Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Nhiều người không ngần ngại dốc hầu bao cho làm đẹp. Tuy nhiên, việc làm đẹp, nhất là khi thực hiện các kỹ thuật có xâm lấn trên cơ thể, cần hết sức thận trọng.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người, đặc biệt là chị em phụ nữ. Nhiều người không ngần ngại dốc hầu bao cho làm đẹp. Tuy nhiên, việc làm đẹp, nhất là khi thực hiện các kỹ thuật có xâm lấn trên cơ thể, cần hết sức thận trọng.
Nhân viên chăm sóc da cho khách hàng tại một cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TP.Biên Hòa |
Một trường hợp tử vong sau 5 ngày hút mỡ bụng
Mới đây, trên địa bàn tỉnh ghi nhận một trường hợp tử vong sau 5 ngày thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ tại một bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ ở TP.HCM.
Trên địa bàn Đồng Nai hiện có 2 cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập được phép hoạt động chuyên môn về thẩm mỹ là Bệnh viện Âu Cơ và Bệnh viện Răng hàm mặt Việt Anh Đức theo quyết định của Bộ Y tế về phê duyệt bổ sung giường bệnh, khoa phòng, danh mục kỹ thuật. |
Báo cáo của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho biết, trường hợp tử vong là bà L.S.B. (45 tuổi, ngụ xã Sông Thao, H.Trảng Bom). Người nhà bà B. cho biết, bà B. có tiền căn nâng ngực cách đây 3 năm. Trước khi nhập viện 5 ngày, bà B. đã đi hút mỡ bụng, cằm, đùi tại một bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ ở TP.HCM. Đến trưa 7-4, bệnh nhân đột ngột khó thở, đau ngực, được đưa đến Trung tâm Y tế H.Trảng Bom cấp cứu trong tình trạng ngưng hô hấp tuần hoàn, được hồi sinh phổi và chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất.
Qua thăm khám, bác sĩ ghi nhận bà B. có bầm tím xuất huyết dưới da hai bên mạn sườn, có vết mổ ngang hạ vị, 1 vết mổ dưới cằm, vết mổ hai bên đùi, vết mổ hai bên bẹn. Bệnh nhân được cấp cứu theo phác đồ hồi sinh tim phổi hơn 30 phút nhưng không có kết quả.
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chẩn đoán bệnh nhân tử vong ngoại viện chưa rõ nguyên nhân, nghi do thuyên tắc phổi, nhồi máu cơ tim cấp, tăng men gan/tăng kali máu/tiền căn phẫu thuật thẩm mỹ hút mỡ bụng, cằm, đùi.
Vụ việc trên đã được báo cáo Bộ Y tế. Các cơ quan chức năng của Đồng Nai và TP.HCM đang phối hợp làm rõ những vấn đề liên quan.
Nhận biết các cơ sở làm đẹp
Theo quy định của pháp luật, ngoại trừ các bệnh viện thẩm mỹ, có thể chia các cơ sở cung ứng dịch vụ làm đẹp thành 3 nhóm khác nhau.
Nhóm 1 là các cơ sở dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, bao gồm: các cơ sở cắt tóc, gội đầu, làm móng. Những cơ sở này được phép hoạt động, không cần Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động, chỉ cần giấy phép kinh doanh do Phòng Tài chính - kế hoạch TP.Biên Hòa cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở KH-ĐT cấp (đăng ký kinh doanh công ty).
BS CKII LÊ QUANG ÁNH, Trưởng phòng Nghiệp vụ (Sở Y tế) khuyến cáo: “Khi đi làm đẹp, người dân cần tìm hiểu thông tin thật kỹ về cơ sở sẽ làm đẹp cho mình, chọn các cơ sở lớn có uy tín, có chuyên môn và được cấp phép hoặc đã có thông báo đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Với những thông tin quảng cáo trên mạng xã hội cũng như các kênh thông tin khác, người dân chỉ nên xem đó là thông tin mang tính chất tham khảo, cần phải tìm hiểu thực tế để lựa chọn những cơ sở đã được cấp phép hoạt động, tránh tiền mất tật mang”. |
Nhóm 2 là các cơ sở chăm sóc da (spa), dịch vụ thẩm mỹ thực hiện phun, xăm, thêu trên da. Những cơ sở này không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động, chỉ cần có giấy phép kinh doanh do Phòng Tài chính - kế hoạch TP.Biên Hòa cấp (đăng ký kinh doanh hộ gia đình) hoặc do Sở KH-ĐT cấp (đăng ký kinh doanh công ty).
Tuy nhiên, theo Nghị định 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018 của Chỉnh phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Căn cứ Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12-11-2018, để hoạt động hợp pháp, điều kiện bắt buộc là người thực hiện kỹ thuật phun, xăm, thêu phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp.
Nhóm 3 là những cơ sở khám chữa bệnh cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người. Những cơ sở này, ngoài giấy phép kinh doanh do Phòng Tài chính - kế hoạch TP.Biên Hòa cấp hoặc do Sở KH-ĐT cấp, khi hoạt động, bắt buộc phải được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động và phê duyệt danh mục kỹ thuật theo quy định của pháp luật. Các cơ sở này có thể là bệnh viện chuyên khoa thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hay phòng khám đa khoa có chuyên khoa thẩm mỹ.
Hầu hết các cơ sở cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại các cơ sở theo loại hình này đều có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý tất cả kỹ thuật can thiệp phải được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế thẩm định và phê duyệt danh mục kỹ thuật. Các kỹ thuật sử dụng ngoài danh mục cho phép đều trái quy định pháp luật.
An Yên