Lập”, kinh qua mấy cuộc chiến tranh đánh đuổi đế quốc xâm lăng, góp phần đáng kể cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc.
Ông mệt nhiều nhưng vẫn tỉnh táo, nhận biết xung quanh, nhất là đồng đội và cấp dưới thân thiết. Xưa, tính ông vốn nóng như lửa, nhưng luôn hài hước với giọng xứ Nghệ thân quen. Nay, bệnh tình mệt nhọc thế mà khi tỉnh lại, vẫn hài hước gây cười. Dường như, đó là cách để ông chống lại bệnh tật, tuổi già? Tôi hỏi: “Sao bố ở viện lâu thế?”. Ông hóm hỉnh mệt nhọc: “Bà nhà tau hay hờn. Mỗi lần bà hờn tau vô đây vài ngày. Hết hờn hết giận lại về. Có chi mô. Cả đời trận mạc, xa nhau. Giờ hòa bình đời nào tau muốn rời bà ấy!?”. Thực tình thì ông được chế độ chăm sóc đặc biệt. Vài năm lại đây, khi tuổi cao, sức yếu dần, ông ở Bệnh viện Quân y 175 nhiều hơn ở nhà.
Thấy ông tỉnh táo, tôi gợi chuyện cuộc tổng tiến công, tổng công kích mùa Xuân năm 1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Khi ấy, ông trên cương vị Tư lệnh Sư đoàn 7, được giao nhiệm vụ chỉ huy mũi tiến công chủ yếu hướng Đông trong thế trận Xuân Lộc, phòng tuyến cuối cùng địch gọi là “cánh cửa thép”.
Thấy ông hơi chùng lại, tôi lo lắng. Thế nhưng ông hào hứng ngay sau đó, kể về trận đánh ác liệt trong thời khắc quyết định, xốc tới dinh lũy cuối cùng của địch, giải phóng miền Nam.
Trận đánh quyết định
“Lịch sử đã ghi lại rồi. Nhiều bài báo phân tích, làm rõ vai trò, nhiệm vụ của Sư đoàn 7 trong đội hình Quân đoàn trên hướng tiến công chủ yếu vào Xuân Lộc. Tau chỉ nhắc lại! Nhớ chi nhắc nấy! Có chỗ, nhắc lại rõ hơn thôi” - ông nói.
Ngày đó, Sư đoàn 7 trong thế thắng đang đà tiến công Đà Lạt thì nhận lệnh trên gấp rút quay về xuôi. “Tây nguyên khi ấy giải phóng rồi, còn địch mô nữa!” - ông cười. Ngày 3-4, ông có mặt tại Sở Chỉ huy Quân đoàn 4 (đóng ở phía đông cầu La Ngà) nhận nhiệm vụ. Tại đây, có cuộc họp của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân đoàn bàn cách đánh Xuân Lộc.
Điều mà vị tướng gửi gắm là Xuân Lộc, Long Khánh đang đổi thay, Đồng Nai và cả nước đang phát triển mạnh. Các thế hệ trẻ hiểu đúng lịch sử cha ông mà giữ gìn đất nước. Ông cũng mong mặt trận văn hóa, văn học nghệ thuật tái hiện sinh động lịch sử, là con đường ngắn để đi vào tâm thức mỗi một người dân. |
“Cần hiểu Xuân Lộc là mắt xích phòng ngự quan trọng nhất trong toàn bộ phòng tuyến vòng ngoài cuối cùng nội đô Sài Gòn. Dù chúng không biết ý định ta đánh, nhưng Tổng thống Thiệu đã sử dụng những viên tướng chỉ huy giỏi nhất, đổ vào đây khoảng 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, thiết giáp cùng lực lượng dự bị. Chúng đoán mò quân ta ở phía Bắc đang trên đà tiến vào chứ không nghĩ quân chủ lực Miền đủ sức tiến đánh và đánh tứ phía trong khi ta có 3 sư đoàn chủ lực và các đơn vị chiến đấu khác đã sẵn sàng” - trung tướng Lê Nam Phong cho biết.
Trong cuộc họp bàn hôm ấy có hai luồng ý kiến, nhưng nghiêng về khả năng chắc thắng nên không thể chần chừ. Nhận rõ thời cơ đến, ta quyết định mở chiến dịch theo phương án 1, tập trung binh, hỏa lực mạnh đột phá Xuân Lộc. Đập được Xuân Lộc “dập đầu” thì toàn bộ Quân khu 3, Quân đoàn 3 địch rã đám. Ngày 4-4, Sư đoàn 7 đã có mặt tại vị trí tập kết, chuẩn bị mọi mặt tiến công hướng chủ yếu, đánh thọc sâu, chiếm giữ Sở Chỉ huy Sư đoàn 18. Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn vì thời gian tương đối gấp. Anh em trong Đảng ủy, Thường vụ Sư đoàn phân tích kỹ thuận lợi, khó khăn, xây dựng quyết tâm, làm tốt mọi công tác chuẩn bị, đúng giờ nổ súng.
Theo hiệp đồng, đúng 5 giờ 40 sáng 9-4, các hướng mũi ta nổ súng tiến công. Từ ngày 9 đến 11-4, hướng chủ yếu Sư đoàn 7 tiến công liên tục. Ta chiếm được một số mục tiêu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giữ những bàn đạp quan trọng, nhưng không lường hết quân số chúng đông, liên tục tăng viện, hỏa lực mạnh, công sự hầm hào boongke kiên cố. “Sau 3 ngày tiến công đột phá nhưng ta chưa xóa sổ lực lượng địch, chưa đánh giá đúng sức kháng cự của chúng, gây ra thương vong lớn” - ông kể. Ta nhanh chóng tổ chức hội nghị, rút kinh nghiệm và tìm cách đánh khác. Đó là “tổ chức lực lượng đánh cắt rời Xuân Lộc với Biên Hòa tại điểm Dầu Giây, đánh chặn và ghìm chân địch ở Túc Trưng, cắt đường số 1 và lộ 20, cắt đứt Xuân Lộc với Bàu Cá, không cho địch co cụm, tiếp tế chi viện, không cho địch rút về đường số 2 đi hướng Bà Rịa…”.
Sau củng cố đội hình, chuyển hóa thế trận, sáng 15-4, ta tiến công mãnh liệt, địch rối loạn đội hình. Ta lần lượt tiêu diệt, làm chủ từng mục tiêu. Địch hoang mang, hết khả năng kháng cự. Tướng Toàn và Đảo ra mật lệnh rút khỏi Xuân Lộc. Lời huênh hoang trước quan thầy “Tôi sẽ giữ Long Khánh. Tôi sẽ đánh tan họ dù thậm chí họ có 2 hoặc 3 sư đoàn” theo chúng tan tác.
“Đáng lên án nhất ngay khi rút chạy, chúng thả hai quả CBU-55 xuống Dầu Giây và Long Khánh (loại bom công ước quốc tế cấm). Đốt cháy hết oxy trên diện rộng không còn sự sống. Do chúng dùng máy bay vận tải C-130 từ Thái Lan qua thả từ độ cao hơn 6 ngàn mét, nên ta không phát hiện được mà tránh. Đội hình ta hy sinh khá nhiều, rất đau xót…” - ông chùng xuống, rưng rưng.
Cắm cờ thấp vẫn là cờ chiến thắng
Cuộc đời của cụ có nhiều giai thoại và tên gọi. Khi hỏi trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhớ nhất điều gì!? “Nhiều lắm. Nhớ anh em đồng đội. Nhiều anh em kêu tau đi rồi mà bà chưa cho. Nhớ nhất là cắm cờ giải phóng thấp dưới nhưng vẫn vui sướng!” - ông cười nói.
Liên tục hơn 11 ngày đêm chiến đấu, Quân đoàn 4 phối hợp các lực lượng Đồng Nai, Long Khánh, Bà Rịa… đánh thiệt hại nặng Sư đoàn 18, diệt Chiến đoàn 52, Chiến đoàn 5 và Lữ đoàn 3 thiết giáp. Từ đây, cửa ngõ hướng Đông Sài Gòn mở toang, năm cánh quân ta xiết chặt vòng vây, “Thần tốc, Táo bạo, Quyết thắng”, xốc tới dinh lũy cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam. |
Ta giải phóng Xuân Lộc, Long Khánh rồi thì tiến vào Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa. Nói vậy nhưng không dễ dứt điểm, mà phải quyết liệt lắm, đột phá liên tục mới giải quyết được. Từ yếu khu Trảng Bom qua Hố Nai đến Biên Hòa rất ngắn nhưng phải đi suốt 5 ngày đêm. Quân ta tuy tổn thất đáng kể trận Xuân Lộc nhưng lúc ấy “Một ngày bằng 20 năm” khí thế bừng bừng xốc tới, không gì cản được. Ngày 29-4, Sư đoàn 7 nhận nhiệm vụ mới. Trước lúc xuất quân, Tư lệnh Quân đoàn 4 Hoàng Cầm trao cờ “Quyết chiến, Quyết thắng”. Chỉ thị Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong cắm cờ lên nóc Dinh Độc Lập. “Tau dõng dạc: Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7, tôi xin hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Chỉ tiếc là khi “Chạm đất Biên Hòa, địch còn nhiều ổ đề kháng ẩn nấp trong thành phố, nhà cao tầng chống trả quyết liệt”. Nhanh chóng vượt qua các chướng ngại, vượt cầu Ghềnh thẳng tiến Sài Gòn. Không nhầm đường nhưng cầu nhỏ và yếu quá, tăng, thiết giáp không thể qua được. Ông hạ lệnh chuyển hướng tiến quân, tắt ra xa lộ Biên Hòa. Sáng 30-4, dòng người đổ về chen kín xa lộ khiến bộ đội, xe pháo cơ động rất chậm. Lập tức, ông nhảy khỏi xe thiết giáp, trao đổi nhanh với Chính ủy Nguyễn Văn Thái, gọi ngay chiến sĩ dùng xe gắn máy chở ông lách qua dòng người chạy thẳng vào Dinh Độc Lập. “Đến cầu Thị Nghè, gặp trợ lý tác chiến Sư đoàn, tau hỏi ngay: “Đại đội 7 có cắm cờ được không”? Lắc đầu: Quân đoàn 2 cắm rồi. Xe tăng của Đại đội 7 vào trễ 30 phút”. Một phút tiếc nuối hiện lên. Gặp Quân đoàn 2 trước cổng Dinh Độc Lập, ngước thấy cờ giải phóng tung bay, ông nói: “Quân đoàn 2 cắm cờ trên cao thì ta cắm cờ thấp. Đều là “Quyết chiến, quyết thắng” cả. Bởi vì tất cả chúng ta đều là người chiến thắng!”.
Hơn tháng sau cuộc trò chuyện đó, “Ngọn gió phương Nam” mãi trở về trời ở tuổi 95, để lại tiếc thương cho gia đình, đồng đội và nhân dân trước dịp kỷ niệm ngày non sông thống nhất...
Nguyễn Minh Đức